Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

Cách đây 75 năm, trong thư gửi đồng bào tản cư, ngày 17-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết; “Tôi và Chính phủ không giờ phút nào không lo lắng đến các đồng bào. Bây giờ đang cực khổ, thì chúng ta vui chịu với nhau. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau vui sướng, con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ”… Ý chí tự lực, tự cường luôn được Bác nhắc đến trong mọi hoàn cảnh, tư tưởng ấy của Người có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Câu chuyện nhỏ…


Đọc những câu chuyện kể về Người, có thể thấy, tinh thần tự lực, tự cường của Bác luôn hiện hữu, từ lúc còn là anh thanh niên 21 tuổi trong một lần đi dạo ở Sài Gòn đã bất chợt thổ lộ với người bạn tên Lê rằng mình muốn đi nước ngoài “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Khi bạn hỏi lại lấy tiền đâu mà đi, anh Ba - tên gọi lúc ấy của Bác đã giơ hai bàn tay lên và nói: “Đây, tiền đây”. Và Bác đã đi ra nước ngoài bằng chính đôi bàn tay của mình, làm nhiều nghề khác nhau, đi khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu dân, cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giải phóng cho dân tộc.


Đó là sự kiên nhẫn, sự kiên nhẫn ấy đã tạo nên sức mạnh phi thường về ý chí và nghị lực của một người thanh niên yêu nước quyết tâm tìm đường cứu nước. Dù bất cứ ở đâu, trên cương vị nào, Bác cũng luôn thể hiện tinh thần này. Có một câu chuyện nhỏ: Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi, Bác Hồ cùng một số cán bộ từ Việt Bắc trở về Thủ đô. Trên đường đi, Người ghé lại một địa phương nọ, dừng lại xem các khẩu hiệu cách mạng kẻ trên tường. Chợt nhìn thấy hàng dãy cờ căng trước cổng thôn, Bác hỏi: “Sao các chú lại làm cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước Đồng minh?”. Một đồng chí thưa: “Dạ, giấy đỏ và vàng nhân dân mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ! Vì muốn cho đủ nên chúng cháu phải cắt nhỏ đi một chút ạ”. “Không nên”, Người khẽ lắc đầu và bảo: “Các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước khác. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình”. Một chi tiết nhỏ vậy thôi nhưng là bài học lớn. Lúc nào Bác cũng nhắc đến tự trọng, tự lực, tự cường - bởi có tự trọng thì mới tự cường, có tự lực thì mới bền vững. Cao hơn nữa đó chính là khát vọng xây dựng đất nước, một đất nước đi lên từ sự vượt khó, từ tinh thần đoàn kết, từ sự cần cù, sáng tạo… Như lời Người kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước năm 1966: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Người vẫn luôn có niềm tin cháy bỏng về tương lai của đất nước, bởi dân tộc Việt Nam đã đứng lên bằng tinh thần quật cường, bằng sức mạnh đoàn kết, bằng ý chí tự cường. Đó là sức mạnh không gì lay chuyển được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. Ảnh: Tư liệu

Bài học lớn


Đọc Hồ Chí Minh toàn tập, có thể thấy rõ tư tưởng tự lực, tự cường luôn toát lên trong từng câu nói của người. Chẳng hạn như, quan điểm của Người về 5 điểm trong lĩnh vực văn hóa, trong đó điểm đầu tiên về xây dựng tâm lý, Bác nhấn mạnh phải xây dựng tinh thần độc lập tự cường. Đối với nhân dân, Người nói: “Mỗi người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Đối với học sinh, Bác răn dạy: “Cốt nhất là phải cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có ý chí tự lực tự cường. Quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ…”. Đối với người làm báo, Bác nhắn nhủ: “Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn chứ không chịu thua khó khăn”. Với phụ nữ, Bác khuyên: “Phụ nữ ta phải xóa bỏ tâm lý tự ti, ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”…


