Hình ảnh người phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ

Góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp

Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Tên gọi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện nhiều phong trào như: Phụ nữ học cày bừa; phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”; mua công phiếu kháng chiến; “Diệt giặc dốt”; “Diệt giặc đói”; “Đời sống mới”; tham gia Hội mẹ chiến sĩ… Trong 18 chiến dịch lớn của cả nước, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công.

Cũng trong giai đoạn này, lực lượng phụ nữ tham gia dân quân du kích ngày càng nhiều. Tiêu biểu là đội “nữ du kích Hoàng Ngân” thu hút 7.365 chị em tham gia. Các chị đã cùng quân dân tỉnh Hưng Yên đánh hơn 1.000 trận, lập chiến công lẫy lừng. Phong trào nữ du kích Hoàng Ngân còn được Bộ Quốc phòng tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng điển hình, phổ biến cho các tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và miền Bắc…

Đội nữ du kích Hoàng Ngân, Hưng Yên, năm 1954. [Ảnh tư liệu]

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, phụ nữ các dân tộc Tày, Thái, Mèo, Dao, Nùng, Hoa, Puộc, Xá… đã tham gia đông đảo. Chị em đã ngày đêm vượt suối, băng ngàn, làm mọi công việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược, tải thương, thổi cơm, đưa nước cho bộ đội, làm hầm, chữa cầu đường… Có thể nói, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã bằng mọi nỗ lực vận động chị em phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Kiên cường, quật khởi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Nhằm tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, Đại hội III của Đảng đã chủ trương phải xây dựng tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam.

Ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành [nay là huyện Tân Biên], tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị.

Cùng với đó, ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổ chức Hội phụ nữ hai miền Nam Bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền và cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức Hội hai miền phát động phong trào riêng, có tác động lan tỏa và sâu rộng trong các cấp Hội phụ nữ.

Tháng 3/1961, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ dùng không quân bắn phá miền Bắc. Trước tình hình đó, tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Phong trào Ba đảm đang là bước phát triển mới của phong trào 5 tốt, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975, là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kì hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và là bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam [3/1965], Hội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh tốt; Học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn tốt; Rèn luyện tư cách đạo đức tốt... Với phong trào “5 tốt”, hàng triệu hội viên phụ nữ giải phóng được tôi luyện trong phong trào đấu tranh với 3 mũi giáp công linh hoạt, được tổ chức chặt chẽ ở ba vùng chiến lược [nông thôn, đô thị, miền núi].

Trên khắp miền Nam, phụ nữ giải phóng luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện, hình thành nên một “Đội quân tóc dài” hùng hậu, nổi tiếng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phụ nữ miền Nam đã anh dũng thi đua giết giặc, trong gian nan vẫn một lòng trung kiên, bất khuất. Thi đua với phụ nữ Nam bộ, những tấm gương phụ nữ miền Bắc anh dũng của Đại đội pháo nữ dân quân Ngư Thuỷ [Quảng Bình] bắn cháy liên tiếp 3 tàu chiến Mỹ hay của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải [Thanh Hóa] bắn rơi máy bay Mỹ… đã khẳng định trí tuệ, sáng tạo và tinh thần kiên cường, quật khởi của các tầng lớp phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam [19/10/1966], Hồ Chủ tịch đánh giá: “Phong trào 5 tốt của phụ nữ miền Nam, phong trào Ba đảm đang của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân”.

