Chính sách kích cầu của Mỹ năm 2008

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan tỏa và phủ bóng đen lên hầu hết các nước trên phạm vi toàn cầu. Theo các chuyên gia kinh tế thì sự nghiêm trọng của nó là ở chỗ cho đến nay “cả Mỹ và châu Âu đều chưa trông thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. Để sớm thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng kinh tế lần này khách quan đòi hỏi các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của các nước trên thế giới phải đầu tư công sức và trí tuệ nhằm đưa ra những quyết sách và giải pháp có hiệu quả. Tác giả bài viết xin trình bày vấn đề Khủng hoảng kinh tế toàn cầu - Một năm nhìn lại với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Thực chất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là gì?

Cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới hiện nay khởi nguồn từ Mỹ hồi đầu năm 2008 và nó đã biến thành cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới vào tháng 8/2008, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ [FED] buộc phải thi hành biện pháp khẩn cấp nhằm cứu vãn các ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ do các khoản cho vay nợ thế chấp khó đòi. Sau khi Chính phủ Mỹ tung ra kế hoạch giải cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD cùng một loạt biện pháp mạnh thời gian qua, ngày 25/11/2008, FED tiếp tục công bố kế hoạch sẵn sàng bơm 800 tỷ USD cứu nguy thị trường tín dụng và Tổng thống mới đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma cũng đưa ra kế hoạch kích cầu. Thế giới đang theo dõi sát sao tình hình kinh tế Mỹ và các giải pháp cứu nguy đang được thực thi hoặc bàn thảo, bởi lẽ, nền kinh tế Mỹ lớn mạnh nhất, chiếm 22% GDP toàn cầu, đóng góp 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, chủ yếu nhờ sức tiêu thụ tới 70% GDP của Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ vào thời điểm mà kinh tế Mỹ bị suy thoái sau 6 năm tăng trưởng liên tục, thế giới thật sự lo ngại vì các nước khác như Tây Âu và Nhật Bản... đều bị đình trệ và suy thoái. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu nền kinh tế Mỹ có sớm thoát khỏi giai đoạn suy thoái hay không. Đây là điều hết sức phức tạp, hiện chưa có nhà kinh tế nào đưa ra câu trả lời  bởi các lý do chủ yếu sau:

- Khi nền kinh tế Mỹ đang bị suy giảm thì các số liệu về thông tin kinh tế thường không chính xác, các công ty và tập đoàn kinh tế không muốn công bố số liệu phản ánh thực trạng kinh doanh của mình. Chính phủ cũng không muốn công bố các thông tin tiêu cực về kinh tế, họ lo ngại rằng sẽ gây ra tâm lý hoảng loạn trong xã hội. Do vậy, tình hình xấu đi của hệ thống tài chính và kinh tế Mỹ chưa được phản ánh đầy đủ. Để minh chứng cho điều này, các chuyên gia đã dẫn ra sự kiện năm 2007, Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers còn được Tạp chí Fotune xếp hạng công ty chứng khoán vinh danh nhất, nhưng đến tháng 9/2008 đã phải đệ đơn xin phá sản với khoản nợ khổng lồ lên đến 613 tỷ USD.

- Tuy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng các chỉ số của kinh tế Mỹ hiện đã là rất nghiêm trọng: 12.000 tỷ USD cho vay thế chấp mua nhà mà phần lớn trong số đó là cho vay dưới chuẩn; cho vay thế chấp mua ô tô cũng đã lên tới hàng chục tỷ USD, nợ xấu gia tăng và được phỏng đoán lên hàng nghìn tỷ USD. Do vậy, gói giải cứu của Chính phủ Mỹ không đủ để mua hết các khoản nợ xấu. Thử giả định rằng, giải pháp 700 tỷ USD đủ để mua hết các khoản nợ xấu, thì cũng chỉ đủ để cứu nguy cho hệ thống tài chính Mỹ qua cơn hấp hối, chứ không thể tài trợ cho phát triển. Vì thế, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ cũng không mấy sáng sủa. Mức lạm phát đã là 4,5% vào tháng 7/2008 cao nhất trong 18 năm qua, không những đã cao hơn mức tăng trưởng, mà còn cao hơn mức lãi suất 2% do FED quy định, điều đó có nghĩa là công cụ lãi suất “thần diệu” trong tay FED đã mất hiệu lực. Nếu FED hạ mức lãi suất xuống thấp hơn mức 2% để chống suy thoái, thì với lãi suất âm nặng hơn sẽ đẩy lạm phát cao hơn và sẽ làm cho nền kinh tế Mỹ bất ổn nhiều hơn. Thâm hụt ngân sách Mỹ trong năm tài khóa 2008 đã ở mức cao kỷ lục 455 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó. Theo dự báo của các nhà nghiên cứu kinh tế, mức thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ có thể còn tăng lên đến khoảng 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2009. Như vậy, với 700 tỷ USD sẽ khó có thể cải thiện các chỉ số của nền kinh tế Mỹ.

