Đặc thù quản lý là gì

PGS.TS. PHAN HUY HỒNG

Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Bài viết phân tích mô hình tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn [TNHH] một thành viên là tổ chức theo Luật Doanh nghiệp [LDN] 2005, việc áp dụng, tính hiệu quả cũng như các bất cập của mô hình này khi áp dụng vào công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trên cơ sở các phân tích, đánh giá đó, tác giả thể hiện quan điểm ủng hộ cơ quan chủ trì soạn thảo LDN [sửa đổi] về việc bổ sung quy định đặc thù về công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu vào Luật [sửa đổi] này và đề xuất các quy định đặc thù đó. 

Ảnh minh họa: nguồn internet

1.  Đặt vấn đề

Khi bổ sung loại công ty TNHH một thành viên vào LDN 1999, dường như các nhà làm luật nghĩ nhiều hơn đến việc tạo nên một loại hình doanh nghiệp mới phục vụ trước hết cho việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước [DNNN], doanh nghiệp của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hay của tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Bởi vậy, quy định về loại hình công ty TNHH một thành viên trong Luật này chưa thực sự phù hợp cho nhà đầu tư tư nhân. Nhưng khi xây dựng LDN 2005 thành “luật thống nhất về doanh nghiệp”[1] thì những đặc thù của sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu lại gần như bị bỏ qua. Do vậy, để thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, Chính phủ đã ban hành một nghị định chung trong đó có quy định về tổ chức quản lý loại công ty này, cũng như một loạt nghị định riêng ban hành điều lệ tổ chức hoạt động của công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế hay tổng công ty nhà nước quan trọng. Các nghị định này quy định chi tiết thẩm quyền của chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên [HĐTV] hay Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc [giám đốc] công ty và Kiểm soát viên cũng như mối quan hệ giữa chủ sở hữu với các cơ quan của công ty và giữa các cơ quan của công ty với nhau. Tuy nhiên, các quy định dưới luật này không hoàn toàn phù hợp với “cơ chế quản lý tập trung” trong quản trị công ty TNHH một thành viên là tổ chức được xây dựng trên cơ sở chủ trương “đổi mới cơ bản cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó, tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý hành chính nhà nước, thực hiện tập trung và thống nhất các quyền chủ sở hữu, đồng thời, tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp”[2]. Qua đó, trên thực tế đang hình thành một hệ thống quy phạm pháp luật về công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu như một “luật riêng” trong mối quan hệ với LDN.

Điều đó có thể làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tái chia cắt hệ thống pháp luật doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, cũng không thể phủ nhận được tính đặc thù của sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và sự tác động của nó đến quản trị loại công ty này. Chúng tôi sẽ phân tích các quy định của LDN 2005 về cơ chế quản lý tập trung áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên là tổ chức cũng như các quy định riêng của Chính phủ về tổ chức, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, nhằm chỉ ra sự tương thích hay khác biệt giữa các nhóm quy phạm pháp luật này. Trên cơ sở đó bàn về sự cần thiết có các quy định trong LDN [sửa đổi] về tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu nhằm đảm bảo điều chỉnh các vấn đề đặc thù phát sinh từ sở hữu nhà nước một cách hợp lý và nhất quán.

2. Từ “cơ chế cơ quan chủ quản” hay “cơ chế quản lý phi tập trung” đến “cơ chế quản lý tập trung”

Các nhà làm luật LDN 1999 trước đây dường như hình dung loại công ty TNHH một thành viên là một công cụ để chuyển đổi DNNN hay doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, hay xã hội - nghề nghiệp nhiều hơn là công cụ để các doanh nghiệp thành lập công ty con. Vì vậy, các quy định về tổ chức quản lý loại công ty này mang đậm dấu ấn của “cơ chế cơ quan chủ quản”. Điều đó thể hiện ở chỗ, LDN 1999 dành cho chủ sở hữu công ty quyền định đoạt những vấn đề quan trọng nhất của công ty. Thoạt nhìn thì điều đó dường như hợp lý. Tuy nhiên chủ sở hữu công ty không phải ai khác, mà là Nhà nước được đại diện bởi cơ quan chủ quản [đối với trường hợp Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ] hay tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp [trường hợp các tổ chức này sở hữu toàn bộ vốn điều lệ]. Như vậy, các công chức nhà nước hay các nhà hoạt động chính trị, xã hội lại quyết định những vấn đề về quản trị doanh nghiệp chứ không phải chính các nhà quản trị doanh nghiệp.