Theo Hồ Chí Minh, Việt Nam không chỉ cần tự lực, tự cường trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập mà còn phải tự lực, tự cường cả trong việc xây dựng chế độ mới. Người căn dặn, trong mọi hoàn cảnh, luôn phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”. Những lời dạy của Bác cho đến hôm nay, đã trở thành động lực phấn đấu và cống hiến, là kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của chúng ta. Có thể thấy rõ điều này trong đại dịch Covid-19. Khi mà cả nước đối mặt với những thử thách, khó khăn chưa từng có tiền lệ, chúng ta đã phát huy sức mạnh nội lực, nhà nhà giúp nhau, người người giúp nhau để cùng vượt qua… Tinh thần ấy đã lan tỏa và trở thành sức mạnh đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ vậy, chúng ta cũng đã vận dụng tư tưởng của Người trong việc tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ của thế giới để nhân lên sức mạnh của nội lực. Bởi, như Người khẳng định, việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường hoàn toàn không loại trừ việc tranh thủ sự giúp đỡ của thế giới trên nguyên tắc lấy nội lực làm nhân tố quyết định. Trải qua giai đoạn phòng, chống dịch cam go trong 2 năm qua, chúng ta càng thêm hiểu sức mạnh của dân tộc được quy tụ bởi sức mạnh của mỗi con người.


Tết Nhâm Dần năm nay lại nhớ đến một câu chuyện nhỏ vào Tết Nhâm Dần 1962. Năm ấy, nghệ sĩ Đinh Thìn - một nghệ sĩ sáo trúc lừng danh được vinh dự vào thăm Bác Hồ và thổi sáo phục vụ Người. Bác nghe xong khen hay, rồi Bác mượn cây sáo để thổi thử nhưng sáo không kêu. Lúc bấy giờ, nghệ sĩ Đinh Thìn mạnh dạn hướng dẫn Bác cách bấm sáo. Bác nói vui: “Không thầy đố mày làm nên”. Rồi Bác hỏi: “Sáo này, chú làm hay mua?”, Đinh Thìn đáp: “Thưa Bác, cháu làm lấy ạ!”. Bác khen: “Tự lực cánh sinh như thế là tốt”.


Một câu nhận xét ngắn của Bác nhưng dường như đây thực sự là lời căn dặn dành cho mỗi người. Nếu mỗi cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên, có học tập, có nỗ lực, có phấn đấu thì mới có thể tự lực cánh sinh, từ đó tự lực, tự cường. Nếu có nhiều những cá nhân biết tự lực tự cường, tập thể ấy chắc chắn sẽ phát triển vững mạnh.


Bài học sâu sắc ấy, có lẽ sẽ còn giá trị mãi theo thời gian..

Theo //www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202202/tu-bai-hoc-tu-luc-tu-cuong-cua-bac-ho-8242414/

Theo //tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/11400/Tu-bai-hoc-tu-luc,-tu-cuong-cua-Bac-Ho%E2%80%A6

Hàng chục vạn thanh niên Thủ đô đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN

1. Thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước trước ngàn vạn điều cay đắng của cuộc đời, Bác Hồ đã sớm cảm nhận một cách sâu sắc: “Cay đắng chi bằng mất tự do”, không có tự do thì không còn hạnh phúc. Quan niệm hạnh phúc được Người khái quát trong tiêu ngữ “ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được gắn liền với Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, trở thành mục tiêu phấn đấu cho toàn dân, trở thành cơ sở cho mọi suy nghĩ và hành động.

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ đã khẳng định quyết tâm chiến lược của dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là ý chí, là nguyện vọng của toàn dân Việt Nam, là chân lý của thời đại.

Hưởng ứng lời kêu gọi vang dậy núi sông đó của Bác Hồ, quân và dân ta từ Nam ra Bắc, phát huy lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lại được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè thế giới, đã làm phá sản hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965 - 1966 và năm 1966 - 1967 của Mỹ - ngụy. Chúng ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - là đòn sét đánh làm cho hơn 1,2 triệu quân Mỹ - ngụy và chư hầu trở tay không kịp, phải kinh hoàng, lúng túng, dồn đế quốc Mỹ ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự chiến lược. Quân dân miền Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bắn rơi trên 3.000 máy bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn bị thương hơn 150 tàu chiến của địch. Đó là đòn giáng vào chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, mở ra một cục diện mới, buộc đế quốc Mỹ phải thương lượng với ta ở Hội nghị Paris.

