Đàn ông có nên chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái

Ha Noi

● 6th Floor Minh Thu Building, 92 Hoang Ngan Street, Trung Hoa Ward, Cau Giay District, Ha Noi.

Da Nang

● 4th Floor DaHan Building No.242 Tran Hung Dao Street, An Hai Tay Ward, Son Tra District.

Da Lat

● 01 Tran Quoc Toan Street, Ward 10, Da Lat City.

Binh Duong

● 29, 30/4 Street, Phu Hoa Ward, Thu Dau Mot City.

Bien Hoa

● 1st floor, No. 205 30/4 Street, Trung Dung Ward, Bien Hoa City, Dong Nai Province

Bangkok

973 President Tower 11th Floor Room No 11G-11H Unit 109 Ploenchit Rd, Lumpini, Pathumwan, Bangkok 10330.

Theo quan niệm truyền thống, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình là "tề gia nội trợ”. Nhưng, ngày nay, quan niệm ấy đã dần thay đổi. Nhiều nam giới đã cùng tham gia vào công việc nội trợ, chăm sóc con cái, giúp người phụ nữ vơi đi phần nào gánh nặng việc nhà, góp phần thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong gia đình.

Đàn ông có nên chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái

Anh Trần Huy Tâm, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên thường xuyên làm việc nhà giúp vợ. Ảnh: Dương Chung

Được gọi là người đàn ông "đảm đang", bởi khả năng quán xuyến mọi việc từ nhà cửa đến con cái, nhưng anh Trần Huy Tâm, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên luôn tỏ ra khiêm tốn và cho rằng đó là trách nhiệm của mình.

Anh Tâm cho biết: “Vợ tôi là đầu bếp cho một công ty ở Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, nên thường phải đi làm từ sáng sớm và chiều muộn mới về nhà. Tôi cũng là đầu bếp, nên phần nào thấu hiểu sự vất vả của nghề này. Vì thế, hơn 10 năm nay, tôi luôn coi việc đưa các con đi học, đón các con về, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa là niềm vui của mình.

Mỗi người có một công việc riêng, nhưng sự vất vả thì ngang nhau, nên nếu gánh vác được “những việc không tên" giúp vợ, tôi luôn sẵn sàng để vợ tôi đi làm về có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe sau 1 ngày làm việc mệt mỏi”.

Hết giờ làm việc ở cơ quan, anh Nguyễn Quang Huy, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên không ngần ngại cùng vợ nấu cơm, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa. Khi vợ phải trực tại cơ quan thì anh còn kiêm luôn cả 2 thiên chức vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm sóc cho 2 con nhỏ từ bữa ăn đến giấc ngủ. Hàng xóm, bạn bè, người thân ai cũng khen anh là người chồng tâm lý, chịu khó, có trách nhiệm với gia đình.

Ngày nay, nam giới làm việc nhà không còn là chuyện hiếm đối với nhiều gia đình, nhất là khi xã hội ngày một phát triển, văn minh, vấn đề bình đẳng giới được đề cao. Tuy nhiên, bên cạnh những người như anh Tâm, anh Huy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các ông chồng có tư tưởng gia trưởng, cho rằng việc nhà là của phụ nữ, đàn ông chỉ làm những việc lớn và họ phó mặc việc nhà cho vợ đảm đương, cáng đáng. Với quan niệm đó, nhiều ông chồng tỏ ra thờ ơ hoặc thậm chí không muốn động tay vào bất cứ việc gì mỗi khi về đến nhà.

Chị Nguyễn Thị Sen, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: "Tôi lập gia đình được 9 năm, cũng là 9 năm một mình chị làm hết việc nội trợ. Do hai vợ chồng ở cùng bố mẹ chồng và chồng chị lại được bố mẹ chiều từ bé nên chưa bao giờ chồng tôi giúp làm bất cứ một công việc gì trong gia đình. Đôi khi tôi có việc đột xuất ở cơ quan về muộn, việc cơm nước của gia đình anh cũng không động tay vào, nhất quyết chờ vợ về".

Thực tế hiện nay, phụ nữ làm việc như nam giới, họ cũng phải lao động kiếm tiền, tích cực tham gia công tác xã hội và trong số đó, không ít người đã trở thành trụ cột kinh tế chính của gia đình nhưng họ vẫn làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ. Vì thế, nếu được chồng thông cảm, chia sẻ công việc nhà, người phụ nữ sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều.

Gạt đi quan niệm, đàn ông là kiếm tiền lo cho gia đình, rất nhiều nam giới, trong đó, có không ít người thành đạt, có vị thế trong xã hội trở thành một người chồng, người bố có trách nhiệm, thường xuyên chia sẻ công việc gia đình cùng vợ con, biết tạo ra những điều mới mẻ trong cuộc sống gia đình, khiến gia đình luôn tràn ngập niềm vui.

