Di tích gò ông tùng ở đâu

Di tích khảo cổ học Gò Tháp được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện và công bố vào khoảng những năm cuối của thế kỷ XIX, với tên gọi Prasat Pream Loven [Chùa năm gian]. Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại địa điểm này nhiều loại hình di tích, như di tích cư trú, mộ táng, kiến trúc…, phân bố trên địa bàn rộng, đặc biệt, tại khu vực này đã phát hiện được tượng thần Vishnu, Shiva bằng đá sa thạch, có khắc hoa văn và minh văn…

Trong thời kỳ lịch sử cận, hiện đại, khu di tích này gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta - Nơi đây từng là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong thời kỳ đầu chống Pháp. Trong khoảng những năm 1946 - 1948, Gò Tháp là căn cứ địa của xứ Ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Khu ủy Khu 8… Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 502 [những người con của quê hương Đồng Tháp] đã đánh sập Viễn vọng đài của quân địch tại đây.

Hiện nay, tại khu vực này còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học khá tiêu biểu, như:

Gò Tháp Mười: là gò cao nhất, mặt gò xuất lộ nhiều gạch và những khối đá lớn, lòng gò còn khối kiến trúc xây bằng gạch, phần Bắc nằm dưới phế tích ngôi tháp 10 tầng [dựng năm 1956 - 1958], phần Nam còn tương đối nguyên dạng.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại đây dấu vết đền thờ thần Vishnu và nhiều hiện vật [02 tượng Vishnu, cánh tay tượng đá, rãnh Yoni vỡ, khuôn đúc đồ trang sức…] thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo.

Gò Minh Sư: nằm cách di tích Gò Tháp Mười khoảng 400m về phía Bắc- Đông Bắc. Gò cao 3,96m, rộng khoảng 1200m2, dạng gần vuông..., mặt gò xuất lộ nhiều mảnh gốm cổ, gạch vỡ, chân tượng cùng nhiều khối đá cuội.

Gò Bà Chúa Xứ: cách Gò Tháp Mười khoảng 570m về phía Bắc. Năm 1984, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật tại di tích này và phát hiện được nền móng gạch của công trình kiến trúc cổ…

Hố thám sát GT84 - BCX1: được mở ở đỉnh gò phía Tây. Về cơ bản, địa tầng của khu vực này đã bị xáo trộn khá mạnh. Dựa vào những kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học cho rằng, lớp đất bên dưới đỉnh gò đã được xử lý và mang những dấu hiệu của hiện tượng xây đắp.

Hố thám sát GT84 - BCX2: nằm tại phía trước Linh Miếu Bà. Trong địa tầng xuất lộ những vỉa gạch xây và một khối nền kiến trúc cổ [dài 25m, rộng 13,8m], có niên đại cách ngày nay khoảng trên 1.500 năm, gắn với văn hóa Phù Nam. Đây là dạng kiến trúc cổ thường gặp ở khu vực Đông Nam Á và Đông Dương.

Miếu Bà Chúa Xứ [Linh Miếu Bà]: dựng năm 1973, quay hướng Đông Nam, tường xây bằng gạch. Miếu gồm ba gian, gian giữa thờ Bà Chúa Xứ, hai gian bên đặt khám thờ Tả ban và Hữu ban.

Chùa Tháp Linh [Tháp Linh tự]: có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Công”, gồm các hạng mục: cổng, sân, chùa, đài Quán Thế Âm, chánh điện, hậu Tổ, nhà tăng ni.

Miếu Hoàng Cô: xưalà nơi thờ bà Nguyễn Phúc Hồng Nga, em gái của vua Gia Long. Năm 2007, Ban Hội hương Gò Tháp đã phục hồi lại miếu bằng vật liệu hiện đại…

Mộ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều: được xây dựng sau khi ông mất [1866]. Địa điểm này vốn là nền đồn Trung, thuộc đại bản doanh Gò Tháp, nơi ông đã từng đóng quân. Tháng 10 năm 1954, Cao Đài Liên minh đã cho xây mộ bằng vật liệu vữa, gạch, xi măng. Hiện nay, mộ nằm phía sau đền thờ chính, xung quanh xây tường rào kiên cố, mái đúc bằng bê tông, cột tròn, thân mộ ốp đá hoa cương, phía trước gắn bia đá,

Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều: xây dựng năm 1958, thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đến năm 1991, đền được sửa chữa và thờ thêm Thiên hộ Võ Duy Dương, vì địa điểm này cũng từng là đại bản doanh mà Thiên hộ Võ Duy Dương đã chiêu mộ nghĩa quân chống lại thực dân Pháp. Các hạng mục chính của đền hiện nay gồm: nghi môn, tượng đài, chính điện…

Hằng năm, tại di tích Gò Tháp tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của Bà Chúa Xứ - ngày 15 tháng 3 [Âm lịch] và hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều - ngày 15 tháng 11 [Âm lịch]. Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh và trình diễn dân gian thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân sở tại và du khách thập phương.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 27/09/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp là Di tích quốc gia đặc biệt [Quyết định số 1419/QĐ-TTg].

Cảnh Toàn [Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa]

DIỄN TRÌNH KHẢO CỔ HỌC VỀ VĂN HÓA ÓC EO – VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM

Hà Kim Phuong

Văn hóa Óc Eo với di tích Ba Thê được xem như một cột mốc để xác định các giai đoạn phát triển và nghiên cứu đối với nền văn hóa rực rỡ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cư dân của nền văn minh Phù Nam mà văn hóa Óc Eo là cơ sở vật chất thể hiện rõ rệt đặc trưng văn hóa trên vùng đất Nam bộ, trong quá trình sinh sống và lao động đã để lại những dấu tích văn hóa qua những di tích – di vật còn sót lại trong lòng và trên bề mặt vùng đất Nam bộ. Những dấu tích kiến trúc cổ như Bình Tả, Chót Mạt, Vĩnh Hưng, Bình Thạnh… được các nhà khảo cổ phát hiện và vén lên bức màn phủ lấp nền văn hóa này trong hơn một ngàn năm qua. Những di tích của văn hóa Óc Eo được phân bố trên nhiều địa hình khác nhau, được chia thành nhiều khu vực: tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Cạnh Đền và rừng U Minh; trên triền phù sa cổ: Núi Sam, Bảy Núi, Đông Nam bộ; trên các giồng cát ven biển có rừng Sác Duyên Hải, vùng ven biển Đông. Những đặc điểm riêng về hình thức và kỹ thuật xây dựng trên mỗi vùng địa hình được thể hiện trên kiến trúc có những điểm khác nhau.

