Đánh giá chuyên đề stem ở tiểu học

Trong những năm gần đây STEM là một mô hình giáo dục được đưa vào áp dụng rất phổ biến trong các nhà trường. STEM là chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học- theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.

Thực hiện Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 của Bộ Giáo dục Đào tạo về việc triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học; thực hiện Kế hoạch Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, triển khai hiệu quả phương pháp giáo dục STEM trong các trường trung học tỉnh Ninh Bình”, được sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Điệp, chiều ngày 15/5/2022, trường THCS Đồng Giao thành phố Tam Điệp đã tổ chức thành công chuyên đề STEM liên môn Toán – KHTN - Công nghệ với chủ đề: “Thiết kế, chế tạo cầu bập bênh”.

Về dự và chỉ đạo buổi chuyên đề có đồng chí Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng chí  Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đồng chí Mai Quang Túc,Thành uỷ viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Điệp; cùng các đồng chí là lãnh đạo, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo các trường THCS, giáo viên cốt cán các môn Toán, Vật lí, Công nghệ, Mỹ thuật, Tiếng Anh của tỉnh; các thày cô giáo trong Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm, 600 học sinh khối 6,7 trường THCS Đồng Giao.   

            Các đại biểu và Hội đồng sư phạm nhà trường                                              Toàn cảnh Hội thi

Buổi chuyên đề diễn ra dưới hình thức Hội thi gồm 4 phần: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Về đích với 3 đội chơi: Thông thái, Đam Mê và Sáng tạo. Các phần thi diễn ra sôi nổi trong không khí hào hứng của các em học sinh. Đây chính là dịp để các em được trải nghiệm, được tập làm những nhà phát minh, được gắn kiến thức lý thuyết với thực tế, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở học sinh.

                          Phần thi Khởi động                                                     Phần thi Vượt chướng ngại vật

             Phần thi Về đích

Phần thi Khởi động với các tiết mục hát múa, hò vè, kịch… liên quan đến chủ đề Thiết kế chế tạo cầu bập bênh… thật hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Ở phần thi Vượt chướng ngại vật các đội chơi phải trả lời các câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận liên quan đến nội dung kiến thức của các môn học và vận dụng trong thực tế. Các câu hỏi rất sáng tạo bởi nó kết hợp được với các kiến thức về văn hóa, xã hội, thể thao,… tạo được sự hứng thú cho học sinh. Phần thi Tăng tốc theo thứ tự bốc thăm các đội cử đại diện lên báo cáo quá trình làm sản phẩm của đội mình có minh họa bằng các hình ảnh, video clip. Đặc biệt các em đã biết kết hợp thuyết trình bằng tiếng Anh tạo màu sắc phong phú cho phần thi. Cuối cùng là phần thi Về đích, phần thi này rất quan trọng bởi nó thể hiện khả năng vận dụng các kiến thức đã học từ các bộ môn Toán học, Vật lý, Công Nghệ, Mỹ thuật vào thực tế của học sinh. Các đội chơi đã tiến hành hoàn thiện, trình bày, thảo luận để có hướng điều chỉnh sản phẩm. Ở phần thi Về đích học sinh được tham gia phản biện cùng với thầy cô giáo và các bạn để có hướng hoàn thiện sản phẩm tốt nhất, vì vậy các em tỏ ra rất chủ động và tích cực trong các hoạt động. Những chiếc cầu bập bênh được thiết kế, chế tạo với nhiều nguyên vật liệu khác nhau như: Gỗ, sắt, lốp ô tô…đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật, trang trí đẹp mắt, tích hợp được kiến thức của bộ môn Toán với các bộ môn khác. Nhìn nét mặt vui tươi, phấn khởi của các em khi ngồi chơi trên chính những chiếc cầu bập bênh do mình chế tạo mới thấy phương pháp giáo dục Học thông qua hành, Học mà chơi, chơi mà học rất hiệu quả.

Kết thúc hội thi Ban tổ chức đã trao giải cho ba đội chơi: Giải Nhất đội Thông Thái, giải Nhì đội Sáng tạo và giải Ba là đội Đam mê.

                       Các đội chơi thử nghiệm sản phẩm                                            Phần trao thưởng

Buổi chuyên đề là một hoạt động vô cùng có ý nghĩa góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới giáo giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, phát triển năng lực người học. Từ Chuyên đề này hi vọng giáo dục STEM sẽ được lan tỏa rộng khắp tới tất cả các trường phổ thông trong toàn tỉnh./.

                  Vũ Thị Hồng Nga – phòng GDTrH

 phối hợp với Trường THCS Đồng Giao, TP. Tam Điệp

Chủ Đề