Chị Trần Thúy Anh, Trưởng Ban Gia đình xã hội-kinh tế, Hội LHPN tỉnh cho rằng, để người chồng làm việc nhà một cách tự nguyện, thoải mái, người vợ nên lựa lúc vui vẻ để tâm sự, trao đổi với chồng về việc mình cảm thấy hạnh phúc và đỡ vất vả như thế nào khi có người chia sẻ việc nhà. Chồng tham gia làm việc nhà cùng cũng để làm gương cho con cái trong gia đình học tập.

Tuy nhiên, việc nhà cũng không nên phân chia rạch ròi, cứng nhắc mà cả vợ và chồng nên xử lý một cách linh hoạt. Đôi khi, nếu chồng bận công việc, hay vì lý do sức khỏe không thể giúp được, thì vợ cũng không nên cằn nhằn, trách móc.

Mặt khác, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mỗi gia đình cần thống nhất, bố trí, sắp xếp việc nhà sao cho hợp lý để các thành viên trong gia đình đều có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.

Bình đẳng giới trong gia đình là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để bình đẳng trong gia đình đạt mức lý tưởng thì mỗi thành viên trong gia đình cần biết sống vì nhau, sống trách nhiệm và yêu thương nhau. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức của mỗi người.

Minh Nguyệt

Sau vài tuần giãn cách xã hội tại Pháp, tôi phấn chấn vô cùng khi được trở lại văn phòng làm việc. Thế nhưng một người đồng nghiệp của tôi thì không.

Cô ỉu xìu kể rằng mình đang đệ đơn xin ly hôn. Nguyên nhân chẳng liên quan gì đến ngoại tình, hay tiền bạc, mà xuất phát từ việc người chồng quá thụ động trong việc chia sẻ việc nhà. Anh chỉ làm khi vợ nhắc, nếu không thì anh kệ. Căng thẳng lên đỉnh điểm khi cả hai phải cùng ở nhà vì COVID. 

Lý do này khiến tôi sốc còn hơn tin chính. Tôi tự hỏi có bao nhiêu cuộc ly hôn đã xảy ra vì lý do tương tự? Phụ nữ đòi hỏi sự tự giác ở nam giới trong chuyện làm việc nhà có phải là “được voi đòi tiên”?

Đồng ý rằng nam giới cùng gánh vác việc nhà, dù thụ động, đã là một bước tiến xã hội, nhưng như thế dường như là chưa đủ. 

Việc nhà: Trách nhiệm của ai? 

Ngạn ngữ Anh có câu “men make house, women make home”, rất giống với câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" mà chúng ta vẫn thường nói. Xã hội truyền thống từ Tây sang Đông đã dày công xây dựng một hệ thống năng suất, nơi người ta phân loại trách nhiệm dựa trên giới tính.

Các bé trai, bé gái, thậm chí cũng được định hướng về giới ngay từ khi chưa có ý thức về xã hội. Một ví dụ là cách phân loại các món đồ chơi, chẳng hạn như bé trai chơi ô tô, siêu nhân, lắp ghép nhà cửa, còn bé gái chơi búp bê, với bộ nồi niêu xoong chảo tí hon.

Đàn ông có nên chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái

Cách giáo dục gián tiếp này có ảnh hưởng ít nhiều đến hành vi sau này của các em. Một nghiên cứu thực hiện trên 54.000 trẻ em tại 16 quốc gia đã chỉ ra rằng các bé gái, từ 8 - 12 tuổi, có xu hướng dành thời gian để làm việc nhà nhiều hơn các bé trai.

Khi đã mặc nhiên công nhận vai trò của nam giới và nữ giới, trong xã hội lại nảy sinh những đánh giá không công bằng trên cùng một sự việc. Chẳng hạn, nếu một căn nhà bừa bộn thuộc về một người đàn ông trong cảnh “gà trống nuôi con”, mọi người sẽ thường có cái nhìn cảm thông, thương xót. Nhưng nếu căn nhà đó thuộc về một người phụ nữ đơn thân, cô có thể phải nhận những lời nhận xét ác ý như: chắc vì bừa bộn thế nên mới bị chồng bỏ. 

Cùng xuất phát từ “truyền thống” hay nói đúng hơn là “định kiến xã hội” như vậy mà mọi gánh nặng việc nhà đều dồn lên vai người vợ. Kể cả ngày nay, khi nam giới tiến bộ hơn, đã biết xắn tay áo rửa rau hay hút bụi, thì những công việc vô hình vẫn phần lớn thuộc về phụ nữ.  

Việc nhà: Gánh nặng nhận thức 

Có lẽ nhiều bạn khi đọc đến đây sẽ bắt đầu thắc mắc, có mỗi mấy việc rửa bát quét nhà trông con thôi mà, có gì mà làm quá lên thế? 

Việc nội trợ thường bị đánh giá sai lầm do chúng ta chỉ thường nhìn vào những công việc cụ thể được bày ra trước mắt như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa, thay bỉm tã, cho con ăn... Hầu như không ai để ý đến những gánh nặng đằng sau những công việc giản đơn này, vì nhiều thứ được “xử lý” ở trong đầu trước khi bắt tay vào thực hiện. Chúng còn được gọi là “gánh nặng nhận thức” (cognitive load).

