Đảm bảo chất lượng trong giáo dục là gì

- Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; sau đây gọi chung là Luật Giáo dục đại học.

- Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.

- Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

- Trước hết, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học là sự đáp ứng mục tiêu do cơ sở giáo dục đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật giáo dục đại học, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học là việc thu thập, xử lý thông tin, đưa ra những nhận định dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá đối với toàn bộ các hoạt động của cơ sở giáo dục, bao gồm: đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng và kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục.

- Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Hoạt động đánh giá đó có thể là việc tự đánh giá của cơ sở giáo dục đại học hoặc việc đánh giá ngoài bởi tổ chức chuyên thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tự đánh giá là quá trình cơ sở giáo dục tự xem xét, nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để báo cáo về thực trạng chất lượng giáo dục, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác để cơ sở giáo dục tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Còn đánh giá ngoài là quá trình khảo sát, đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xác định mức độ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

- Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là mức độ yêu cầu và điều kiện mà cơ sở giáo dục phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn ứng với một lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục; trong mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí. Tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là mức độ yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.

- Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học bao gồm:

+ Cơ sở giáo dục đại học.

+ Chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Căn cứ vào Điều 49 của Luật Giáo dục đại học quy định về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học như sau:

- Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

- Hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học được quy định tại Khoản 4 Điều 49 của Luật Giáo dục đại học như sau:

- Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

- Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn.

- Làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo.

- Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo; cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Tại Khoản 5 Điều 49 của Luật Giáo dục đại học quy định về nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục đại học như sau:

- Độc lập, khách quan, đúng pháp luật.

- Trung thực, công khai, minh bạch.

- Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.

Khi kiểm định chất lượng giáo dục đại học thì cần tuân thủ tất cả các nguyên tắc trên bởi dựa vào việc đánh giá chất lượng giáo dục đại học có thể phân loại và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học đó; tạo môi trường giáo dục công bằng và làm nền tảng phát triển lâu dài để mang lại tri thức tốt nhất cho thế hệ mai sau. Hãy thử tưởng tượng nếu việc đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học mà không công bằng, không trung thực, khách quan thì việc hệ lụy có thể khôn lường như thế nào, khi mà người học phải học tại những ngôi trường, cơ sở giáo dục không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu nhất.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục đại học

Luật Hoàng Anh

I. Giới thiệu chung

Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học là vấn đề mới triển khai trong vòng hơn 10 năm nay ở Việt Nam. Nhiệm vụ quan trọng của cơ sở giáo dục đại học là quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục, tiến gần tới chuẩn chất lượng của các trường đại học trong khu vực và thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường, ngay từ năm 2006, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã quyết định thành lập Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục [Quyết định số 1784/QĐ-XHNV-TC]. Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục có chức năng và nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban Giám hiệu trong công tác quản lý, đánh giá chất lượng, kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn Trường.

Hoạt động đảm bảo chất lượng trong Trường ĐHKHXH&NV được thực hiện dựa trên sứ mệnh, mục tiêu, triết lý giáo dục và chính sách chất lượng của trường.

Triết lý giáo dục: Giáo dục khai phóng.

Chính sách chất lượng của nhà trường:             

  • Coi người học là trung tâm, lấy giảng viên là động lực trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học;
  • Thường xuyên đánh giá, đổi mới chương trình đào tạo, nội dung giáo trình, bài giảng áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học của người học;
  • Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ hành chính và cán bộ quản lý có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội;
  • Luôn luôn quan tâm và tạo môi trường thuận lợi để người học tự do phát triển năng lực sáng tạo của mình;
  • Định kỳ xem xét, cải tiến phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng các lĩnh vực hoạt động của Trường.

II. Kết quả tiêu biểu

1. Đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng Nhà trường và chương trình đào tạo

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng là minh chứng quan trọng để giải trình chất lượng giáo dục với xã hội, là căn cứ để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ năm 2006 đến năm 2012, Nhà trường đã được đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà trường và khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội [2006]. Trường cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ và là một  trong hai mươi trường đầu tiên  tại Việt Nam được đánh giá và đạt kết quả tốt. Đặc biệt, năm 2012, Trường đã được đánh giá chu kỳ 2 theo bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN với kết quả  60/61 tiêu chí đạt chuẩn. Năm 2015, Trường được kiểm định chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Trường đã được Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng Quốc gia.

Nhằm nâng cao chất lượng về đào tạo cũng như giảng dạy, các chương trình đào tạo cử nhân của nhà trường đã được Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm định chất lượng như: Ngôn ngữ học, Lịch sử, Du lịch, Quốc tế học, Lưu trữ và Quản trị và văn phòng, Đông phương học. Để tiếp cận tới chuẩn chất lượng trong khu vực, Chương trình đào tạo cử nhân ngành Ngôn ngữ học của Nhà trường đã tham gia tự đánh giá và đánh giá ngoài theo Bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á [AUN] và đạt mức 4,57/7. Trong năm 2015, chương trình đào tạo thứ hai tiếp tục được đánh giá theo chuẩn khu vực [AUN] là Chương trình đào tạo cử nhân ngành Đông phương học. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao của Nhà trường đang triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài gồm các ngành Văn học, Triết học và Khoa học quản lý và Lịch sử.

