Cá ngân long người trung quốc gọi nó là gì năm 2024

Nếu trước đây, một bể nhỏ quanh quẩn chỉ mấy cây giả bằng nhựa, vài chú cá vàng, cá kiếm...thì giờ đây trong thời hội nhập, bể cá cảnh trong một số gia đình đã trở thành thước đo sự vương giả, sành điệu, lịch lãm của gia chủ với kích thước lớn hơn, các loài cá đa dạng đẹp hơn, đắt đỏ hơn vì được nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới.

Cá rồng là một trong những loài cá cảnh được nhiều người ưa chuộng nhất hiện nay. Cá rồng có tên gọi là Arowana xuất phát từ hai tên gọi của chúng ở Indonesia là "Arwana" hay "Nirwana" có nghĩa là lý tưởng, hoàn hảo. Đây là một loài cá thuộc họ cá xương nước ngọt với tên khoa học Osteoglossidae.

Đặc điểm chung của cá rồng là có kích thước lớn, có hai râu nhọn chĩa ra ở hàm dưới, vảy lớn và có mầu sắc óng ánh, vây bơi dài, dáng bơi khoan thai, oai vệ như loài rồng trong truyền thuyết Á Châu.

Song điều làm nên sự huyền bí, sang trọng của cá rồng là bởi, nó được cho là loại cá nuôi với mục đích cá phong thủy (feng shui fish) trong mỗi gia đình. Trong tự nhiên, cá rồng phân bố ở vùng nhiệt đới của một số châu lục. Thức ăn của nó rất đa dạng. Mọi loại tôm, cá, ếch nhái... nhỏ đều là món ăn ưa thích của chúng. Thậm chí, các chú chim nhỏ đậu ở những nhánh cây thấp ven sông hồ cũng có thể “đi đời” trong chớp mắt vì chúng có thể phóng lên khỏi mặt nước khoảng hơn 1 m đớp mồi.

Một số nhánh của sông Amazon thuộc châu Mỹ là nơi sinh sống loài cá Ngân long và Hắc long (Osteoglossum bicirrhosum và Osteoglossum ferreirai). Đặc điểm của chúng là có kích cỡ khá lớn, một số cá thể trưởng thành có chiều dài khoảng 1,2m và trọng lượng xấp xỉ 10kg.

Một số dòng sông của châu Úc có loài Kim long hạt cườm (Scleropages leichardti), nhỏ con hơn, chiều dài trung bình khoảng 60 cm. Kim long hạt cườm khi trưởng thành, trên người chúng điểm xuyết nhiều chấm đỏ hoặc vàng trông rất lạ mắt.

Nhưng, về thẩm mỹ và giá trị kinh tế, phải kể đến cá rồng châu Á, phân bố ở một số nước gần đường xích đạo, trong đó có Việt Nam. Nhưng đáng tiếc, do bị khai thác quá mức nên cá rồng Việt Nam gần như tuyệt chủng, một số cá thể hiếm hoi vừa được phát hiện ở rừng quốc gia Cát Tiên nhưng số lượng chưa thể thống kê (theo Sách Đỏ Việt Nam, trang 253).

Ở Việt Nam, các cá thể cá rồng có mầu xám trắng, vảy có ánh xanh lá mạ có tên là cá Mơn hoặc Thanh long (rồng xanh) và tên khoa học là Scleropages formosus.

Trong giới chơi cá cảnh, loại cá rồng được ưa chuộng nhất và đắt nhất là Kim long (Scleropages aureus) và Hồng long (Scleropages legendrei), hai loài động vật đặc hữu của quốc đảo Indonesia và Malaysia, hiện đều được ghi trong Sách Đỏ quốc tế cần được bảo vệ trong tự nhiên.

Nhận thức được sự quý hiếm và giá trị hai loại cá này, nhiều người dân ở Indonesia và Malaysia đã lập nên khá nhiều trang trại gây giống và nuỗi dưỡng chúng. Song không phải cứ nuôi, cứ cho đẻ, cứ có cá con là được bán vô tội vạ. Mọi hình thức mua bán xuất khẩu phải thực hiện đúng theo công ước Site. Mỗi con cá khi xuất nhập khẩu đều đi kèm một tờ chứng nhận xuất xứ và có một mã số riêng ứng với mã số của một thiết bị được đưa vào thân cá có thể kiểm tra được bằng máy chuyên dụng. “Túm lại” là cá rồng cũng có lý lịch, thẻ căn cước như người mỗi khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Cách đây khoảng 20 năm, tôi lần đầu tiên được tận mắt thấy một chú rồng vàng Kim long trưởng thành. “Nhà trọ” của nó là một hiệu cá cảnh, gần phố Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Tôi thật sự choáng bởi vẻ đẹp của nó. Vì ở cửa hàng, nên con cá dài hơn 60 cm như bị bó lại trong một bể kính có chiều dài vỏn vẹn 1m. Cảnh cá chậu chim lồng, tù túng, ngột ngạt, lạ lùng sao vẫn không làm nó mất đi sự oai phong và nét oai vệ vẫn toát ra qua từng đường bơi, từng cú bắt mồi.