Để định hình được nền văn minh của các cư dân Phù Nam – mà phần lớn đã bị xóa mờ bởi thời gian và bị vùi lấp trong lòng đất, các nhà khảo cổ đã miệt mãi khai quật, khảo cứu trong gần một thế kỷ. Kết quả nghiên cứu gắn với công sức lao động miệt mài của các nhà khảo cổ học, cả Việt Nam và người Pháp, đã làm “hé lộ” nhiều vấn đề khoa học lý thú về văn hóa Óc Eo – vương quốc Phù Nam. Song vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục “giải mã” về nền văn minh rực rỡ này trong lịch sử phát triển của vùng đất Nam bộ. Vì vậy, văn hóa Óc Eo – văn minh Phù Nam vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần được các nhà khảo cổ và giới sử học tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ.

  1. TỔNG QUAN QUÁ TRÌNH PHÁT HIỆN VÀ KHAI QUẬT CÁC DI CHỈ VĂN HÓA ÓC EO – VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM

Ngay từ những năm đầu thế kỷ 19, đã có những phát hiện lẻ tẻ về các di tích – di vật của văn hóa Óc Eo. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, vào năm 1816, trong khi đào đất để trùng tu ngôi chùa ở Gò Cây Mai [Chợ Lớn, nay thuộc quận 11, TPHCM], người ta đã gặp nhiều những gạch ngói cổ cỡ lớn và hai miếng vàng lá hình vuông mỗi cạnh 1 tấc, mỗi miếng nặng 3 đồng cân, trên mặt chạm hình “yêu cổ cưỡi voi” mà tác giả Trịnh Hoài Đức cho là bức trấn tháp của Hồ Tăng. Đây là có thể coi là di vật đầu tiên nói về kiến trúc cổ Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ[1]. Sau đó, tiếp tục ghi nhận sự phát hiện của các học giả phương Tây về các di tích khảo cổ học ở đồng bằng hạ lưu sông Mêkông, như vào những năm 1878-1879, một bản văn minh chữ Phạn được tìm thấy ở chùa Prasat Pram Loven [Gò Tháp – Đồng Tháp] có ghi tên thái tử Phù Nam Gunavarman; Năm 1881, đại úy Silvestre tìm thấy một bánh xe bằng đá và phát hiện được những đường móng của phế tích Prasat Pram Loven; từ đó cho đến năm 1887, nhiều phế tích và di vật thuộc kiến trúc đã được ghi nhận tại Núi Sam, Bảy Núi, Trà Vinh và Biên Hòa.

Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XX, quá trình phát hiện và nghiên cứu các di tích thuộc văn hóa Óc Eo mới thật sự nở rộ và thu được nhiều kết quả khả quan.

  1. Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX-1975

Đầu thế kỉ 20, Lunet de Lajonquìere đã thực hiện nhiều đợt khảo sát nhằm lập bản đồ về các di tích kiến trúc ở Nam Bộ và Campuchia [1899-1901, 1903-1905, 1907-1909] trong đợt này một số di tích được xác định như Chót Mạt [ Đức Hòa], Núi Ba Thê, Tháp Trà Long.

Khi xử lí nền đất xây nhà trẻ tại gò Bù Lời, Đức Hòa, người ta đã phát hiện nhiều viên gạch cỡ lớn, 3 tấm đan bằng đá, một khối đá dạng vuông và tượng nam thần bằng. Đến năm 1918, những cổ vật đó được H.Parmentier đã ghi nhận 2 di tích Bàu Tháp và Bàu Dai ở thôn Thổ Mộ, xã Khánh Hòa, tỉnh Chợ Lớn [ nay thuộc Long An]. Đây là một trong những di tich phát hiện sớm nhất ở Long An.

Từ năm 1902-1945, hơn 300 địa điểm có di tích và di vật kiến trúc đã được ghi nhận trên địa bàn Nam bộ, từ vùng cận biển Hà Tiên – Rạch Giá, Núi Sam, Bảy Núi, Ba Thê – Óc Eo, đồng Xà No, các giồng đất và vùng cận biển Sóc Trăng, vùng U Minh – Cạnh Điền, vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu, Đồng Tháp Mười đến vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

a.1. Vùng tứ giác Long Xuyên, một số di tích tiêu biểu được phát hiện:

– Gò Cây Trâm:

Di tích Gò Cây Trâm thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang, tọa độ 10008’08’’ vĩ độ bắc, 105010’ kinh độ đông nằm trên cánh đồng Óc Eo, cách Giồng Cát khoảng 100m và cách gò Óc Eo khoảng 750m về phía đông bắc. Gò này cũng có tên là Dwl Samrai.

Trong đợt khảo sát năm 1942, L.Malleret đã tìm thấy ở chân gò phía nam một linga lớn, cao 1,73m bằng sa thạch theo phong cách hiện thực. Về hình dáng thì gò này có hình mai rùa, cao ở giữa phía bắc dốc thoải về phía nam, diện tích khoảng 1500m2, cao khoảng 1,50m so với mặt ruộng xung quanh. Trong cuộc khai quật Óc Eo 1944, L.Malleret đã đào thám sát ở gò này. Trong lần này, xuất hiện một số rãnh ngang dọc đã được đào trên mặt gò và chỉ tìm thấy ở gò phía tây một góc kiến trúc bằng gạch gồm ba lớp đựơc đặt nền đất. Niên đại đoán định khoảng thế kỷ 5-thế kỷ 7 CN.

–  Gò Cây Thị:

Di tích này thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang, tọa độ 10013’19’’ vĩ độ bắc, 105009’49’’ kinh độ đông, nằm trên cánh đồng Óc Eo, cách gò Óc Eo khoảng 260m, cách Giồng Cát về phía đông bắc khoảng 500m và cách di tích Linh Sơn trên triền núi Ba Thê khoảng 1600m về phía tây bắc.

Malleret đã tiến hành khai quật di tích này trong thời gian 2 tháng, từ tháng 2 đến tháng 4 trên nhiều điểm trên cánh đồng Óc Eo. L.Malleret đã tìm thấy những bức tường gạch của một di tích kiến trúc. Niên đại thế kỷ 6 – thế kỷ 7 CN.

a.2. Vùng Đồng Tháp Mười:

Ơ vùng này đa số các di tích Óc Eo đều nằm trên thế đất hơi cao, được gọi là gò. Các gò này có nơi cao hơn mặt ruộng 0,4-0,6m, bị ngập nước sâu 1-1,6m vào mùa lũ như Gò Rộc Chanh [Vĩnh Hưng], Gò Bảy Liếp [Tân Thạnh], Gò Dung [ Tân Thạnh], Gò Tháp [ Đồng Tháp]. Niên đại đoán định thế kỷ 6-thế kỷ 8 CN.