Ngay cả đối với các công ty TNHH một thành viên là công ty con của các công ty khác thì cơ chế tổ chức quản lý này cũng không phù hợp với logic của khoa học quản trị doanh nghiệp. Bởi vì thông thường, việc thành lập công ty con hoặc là nhằm tách một mảng kinh doanh khỏi công ty mẹ, hoặc nhằm phát triển một mảng kinh doanh mới và giao cho một chủ thể pháp lý độc lập quản trị, điều hành. Điều đó một mặt nhằm hạn chế rủi ro cho công ty mẹ, vì công ty con dưới hình thức công ty TNHH một thành viên này hưởng chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, mặt khác nhằm đạt được hiệu quả chuyên nghiệp hóa bộ máy quản trị doanh nghiệp. Chính vì vậy, các cơ quan quản trị và điều hành công ty con cần được có quyền tự chủ lớn hơn mà họ có theo cơ chế quản lý của luật này.

Thậm chí, nhiều nhà quản lý công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi từ DNNN là thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty phàn nàn là họ còn không được tự chủ như trước khi chuyển đổi doanh nghiệp. Bởi vì trước kia, Tổng công ty hoạt động như một cấp hành chính trung gian, thực hiện việc nhận vốn và giao lại vốn cho các doanh nghiệp, còn các thành viên hầu như được tự chủ trong sản xuất kinh doanh[3]. Trong khi đó, dưới hiệu lực của LDN 1999, các quyết định quan trọng đều nằm trong tay Tổng công ty với tư cách là công ty mẹ [xem Điều 47 LDN 1999].

Trong những năm qua, trong xu thế cải cách thể chế, cải cách hành chính, nhiều chính trị gia, nhiều nhà khoa học đã nêu các luận cứ cho yêu cầu “xây dựng một nền hành pháp trong đó Chính phủ giữ đúng vai trò là cơ quan hành chính cao nhất; các cơ quan hành chính nhà nước từ bỏ vai trò chủ quản đối với doanh nghiệp để tập trung quản lý nhà nước theo pháp luật”[4].

Với các luật mới, điều đó dần dần trở thành hiện thực. LDN 2005 đã đóng góp bằng việc thay thế cơ chế cơ quan chủ quản thể hiện trong “cơ chế quản lý phi tập trung” bằng “cơ chế quản lý tập trung” đối với loại công ty TNHH một thành viên.

Các nhà làm luật đã chọn một giải pháp khá đơn giản nhưng tỏ ra rất hợp lý. Cơ chế tổ chức quản lý mới đối với công ty TNHH một thành viên mà Chủ sở hữu là tổ chức có hai đặc trưng cơ bản như sau:

Thứ nhất, chủ sở hữu cử một người làm Chủ tịch công ty hoặc một số người đại diện theo ủy quyền làm HĐTV. [Những] người đại diện theo ủy quyền này thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Như vậy, chủ sở hữu vẫn có địa vị pháp lý là thành viên duy nhất của công ty, nhưng các quyền và nghĩa vụ thành viên được thực hiện bởi những nhà quản trị công ty nằm trong cơ cấu tổ chức của công ty. Nói cách khác, quyền định đoạt về mọi vấn đề của công ty về nguyên tắc thuộc về bộ máy quản lý điều hành công ty. Đây là cơ chế “thực hiện tập trung và thống nhất các quyền chủ sở hữu, đồng thời, tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp”[5], có thể gọi ngắn gọn là “cơ chế quản lý tập trung”.

Thứ hai, để cơ chế quản lý này không trở nên cứng nhắc, Luật cho phép điều lệ công ty có thể quy định một số vấn đề quan trọng của công ty phải được chủ sở hữu chấp thuận hoặc thông qua mới có hiệu lực. Theo đó, ở công ty TNHH một thành viên là tổ chức chọn mô hình HĐTV thì “quyết định của HĐTV có giá trị pháp lý kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định phải được chủ sở hữu công ty chấp thuận”[6]; còn ở công ty chọn mô hình Chủ tịch công ty thì “Quyết định của Chủ tịch công ty về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty có giá trị pháp lý kể từ ngày được chủ sở hữu công ty phê duyệt, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”[7]. Quy định như vậy tạo cho các tổ chức là nhà đầu tư thành lập công ty con là công ty TNHH một thành viên một “không gian hành động” để thiết lập nên một cơ chế tổ chức quản lý cụ thể thích hợp nhất cho mình. Tuy nhiên, để “cơ chế quản lý tập trung” này thực sự khắc phục được “cơ chế cơ quan chủ quản” đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thì người ta không được lạm dụng đặc trưng thứ hai này.