P.V

Theo nguồn tư liệu TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

    Như một nguồn mạch dạt dào, bất tận; như một dòng chảy mạnh mẽ không ngừng; hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã đi vào văn học một cách hết sức tự nhiên, và rồi cứ thế xuất hiện xuyên suốt trên hầu khắp các trang viết của mọi thế hệ từ xưa tới nay.     Thơ ca Việt Nam hiện đại đã phơi bày mạch cảm xúc dâng trào của các nhà thơ khi thể hiện, ngợi ca về một giai đoạn lịch sử thần thánh, về đất nước con người Việt Nam anh hùng, đặc biệt là ngợi ca về người phụ nữ. Trong những năm chiến đấu ác liệt chống Pháp và chống Mỹ, các nhà thơ đã dành những vần thơ đẹp đẽ nhất để tái hiện lại hình ảnh những con người mềm mại, thanh tao những vô cùng kiên cường bất khuất,  sẵn sàng hy sinh tình yêu, quyền lợi riêng tư… để cùng dấn thân  vào cuộc chiến, giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc thân yêu.     Không còn thấy những tiếng than thân trách phận; những lời thở than đau buồn,trong không khí của cuộc cách mạng sục sôi và dưới ánh sáng của lý tưởng mới, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới. Vẻ đẹp của những con người đã được giải phóng hoàn toàn, tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến, để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, hình ảnh người phị nữ hiện lên thật mạnh mẽ không chỉ trong ý thức trách nhiệm mà cả trong tư thế, hành động. Đó là những người con gái Bắc Giang - những người con gái của cuộc đời mới, gánh vác việc chung không kém sức trai.

             Em là con gái Bắc Giang            Rét thì mác rét nước làng em lo            Nhà em phơi lúa chưa khô            Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong           Nhà em con bế con bồng

           Em cũng theo chồng đi phá đường quan

                                              [Phá đường – Tố Hữu]Người đọc cảm nhận rõ được sự khác biệt giữa cuộc sống của người phụ nữ trong nô lệ và trong chiến đấu. Chiến tranh là khốc liệt. Những người phụ nữ ấy, bằng tình yêu sâu nặng đối với quê hương, đất nước đã coi công việc đào đường gian khổ như tham gia một cuộc thi hết sức vui vẻ:

             Hì hà hì hục


             Lục cục lào cào
             Anh cuốc em đào
            Đá lở đất nhào!
            Nào anh bên trai
           Nào em bên nữ
          Ta thi nhau thử
          Ai nào hơn ai!
       Anh tài thì em cũng tài
Đường dài ta sẻ, sức dai ngại gì.                                       [Phá đường – Tố Hữu]            Khi đất nước chìm trong nô lệ đau thương, người phụ nữ cũng cùng chịu chung số phận khổ đau. Đất nước vùng lên đấu tranh, họ không kém phần quả cảm, cùng xông pha trên cả hai mặt trận: tiền tuyến và hậu phương. Hình ảnh đẹp đẽ, tràn đầy sức sống và dũng khí của những nữ anh hùng đó đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa thành công trong các sáng tác của mình. Đó là những người mẹ một đời lam lũ nhưng kiên cường, cống hiến hết sức lực còn lại cho cách mạng, đó là những người con gái dũng cảm, dám hi sinh thân mình cho Tổ quốc... và rất nhiều, rất nhiều những tấm gương khác mà ta có thể tìm thấy trong thơ Tố Hữu.          Ngay từ những sáng tác đầu tay, Tố Hữu đã có cái nhìn đúng đắn về vai trò của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, trong những năm tháng hoạt động kháng chiến, ông được sống gần nhân dân, được các mẹ, các chị chở che, đùm bọc. Điều này, giúp ông cảm nhận chân thực nhất tình cảm mãnh liệt của họ dành cho đất nước. Thi hứng của ông thường được bắt nguồn từ chính những tấm gương trong hiện thực của cuộc chiến đấu gian khổ. Một hình ảnh đã được Tố Hữu nâng lên thành biểu tượng bất khuất về người phụ nữ Việt Nam, đó là Mẹ Suốt, người mẹ chèo đò trên sông Nhật Lệ:

                             Một tay lái chiếc đò ngang


                     Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
                                Sợ chi sóng nước tàu bay
                    Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
                                Kể chi tuổi tác già nua
                     Chống chèo xin cứ thi đua đến cùn”                                                               [Mẹ Suốt]    Lời bộc bạch giản dị, chân tình của mẹ đã khiến bao thế hệ cảm phục và xúc động:

                          Gan chi, gan rứa, mẹ nờ


                      Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
                          Chẳng bằng con gái, con trai
                     Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
                        Tàu bay hắn bắn sớm trưa
                  Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...                                                          [Mẹ suốt]

      Dường như với mẹ, việc chèo đò đưa quân, việc cách mạng là một lẽ thường tình. Hình ảnh mẹ Một tay lái chiếc đò ngang đã trở thành “nguồn sức mạnh cổ vũ động viên hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ ta vững tay súng ở chiến trường đánh Mỹ” [Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, NXB Phụ nữ, 2007]. Sẽ còn mãi trong tâm trí mọi người dân đất Việt bức tượng đài của mẹ, một người phụ nữ hiên ngang, bất khuất:


                            Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
                     Gió lay như sóng biển tung trắng bờ                                                            [Mẹ Suốt]     Có thể thấy, thơ Tố Hữu luôn dành tiếng nói yêu thương, lòng trân trọng và tình cảm xúc động, thành kính khi viết về những người mẹ. Đó là những bà Bủ, bà Bầm, là “bà mẹ Việt Bắc”, những người tưởng chừng cả đời chỉ biết gắn bó với cây rau rừng, với củ mài, củ sắn không biết đến đấu tranh, đến chính trị nhưng bằng tình cảm yêu quê hương, đất nước của một người con đất Việt, họ đã ý thức được trách nhiệm với cuộc kháng chiến của dân tộc. Có người không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng đã hy sinh chồng và hai con trai mình cho đất nước, đó là một sự hy sinh thầm lặng và cao cả.     Hình ảnh “bà má Hậu Giang”, người má kiên trung nuôi giấu cán bộ, bất chấp hiểm nguy một mình bám trụ với mảnh đất chết, “lom khom đi lượm củi khô” nấu cơm cho Việt minh... đã khắc sâu trong tâm trí của người đọc. Trong kháng chiến, những người chiến sĩ cộng sản đã không thể cầm được nước mắt trước lời nhắn nhủ của má:

                               Má già nhắm mắt rưng rưng:


                              Các con ơi! Ở trong rừng U Minh
                              Má có chết một mình má chết
                              Cho các con trừ hết quân Tây!                                             [Bà má Hậu Giang]      Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam là hình tượng khá trọn vẹn và có tính chất lí tưởng: đó là những cô gái Trường Sơn bám chốt mở đường, cô nữ pháo thủ gan dạ, cô nữ sinh sông Hương hăng hái tham gia chiến đấu, nữ y sĩ lăn lộn giữa rừng để nghiên cứu căn bệnh sốt rét, cô gái đồng chiêm đảm đang cần mẫn… Tuy hoạt động trên nhiều tuyến đường khác nhau nhưng tất cả đều mang tinh thần của những cô gái Trường Sơn.

                    Mười tám tuổi, em bắt đầu với con đường của Đảng,


        Đường đánh Mỹ, đường Bắc Nam xuyên qua những lèn cao đá phẳng!
                            Em đạp phăng mười bậc,
                            Em hạ dốc Ba Thang.
                            Em đi giữa thác lũ nắng ngàn
                            Em chấp cả bùn lầy vắt muỗi”…                                             [Đường em làm, đường em đi]           Thi nhân trân trọng và ngợi ca người phụ nữ của thời đại mới. Họ đến từ trong cuộc đời thực và đẹp như một ước mơ, một lí tưởng. Lưu Trọng Lư là một hồn thơ dễ rung động. Người thiếu nữ trong thơ ông đẹp lắm, không phải vẻ đẹp bề ngoài của đôi mắt bồ câu, nét mày thanh tú mà là vẻ đẹp rạng rỡ của một tâm hồn lạc quan, dũng cảm. Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, nhà thơ đã khắc họa người con gái làng quan họ thật đẹp:             