Năm 1931 và 1938, H.Parmentier, J.Y.Clacys, L.Malleret đến Tháp Mười [tức Đồng Tháp Mười] tiến hành thám sát, đào thám sát và thu thập nhiều hiện vật cổ. ở Cạnh Đền, năm 1938, tìm thấy sọ người mà theo Genét Varcim, sọ người này thuộc người Promalais ở hải đảo miền Nam.

Đây là vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống châu thổ Sông Cửu Long. Vùng này đươc chia làm hai khu vực, dựa vào phần bờ của 2 con sông.

b.1. Khu vực sông Vàm Cỏ:

Các di tích phân bố trên vùng nên đươc chia thành từng cụm di tích:

  • Cụm di tích Bình Tả_ Long An:

– Gò Đồn:

Thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tọa độ 10049’38’’ vĩ bắc, 106028’17’’ kinh đông, còn có tên là Tháp Lấp hay Tháp Lớn, nằm trên gò cao nhất [5,11m] và lớn nhất [97x53m].

Năm 1931, J.Y.Clayes khai quật Tháp Lấp. Theo ghi nhận của Malleret, khai quật đã làm xuất hiện một kiến trúc cổ, nằm theo hướng đông-tây, trên 2 gò liên lập, cao 2m so với mặt ruộng xung quanh. Ơ đỉnh gò phía tây, trên vách hố đào để lộ ra một tấm đan đá  hình chữ nhật giống như mi cửa có đường gờ, dưới chân gò có một mảnh vỡ của yoni. Niên đại: thuộc thế kỷ 8 [mang phong cách Kompong Kra]

– Cái Tháp: [Bình Tả – Đức Hòa]

Di tích Cái Tháp cũng được J.Y.Clayes phát hiện vào năm 1931. Cuộc khai quật làm lộ một điện thờ hình vuông, mỗi cạnh 6m, phần vách cao 2m, cửa điện thờ mở về phía Đông. Hai cột trụ cửa bằng sa thạch đỏ, tiết diện hình tròn, trang trí đơn giản và được đưa vào trưng bày ở Bảo tàng Sài Gòn [ nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam]. Kiến trúc này sau đó bị dân trong vùng đào lấy gạch, hoàn toàn bị xóa bỏ.

Năm 1938, P. Lévy đã đào một hố thăm dò tại di tích này. Ong đã phát hiện một điểm gạch tập trung, hai khối đá ong và một nửa con lăn bằng sa thạch. Những hiện vật này được đưa về Bảo tàng Sài Gòn [nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam].

– Di tích Bình Thạnh:

Di tích Bình Thạnh ở Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Di tích tháp này được H.Parmenties khảo tả năm 1927 với tên gọi Prei Celt.

b.2. Lưu vực sông Đồng Nai, với Kiến trúc Gò Bường: thuộc Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tên Nhà Mát.

Tóm lại, trong giai đoạn trước 1975 có nhiều cuộc thám sát, khai quật các di tích thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo ở Nam bộ nhưng với tính chất của một cuộc khai quật khảo cổ đúng nghĩa thì hầu như không có. Tuy nhiên trong giai đoạn này xuất hiện một công trình khoa học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và văn minh Phù Nam. Đó là công trình của nhà khảo cổ học người Pháp L.Malleret, có tên “Khảo cổ học châu thổ sông Cửu Long” [L`Archéologie du Delta du Mekong] với 4 tập đuợc xuất bản vào năm 1963.

  1. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, các nhà khảo cổ học Việt Nam mới có điều kiện để điều tra và nghiên cứu các di tích thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Đặc biệt từ năm 1982 – 2002, Trung tâm Khảo cổ TP. Hồ Chí Minh kết hợp với bảo tàng các tỉnh Nam bộ đã tiến hành khảo sát, khai quật nhiều di chỉ khảo cổ, mang lại nhiều dữ liệu mới để soi sáng và minh họa một cách cụ thể hơn cho văn hóa Óc Eo và toàn bộ lịch sử quốc gia cổ đại Phù Nam. Bên cạnh việc rà soát và kiểm chứng lại các di tích thuộc văn hóa Óc Eo mà người Pháp đã nghiên cứu, Trung tâm Khảo cổ TP.Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ Việt Nam cũng đã phát hiện ra những địa điểm khảo cổ mới. Địa hình phân bố của các di tích thuộc văn hóa Óc Eo có bao quát từ vùng đồng bằng trũng thấp miền tây sông Hậu đến miền cao vùng trung lưu sông Đồng Nai. Nhiều di tích được đào thám sát  và khai quật khảo cổ học như Nền Chùa, Cạnh Đền, Kè Một, Đá Nổi, Nền Vua, Gò Giồng Xoài [Kiên Giang 1982, 1983, 1986, 1990, 2001, 2002]; Óc Eo – Ba Thê, Đá Nổi, Gò Cây Tung, Hố thờ An Hội, Gò Tháp, An Lợi [An Giang 1983, 1984, 1993, 1994, 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2002, 2004]; gò Rộc Chanh, Gò Xoài, Gò Năm Tước, Gò Đồn, Gò Hàng, Gò Bảy Liếp, Gò Sao, Gò Trâm Quỳ [Long An 1986, 1987, 1988, 1990]; Lưu Cừ [Trà Vinh 1986, 1987]; Thành Mới [Vĩnh Long 1998, 1999]; Gò Thành [Tiền Giang 1988, 1989, 1990]; Gò Phụng Sơn Tự [TP.Hồ Chí Minh 1988 – 1992]; Vĩnh Hưng [1990 – 2002]; Nhơn Thành [Cần Thơ 1990, 1991, 1997, 1998]; Thanh Điền, Tiên Thuận, Phước Chỉ, Gò Tháp, Chóp Mạt [Tây Ninh 1990, 1991, 2003]; Cây Gáo, Đồng Bơ, Miếu Con Chồn, Gò Bường, Nam Cát Tiên, Rạch Đông, Suối Cả, Da Kak, Gò Chiêu Liêu [Đồng Nai 1986, 1987, 1990, 1991, 1992, 1995, 1996]; Cát Tiên [Lâm Đồng 1986, 1994, 1995, 1996, 1998, 2001, 2003, 2004].

Các cuộc thám sát và khai quật thu được một số kết quả rất khả quan, phát hiện được nhiều di tích cư trú kiểu nhà sàn, nhiều vật dụng bằng gốm, đá, gỗ, kim loại… Những di tích kiến trúc kiểu đền đài, đền tháp, mộ táng bằng gạch hoặc gạch đá hỗn hợp, những pho tượng bằng đá, bằng đất nung, bằng gỗ, những đồ trang sức bằng vàng, mảnh vàng lá khắc nhiều hình cây cỏ, hoa lá, rắn, rùa, cá, những hình nhân thần, chữ Sankrit cổ.

