Gánh nặng nợ chính phủ là gì

Nặng gánh tương lai

Nợ công được khuyến cáo đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi không ngừng tăng và gắn liền với khối nợ của doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo của ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn lại số liệu của Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ trung bình trong giai đoạn 2003-2007 chỉ chiếm 1,3% GDP, nhưng con số này đã tăng lên gấp đôi với 2,7% GDP vào giai đoạn 2008-2012. Tổng nợ công, theo đó, cũng có tỷ lệ tăng từ 40% GDP cuối 2007 đến 56,3% GDP vào cuối 2010 và giảm đôi chút còn 54,9% GDP vào cuối 2011. Thế nhưng, con số này lại đã tăng lên 55,4% GDP năm 2012.

Cũng cần nhắc lại rằng, báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội cập nhật số  liệu nợ công năm 2014 ước vào khoảng 60,3% GDP và năm 2015 sẽ chạm ngưỡng 64%  GDP, sát mức "trần" nợ công 65% GDP quốc gia đã được "thiết lập" cho đến 2020.  Như vậy, nợ công đã gần chạm ngưỡng và việc tiềm ẩn rủi ro là điều đã quá rõ  ràng.

Vấn đề là chúng ta liệu có giải pháp để hóa giải thực trạng này? Nhất là xét  trong bối cảnh, nợ của ngân sách nhà nước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng và rút  cục sẽ được tính vào nợ công khi phải vay từ các nguồn khác để trả nợ. Thêm nữa,  tương ứng với các con số nợ công tăng nhanh trong từng năm, số tiền mà nền kinh  tế phải gánh để thực thi nghĩa vụ và trả nợ cũng lên tới xấp xỉ 300.000 tỷ đồng. Lưu ý 300.000 tỷ đồng là ước nợ xấu của hệ thống ngân hàng cách đây hai năm,  và chỉ với từng đó nợ, nền kinh tế đã phải lao đao trong hơn hai năm qua và đến  giờ cũng vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn vấn đề.

Nợ tăng nhanh có nhiều nguyên do, nhưng trong đó không thể không đề cập đến  vấn đề nợ của doanh nghiệp nhà nước, cũng là khối đang chiếm khoảng 70% khối nợ  xấu của hệ thống nhà băng. Tuy rằng không phải khoản nợ nào của tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cũng  được tính vào nợ công nhưng với mức độ phát hành trái phiếu vay nợ hoặc trong số  các khoản vay có nhiều khoản được Chính phủ đứng ra bảo lãnh hay hỗ trợ thì dư  nợ nước ngoài đã tăng lên và có nhiều tình huống Nhà nước phải đứng ra thu xếp. Những khoản nợ mà khối này không trả được và nếu doanh nghiệp thua lỗ phá sản  thì theo lý thuyết cũng sẽ được tính vào khoản phải trả từ ngân sách nhà nước.

Rõ ràng, gánh nặng tương lai đang đặt lên đôi vai ngân sách nhà nước. Cho dù  Việt Nam chưa có một đồng hồ đếm nợ công nhưng có thể thấy trước áp lực không  nhỏ cho việc chi trả nợ đối với thế hệ tương lai của Việt Nam. Ngân sách nhà  nước chỉ có thể gánh được các khoản nợ khi có được một nguồn thu ổn định, vững  bền từ chính nguồn nộp thuế của đội ngũ doanh nghiệp khỏe mạnh. Điều ấy lại là  một câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đang đau đáu nơi nghị trường khi mà Việt  Nam đang tụt hạng trong thu hút đầu tư so với chính các nước thuộc tốp 4 ở cuối  bảng thành viên ASEAN.                                    NGUYỄN LÊ NGỌC HOÀN

Chủ Đề