Cùng với chiến thắng trên tiền tuyến, ở khắp hậu phương miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi. Công nhân có cuộc vận động “Ba xây, ba chống”, nông dân có cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, phụ lão một số nơi có phong trào “Bạch đầu quân”, thanh niên cả nước có phong trào “Năm xung phong”... Nhân dân ta nêu cao khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”. Địch đánh phá mạnh hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, do đó, bằng mọi cách phải duy trì được sản xuất. Muốn đánh thắng, trước hết phải bảo đảm được sản xuất. Muốn đánh thắng, trước hết phải bảo đảm cho quân dân ta được ăn no. Bác Hồ quan tâm hàng đầu đến sản xuất nông nghiệp khi cho rằng: “Dù khó khăn đến mấy, vấn đề lương thực cũng phải giải quyết cho được. Nếu không làm được lúa, phải chuyển nhanh, thiếu cơm có khoai, thiếu khoai có sắn”.

2. Được soi sáng bởi chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 thu được thắng lợi lớn, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch, tình thế có lợi cho ta, làm chuyển biến cục diện chiến tranh để quân dân ta tiến lên giành thắng lợi to lớn mới. Bị thua đau ở miền Nam, chính quyền R.Nixon mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều vùng khác trên miền Bắc, hòng đưa chúng ta “trở về thời kỳ đồ đá” . Đó là hành động tuyệt vọng của chúng. Với khí phách quật cường “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ”, quân dân ta đã lập chiến công “Điện Biên Phủ trên không”, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 “pháo đài bay” B52 của đế quốc Mỹ.

Tính chung từ ngày 5-8-1964 [ngày máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc] đến ngày 17-1-1973, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 4.181 máy bay Mỹ, trong đó có 68 B52, 13 F-111, bắt sống 472 phi công và tiêu diệt hàng ngàn giặc lái; 271 lần bắn chìm, bắn cháy tàu chiến và tàu biệt kích Mỹ. Thua đau ở Việt Nam, ngày 27-1-1973, chính quyền R.Nixon phải ký Hiệp định Pari. Ngày 29-3-1973, đội quân viễn chinh Mỹ phải âm thầm, cay đắng cuốn cờ về nước.

Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thanh Hóa vừa sản xuất nông nghiệp, vừa sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Tư liệu

3. Thừa thắng, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 55 ngày đêm tiến công, ta đã “đánh cho ngụy nhào”, tiêu diệt và làm tan rã hơn 1 triệu quân địch và 1,5 triệu tên thuộc lực lượng phòng vệ dân sự. Vào 10h45 phút ngày 30-4-1975, ta chiếm Dinh Độc Lập. Từ đây đất nước ta thống nhất, giang sơn ta thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ và làm sáng ngời hiện thực của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, để đi tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo con đường Người đã vạch ra: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi... Máy sẽ chắp thêm tay cho con người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà... là con đường ấm no thật sự của nhân dân ta”.

Thực tế lịch sử đã cho thấy tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mãi mãi là niềm tin và tự hào của loài người, vì đó là chân lý vĩnh hằng cho mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi giai đoạn và ở mọi thời kỳ lịch sử. Lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng cho dân tộc Việt Nam và cho tất cả những người yêu nước trên khắp năm châu đang đấu tranh cho hòa bình, tự do và độc lập dân tộc. Trong số những người con xuất sắc trên hành tinh chúng ta, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi lên như một ngôi sao sáng chói. Câu nói bất hủ của Người “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” vang lên thức tỉnh những người yêu nước, thúc giục họ đứng lên trong cuộc đấu tranh thiêng liêng vì tự do...

TIẾN SĨ TRẦN VIẾT HOÀ

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề