Tại sao nói ý thức độc lập của Đại cáo Bình Ngô phát triển toàn diện và sâu sắc hơn Nam quốc sơn hà

Đến thời các Vua Hùng, truyền thống yêu nước đã trở thành dòng chảy trong huyết quản của mỗi người dân. Tiêu biểu nhất và sâu sắc nhất có lẽ là hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Phù Đổng Thiên vương. Thật hiếm có dân tộc nào trên thế giới, đến một đứa trẻ lên 3, chưa biết nói, chưa biết đi… nhưng khi đất nước lâm nguy đã vươn mình lớn dậy, xung phong diệt giặc thù. Từ dáng hình đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, từ khát vòng độc lập của một dân tộc trải qua biết bao cuộc trường chinh “ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc”[Đất nước – Phạm Minh Tuấn] đã sản sinh ra những anh hùng, hào kiệt làm rạng danh non sông Việt Nam như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Tôn Thất Thuyết, Võ Nguyên Giáp… Thậm chí, một dân tộc anh hùng đã sinh ra những bậc nữ kiệt hiếm có như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân hay đến những người phụ nữ Việt Nam của thế kỷ XX, trong kháng chiến chống Mỹ với tuyên bố “còn cái lai quần cũng đánh” [Lời của nhân vật Út Tịch trong tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi].

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà [02/9/1945 - 02/9/2015], xin được điểm lại ba bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam, từ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt - Nam quốc sơn hà đến áng thiên cổ hùng văn - Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để một lần nữa thêm tự hào về truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Lạc-Hồng.

1. Nam quốc sơn hà - Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt [sinh năm 1019, mất năm 1105], là một anh hùng dân tộc, văn võ song toàn. Ông có công rất lớn trong sự nghiệp bình Chiêm, dẹp Tống của quân dân Đại Việt dưới thời nhà Lý, đồng thời ông cũng để lại cho muôn đời con cháu mai sau bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, đây được xem là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước Việt Nam. Nguyên văn bài thơ như sau:

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

[Lời dịch]

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,

Rành rành định phận tại sách trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Bài thơ tuy chỉ có bốn câu với 24 chữ, nhưng đã khẳng định được chủ quyền của nước Đại Việt và do vua triều Lý trị vì. Đây là một lẽ tất nhiên, không thể chối cãi, đã được “Sách trời” phân định. Hơn thế nữa, nếu tìm hiểu theo nghĩa gốc Hán tự, thì trong bài “Nam quốc sơn hà”, Lý Thương Kiệt đã đề cao tinh thần tự tôn của một dân tộc độc lập và tư tưởng thoát ly khỏi tư duy nước lớn với tư tưởng bành trướng bá quyền của nhà nước phong kiến Trung Quốc, để khẳng định sự độc lập, tự chủ và bình đẳng về phương diện chính trị. Tư tưởng đó được lột tả qua hai cặp từ “Nam quốc -  ” và “Nam đế -  ”. Trong Hán tự, chữ “quốc” là chỉ một nước lớn, không chịu sự phục tùng mà đứng độc lập, ngang hàng với các nước láng giềng, để phân biệt với các nước chư hầu bị lệ thuộc, chi phối bởi nước lớn. Ngược dòng lịch sử, nước Đại Việt từ xa xưa luôn bị Trung Hoa xem là một châu, một quận của họ và họ luôn luôn tìm mọi cách để đồng hoá dân tộc Việt thành bộ phận của Trung Quốc. Tuy nhiên, không chịu khuất phục, trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, người Việt không ngừng đứng lên đấu tranh dành độc lập dân tộc. Đến thời nhà Lý, Lý Thường Kiệt đã dõng dạt tuyên bố với nhà nước phong kiến Trung Quốc về sự độc lập và bình đẳng của Đại Việt trên vũ đài chính trị thông qua việc sử dụng từ “Nam quốc” trong bài thơ của mình. Song hành với chữ “Nam quốc” là “Nam đế”. Nếu đã có “Nam quốc” thì phải có “Nam đế”, đó là tất yếu. Như chúng ta đã biết, thời phong kiến, chỉ có nước lớn mới được xưng “đế”, tức là thiên tử [天子 - con trời], vâng mệnh trời để cai trị thiên hạ, còn các nước chư hầu, nhược tiểu chỉ được thiên tử phong vương hoặc chỉ được xưng vương [ - vương hoặc  王 - quốc vương]. Như vậy, có thể thấy, nước Đại Việt thời Lý là một quốc gia độc lập, tự chủ và có quyền tự quyết.