3. Cơ chế quản lý tập trung trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức

Là chủ thể pháp luật độc lập với chủ sở hữu, về nguyên tắc, công ty phải có quyền tự chủ trong quản trị và điều hành hoạt động của mình. Mặt khác, cũng cần phải nhận thức rằng, loại công ty TNHH một thành viên trước hết là một công cụ để chủ sở hữu [dù cũng là một công ty, Nhà nước hay là một tổ chức khác] giao cho một bộ máy quản trị và điều hành chuyên nghiệp một khối tài sản để thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh, đồng thời hạn chế được rủi ro cho chính mình trong phạm vi khối tài sản đã chuyển giao đó.

Bởi vậy LDN 2005 đã chú trọng khắc phục các hạn chế của cơ chế pháp lý về quản trị công ty TNHH một thành viên của LDN 1999. Như đã đề cập ở trên, LDN 2005 đã lựa chọn giải pháp khá đơn giản mà tỏ ra hợp lý để thay thế cơ chế quản lý phi tập trung [đối với công ty do Nhà nước hay tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp sở hữu toàn bộ vốn điều lệ còn được gọi là cơ chế cơ quan chủ quản] bằng cơ chế quản lý tập trung.

Tương tự LDN 1999 trước kia, LDN 2005 cũng bảo lưu cho chủ sở hữu quyền quyết định về những vấn đề quan trọng nhất của công ty. Hơn thế nữa, LDN 2005 còn mở rộng danh mục các quyền quyết định của chủ sở hữu đối với cả những vấn đề quản trị công ty [Điều 64, 65 LDN 2005; Điều 47 LDN 1999]. Tuy nhiên, nếu như điều đó là bất hợp lý dưới hiệu lực của LDN 1999, thì lại trở nên hợp lý theo LDN 2005. Bởi vì trong cơ chế quản trị mới này, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu không còn được thực hiện bởi chính chủ sở hữu, nghĩa là thông qua các cơ quan có thẩm quyền của chủ sở hữu, mà được thực hiện bởi [những] người đại diện theo ủy quyền.

Chủ sở hữu công ty bổ nhiệm một hoặc một số người đại diện theo ủy quyền với nhiệm kỳ không quá 5 năm để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Trường hợp có ít nhất hai người được bổ nhiệm làm đại diện theo uỷ quyền thì họ cấu thành HĐTV; nếu chỉ một người được bổ nhiệm là đại diện theo ủy quyền thì người này làm Chủ tịch công ty.

Thành viên HĐTV hay Chủ tịch công ty của loại công ty này tuy không phải chính là chủ sở hữu, nhưng là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nên có địa vị pháp lý là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, tương tự như HĐTV của loại công ty TNHH 2 - 50 thành viên.

Tuy nhiên, cũng vì những người đại diện theo ủy quyền của công ty TNHH một thành viên không phải chính là chủ sở hữu “đích thực” như thành viên công ty TNHH 2 - 50 thành viên, nên LDN 2005 vẫn tạo ra một công cụ để bảo lưu quyền quyết định của chủ sở hữu “đích thực”. Theo quy định tại khoản 6 Điều 68 thì quyết định của HĐTV có giá trị pháp lý kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định phải được chủ sở hữu công ty chấp thuận. Quy định này như “con dao hai lưỡi”: một mặt nó cho phép điều lệ công ty bảo lưu quyền chấp thuận của chủ sở hữu đối với những vấn đề mà chủ sở hữu cho là cần thiết, chẳng hạn như để đảm bảo một chiến lược thống nhất cho toàn nhóm công ty. Nhưng mặt khác, nó cũng dễ bị lạm dụng, đặc biệt nếu chủ sở hữu là Nhà nước, và trong trường hợp này điều đó có thể vô hiệu hóa những chủ ý lập pháp tốt đẹp của Luật này.

LDN 2005 cũng quy định: trường hợp Điều lệ công ty không quy định [khác] thì mỗi thành viên có một phiếu biểu quyết có giá trị như nhau [khoản 5 Điều 68]. Đây là một quy định tốt, vì nó cho phép chủ sở hữu phân bổ tỷ trọng phiếu biểu quyết tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của mình đối với những người đại diện[8].

