Cách tính thước lỗ ban

Thực tế sản xuất và thi công lắp đặt qua rất nhiều công trình nhà dân; chúng tôi nhận thấy rất nhiều chủ nhà yêu cầu đo đạc cửa gỗ phòng ngủ , cửa gỗ mặt tiền, mặt đá bếp, lối đi hành lang, đo trần nhà… của mình theo kích thước của thước Lỗ Ban . Điều đó cho thấy người dân vẫn rất tin tưởng vào cây thước cổ truyền này. Tuy không phải là những nhà phong thủy địa lí; nhưng do có tìm hiểu qua một vài thư tịch chúng tôi có thể hướng dẫn các bạn nhanh chóng sử dụng được cây thước này.

Việc đo đạc theo thước Lỗ Ban có được xem là một hành động mê tín hay không. Có người cho đó là mê tín vì một lý do hết sức đơn giản, trên cây thước toàn những chữ Hán ngoằn ngèo giống bùa chú. Theo quan niệm cá nhân chúng tôi, nó là một cây thước kinh nghiệm không thuộc bất kỳ một hệ thống đo đạc nào trên thế giới, nó đúc kết và được thử nghiệm cả ngàn đời nay chỉ để phân định hai chữ tốt xấu. Dĩ nhiên chỉ bằng một cây thước làm sao cải đổi được vận mạng, nhưng có lẽ qua chính sự sử dụng của các bạn mà nghiệm được rằng khi tai họa có đến cũng nhẹ đi một chút, lộc phúc có đến cũng may mắn hơn thêm.

1. Thước Lỗ Ban là gì

1.1 Nguồn gốc ra đời của thước lỗ ban

Lỗ Ban 魯班, truyền thuyết họ Công Thâu  公輸 tên gọi là Ban  般, người nước Lỗ đời Xuân Thu (hiện tại thuộc tỉnh Sơn Đông), cùng thời Mặc Tử – một triết gia nổi tiếng. Vì ông là người nước Lỗ 魯, chữ Ban 般 và Ban 班 là đồng âm, cho nên mọi người đều gọi ông là Lỗ Ban 魯班. Ông là một người thợ nổi tiếng thời cổ đại và cũng là một nhà phát minh xuất sắc. Từ ngàn năm nay, thợ mộc và thợ xây dựng Trung Quốc đều tôn thờ ông như một vị tổ sư.

Các nhà địa lí thường họ có cho riêng mình một cây thước Lỗ Ban (bằng gỗ) nhưng chúng ta chỉ sử dụng một lần cho ngôi nhà của mình nên không cần phải tự làm riêng chi cho tốn kém, chỉ cần đến các tiệm bách hóa dọc đường là có thể mua được một cây thước kéo có kèm thước Lỗ Ban. Xin khẳng định trước để các bạn yên tâm là thước Lỗ Ban này hoàn toàn chính xác, sử dụng được.

1.2 Thước lỗ ban có mấy loại

Trong xây nhà và sửa chữa nhà cửa hiện nay có 3 loại thước Lỗ Ban phổ biến. Đó là thước lỗ ban 52,2cm (thông thủy); thước lỗ ban 42,9cm (dương trạch) và thước lỗ ban 38,8cm (âm phần). Các nhà phong thủy ngày xưa thường sử dụng thước Lỗ Ban bằng gỗ, nhưng ngày nay để tiện lợi cho việc tra thước lỗ ban thì thước này được tích hợp sẵn vào các loại thước rút bao gồm thước lỗ ban rút dây 5m, 7m, 10m để tiện cho người sử dụng.

Hình ảnh 3 loại thước lỗ ban thông dụng hiện nay

2. Ý nghĩa các cung trên các loại thước lỗ ban

Mỗi loại thước lỗ ban được ứng dụng cho các trường hợp khác nhau một loại không gian khác nhau (tuyệt đối không được nhầm lẫn). Bởi vì mỗi loại thước sẽ quy định các cung khác nhau. Do bài viết quá dài, các bạn click vào phần mở rộng (dấu cộng +)  để đọc thêm 1 cách chuyên sâu hơn.

3. Cách xem thước lỗ ban chuẩn nhất

3.1 Các trường hợp dùng thước lỗ ban

  • Thước Lỗ Ban 52cm: dùng để đo khối rỗng, các khoảng thông thủy hay còn gọi là “lọt sáng”, “lọt lòng”, “lọt gió” trong nhà như: ô cửa sổ, ô thoáng, cửa chính, cửa sổ, giếng trời…
  • Thước Lỗ Ban 42,9cm: dùng để đo khối đặc, các chi tiết xây dựng cũng như đồ nội thất trong nhà như: kích thước phủ bì khối nhà, bệ, bếp, bậc, giường, tủ…
  • Thước Lỗ Ban 39cm: dùng để đo phần âm trạch như: mộ phần, mồ mả, bàn thờ, tiểu quách…

3.2 Nguyên tắc đo thước lỗ ban

Để  có cách xem thước lỗ ban chính xác nhất, các bạn nên tuân thủ theo nguyên tắc sau:

  • Đo cửa: đo kích thước thông thủy (thông khí) khung bao cửa, không đo cánh cửa.
  • Đo chiều cao nhà: đo từ mặt cốt sàn dưới lên mặt cốt sàn trên (bao gồm cả lớp lát sàn).
  • Đo vật dụng (bàn ghế, giường tủ…): đo kích thước phủ bì dài, rộng, cao hoặc đường kính.

Cách thức đo là các bạn kéo thước từ mép cửa này sang mép kia; nếu rơi vào cung đỏ là ta được kích thước tốt, rơi vào cung đen là kích thước xấu. Áp dụng cho đo cả chiều rộng lẫn chiều cao của sản phẩm cần đo. Nhưng có một điều các bạn đặc biệt lưu ý, do thước Lỗ Ban của chúng ta sử dụng có thêm phần thước kết hợp, tức là phần thước hàng chữ nhỏ. Chính vì thế có khi  ta đa đã lọt vào cung tốt ở hàng trên, hàng dưới lại là cung xấu và ngược lại. Đó chính là luật bù trừ trong vũ trụ, ta được ở mặt này lại mất ở mặt khác; không thể có cái gọi là hoàn hảo trên đời này. Như vậy, để được một kích thước tốt, cần phải trên đỏ, dưới đỏ.

Một ví dụ nhỏ khi bạn đo cửa phòng; cửa phòng bạn có kích thước 85 cm, nghĩa là lọt vào cung Hưng Vượng  興旺, màu đỏ rất tốt. Nhưng đối chiếu hàng bên dưới lại lọt vào cung Tai Chí 災至, màu đen rất xấu. Để có kích thước cửa gỗ theo phong thủy mà khắc phục được điều trên; các bạn có thể nới rộng cửa ra từ 86 đến 89 cm chẳng hạn. Cách sửa chữa khi cửa lọt vào cung xấu là các bạn có thể bào bớt cửa; đóng thêm nẹp, hoặc cùng lắm là làm lại khuôn cửa và cánh cửa mới cho đúng kích thước.

Như vậy là chúng tôi đã trình bày cặn kẽ cây thước Lỗ Ban , cũng như cách xem thước Lỗ Ban chính xác nhất. Kinh nghiệm cổ truyền quí báu hòng giúp các bạn tự mình có thể đo đạc tìm ra một kích thước tốt nhất cho cửa nẻo ngôi nhà. Trong cuộc sống, họa phúc khôn lường, như câu chuyện Tái ông thất mã thì rõ ràng họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của họa. Dẫu biết vậy nhưng đã là con người ai không mong gặp chuyện phúc lành, may mắn tránh bớt điều tai ương, rủi ro. Sử dụng thước này cũng là vì lí do đó, các bạn nên nhớ rõ cho rằng một cây thước không thể quyết định được vấn đề họa phúc. Mà nó chỉ tạo cho mình một sự vững tâm khi ra ngoài tiếp xúc với xã hội. Chính sự vững tâm đó mới mang lại những cơ hội tốt lành cho bản thân. Cuối cùng chúng tôi mong rằng các bạn sử dụng và yêu mến cây thước Lỗ Ban như một kinh nghiệm của ngày xưa; các bạn đừng quá tôn thờ đặt hết niềm tin vào nó để rồi biến nó thành một trò mê tín dị đoan.