Kết quả thu được trong giai đoạn nghiên cứu này đã cho thấy không gian phân bố của văn hóa Óc Eo rộng hơn và phức tạp hơn so với những nhận định của người Pháp về nền văn hóa này. Trong những di tích thuộc văn hóa Óc Eo tìm được, có những di tích mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác lập nội hàm của văn hóa Óc Eo và bản chất của nền văn minh Phù Nam.

  • Khu di tích Óc Eo – Ba Thê:

Óc Eo – Ba Thê được xem là khu di tích trung tâm của nền văn hóa Óc Eo, trong đó di tích Óc Eo nằm trên cánh đồng Óc Eo, tiếp giáp phía đông và đông nam núi Ba Thê và di tích Ba Thê nằm trên sườn – chân núi phía bắc và đông nam núi Ba Thê, tiếp giáp cánh đồng Óc Eo ở phía đông thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Các cuộc khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ một phần hoặc toàn bộ những di tích kiến trúc tôn giáo bằng gạch hoặc bằng gạch đá hỗn hợp như di tích kiến trúc Gò Cây Trôm [1983], Gò Cây Thị [1999, 2000], Linh Sơn II [1998], Linh Sơn Bắc [1993] được xây bằng gạch thành những hộc hình tứ giác, hình vuông, có móng được gia cố bằng những khối đá hoa cương, sét cát nện chặt. Di tích Giồng Xoài [2000], Gò Cây Thị [1999], Nam Linh Sơn Tự [1993, 1998, 2000], Gò Cây Me [2001] được xây bằng gạch đá hỗn hợp quay mặt về phía đông, bên ngoài có tường vách bao bọc, bên trong chia thành ngăn có chính tâm nằm ở phía tây.

Trên các gò ở khu di tích này, phát hiện những kiến trúc mộ hỏa táng được xây với qui mô lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, mộ Gò Cây Cóc có cấu trúc kiên cố và phúc tạp, còn Gò Đế là di tích do L.Malleret khai quật năm 1944 được cho là dạng kiến trúc có hai ngăn, nhưng trong cuộc khai quật kiểm chứng năm 1998 đã xác định đây là một di tích dạng mộ táng có cấu trúc qui mô rất lớn nằm sâu trong lòng đất. Trong cuộc khai quật di tích kiến trúc Linh Sơn Nam năm 1998 đã phát hiện được một mộ chum, bên trong có vài mảnh hữu cơ nhỏ, 5 hạt chuỗi bằng vàng và một nửa hạt chuỗi mã não. Cuộc khai quật di tích cư trú Gò Tư Trâm dưới chân sườn núi Ba Thê năm 2002 đã phát hiện được dấu vết của một huyệt đất hình chữ nhật, dưới có lót chiếu hoặc có tấm cót. Tại các di tích tập trung quanh các di tích kiến trúc lớn nằm ven hoặc gần hai bờ lung cổ  nằm dưới chân núi Ba Thê, dấu vết cư trú cổ chứa nhiều mảnh gốm, gạch vỡ, hòn chì, xỉ đồng, hạt cườm tấm, xương răng động vật, vết tích cọc gỗ nhà sàn… trải rộng trên diện tích vài km2.

Tại di tích cư trú trên cát ở Gò Giồng Xoài đã tìm thấy nhiều mảnh gốm lạ mang yếu tố sớm, giống gốm tiền sử lưu vực sông Đồng Nai, gốm mang yếu tố ven biển, hải đảo và gốm có hoa văn in thừng, văn in dấu vải cực mịn chưa hề gặp trong các di chỉ có niên đại sớm ở vùng Nam bộ. Niên đại của di tích này là 2150 ± 90 BP[2].

Tại di tích Gò Tư Trâm [2001-2002], lần đầu tiên đã phát hiện một địa tầng có ba lớp văn hóa cư trú nằm dưới một di tích kiến trúc được xây bằng gạch tái sử dụng. Ba lớp cư trú này này trải qua ba giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau từ tiền sử muộn đến giai đoạn Óc Eo phát triển. Ơ tầng văn hóa thuộc giai đoạn sớm [tiền sử muộn] đã tìm thấy nhiều đồ gốm lạ, bóng, cứng chắc gần như sành, hoa văn trang trí rất sắc nét, không giống với gốm tiền và sơ sử trong khu vực thuộc giai đoạn này mà có thể mang yếu tố ngoại nhập.

– Nền Chùa:

Di tích Nền Chùa thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, có tọa độ: 10008’08’’vĩ độ Bắc, 105009’48’’kinh độ Đông, cách di tích Óc Eo 12 km về phía Tây Nam, cách thị xã Rạch Giá 12 km về phía Bắc. Lung Lớn [Lung Giếng Đá] chạy từ Tráp Đá [An Giang] đến Nền Chùa xung quanh khu di tích Óc Eo dài khoảng 30 km. di tích Nền Chùa còn có tên gọi khác là Tà Kev, có nghĩa là Oâng Ngọc.

Vào năm 1982, 1983, có hai đợt khai quật được tiến hành ở di tích này và các nhà khảo cổ thuộc Trung tâm Khảo cổ TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện có ba loại hình di tích ở đây: cư trú, kiến trúc và mộ táng.

Về di tích cư trú: tại địa điểm 82NCL1 ngay ven bờ lung lớn đã phát hiện dấu vết cọc gỗ chôn đứng, một vài cây gỗ nằm ngang, sàn gỗ, các mảnh gốm vỡ thuộc các cá thể nồi, bình có vòi, ly chân cao, cà ràng,… bị vỡ và xương cốt động vật, trái cây.

Về di tích kiến trúc: phát hiện nền móng của một di tích kiến trúc xây chủ yếu bằng đá. Ơ trung tâm của kiến trúc đã phát hiện dấu vết của một ngôi mộ hỏa táng hình khối vuông có chôn nhiều hiện vật quý. Di tích kiến trúc này được xem là kiến trúc bằng đá lớn nhất trong các di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo được phát hiện cho đến nay với chiều dài 25,60 m, chiều rộng 16,30 m.

