Chủ trương xã hội hóa đơn vị nghệ thuật năm 2024

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh Lê Việt Dân hồ hởi: nhờ chủ trương XHH của Chính phủ, Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận sáng đèn cả tuần, thậm chí cả ngày, bởi Trung tâm liên kết với các thành phần kinh tế cho ra đời nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân. Ngay từ cuối những năm 1990, Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi anh em nghệ sỹ góp công, góp của cùng Nhà hát đầu tư dựng vở diễn. Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B - đơn vị nghệ thuật XHH đầu tiên của Việt Nam - cũng theo cách này. Theo Giám đốc Hoàng Minh Nhị, nếu không có chủ trương XHH, 5B sẽ không có được những vở diễn tạo dựng tên tuổi như hiện nay. Chính XHH đã nâng cao trách nhiệm của nghệ sỹ, khuyến khích họ liên tục sáng tạo để hấp dẫn khán giả.

Ở phía Bắc, quá trình xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật diễn ra kém sôi động hơn. Tuy nhiên, cũng có nhà hát đã tận dụng được cơ hội mà XHH đem lại để cho ra đời nhiều chương trình chất lượng. Như Nhà hát Tuổi trẻ đã huy động các nguồn vốn, sự hỗ trợ từ nhiều nơi để dựng vở, như: kết hợp với Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển dựng kịch thơ Kiều Loan, kết hợp Đại sứ quán Na Uy dựng Nhà búp bê của Ibsen... Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát được khai thác với tần suất cao nhất tại Hà Nội.

Theo Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, XHH các đơn vị nghệ thuật tuy khắc nghiệt nhưng tạo ra thị trường nghệ thuật, sản sinh ra tài năng. Thực tế, các sân khấu theo phương thức XHH hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các đơn vị nghệ thuật công lập. Vì thế, ông Chương đề nghị đẩy mạnh XHH toàn diện lĩnh vực nghệ thuật trên phạm vi cả nước, bởi “bao cấp chỉ làm thui chột tài năng”. Nguyên Phó giám đốc Sở VH, TT và DL TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thế Thanh cũng khẳng định: làm nghệ thuật không thể không theo hướng thị trường.

Xã hội hóa theo hướng nào?

Cả nước hiện có 116 đơn vị nghệ thuật công lập. Trong quy hoạch số đơn vị nghệ thuật ở Trung ương, năm 2010 giảm từ 12 đoàn xuống còn 10 đoàn, Nhà hát Ca Múa Nhạc nhẹ và Nhà hát Tuổi trẻ sẽ hoạt động theo mô hình XHH. Các đơn vị nghệ thuật ở địa phương chỉ giữ lại 1 đoàn nghệ thuật dân tộc truyền thống tiêu biểu, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng đoàn nghệ thuật nhiều hơn.

Chủ trương XHH được đặt ra cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay Bộ VH, TT và DL vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, nên người trong cuộc chưa hiểu sẽ làm theo phương thức nào. Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam kiêm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Lê Hùng cho rằng, XHH các đơn vị nghệ thuật không phải theo kiểu tư nhân hóa ở TP Hồ Chí Minh hiện nay. XHH là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa và giảm thuế cho họ, chứ không phải theo kiểu ông bầu, bà bầu làm sân khấu, chạy theo thị hiếu của khán giả để thu hút khách, làm mất đi yếu tố định hướng của sân khấu.

“Không thể cấp phép, công nhận khai sinh một đơn vị nghệ thuật giống như một đơn vị kinh doanh thông thường, bởi các đơn vị này sẽ sản xuất ra hàng hóa đặc biệt”, Phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu VN Lê Duy Hạnh khẳng định. Mỗi đơn vị sân khấu chuyên nghiệp muốn bảo đảm sản xuất ra sản phẩm chất lượng phải chứng minh được thành phần tác giả, đạo diễn, diễn viên, chỉ đạo nghệ thuật... có khả năng thực hiện phương hướng, mục tiêu nghệ thuật do đơn vị đặt ra. Ngoài ra, đơn vị cũng phải chứng minh khả năng tài chính để đầu tư tác phẩm...

Kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong quá trình XHH, cần phải chọn lựa những đơn vị nghệ thuật mạnh, biểu diễn thường xuyên, kể cả ở nước ngoài, doanh thu cao, mới có thể cạnh tranh với các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Với nhạc hàn lâm hay nghệ thuật truyền thống, có thể xã hội hóa một phần để nâng cao đời sống nghệ sỹ nhưng phải theo một lộ trình phù hợp với đặc thù của từng loại hình nghệ thuật.

Sân khấu vẫn cần bà đỡ

Trong guồng quay của kinh tế thị trường, các nhà hát nghệ thuật truyền thống cũng đã cố gắng xây dựng những chương trình hợp thị hiếu khán giả để có thể bán vé thu tiền, song để hoạch định thật rõ hướng đi lâu dài vẫn còn mắc nhiều chỗ. Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức sân khấu nhỏ tại nhà hát Kim Mã, biểu diễn các trích đoạn chèo tiêu biểu nhưng đêm diễn nào cũng phải bù lỗ, có đêm chỉ bán được 7-10 vé. Tuy vậy, Nhà hát vẫn phải duy trình hoạt động của sân khấu này ít nhất 1 buổi/tuần như là một cách để bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Hay như Nhà hát Cải lương Hà Nội, mặc dù có vị thế biểu diễn đắc địa là rạp Chuông Vàng ở phố Hàng Bạc, nhưng lâu nay hầu như chỉ dựng vở theo đơn đặt hàng của Nhà nước nên đời sống diễn viên đặc biệt khó khăn, phải bươn chải đủ nghề...

Nghệ thuật truyền thống không chỉ mang sứ mệnh bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn là cách tốt nhất để giới thiệu văn hóa thuần Việt tới bạn bè quốc tế. Vì thế, đại diện các nhà hát cho rằng, muốn nghệ thuật truyền thống giữ được những nguyên tắc cơ bản của loại hình, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Tồn tại hay không, bản thân nhà hát phải nỗ lực vươn lên, nhưng vẫn cần bà đỡ. Đó là những cơ chế, chính sách, sự định hướng kịp thời để khuyến khích, tạo điều kiện cho nghệ sỹ sáng tạo và cống hiến”, NSND Hoàng Dũng khẳng định. Nghệ sỹ Hồng Vân cũng cho rằng, trong một thời điểm nào đó, XHH rất cần thiết với sân khấu, nhưng không phải mãi mãi. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ, định hướng, thì khi không thể tự bươn chải, nghệ sỹ sẽ buông xuôi...