Damminger, học giả xã hội học thuộc ĐH Harvard, đã chia gánh nặng nhận thức của việc nhà thành 4 nhóm: dự đoán những việc cần làm, xác định các phương án, quyết định, và giám sát kết quả.

Ví dụ, vào tháng 9 năm tới con bắt đầu đi học lớp 1, thì từ đầu năm người mẹ đã bắt đầu phải suy nghĩ về việc tìm trường cho con, sau đó cân nhắc giữa một số trường công/tư, tiếp theo mới quyết định cho con học trường nào. Cuối cùng, người mẹ sẽ lo liệu các thủ tục cần thiết để đảm bảo con được nhận. 

Hay với công việc đơn giản hơn là nấu cơm thì người phụ trách công việc này cũng phải tính toán hôm nay ăn gì, mua ở đâu, khi nào mua, chọn thực phẩm thế nào... 

Đàn ông có nên chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái

Qua khảo sát được thực hiện năm 2019, Damminger nhận thấy các cặp vợ chồng thường cùng nhau ra quyết định, nhưng người vợ mới là người đảm nhiệm các khâu từ đầu đến cuối. 

Không dừng lại ở đó, một năm sau, Damminger tiếp tục phỏng vấn những cặp đôi đã tham gia vào khảo sát năm 2019 để tìm hiểu kỹ hơn về sự phân chia này. Nhiều nữ giới đưa ra lý do họ nhận về phần mình nhiều gánh nặng nhận thức hơn là do thời gian họ làm việc (kiếm tiền) ít hơn. Tuy nhiên, điều này không hẳn là luôn đúng. Một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu Oxford, Cambridge và Zurich cho thấy người vợ làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn người chồng ngay cả khi họ có thu nhập bằng nhau. 

Trong khi đó, lý do các ông chồng đưa ra là vợ họ giỏi sắp xếp hay cắt đặt hơn. Nhưng tiếc thay, các nhà khoa học lại chỉ ra rằng đó chỉ là nhận định rất cá nhân. Còn thực tế, phụ nữ không tự nhiên sinh ra đã giỏi sắp xếp hay lên kế hoạch hơn, cũng chẳng ai giỏi đa nhiệm (multitask) hơn ai cả. Chỉ là vì họ phải làm nhiều mà trở nên thành thục hơn thôi.  

Việc nhà: Chia sẻ ra sao? 

Trong những năm gần đây, việc các ông chồng làm việc nhà đã không còn quá xa lạ nữa. Tuy nhiên, khi bàn sâu về “gánh nặng nhận thức” thì thực tế là những công việc vô hình vẫn chưa được chia sẻ ở mức độ xứng đáng. Chúng vẫn còn gây cản trở đối với người phụ nữ, trên cả con đường sự nghiệp, lẫn sức khoẻ về thể chất và tinh thần.

Nghiêm trọng hơn, đây cũng có thể là mối đe doạ cho đời sống vợ chồng và hạnh phúc gia đình. Dữ liệu từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Pháp đều tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ đệ đơn tăng vọt. 

Để thực sự san sẻ gánh nặng nội trợ và chăm sóc con cái với vợ, các ông chồng nên đảm bảo cung cấp “dịch vụ trọn gói”. Ví dụ, nếu anh là người chịu trách nhiệm thay bỉm cho con, ngoài việc anh cần tự giác làm khi con cần, anh nên biết loại bỉm nào tốt nhất cho con, biết mua bỉm dự trữ cho con, mua bao nhiêu và mua ở đâu có giá tốt, và kể cả là đảm nhiệm tập cai bỉm cho con. 

Trong hành trình học hỏi của các ông chồng, các bà vợ cũng nên có cái nhìn thông cảm và bao dung hơn, chứ đừng tặc lưỡi, thở than kiểu “anh làm một thì bày ra mười, tôi còn mệt hơn”. Đừng vội tước đoạt cơ hội “nâng cao tay nghề”, và cả hạnh phúc chăm sóc gia đình của các ông chồng khi họ còn chưa kịp trải nghiệm nó. 

Đàn ông có nên chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái

Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đang phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Nhiều gia đình cả vợ chồng con cái đều ở nhà 24/7. Các đầu việc nhà cũng vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần. Để mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì việc chia sẻ giữa vợ chồng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Lúc này điều quan trọng nhất là cả hai nói chuyện với nhau thường xuyên hơn, cùng trao đổi có tính xây dựng. Đừng để “một điều nhịn chín điều lành” quá nhiều mà dẫn đến “tức nước vỡ bờ”. 

Khi những công việc trong nhà được san sẻ hài hoà hơn, thì cả đàn ông và phụ nữ đều đang xây tổ ấm. Không còn ai là “lãnh đạo”, hay ai “trợ giúp”.

Chúng ta có thể sẽ bị đánh giá khi mới bắt đầu, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc đáng được hưởng về sau. Có hạnh phúc nào mà không cần phải đánh đổi mồ hôi và nước mắt, đúng không?!