Về di tích mộ táng: phát hiện mộ táng chôn trên các gò Bà Chúa Xứ A, Bà Chúa Xứ B, Gò Phật Nổi, Gò Nền Chùa, Takev. Tất cả đều là mộ hỏa táng , chôn trong huyệt mộ hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình phểu, ở trung tâm các mộ vuông thường có hộc hình trụ vuông xây bằng gạch hoặc bằng đá ghép gỗ. Trong các hộc này thường được lấp bằng cát mịn và có chôn theo những hạt đá quý, di vật bằng vàng, than tro, xương mủn nát.

b.Vùng Đồng Tháp Mười:

Di tích này có tên là Trăm Phố, nằm trong vùng rừng U Minh Thượng thuộc ấp Cạnh Đền 2, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Di tích này nằm cách thị xã Rạch Giá khoảng 70 km và cách khu di tích Óc Eo – Ba Thê khoảng 90 km về phía đông nam.

  • Khu trung tâm [khu Đền Vua]: tập trung với mật độ rất cao những loại hình kiến trúc và mộ táng.
  • Phần phía nam: gồm có các gò thấp, đất bằng, trủng, lung. Trên gò có dấu vết mộ táng, dưới đất bằng và lung là vết tích của cư trú. Nhiều mảnh gốm cổ, gỗ, trái cây, hạt lúa, di cốt người và động vật… được tìm thấy trong các hố thám sát.

Ơ Cạnh Đền, tìm được nhiều con dấu bằng đá quý và kim loại [13 tiêu bản] có khắc hình người, động vật, chữ cổ… Đây là nơi tìm thấy số lượng lớn nhất các con dấu trong văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.

Xung quanh Cạnh Đền ở phía tây, đông, bắc có các di tích như Kè Một, Vĩnh Hưng, Nền Vua. Theo TS. Đào Linh Côn, có thể đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Phù Nam [TS.Đào Linh Côn – Bài viết hội nghị “Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam”].

Khu di tích Gò Tháp nằm ở trung tâm Đồng Tháp Mười, thuộc ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, có phạm vi phân bố trên diện tích rộng 2 km theo hướng đông tây, dài 3 km theo hướng bắc nam, cách thị xã Cao Lãnh 20 km về phía đông bắc. Di tích còn có tên là Prasat Pram Loven.

Từ năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành thám sát và khai quật nhiều lần và đã xác định được ba loại hình di tích: cư trú, kiến trúc và mộ táng.

Ở đây, dấu vết cư trú được phát hiện trên diện tích tương đối rộng [6 km2] và ở độ sâu 2,20 m với vết tích bếp lửa, gốm, gỗ, hạt lúa, xơ dừa, xương răng trâu bò, chó, cá sấu… Tìm thấy nhiều tượng Phật bằng gỗ, có tượng chưa hoàn tất. Trên cơ sở đó, có giả thuyết cho rằng đây là nơi công xưởng chuyên chế tác tượng và trao đổi hoặc buôn bán cho khu vực lân cận.

Niên đại: 2350 ± 40 BP.

                 2250 ± 40 BP.

– Di tích kiến trúc: có cấu trúc đa dạng

+ Kiến trúc có hình chữ nhật khép kín.

+ Kiến trúc xây đặc có bình đồ hình chữ nhật.

  • Di tích mộ táng: có 2 loại.

+ Mộ huyệt hình vuông: trung tâm có khối trụ hình vuông xây bằng gạch, ăn sâu từ bề mặt xuống tới đáy.

+ Mộ huyệt dạng hình khối trụ vuông

Hiện vật thu được ở đây rất đa dạng và phong phú. Hàng chục pho tượng thần, tượng Phật bằng đá, bằng gỗ, bằng đất nung, linga-yoni, somasutra, khuôn đúc đồ trang sức… Hiện vật vàng lá chiếm rất nhiều, các hình chạm trên những mảnh vàng lá rất phong phú như Visnu, Shiva, Brahma, Indra…

Tại Gò Tháp, có dấu vết còn lại những con kênh dẫn nước cổ và tỏa đi khắp vùng Đồng Tháp Mười, đến các di tích khác như Gò Đế ở phía bắc, Gò Bảy Liếp ở phía đông, Gò Vĩnh Châu A ở phía tây.

  1. Vùng ven biển giữa sông Tiền và sông Hậu:

Các di tích Óc Eo được phát hiện ở đồng bằng giữa sông Tiền và sông Hậu, nằm rải rác trên các giồng cao và trũng thấp kế cận, có các di tích lớn là Lưu Cừ II [Trà Vinh], Gò Thành [Tiền Giang], Thành Mới [Vĩnh Long].

Di tích Lưu Cừ II là di tích tiêu biểu cho khu vực này. Di tích này thuộc xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, có tọa độ 9042’21’’ vĩ độ bắc, 106011’52’’ kinh độ đông, cách thị trấn Trà Cú 8 km về phía tây-tây bắc, nằm trên một giồng cát có độ cao trung bình từ 3,60 m – 4,40 m so với mực nước biển chuẩn ở Hà Tiên, cao hơn mặt ruộng xung quanh từ 1,40 m – 2,00 m. [Võ Sĩ Khải – Văn hóa cổ đồng bằng Nam bộ – Nxb KHXH, 2002].

Di tích này được được phát hiện vào cuối năm 1985, điều tra và thám sát vào đầu năm 1986, khai quật đợt 1 từ tháng 12 năm 1986 đến tháng 1 năm 1987, khai quật đợt 2 trong tháng 2 năm 1987. Hai đợt khai quật này đã làm xuất lộ toàn bộ một kiến trúc gạch đồ sộ dài 31,20m theo hướng đông-tây, rộng 17,20m theo hướng bắc-nam, có 2 vòng tường bao quanh, gồm một kiến trúc bên ngoài và một kiến trúc bên trong.

Niên đại: mẫu 1 lấy từ độ sâu 3,60m: 1870±45 BP = 80±45 CN.

                Mẫu 2 lấy từ độ sâu 1,60m: 1460±45 BP = 490±45 CN.

  1. Vùng ven sông Vàm Cỏ và sông Đồng Nai:

Khu di tích này thuộc ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trong khu di tích này có các kiến trúc trên các gò như Gò Cái Tháp, Gò Chòm 1, Gò Tháp Lấp, Gò Năm Tước, Gò Xoài… là những kiến trúc tôn giáo có bình diện vuông hoặc gần vuông. Tại đây có các bàu nước cổ như Bàu Sen, Bàu Sao, Bàu Sình, Bàu Bù Lời.

Di tích Gò Đồn là một kiến trúc gạch kết hợp với đá ong, có qui mô lớn mang yếu tố của một ngôi đền Ấn giáo, gồm đền chính, đền phụ với các tượng thần, linh vật thờ. Niên đại đoán định của di tích này thuộc giai đoạn từ thế kỷ VIII – XI.

Gò Năm Tước còn được gọi là Lò Gạch. Gò cao khoảng 4m, không còn ở dạng nguyên thủy vì bị san bằng để trồng lúa và hoa màu. Sau đợt khảo sát toàn khu Bình Tả vào đầu năm 1987, vào tháng 5,6 năm 1987, Bảo tàng Long An đã tổ chức khai quật gò này. Cuộc khai quật này đã làm xuất lộ một kiến trúc gạch dài 17,40m theo hướng đông tây, rộng 11,20m theo hướng bắc nam, chỉ còn lại phần móng, chính điện quay về hướng đông. Đây là loại kiến trúc tôn giáo thuộc loại kiến trúc có bình đồ bẻ góc ở phần trước, đối xứng giữa hai phần bắc và nam. Niên đại đoán định khoảng thế kỷ VII-VIII CN [TS.Đào Linh Côn – Bài viết hội nghị “Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam”].

Di tích Gò Xoài thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trước đây gò có tên là Chòm Mả, nằm ở độ cao khoảng 4,10m so với mực nước biển và khoảng 1,20m so với mặt ruộng xung quanh, rộng khoảng 1000m2. di tích này được khai quật từ tháng 3, 8 năm 1987. Gò Xoài là dạng kiến trúc có bình đồ vuông kết hợp với một ít yếu tố bẻ góc ở phía đông và tây, trung tâm của kiến trúc có hố thờ hình giếng vuông, có chôn theo 26 hiện vật vàng. Ơ Gò Xoài, tìm thấy được một mảnh vàng lá lớn [210mm x 40mm], trên đó khắc một bảng minh văn kinh Phật bằng tiếng Sankrit, được dịch là Pháp Thân kệ. Theo đánh giá của GS. Hà Văn Tấn, đây có thể là một di tích kiến trúc tháp thờ [stupa] Phật giáo.

–    Gò Ong Tùng: thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tọa độ: 10043’ vĩ độ bắc, 107001’ kinh độ đông. Trước đây cao khoảng 1m – 1,30m, trên mặt gò xuất hiện nhiều gạch cổ. Năm 1990, người chủ đất đã san bằng toàn bộ gò, biến nơi đây thành mặt ruộng, diện tích khoảng 1000m2, khi bị san bằng thì nơi đây chỉ còn cao hơn mặt ruộng khoảng 0,2m – 0,3 m. vào tháng 4 năm 1995, Trung tâm Khảo cổ phối hợp với Bảo tàng An Giang khai quật địa điểm này. Sau khi dọn sạch lớp đất canh tác, hầu như đã xuất lộ toàn bộ vết tích của một mặt bằng kiến trúc bằng gạch có hình chữ nhật, dài 11m theo hướng đông tây, rộng 7m theo hướng bắc nam. Kiến trúc này có bố cục gồm hai phần: tường móng phía ngoài và nền gạch. Đây là loại kiến trúc gạch kích thước nhỏ, bình đồ đơn giản hình chữ nhật. Kiến trúc này đã cho thấy được thời kỳ phát triển sớm của loại kiến trúc gạch – gỗ trong văn hóa Óc Eo. Niên đại đoán định là thế kỷ I CN [Võ Sĩ Khải – Văn hóa cổ đồng bằng Nam bộ – Nxb KHXH, 2002].

–    Cây Gáo I: thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiện nay thì di tích này đã nằm dưới lòng hồ Trị An. Trước khi bị ngập nước, di tích nằm trên một ngọn đồi thấp trong thung lũng có những vùng đầm lầy gần như bị ngập nước quanh năm. Ngọn đồi này cao 50m so với mực nước biển, cạnh bờ trái của sông Đồng Nai, cao hơn mực nước sông khoảng 5m – 6m vào mùa khô. Di tích này được phát hiện vào năm 1985, được Trung tâm Khảo cổ kết hợp với Bảo tàng Đồng Nai khai quật trong hai đợt: đợt 1 từ tháng 12 năm 1986 đến tháng 1 năm 1987, đợt 2 vào tháng 3 năm 1987. Đây là một kiến trúc gạch hình chữ nhật dài 17,5m theo hướng đông tây, rộng 9,7m theo hướng bắc nam, có tường cao và hành lang bao bọc bên ngoài. Cây Gáo I thuộc loại hình di tích kiến trúc gạch – gỗ, có bình đồ hình vuông. Niên đại: 1700±45 BP = 250±45 CN.

Ngoài ra, ở Đông Nam bộ còn có các di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam Cát Tiên như di tích ở Nam Cát Tiên, Dakak.

  –     Nam Cát Tiên: thuộc xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, cách bờ phải sông Đồng Nai khoảng 800m về phía đông.

Cuộc khai quật năm 1989 làm xuất lộ một kiến trúc gạch gồm có một hố móng hình vuông dạng hình phểu có nhiều lớp đá – cát xen kẽ, bên trên là một nền sàn gạch vuông. Di vật thu được gồm có hai cấu kiện bằng đá [cột trụ vuông, tấm đan], mảnh vỡ gốm mịn và một ít đồ gốm nguyên. Di tích kiến trúc ở Nam Cát Tiên mang đặc trưng của loại kiến trúc hỗn hợp gạch – đá. Niên đại đoán định vào khoảng thế kỷ VII – VIII CN.

  • Di tích Dakak: thuộc địa phận vườn quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nằm trên một ngọn đồi nhỏ cách sông Đồng Nai khoảng 500 m.

Cuộc khai quật năm 1995 đã làm xuất lộ một kiến trúc nhỏ bằng gạch dạng hình vuông, cạnh rộng khoảng 4,5m, bên dưới có một hầm hình vuông với mỗi chiều rộng 2,35m, sâu 2m -2,2m. Trên những mặt nền bằng đá có những lỗ tròn được đào sâu, có 12 lỗ gồm 7 lỗ lớn và 5 lỗ nhỏ. Những lỗ này có thể là dấu vết của những cột gỗ [Võ Sĩ Khải – Văn hóa cổ Đông Nam bộ – Nxb KHXH, 2002]. Kiến trúc Dakak thuộc loại kiến trúc hỗn hợp gạch – đá – gỗ tương đối hiếm ở đồng bằng Nam bộ, có niên đại khoảng thế kỷ VII-VIII CN.

  • Di tích Giồng Lớn: thuộc thôn 3, Rạch Già, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, có tọa độ 10027’73’’ vĩ độ bắc, 107004’002’’ kinh độ đông. Di tích này cách quốc lộ 51 4km về phía bắc, cách TP. Vũng Tàu về phía đông nam 7 km, về phía nam cách vịnh Gành Rái khoảng 1km. Đây là một giồng cát nổi cao ven biển kéo dài từ đông sang tây khoảng 1km, rộng 100m.

Giồng Lớn nằm trong hệ sinh thái ngập mặn ven biển, có hệ thống kênh rạch chằng chịt thông ra vịnh Gành Rái, là nơi gặp nhau của sông Thị Vải và Cần Giờ đổ ra biển.

Năm 2002, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu kết hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện chương trình điều tra, khảo sát lập bản đồ di tích khảo cổ học tiền – sơ sử ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong lần này thì Giồng Lớn rất được chú ý và được đánh giá cao.

Năm 2003, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu kết hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật Giồng Lớn lần I. diện tích khai quật là 350m2 với 5 hố khai quật trên thửa đất của bà Trần Thị Anh và đã phát hiện 54 cụm mộ với số lượng hiện vật rất lớn [1638 hiện vật]. Niên đại đoán định là trên dưới 2000 năm cách ngày nay.

Tháng 6 năm 2005, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu kết hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật Giồng Lớn lần II. Đợt khai quật này được tiến hành trong 2 tháng do TS. Vũ Quốc Hiền chủ trì, diện tích thám sát và khai quật là 300 m2, có 26 cụm mộ với 23 mộ đất và 3 mộ nồi.

  1. ĐỊNH HÌNH VĂN HÓA ÓC EO – VĂN MINH PHÙ NAM

Từ quá trình khảo cứu và khai quật các di chỉ văn hóa Óc Eo – Vương quốc Phù Nam, đã có nhiều công trình, bài viết của các học giả uy về văn hóa Óc Eo – Văn minh Phù Nam được công bố. Qua đó, những hiện vật thu được trong quá trình khai quật các di tích thuộc văn hóa Óc Eo đã được hệ thống và tái hiện nên một phần đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế…của nhà nước Phù Nam. Đồng thời cũng ngày càng xác định rõ về cương vực ảnh hưởng thực sự của văn hóa Óc Eo trong khu vực.

Tổng quan, quá trình nghiên cứu về văn hóa Óc Eo – Vương quốc Phù Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng sau:

Từ năm 1944, với việc Malleret phát hiện ra những đền đài bằng gạch và đá, nhiều di vật như đồ trang sức bằng vàng, bằng thiếc hay bằng đá quý, đồ gốm trang trí hoa lá, tiền vàng, tiền bạc, tượng Phật, tuợng Ấn giáo như Vishnu, Ganesh, đặc biệt là sự hiển diện những đồng tiền La Mã – chứng minh cuộc trao đổi thương mại đường biển vượt quá Mã Lai, Ấn Độ đến Ba Tư, La Mã. Tiếp đó, những hình ảnh chụp từ máy bay cho thấy đô thị gồm có một bức tường vây quanh dài 2,5km với những cạnh mặt bằng không đồng đều. Chạy ngang đô thị là những kênh xưa nối liền một bên với biển cả, bên kia với thành phố cũ Angkor Borei, đã chứng minh Óc Eo là một trong những đô thị phát triển vào bậc nhất và quan trọng nhất ở Đông Nam Á trong thời kỳ phát triển của nó.

Từ sau năm 1975, công tác khảo cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam không những củng cố, khẳng định nhận định của Malleret mà còn đưa ra những kết quả quan trọng về chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo. Đặc biệt là việc tìm thấy hai sọ cổ cư dân của nền văn hóa Phù Nam ở Gò Tháp [Đồng Tháp], mà kết quả giám định cho biết hai sọ cổ này mang những đặc điểm thường gặp ở số đông người Thượng hiện nay; và thường được xếp vào tiểu chủng hay loại hình nhân chủng Indonésien.

Đến năm 1985, với việc khám phá mảnh đất thiêng với 20 tháp và đền đài ở Cát Tiên miền thượng lưu sông Đồng Nai; phát hiện ở Bình Tả [xã Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An], một di vật Bhavavarman [tên một hoàng thân Phù Nam] viết bằng chữ Phạn cổ;… đã góp phần làm sáng tỏ một phần tiến trình phát triển của văn hóa Óc Eo qua những thời đại khác nhau, phát xuất từ những nguồn gốc khác nhau. Những khám phá này, kết hợp với sử liệu của Trung Quốc đã khẳng định rõ nền văn hóa Óc Eo là sản phẩm của vương quốc Phù Nam – với cương vực chiếm toàn miền Nam bán đảo Đông Dương. Về văn, Phù Nam chịu ảnh hưởng văn minh, đạo giáo, kiến trúc, chữ viết, ngay cả tư tưởng chính trị Ấn Độ bắt đầu từ các thế kỷ III, IV. Về kinh tế, Phù Nam giao lưu buôn bán thường xuyên với nước láng giềng.

Sau đó, chương trình Khảo sát khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, do ông Manguin hợp tác với Tiến sĩ Đào Linh Côn ở Viện Khoa học Xã hội [Tp Hồ Chí Minh], đã góp phần xác định niên đại và quá trình hình thành, phát triển của đô thị Vương quốc Phù Nam. Từ những kết quả cuộc khai quật các địa điểm trên sườn núi Ba Thê và đồng bằng sông Cửu Long, đem so sánh với những cứ liệu những địa điểm ở Đông Nam Á, dựa lên cuộc khảo cứu địa tầng học [stratigraphie], với những xác định bằng C14, các nhà khảo cổ học đã hình thành được bản niên đại phát triển của vương quốc Phù Nam.

Căn cứ vào sử liệu ghi chép về quốc gia cổ Phù Nam, vào tài liệu cổ văn tự trên các tấm bia đá, mảnh vàng, căn cứ vào đặc điểm cuả hiện vật, cuả nghệ thuật điêu khắc và nhất là vào kết quả các mẫu niên đại C14 của các di tích khảo cổ, các nhà khoa học đã định niên đại cho nền văn hóa Óc Eo từ Thế Kỷ thứ I đến TK VII. Giai đoạn “hậu Oc Eo” từ thế kỷ VIII đến khoảng thế kỷ X – XII, truyền thống văn hoá Óc Eo vẫn được cư dân cổ nơi đây bảo lưu và có sự phát triển nhất định trong hoàn cảnh lịch sử – xã hội có nhiều biến đổi.