- Gói giải pháp cứu trợ 700 tỷ USD có thể tạm thời ổn định hệ thống tín dụng Mỹ bằng cách mua lại các khoản nợ xấu, nhưng điều quan trọng hơn là phải giải quyết những nguyên nhân dẫn tới các khoản nợ xấu đó. Cho đến thời điểm này, chính phủ Mỹ vẫn chưa đề xuất được các phương án khả thi nào. Trong tình trạng như vậy, các khoản nợ xấu có thể vẫn tiếp tục gia tăng. Nguy cơ cạn kiệt năng lực tài chính của chính phủ Mỹ nếu không đủ sức mua các khoản nợ xấu thì tình hình kinh tế Mỹ sẽ còn tồi tệ hơn.

Các nền kinh tế châu Âu cũng đang đứng trước nhiều vấn đề phức tạp và nan giải. Theo số liệu của Liên minh châu Âu [EU], nền kinh tế của 15 nước sử dụng đồng ơ-rô lần đầu tiên kể từ khi được thành lập [1999] cũng đã rơi vào giai đoạn suy thoái, do tăng trưởng âm [GDP giảm 0,2%] trong hai quý liên tiếp. Khủng hoảng địa ốc gắn với tín dụng cũng là căn bệnh của một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... Tình hình công nghiệp và thương mại của châu Âu tụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là thị trường chứng khoán và ngân hàng, được thể hiện rõ nhất về tốc độ tăng trưởng quý III/2008 đã ở con số âm, thấp hơn nhiều so với dự báo [2%] đầu năm 2008. Các ngân hàng thua lỗ nặng nề, riêng hệ thống ngân hàng Pháp chỉ trong vòng 12 tháng đã mất 12 tỷ ơ-rô; một số ngân hàng của Anh đã tuyên bố phá sản do cho vay thế chấp; ngân hàng Fortis trong nhóm 20 ngân hàng lớn nhất châu Âu đang đứng bên bờ phá sản và được 3 nước châu Âu mua lại. Bản thân các nền kinh tế châu Âu vốn đã có nhiều vấn đề nan giải, nay lại bị cộng hưởng từ “cơn bão tài chính” Mỹ càng làm cho các vấn đề kinh tế của châu Âu thêm nghiêm trọng. Chính phủ các nước châu Âu đã có chính sách ứng phó với tình hình khẩn cấp trên như bơm thêm tiền cho hệ thống tín dụng, giảm thuế... nhưng hiện vẫn chưa có tín hiệu nào chứng tỏ tình hình kinh tế đã được cải thiện.