LDN 2005 cũng phòng ngừa nguy cơ “chuyên quyền” trong trường hợp chủ sở hữu lựa chọn việc bổ nhiệm một người duy nhất làm đại diện. Bởi vậy mà có quy định: Quyết định của Chủ tịch công ty về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty có giá trị pháp lý kể từ ngày được chủ sở hữu công ty phê duyệt, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác [khoản 3 Điều 69]. Quy định này chỉ phát huy được tác dụng tích cực, nếu nó được áp dụng một cách thích hợp. Trong mọi trường hợp, Điều lệ công ty cần quy định chỉ những quyết định của Chủ tịch công ty về một số vấn đề đặc biệt quan trọng mới cần sự chấp thuận của chủ sở hữu. Nếu không thì chủ sở hữu sẽ trở thành một cơ quan quản lý nằm ngoài công ty, và như vậy cơ chế quản lý tập trung sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

4. Áp dụng cơ chế quản lý tập trung đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu

Như đã đề cập, theo cơ chế quản lý tập trung áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên là tổ chức thì HĐTV hay Chủ tịch công ty “nhân danh chủ sở hữu công ty tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; có quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty”[9]. Do đó, thay vì phân định thẩm quyền giữa chủ sở hữu và HĐTV hay Chủ tịch công ty, Luật này quy định “quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể và chế độ làm việc của Hội đồng thành viên [hay Chủ tịch công ty] đối với chủ sở hữu công ty được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan”[10]. Điều đó có nghĩa là chủ sở hữu công ty sẽ quyết định phạm vi ủy quyền. Đối với chủ sở hữu công ty không phải là Nhà nước thì phạm vi ủy quyền được ghi nhận tại Điều lệ công ty. Tính tùy nghi này đặc biệt phù hợp với chủ sở hữu là doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân hay thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhưng đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì phạm vi ủy quyền còn phải căn cứ vào “pháp luật có liên quan”. Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu [Nghị định 25/2010/NĐ-CP].

Nghị định này về cơ bản đã tuân thủ nguyên tắc của cơ chế quản lý tập trung, theo đó ở công ty tổ chức theo mô hình HĐTV thì các vấn đề quan trọng nhất trong quản trị công ty đều do HĐTV quyết định, chỉ trừ chức danh Chủ tịch, thành viên HĐTV, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc [Giám đốc lĩnh vực], Kế toán trưởng, Kiểm soát viên do chủ sở hữu quyết định[11]; còn ở công ty tổ chức theo mô hình Chủ tịch công ty thì Chủ tịch công ty thậm chí còn được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng giám đốc [Giám đốc], Phó tổng giám đốc [phó giám đốc hoặc giám đốc lĩnh vực], Kế toán trưởng[12].

Nhưng mặt khác, Nghị định này lại quy định “cứng” một danh mục các quyết định của HĐTV hay Chủ tịch công ty phải được chủ sở hữu chấp thuận mới có hiệu lực, bên cạnh đó cũng để mở khả năng cho Điều lệ công ty được bổ sung danh mục này[13]. Điều đó góp phần tạo một chuẩn mực chung trong việc phân định giữa phạm vi quyền tự chủ của HĐTV hay Chủ tịch công ty và quyền chấp thuận của chủ sở hữu trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tránh sự lạm dụng quy định tùy nghi tại khoản 6 Điều 68 và khoản 3 Điều 69 LDN 2005 áp dụng cho mọi công ty TNHH một thành viên là tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, Điều lệ của các công ty mẹ [là công ty TNHH một thành viên] của các tập đoàn kinh tế nhà nước được ban hành kèm theo các Nghị định sau này cho thấy, chúng lại không hoàn toàn phù hợp với quy định tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP. So với quy định tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP, đôi khi các Điều lệ này lại mở rộng quyền tự chủ của HĐTV, nhưng đôi khi cũng lại mở rộng danh mục các quyết định của HĐTV phải được sự chấp thuận của chủ sở hữu. Ví dụ, Điều lệ của công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam một mặt cho phép HĐTV tự chủ trong việc quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Phó Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành, Kế toán trưởng[14]; nhưng mặt khác HĐTV lại chỉ được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền [Thủ tướng] phê duyệt chủ trương[15]. Có thể thấy điều tương tự ở Điều lệ của các công mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước hay tổng công ty nhà nước khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam[16], Tổng công ty Đường sắt Việt Nam[17], Tổng công ty Hàng không Việt Nam[18], Tổng công ty Hàng hải Việt Nam[19].

Các tổng công ty nhà nước còn có xu hướng tận dụng các quy định tùy nghi của LDN 2005 nhằm bảo lưu nhiều hơn quyền quyết định hoặc quyền chấp thuận cho chủ sở hữu [là tổng công ty] đối với các vấn đề của công ty con [là công ty TNHH một thành viên]. Có trường hợp Điều lệ công ty con quy định chủ sở hữu công ty có thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư, quyết định việc bán tài sản, thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 10% vốn điều lệ [thấp hơn nhiều lần so với mức chuẩn của LDN 2005 và Nghị định 25/2010/NĐ-CP]; cũng như quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc [Giám đốc] công ty[20].

5. Nhận xét và đề xuất đổi mới tổ chức, quản lý công ty TNHH một thành viên áp dụng đối với công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu

Các phân tích trên cho thấy, các quy định tại Nghị định 25/2010/NĐ-CP về tổ chức, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đã “quy phạm hóa” sự phân định thẩm quyền giữa chủ sở hữu công ty và HĐTV hay Chủ tịch công ty. Xét về hình thức pháp lý điều đó không trái với LDN, vì Luật này quy định “quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể và chế độ làm việc của HĐTV [hay Chủ tịch công ty] đối với chủ sở hữu công ty được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan”[21]. Các Điều lệ của công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế hay tổng công ty nhà nước cũng đều quy định một danh mục các vấn đề mà HĐTV có quyền tự chủ quyết định cũng như một danh mục các vấn đề mà HĐTV chỉ được quyết định sau khi được “cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương” hoặc “cấp có thẩm quyền chấp thuận”. Xét về hình thức pháp lý, điều đó cũng phù hợp với quy định tùy nghi của LDN 2005, theo đó “quyết định của HĐTV có giá trị pháp lý kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định phải được chủ sở hữu công ty chấp thuận” [khoản 6 Điều 68]. Tuy nhiên, trong danh mục các vấn đề phải được cấp có thẩm quyền [các cơ quan đại diện chủ sở hữu] chấp thuận chủ trương hay chấp thuận có nhiều vấn đề thuộc phạm trù “quản trị công ty” và vì vậy nhẽ ra phải thuộc quyền tự chủ quyết định của HĐTV. Như vậy, cơ chế quản lý tập trung đối với công ty TNHH một thành viên là tổ chức trở nên không hoàn hảo khi áp dụng đối với các công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Thực chất, các quy định dưới luật áp dụng cho công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đang thực hiện một chế độ phân công, phân cấp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, đến HĐTV đối với các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế hay tổng công ty nhà nước. Điều đó có thể xuất phát từ vai trò to lớn của tập đoàn kinh tế cũng như tổng công ty nhà nước đối với nền kinh tế và vì vậy Chính phủ không thể trao toàn quyền tự chủ cho HĐTV.

Thực tế đó cho thấy, dường như cơ chế quản lý tập trung được quy định trong LDN 2005 áp dụng chung cho công ty TNHH một thành viên là tổ chức không hoàn toàn phù hợp với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Các đặc thù phát sinh từ tính chất sở hữu của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong tổ chức quản lý công ty là không thể phủ nhận, vì vậy cần có các quy định đặc thù cho loại công ty này, khi cơ chế tổ chức quản lý chung tỏ ra có những điểm không thích hợp.

Sự luật hóa các đặc thù này có khả năng tạo lập một cơ sở pháp lý bền vững hơn và đảm bảo các quy định Chính phủ nhằm thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được nhất quán hơn so với thực trạng hiện hành. Bởi vậy, chúng tôi ủng hộ chủ trương của Ban soạn thảo LDN [sửa đổi] bổ sung vào Luật này quy định đặc thù về công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu[22]. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật lập pháp, không cần [và cũng không nên] thiết lập một chương riêng về DNNN, mà chỉ cần [và cũng nên] bổ sung một mụcquy định đặc thù về công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu tại chương về công ty TNHH.