Các di chỉ khảo cổ về vương quốc Phù Nam được phân thành ba kỳ khảo cổ chính:

Kỳ I từ thế kỷ I đến thế kỷ II/III: Giai đoạn vùng đồng bằng châu thổ đã hình thành, dân cư ở những mô đất nhô ra khỏi nước trong đồng bằng và trên những sườn thấp núi Ba Thê. Hiện vật là dấu vết của nhà sàn bằng gỗ, nhiều nhà lợp ngói bằng hay đất nung; những vật liệu để chế tạo đồ nữ trang và những đồ nữ trang chưa hoàn thành; gạch với hoa văn trang trí là những con thú như lân, sư tử hay rắn mang bành. Sự mai táng trong chum, rất thịnh hành ở Đông Nam Á vào thời tiền sử chậm hay thời sơ sử, còn được thông dụng. Cuộc trao đổi thương mại với Ấn Độ và miền Đông Nam Á đã thành thường xuyên. Đến cuối kỳ I, xuất hiện những hào đào quanh đô thị. Sự vắng mặt những đền miếu tôn giáo, những hình tượng Bà la môn và Phật giáo biểu thị Phù Nam chưa chịu ảnh hưởng Ấn Độ; sự xuất hiện những công trình xây dựng mạng lưới thủy văn, đặc biệt kênh đào cắt ngang thành phố; dấu vết của lúa chứng minh sự hình sản xuất nông nghiệp trồng trọt của cư dân Phù Nam; kỹ nghệ đồ gốm làm gạch phát triển.

Kỳ II từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII: Giai đoạn nhà sàn rời mô đất dời về vùng đồng bằng ngập nước và trên các sườn núi Ba Thê, nhường chỗ cho những đền miếu Bà la môn và Phật giáo, biễu thị sự Ấn hóa. Từ thế kỷ V, thương mại tiếp tục phát triển qua Ấn Độ, Đông Nam Á và cả Trung Quốc.

Kỳ III từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII: Chứng kiến sự tàn lụi của vương quốc Phù Nam.

Trong những năm gần đây, một loạt đề tài nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam về văn hóa Óc Eo – Vương quốc Phù Nam được công bố. Tiểu biểu các đề tài: “Những di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang” của GS. Phạm Đức Mạnh và các cộng sự [đề tài giành được giải thưởng Trần Văn Giàu]; đề tài “Những di tích Khảo cổ học thời tiền Óc Eo ở Tây Nam bộ” và “Các trung tâm tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ” do PGS. TS. Đặng Văn Thắng làm chủ nhiệm,… càng làm sáng rõ và định hình rõ nét hơn nền văn hóa Óc Eo – văn minh Phù Nam. Các nhà khảo cổ Việt Nam đã chọn những địa điểm Gò Tư Trâm [Thoại Sơn], Gò Cây Tung [Tịnh Biên] là những nơi dòng sông rất quan trọng. Những di vật văn hóa tiêu biểu thời tiền sử và cổ sơ ở An Giang để đi sâu vào văn hóa Óc Eo. Những cái cuốc bằng đá ở bưng Đá Nổi, những cái rìu, vòng kiềng trong hang Núi Sập, những dụng cụ, đồ trang trí ở Ba Thê, xương súc vật, dụng cụ sản xuất ở Châu Đốc. Đồ vật bằng đá, sành, kim loại cùng những sọ, răng, cốt động vật, cốt thực vật ở Gò Cây Tung. Về mặt đạo giáo, đã được tìm ra một số lớn hình tuợng Phật giáo bằng gỗ hay bằng đá, hình tuợng Ấn giáo như Brahma, Shiva, Vishnu;… góp phần hiểu biết đời sống tinh thần và vật chất của người Phù Nam. Ngoài những vật liệu chế biến và dùng tại chỗ, chẳng hạn bếp cà ràng, vật dụng tiện lợi cư dân vùng sông nước, còn có rất nhiều hàng hóa, đá quí, đồ vật bàng vàng hay bằng bạc nhập cảng tỏ ra một nền thương mại phát đạt.

Nhìn chung, kết quả khảo cứu và nghiên cứu của các nhà khảo cổ học đã góp phần định hình nội hàm với những giá trị lớn về vật chất và tinh thần của Văn hóa Óc Eo – văn minh Phù Nam. Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn hóa Óc Eo – văn minh Phù Nam cũng còn đặt ra một số vấn đề cần làm sáng rõ thếm. Đó là:

  • Chủ nhân thực sự của nền văn hóa Óc Eo và nhà nước Phù Nam.
  • Sau khi quốc gia Phù Nam bị sụp đổ thì họ chạy đi đâu? Phải chăng là họ đã di cư tới sinh sống ở vùng cao và sâu hơn như Cát Tiên?
  • Sự sụp đổ của vương quốc Phù Nam phải chăng là vì lý do thiên tai [sự kiện biển tiến ở thế kỷ thứ 5] hay vì lý do khác?
  • Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật và nghiên cứu rất nhiều về văn hóa Óc Eo nhưng thực sự chưa có một hệ thống rõ ràng về sự phát triển loại hình và chất liệu của gốm Óc Eo.
  • Quốc gia Phù Nam cũng là một quốc gia như những quốc gia đồng đại khác trong khu vực nhưng chưa tìm thấy được rõ ràng về một kiến trúc thượng tầng, một thiết chế xã hội, chính tri… như những nhà nước khác cùng thời trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Võ Sĩ Khải, Văn hóa cổ đồng bằng Nam bộ, Nxb KHXH, 2002.
  2. Sở Văn hóa Thông tin An Giang, Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên, 1984.
  3. Lê Xuân Diệm – Đào Linh Côn – Võ Sĩ Khải, Văn hoá Óc Eo những khám phá mới, NXB Khoa học xã hội, 1995.
  4. Võ Sĩ Khải, Văn hoá đồng bằng Nam bộ [di tích kiến trúc cổ], NXB Khoa học xã hội, 2003.
  5. Lê thị Liên, Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ 10, 2003.
  6. Bùi Phát Diệm, Di tích văn hóa Óc Eo ở Long An [luận án TS], 2003.
  7. Lương Ninh, Vương quốc Phù Nam – lịch sử và văn hóa,
  8. Ngô Văn Doanh, Vương quốc Phù Nam [khái quát những giai đoạn lịch sử], Nghiên cứu Đông Nam á, số tháng 3/2009.
  9. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo “Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam”, Nxb Thế giới, 2008.
  10. Lương Ninh, Vương quốc Phù Nam – lịch sử và văn hóa, Nxb VHTT, HN-2005;
  11. TS. Đặng Văn Thắng, Những di tích Khảo cổ học thời tiền Óc Eo ở Tây Nam Bộ, 2009.

PGS.TS. Đặng Văn Thắng, Các Trung tâm tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ, 2012.

[1] Võ Sĩ Khải, Văn hóa cổ đồng bằng Nam bộ, Nxb KHXH, 2002.

[2] TS. Đào Linh Côn, tham luận hội nghị “Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam”.

Video liên quan

Chủ Đề