Kinh tế Nhật Bản cũng rơi vào suy thoái với tốc độ nhanh hơn dự đoán. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do các công ty giảm đầu tư để đối phó với khủng hoảng tài chính. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng quý III/2008 giảm 0,5% so với quý II/2008 và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2008, kinh tế Nhật Bản giảm 1% so với quý I và 3,7% so với cùng kỳ năm 2007. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản bước vào suy thoái kinh tế trong hai quý liên tiếp có mức tăng trưởng âm. Thực trạng này cho thấy, nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ phải trải qua thời kỳ suy thoái nghiêm trọng và kéo dài hơn dự đoán. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm đi đáng kể trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan. Tình trạng giảm đầu tư đã gây ra suy thoái cho nền kinh tế nước này khi các công ty giảm 2% vốn đầu tư vào thiết bị và xây dựng nhà máy mới. Theo các chuyên gia kinh tế Nhật bản, chỉ số niềm tin kinh doanh của các công ty lớn ở Nhật Bản sẽ giảm từ mức âm -3 [9/2008] xuống mức âm -3,6. Đây là mức thấp nhất trong 30 năm qua. Nhật Bản gọi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là một sự kiện "trăm năm có một", theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản [BOJ] đã bơm 1.000 tỷ yên [9,8 tỷ USD] vào thị trường tiền tệ nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Ngày 30/10/2008 Nhật Bản đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 26,9 nghìn tỷ yên [277 tỷ USD] nhằm vào việc cắt giảm thuế, tiền trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình và các khoản cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường ô nhiễm, giá cả nguyên liệu tăng cao, thị trường bên ngoài bị thu hẹp... và xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2008 và các năm tiếp theo là điều khó tránh. Trung Quốc thừa nhận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này "nghiêm trọng hơn dự đoán của Chính phủ". Tuyên bố trên đưa ra ngay sau khi Trung Quốc công bố một loạt số liệu thống kê kinh tế của nước này như: sản xuất công nghiệp giảm liên tục từ 16% hồi tháng 6/2008, đã rơi xuống 11,4% trong tháng 9/2008, xuống còn 8,2% khi bước sang tháng 10/2008. Đây là mức tăng trưởng công nghiệp thấp nhất từ 7 năm qua. Đầu tư quốc tế trực tiếp vào Trung Quốc cũng thuyên giảm. Hậu quả là tất cả chỉ số kinh tế của Trung Quốc đều ở mức báo động cùng với tỷ lệ tăng trưởng từ hai con số xuống một con số 7,5% [theo dự báo của WB]. Dự báo thâm hụt tài chính của Trung Quốc năm 2009 sẽ từ 2 đến 3% GDP, do vậy, Chính phủ Trung Quốc đã có phản ứng nhanh, mạnh bằng một gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD, tương đương với 15% GDP.

2. Đâu là nguyên nhân trực tiếp gây ra khủng hoảng kinh tế?

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng có 3 nguyên nhân chính:

- Một là, cơ chế cho vay thế chấp thứ cấp ở Mỹ đã tạo ra những khoản nợ xấu, thậm chí là rất xấu. Cơ chế cho vay quá dễ dãi, cả những người không có khả năng trả nợ vay để mua nhà hoặc mua ô tô thế chấp. Khi họ không trả được nợ, thì những căn nhà bị tịch thu để siết nợ nhiều đến mức không thể bán được. Khi hiện tượng này trở nên phổ biến thì đến lượt các ngân hàng cạn kiệt nguồn vốn, nợ xấu càng gia tăng và hệ quả là hệ thống tín dụng rơi vào tình trạng đổ vỡ.

- Hai là, từ hậu quả của giải pháp chống khủng hoảng năm 2001. Để đối phó với tình trạng “bong bóng” cổ phiếu trong các công ty kỹ thuật cao, FED đã giảm mạnh lãi suất xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ [1%]. Ở châu Âu cũng tương tự như vậy. Tại Nhật Bản, cả thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lãi suất ngân hàng hầu như bằng không [0]. Giải pháp này đã  kích cầu dữ dội: mọi người tiêu dùng và các công ty đua nhau mua nhà, đất đẩy giá địa ốc và giá chứng khoán trong lĩnh vực này tăng cao chưa từng có, siêu lợi nhuận cũng đã làm xuất hiện dần tình trạng kinh tế “siêu bong bóng”. đến khi những người vay thế chấp không trả được nợ, thì “siêu bong bóng” tín dụng thế chấp tất yếu phải nổ tung. Nguyên nhân trực tiếp tạo nên tình trạng kinh tế “siêu bong bóng” là “chính sách lãi suất cực thấp” và sự lơi lỏng “bàn tay hữu hình” của nhà nước Mỹ; tạo điều kiện tích tụ các nhân tố tiền khủng hoảng. Ở đây, sự quản lý của nhà nước theo nguyên lý của học thuyết Keynes: “nhiều như có thể, ít mà cần thiết” đã được thay bằng học thuyết kinh tế “tự do mới”.  Tuy nhiên, cho đến nay còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp như: tình trạng kinh tế “bong bóng” của thị trường bất động sản ở Nhật Bản vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước và thị trường công nghệ cao ở Mỹ đầu thế kỷ này thì tại sao các ngân hàng trung ương Mỹ và các nước khác lại không rút ra được bài học cho sự kiểm soát tình trạng kinh tế “bong bóng” ? Tìm lời giải cho những câu hỏi trên, người ta không thể không trở về với các nguyên lý của học thuyết kinh tế C.Mác - Lênin, về quy luật khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản.

- Ba là, còn nguyên nhân sâu xa nữa cần phải kể đến là sự dư thừa các dòng vốn không tìm được địa chỉ đầu tư có hiệu quả. Nếu đầu tư vào công nghiệp, thì mức tiêu dùng hàng công nghiệp luôn luôn có giới hạn ngặt nghèo, hơn nữa sản xuất công nghiệp tại các nước phát triển ngày càng mất lợi thế so sánh do tiền lương cao, chi phí lớn, lợi nhuận giảm dần. Do vậy, các nước phát triển buộc phải chuyển sản xuất công nghiệp sang các nước đang phát triển, để tận dụng lợi thế của các nước này, tìm kiếm siêu lợi nhuận. Vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp truyền thống ngày càng có xu hướng giảm đi do tiến bộ công nghệ mang lại. Trong những năm gần đây, nguồn tiền từ dầu mỏ tăng lên do giá dầu mỏ tăng cao [theo ước tính khoảng 3.000 - 6.000 tỷ USD]. Hệ thống huy động tiền tiết kiệm, tiền bảo hiểm các loại ngày càng hiện đại, tạo ra dòng vốn ngày càng lớn, nhưng nơi đầu tư có lợi ngày càng khan hiếm. Đầu tư vào công nghiệp bị giới hạn bởi thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp, đầu tư vào công nghệ cao lại chưa phát triển mạnh, do đó việc hấp thu vốn cũng ảnh hưởng không nhỏ; đầu tư vào bất động sản, thị trường này có thể thu hút một lượng vốn vô cùng lớn, có thể tới hàng nghìn tỷ đô-la, điều đó giải thích vì sao “bong bóng bất động sản” đã nổ ở Nhật Bản mà Mỹ và phương Tây vẫn lặp lại sai lầm. Theo lập luận của giới đầu tư phương Tây rằng họ có hệ thống tài chính hiện đại đủ khả năng kiểm soát tình hình, nhưng thực tế diễn ra lại trái với lập luận của họ.

3. Một số đặc trưng cơ bản của cuộc khủng hoảng kinh tế

Cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra hơn một năm, khuôn hình của nó còn biến thái khó lường, song có thể nhận thấy một số đặc trưng cơ bản sau:

- Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này bắt nguồn và lây lan chủ yếu qua con đường tài chính và vai trò truyền thống của khu vực kinh tế tư nhân bị tan vỡ, chính phủ các nước đã buộc phải can thiệp bằng biện pháp mạnh và nhu cầu trợ giúp từ các tổ chức đa phương cũng tăng lên, trở thành nhu cầu tất yếu.

- Về tính chất của cuộc khủng hoảng lần này còn  nghiêm trọng hơn thời kỳ đại suy thoái ở thập niên 30 của thế kỷ XX, vì vào những năm 1930, các khu vực kinh tế quan trọng của thế giới còn tương đối biệt lập với nhau nên sự lây nhiễm còn có mức độ. Cuộc đại khủng hoảng toàn cầu lần này đã không có một quốc gia nào tránh khỏi bị tác động, vì nó không còn mang tính chất khu vực như cuộc khủng hoảng nợ ở Mỹ La-tinh vào thập niên 1980 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

- Với học thuyết kinh tế tự do mới, nước Mỹ dưới thời cầm quyền của đảng Cộng hoà, đã không ủng hộ việc Chính phủ can thiệp vào các vấn đề kinh tế khi xảy ra khủng hoảng: chính quyền của ông Ri-gân đã từng mạnh mẽ phản đối việc mở rộng vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế [IMF] khi xẩy ra cuộc khủng hoảng nợ 1982-1983; Chính quyền của ông Bu-sơ cũng ngăn cản IMF thông qua cơ chế tái cơ cấu nợ cho các quốc gia có chủ quyền năm 2003. Tuy nhiên, đến lần này thì Chính phủ Mỹ cũng vẫn do đảng Cộng hoà kiểm soát, đã buộc phải từ bỏ quan điểm truyền thống và đề nghị Quốc hội nước này duyệt chi những khoản tiền khổng lồ để can thiệp vào thị trường với giải pháp cả gói 700 tỷ USD. Chính phủ các nước phát triển như Tây Âu, Nhật Bản cũng đã phải can thiệp mạnh mẽ vào khu vực tư nhân, đặc biệt là ngành tài chính, ngân hàng khi lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

- Sự sụp đổ của thị trường tài chính lần này làm cho vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân không tái diễn như trong các cuộc khủng hoảng lần trước, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính lớn đã phải xin trợ giúp, trong khi những ngân hàng còn tiền nhưng không dám cho vay tiếp. Do khu vực kinh tế tư nhân bị tê liệt, vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế lại có cơ hội được nâng cao. Nhiều nước đã phải xin trợ giúp của IMF; đến nay IMF đã cam kết cho 4 quốc gia vay với tổng số tiền lên đến 42 tỷ USD, con số này lớn hơn nhiều so với mức vay 16,9 tỷ USD của IMF vào thời điểm tháng 10/2008.

4. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay sẽ vận động theo xu hướng nào? 

Những đặc trưng nêu trên đã phản ánh tính chất của cuộc đại khủng hoảng lần này sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thế giới cũng đưa ra một số dự báo như sau:

- Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới lần này sẽ là lớn nhất kể từ năm 1929-1933, nhưng tính chất và hậu quả của nó còn nặng nề và sâu sắc hơn. Những chuyên gia kinh tế ủng hộ dự báo này cho rằng: [1] Đây là cuộc khủng hoảng có nhiều yếu tố giống cuộc khủng hoảng năm 1929-1933 nổ ra ở những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và bắt đầu từ khủng hoảng nhà đất dẫn tới khủng hoảng tài chính, làm sụp đổ những tập đoàn tài chính và kinh doanh hàng đầu thế giới; [2] Khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh có nhiều vấn đề quốc tế bức xúc như: giá dầu mỏ, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm tăng ở mức cao kỷ lục, sau đó lại diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường thế giới đang ở mức nghiêm trọng; cân đối thương mại tài chính toàn cầu trong tình trạng bất ổn; cuộc chiến chống khủng bố kéo dài chưa có hồi kết; các điểm nóng, xung đột dân tộc, sắc tộc gia tăng...  

[3] Cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào khả dĩ ngăn chặn được khủng hoảng, làm xói mòn niềm tin của dân chúng và giới đầu tư, dẫn tới tâm lý hoảng loạn, càng làm cho cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn; [4] Kết cấu kinh tế của các nước phương Tây khó có thể được cải tổ để phát triển mạnh và nhanh chóng những ngành công nghệ cao, những ngành kinh tế mới, những lĩnh vực đầu tư có hiệu quả cao. Nếu kịch bản này xảy ra thì thực sự sẽ là đại họa cho nền kinh tế thế giới.

- Cuộc đại khủng hoảng kinh tế lần này chỉ làm cho các trung tâm kinh tế thế giới [Mỹ, Tây  Âu, Nhật Bản] bước vào suy thoái trong năm 2009 và nền kinh tế thế giới cũng chịu tác động, nhưng không nặng nề như năm 1929-1933.

Những người bảo vệ dự báo này cho rằng: [1] Mức độ cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ hiện được đánh giá thấp hơn cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản năm 1987. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nước Mỹ chỉ cần khoảng 2.000 tỷ USD là có thể vực dậy nền kinh tế, với sự năng động của chính phủ mới của Mỹ do ông Ba-rắc Ô-ba-ma cầm đầu thì việc tìm kiếm khoản tiền lớn này để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới về quỹ đạo là có thể. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là thời gian để vực dậy nền kinh tế; [2] Chính phủ các nước phát triển hiện vẫn còn đủ các công cụ và kinh nghiệm để ngăn chặn cuộc đại khủng hoảng này; [3] Nếu đáy của chu kỳ khủng hoảng tài chính - kinh tế nằm ở thời điểm cuối năm 2008 và đầu năm 2009 đúng như dự đoán, thì cấp độ cuộc đại khủng hoảng được dự báo sẽ nhỏ hơn cuộc đại khủng hoảng kinh tế những năm 1929 - 1933 là có cơ sở khoa học và thực tiễn đáng tin cậy.

Tài liệu tham khảo:

1. Các bản tin kinh tế Việt Nam Thông tấn xã, các tháng 10, 11 và 12/2008

2. Hoàng Toan: Khủng hoảng tài chính Mỹ - hệ quả tất yếu của chủ nghĩa tự do, Tạp chí Kiến thức Quốc phòng hiện đại, số 12/2008, tr.65

3. Những vấn đề Kinh tế & Chính trị thế giới, Viện KHXH Việt Nam, tháng 10/2008

4. Kinh tế và dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 8/2008.

Nguyễn Nhâm - Mạnh Hùng - Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng / Tạp chí Tổ chức Nhà nước Số 6/2009

Video liên quan

Chủ Đề