Trong giai đoạn 2015-2020, nhà trường đã xây dựng kế hoạch 100% các chương trình đào tạo đại học được đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn khác nhau trong đó có 35% các CT ĐT được đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á [AUN-QA].

Tính đến nay, Nhà trường đã có 6 chương trình đào tạo đại học được đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á [AUN-QA], 03 chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo và 10 chương trình đào tạo được đánh giá đồng cấp theo định hướng tiêu chuẩn AUN-QA.

Các chương trình đào tạo đã được đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA:

  • Chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ học [2013].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Đông Phương học [2015].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Triết học [2016].
  • Chương trình đào tạo đại học ngànhVăn học [2017].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Tâm lý học [2018].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Xã hội học [2018].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Lịch sử [2019].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Chính trị học [2020].

Các chương trình đào tạo đã được kiểm đinh chất lượng theo tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo:

  • Chương trình đào tạo đại học ngành Tâm lý học [2017].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Việt Nam học [2017].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Quốc tế học [2019].

Các chương trình đào tạo đã được đánh giá chất lượng đồng cấp định hướng theo tiêu chuẩn AUN -QA:

  • Chương trình đào tạo đại học ngành Xã hội học [2014].
  • Chương trình đào tạo đại học hệ chất lượng cao ngành Văn học [2015].
  • Chương trình đào tạo đại học hệ chất lượng cao ngành Triết học [2015].
  • Chương trình đào tạo đại học hệ chất lượng cao ngành Khoa học Quản lý [2015].
  • Chương trình đào tạo đại học hệ chất lượng cao ngành Lịch sử [2016].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Xã hội học [2016].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Báo chí [2017].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Chính trị học [2017].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Nhân học [2017].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành [2017].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Công tác xã hội [2020].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Khoa học quản lý [2020].
  • Chương trình đào tạo đại học ngành Quản trị văn phòng [2020].

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường cũng như nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, hoạt động cải tiến chất lượng đã được xây dựng kế hoạch và triển khai theo đúng tiến độ. Nhà trường đã có kế hoạch hành động cải tiến chất lượng trong các hoạt động nhà trường đến năm 2021. Những chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN cũng đã  xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng theo khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài.

2. Hoạt động khảo sát các bên liên quan

Nhà trường thực hiện tốt việc khảo sát lấy ý kiến các bên liên quan nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường. Hàng năm, các hoạt động khảo sát được thực hiện gồm:

  • Lấy ý kiến phản hồi của người học về học phần [100% học phần được lấy ý kiến bằng hình thức trực tuyến].
  • Lấy ý kiến phản hồi của nhà sử dụng lao động.
  • Lấy ý kiến phản hồi của cựu sinh viên.
  • Lấy ý kiến của người học sắp tốt nghiệp.
  • Lấy ý kiến của người học về các hoạt động hỗ trợ học tập.
  • Giảng viên tự đánh giá.

Kết quả khảo sát, đánh giá được sử dụng để cải tiến chất lượng nhà trường và các chương trình đào tạo.

3. Phát triển văn hóa chất lượng

  • Các qui trình về hoạt động đảm bảo chất lượng trong trường đã được xây dựng và phổ biến tới các đơn vị.
  • Công tác đào tạo cán bộ có kiến thức về đảm bảo chất lượng được triển khai thực hiện thông qua hình thức tham gia các khóa tập huấn, tổ chức các buổi trao đổi, học tập kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng với các chuyên gia nước ngoài.
  • Nhà trường tham gia vào mạng lưới ASEAN-QA.
  • 02 hội thảo về đảm bảo chất lượng đã được tổ chức gồm: “Kiểm định, đánh giá và quản lý chất lượng đào tạo đại học” [2008] và “Văn hóa chất lượng trong trường đại học” [năm 2010].
  • Ngoài ra, công tác truyền thông về giá trị, ý nghĩa và lợi ích của chất lượng và việc thực hiện văn hóa chất lượng liên tục được phổ biến tới đội ngũ cán bộ trong nhà trường.

III. Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2020-2025

Trong Chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2025 và tầm nhìn 2035, hoạt động đảm bảo chất lượng của Trường tập trung vào các vấn đề sau:

  • Tăng cường văn hóa chất lượng từ tiến độ đến hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Trường;
  • Chuyên nghiệp hóa các hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu;
  • Xây dựng tinh thần cộng đồng, cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc chung vì sự phát triển của Nhà trường;
  • Đặt chất lượng phù hợp với chiến lược và mục tiêu lên hàng đầu;
  • Tiến tới thực hiện kiểm định chất lượng nhà trường theo tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á [AUN-QA];
  • 100% các chương trình đào tạo cử nhân và 30% chương trình đào tạo thạc sĩ được kiểm định chất lượng và đánh giá chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Đảm bảo chất lượng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của Trường ĐHKHXH&NV vì tầm quan trọng của hoạt động này đối với sự nghiệp phát triển của Nhà trường trong thời gian tới. Như vậy, công tác đảm bảo chất lượng cần được phát triển theo đúng định hướng của Nhà trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với xu thế phát triển chung trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ các trường đại học trong nước và trên thế giới là rất cần thiết trong tiến trình xây dựng và phát triển công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường trong thời gian tới.

Video liên quan

Chủ Đề