Sự bổ sung vào LDN [sửa đổi] các quy định đặc thù về tổ chức quản lý công ty áp dụng cho công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu nên tiếp nhận cấu trúc phân công, phân cấp thẩm quyền giữa chủ sở hữu và HĐTV hay Chủ tịch công ty như các nghị định hiện hành. Tuy nhiên, sẽ đảm bảo thực hiện tốt hơn tư tưởng chủ đạo của LDN về cơ chế quản lý tập trung nếu áp dụng nguyên tắc phân tách quyền sở hữu và quyền quản lý doanh nghiệp tương tự như ở loại hình công ty cổ phần trong việc phân công, phân cấp này. Theo đó, cần có sự phân định rõ giữa [i] những vấn đề chủ sở hữu có thẩm quyền trực tiếp quyết định[nên hạn chế tối đa], [ii] những vấn đề chủ sở hữu có quyền ủy quyền quyết định cho HĐTV/Chủ tịch công ty, [iii] những vấn đề phải được chủ sở hữu chấp thuận chủ trương hay chấp thuận[không nên bao gồm những vấn đề liên quan quản trị công ty], [iv] những vấn đề HĐTV/Chủ tịch công ty có quyền tự chủ quyết định.

Chỉ có sự phân định rạch ròi như vậy mới có khả năng đảm bảo thực hiện “yêu cầu tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính và các chức năng khác của Nhà nước trong thực hiện quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp”[23]. Trong mọi trường hợp, cần đảm bảo quyền tự chủ của HĐTV/Chủ tịch công ty trong các vấn đề về quản trị doanh nghiệp, có như vậy mới giữ gìn được “cơ chế quản lý tập trung” mà LDN đã thiết lập áp dụng chung cho loại công ty TNHH một thành viên là tổ chức cũng như tính thống nhất của pháp luật doanh nghiệp. Một sự phân định thẩm quyền rạch ròi cũng như sự đảm bảo quyền tự chủ của bộ máy quản lý doanh nghiệp có thể giúp hạn chế trình trạng “dây chuyền trách nhiệm” và qua đó, giúp xác định và xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan một cách chính xác khi xảy ra thất bại trong kinh doanh./.

[1] Tờ trình của Chính phủ về Dự án LDN, tháng 10/2005 [mục I.].

[2] Tờ trình của Chính phủ, Tlđd, mục IV.2.

[3] Xem: Điều 52 Luật Doanh nghiệp nhà nước [Luật số 14/2003/QH11] ngày 10/12/2003 quy định về mối quan hệ giữa tổng công ty do Nhà nước đầu tư và thành lập với các đơn vị thành viên.

[4] Tham khảo: Trần Ngọc Đường, “Tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội nước ta hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11/2005, tr. 3-8 [7].

[5] Tờ trình của Chính phủ về Dự án LDN, Tlđd [mục IV.2.].

[6] Khoản 6 Điều 68 LDN 2005.

[7] Khoản 3 Điều 69 LDN 2005.

[8]Tuy nhiên, LDN 2005 không nhất quán, khi quy định việc thông qua quyết định của HĐTV lại được tính theo tỉ lệ số thành viên dự họp chấp thuận [xem: khoản 6 Điều 68].

[9] Khoản 1 Điều 68, khoản 1 Điều 69 LDN 2005.

[10] Khoản 2, Điều 68, khoản 2 Điều 69 LDN 2005.

[11] Điều 20 Nghị định 25/2010/NĐ-CP.

[12] Điều 27 Nghị định 25/2010/NĐ-CP.

[13] Khoản 12 Điều 20, khoản 3 Điều 27 Nghị định 25/2010/NĐ-CP.

[14]Xem: khoản 2 Điều 42 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dệt May Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 118/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 [Điều lệ VINATEX]

[15] Xem:khoản 5 Điều 23, khoản 11 Điều 42 Điều lệ VINATEX.

[16]Xem: Điều 47 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 149/2013/NĐ-CP ngày 31/10/2013.

[17]Xem: Điều 32 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 175/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013.

[18]Xem: Điều 33 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 183/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013.

[19]Xem: Điều 32 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 184/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013.

[20]Ví dụ: Điều lệ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất ngày ban hành kèm theo Quyết định số 460/QĐ-HĐTV ngày 01/10/2013 của HĐTV Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam.

[21] Khoản 2 Điều 68, khoản 2 Điều 69 LDN 2005.

[22]Dự thảo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự án LDN [sửa đổi], tháng 3/2014 [Mục I.2.i], III.7., IV.4]; Dự thảo lần 4 LDN [sửa đổi] - bản trình UBTVQH, tháng 4/2014.

[23]Dự thảo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và đầu tư về Dự án LDN [sửa đổi], tháng 3/2014 [mục I.2.i]

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 10[266], tháng 5/2014]

Chủ Đề