Thực sự, nhiều người mới nhìn thấy cá rồng Châu Á khi nhỏ thì không hề có ấn tượng, nhưng gặp một chú cá trưởng thành thì khác hẳn. Cơ thể cá rồng có dạng hình thoi dài và có dáng bơi hùng dũng, uyển chuyển. Nổi bật nhất là bộ vảy bóng làm nổi bật từng góc cạnh của con cá. Nếu tính số lượng, vảy cá rồng rất ít và mỗi vảy lớn hơn rất nhiều so với nhiều loài cá khác. Tính từ trên lưng xuống, cá rồng Châu Á có sáu hàng vảy lớn, tính từ mang đến đuôi có khoảng 21 chiếc vảy lớn xếp nhau theo kiểu mái ngói. Mỗi chiếc vảy đều có ánh màu tương phản rõ rệt, toàn thân con cá trông oai phong tựa như thân con rồng trong truyền thuyết Á Đông.

Bất kỳ ai chơi cá rồng mỗi ngày đều dành ít nhất khoảng một giờ đồng hồ chiêm ngưỡng và chăm sóc cho chú cá cưng. Không ít kẻ còn bị vợ con kèo nhèo vì quá yêu cá mà quên bổn phận chính. Ở Gia Lâm, Hà Nội tôi nghe đã từng có một bác gái, trên 60 tuổi, còn trải giường bạt cạnh bể cá cả đêm để chiêm ngưỡng dáng bơi của một chú Hồng long yêu quý! Đã đời chưa? Phần lớn cá rồng khỏe mạnh thì có thể nhận biết chủ nhân qua chiều cao, động tác và tiếng động quen thuộc do chủ nhân tạo ra khi cho ăn. Cũng có nhiều huyền thoại huyền hoặc do nhiều người thần thánh hóa loại cá này như chủ nhân có ốm thì cá cũng ốm, thậm chí theo mê tín thì cá rồng có thể gánh hạn thay chủ chủ nuôi nhưng đó cũng chỉ là những câu chuyện.

Cá rồng nuôi trong bể kính cũng khá gần gũi với người, ngoại trừ một số cá thể quá nhát hay hoảng sợ khi có vật thể lớn ở gần bể. Có những người có thể dùng hai tay nâng một chú cá rồng lên khỏi mặt nước nhưng thực ra là họ hiểu được tâm sinh lý của loài cá mà lựa thôi chứ không phải là điều gì cao siêu cả

Thời điểm 20 năm trước, cá rồng châu Mỹ như Ngân long hoặc Kim long hạt cườm châu Úc có rất nhiều và rẻ theo thời giá hồi đó. Một đôi Ngân long khoảng 250 nghìn đồng, Kim long hạt cườm thì khoảng 400 nghìn đồng/đôi.

Lần mò hỏi, lục lọi xem, tập tàng “chơi”, tôi cũng chỉ biết rằng, cái loại cá rồng châu Á đẹp như Hồng long hoặc Kim long có viền vảy sáng phú kín lưng (loại Xback) có giá khoảng 3.000 – 5.000 USD/con cá giống dài cỡ 20cm. Nói không điêu, giá đó chỉ dành cho các người chơi thực sự là “nhà có điều kiện” khi giá trị một con cá bằng một ngôi nhà cỡ nhỏ bấy giờ. 20 năm trước, lạy trời, bạn nào nhớ giá vàng không? Năm 1992, vang ta bao nhiêu một chỉ? Giá phở cũng được. Một con cá, ăn phở sáng bét nhè tối ngày! So ra, chả để làm gì, chỉ để vơi đi sự hết hồn vì giá cá!

Hồi đó, cá rồng đều được dân buôn nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Việt Nam. Vận chuyển theo đường bộ nên mức độ rủi ro cực kỳ cao. Chính vì tính rủi ro nên ít người mang cá rồng cao cấp về Việt Nam. Giá thực tế bị đội lên do sự thao túng thị trường của một số cửa hàng bán cá có uy tín là điều thực tế.

Nhưng bắt chấp chuyện tiền nong- “chuyện nhỏ như con thỏ”, bắt chấp sự hiểu biết lơ mơ về cá, bắt chấp cả những đòi hỏi khắc khe về nghề chơi cá, vẫn có những con nghiện sẵn sàng “chết vì cá”...