Để có được nền độc lập ấy, hơn 1.000 năm nhân dân Việt Nam đã gồng mình lên chống lại sự đô hộ và âm mưu đồng hoá của Trung Quốc. Dù là một dân tộc nhỏ bé, đất hẹp, người thưa nhưng mang trong tim dòng máu Lạc Hồng, nhân dân Việt Nam đã liên tục đứng lên khởi nghĩa và sự thật lich sử đã chứng minh “chúng bây sẽ bị đánh tơi bời” với những chiến công vang dội của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Lê Đại Hành…

2. Thiên cổ hùng văn - Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi [sinh năm 1380, mất năm 1442] là một vị anh hùng dân tộc, có công rất lớn trong việc phò trợ Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sau khi giải phóng dân tộc, vâng mệnh vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” để bố cáo với thiên hạ về sự nghiệp kháng Minh thành công và bắt tay xây dựng lại đất nước. Đây là áng thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi, được xem là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam.

Nếu như “Nam quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt viết trong quá trình đánh giặc Tống xâm lược, thì “Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi viết sau khi hoàn thành đại cuộc kháng Minh và thiết lập nên triều Hậu Lê [để phân biệt với triều Tiền Lê của Lê Đại Hành]. Khác với “Nam quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt khẳng định sự độc lập, tự chủ của Đại Việt là do ý trời “Rành rành đã định tại sách trời”, Nguyễn Trãi, trong “Bình Ngô đại cáo” khẳng định sự độc lập tự do của Tổ quốc là do nhân dân lựa chọn và cũng chính nhân dân hy sinh để có được nền độc lập ấy, hoàn toàn không phải được trời ban. Chính vì vậy, mở đầu “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác; 

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Song hào kiệt thời nào cũng có…” 

Tiếp tục khẳng định tư thế độc lập, tự chủ của nước ta, Nguyễn Trãi đã đặt các vương triều Đại Việt sánh ngang cùng với cái triều đại phong kiến Trung Quốc, để chứng minh nước Việt có truyền thống văn hiến từ lâu đời, truyền thống ấy là do những hào kiệt của nước Việt xây dựng nên và để bảo vệ đất nước giàu văn hiến đó, nhân dân Đại Việt sẽ không chịu khuất phục và sẽ đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào.

“Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi như một bản anh hùng ca bất tận về sự chiến đấu ngoan cường của nhân dân Đại Việt trước sự bạo tàn của kẻ thù xâm lăng đã“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ” để làm nên chiến thắng “Đánh một trận sạch không kịch ngạc/Đánh hai trận tan tác chim muôn” với tinh thần“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Có thể khẳng định, đến thế kỷ XV, chủ quyền của Việt Nam đã trải qua nhiều cam go, thử thách, đã có những lúc đứng trước sức mạnh của quân thù [qua các cuộc xâm lăng của giặc Hán, Tống, Nguyên-Mông, Minh], nhưng nhờ sự tài trí, quả cảm của nhân dân, với truyền thống đoàn kết mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Đại Việt vẫn đứng vững hiên ngang trước quân thù. Mặc dù Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, nhưng Việt Nam bao đời nay, dù nhỏ bé nhưng không thiếu nhân tài cùng với nghị lực phi thường của nhân dân tạo nên sức mạnh tinh thần không có gì địch nổi.

3. Tuyên ngôn Độc lập - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, Người đã thay mặt Chính phủ lâm thời soạn thảo và trịnh trọng tuyên trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 02/9/2015, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn bản pháp lý hoàn chỉnh, khẳng định quyền độc lập, tự do, bình đẳng của nước Việt Nam với thế giới; mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Không những vậy, bản Tuyên ngôn độc lập của Bác còn là một tác phẩm chính luận sâu sắc, là sản phẩm của sự kết tinh của truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam với xu hướng chung của thế giới đương thời, được thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc Cách mạng tư sản Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Hỡi đồng bào cả nước.

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu nói này có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. 

Bên cạnh đó, Tuyên ngôn Độc lập còn là một bản án đánh thép vạch trần, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với nhân dân Việt Nam. Cuối cùng, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Bảy mươi năm đã trôi qua, tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 vẫn còn nguyên giá trị, là động lực tinh thần mạnh mẽ đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Mặc dù, ba bản tuyên ngôn trong những giai đoạn xã hội Việt Nam khác nhau nhưng có chung những giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Nếu Lý Thường Kiệt xác lập và khẳng định quyền độc lập, tự chủ, bình đẳng của nước Đại Việt trong “Nam quốc sơn hà”; hay trong “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi đã nâng tư tưởng độc lập, quyền tự quyết của Việt Nam lên một tầm cao mới, khẳng định Đại Việt là quốc gia độc lập và có quyền quyết định vận mệnh của quốc gia “Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”, thì với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập không những khẳng định cương thổ quốc gia, quyền tự do, bình đẳng của dân tộc, mà còn trịnh trọng tuyên bố với thế giới khai sinh ra một nhà nước kiểu mới, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.  

Video liên quan

Chủ Đề