                      Có cô gái Đảng, giao thông viên


                     Trên đất này, thoăn thoắt bàn chân
                     Như chiếc thoi đưa, đường ngang chỉ dọc.                                                                [Những dấu chân]     Càng đi sâu vào cuộc chiến, cái nhìn của Lưu Trọng Lư đối với những người thiếu nữ sâu sắc hơn. Lưu Trọng Lư thích thú khai thác nét chiến sĩ - thi sĩ trong tâm hồn chị em. Bên cạnh tinh thần lạc quan, dũng cảm là một tâm hồn giàu cảm xúc, dễ rung động trước vẻ đẹp của một cánh hoa, một sắc mây và cả những màu sắc lung linh của những vỏ hà vỏ hến. Trải qua bao khó khăn của cuộc chiến đấu, tâm hồn người phụ nữ vẫn giữ nguyên những nét rung cảm nhẹ nhàng ấy:

                     Có chuyện gian khổ suối đèo


                     Có chuyện đau thương bom đạn
                     Nhưng mắt em vẫn giữ một màu xán lạn
                     Hến, hà em vẫn giữ sắc lung linh
                    Mà đường em làm, đường em đi sâu thẳm nghĩa tình.                                                             [Đường em làm, đường em đi]     Họ còn là những cô du kích gan dạ, dũng cảm mà giàu lòng yêu thương. Những người con gái ấy còn lấy cả thân mình bảo vệ sự bình yên cho những con tàu:

                     Em lấy tuổi xuân xanh


                     Em lấy cả thân mình
                     Phủ lên thân tàu yêu dấu
                     Em là du kích, em là giao liên
                    Em chính là quê hương ta đó
                    Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương
                    Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
                   Sao thấy lòng ấm lạ
                   Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
                   Tiếng đại bác gầm rang vách lá
                   Ôi quê hương ta đẹp quá
                   Dù trên đường còn những hố bom
                  Dù áo em vẫn còn mảnh vá
                  Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
                  Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn                                                    [Trở về quê nội – Lê Anh Xuân]       Và đẹp biết bao hình ảnh những cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn trong thơ Nguyễn Đình Thi:

                    Em đứng bên đường như quê hương


                    Vai áo bạc quàng súng trường                                                       [Lá đỏ]     Biểu tượng cao đẹp, vĩ đại, hào hùng nhất, đấy là hình ảnh chị Lý, người con gái anh hùng Việt Nam. Bằng một cảm quan lãng mạn cách mạng, một tấm lòng tôn kính, xót thương vô hạn, Tố Hữu đã khắc họa thành công hình ảnh người con gái Việt Nam bất khuất, kiên trung:

                       Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung


                       Không giết được em người con gái anh hùng
                       Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
                       Không phải cho em, cho lẽ phải trên đời
                        Cho quê hương em. Cho cả loài người                                                        [Người con gái Việt Nam]       Chị là một người con gái Việt Nam anh hùng. Chị đẹp, một vẻ đẹp kiên cường, bất khuất. Dù tra tấn chị dã man nhưng kẻ địch vẫn không thể “giết được em, người con gái anh hùng”. Chị vừa là người góp phần làm nên đất nước, vừa là người con của đất nước, người con bé nhỏ được ôm ấp vỗ về bởi bà mẹ quê hương. Hình ảnh chị cao cả mà giản dị, lớn lao nhưng cũng rất đỗi đời thường, chị giống như bao người phụ nữ Việt Nam yêu nước:

                    Em đã sống bởi vì em đã thắng


                    Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
                   Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
                   Em sẽ đi trên đường ấy thênh thang
                  Như những ngày xưa rực rỡ sao vàng.                                          [Người con gái Việt Nam]Chị Lý đã trở thành bất tử, thành lẽ sống của dân tộc:

                     Cả nước cho em cho em tất cả


                      Máu tiếp máu cho lại hồng đôi má
                      Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
                      Cho thịt da em lại nở trắng ngần.                                   [Người con gái Việt Nam]      Lâm Thị Mỹ Dạ đã khắc họa hình ảnh người con gái hy sinh với nụ cười không tắt, với làn da tỏa sáng, thoát thành làn mây trắng tinh khôi:

                          Như khoảng trời nằm yên trong đất 


                          Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
                          Những vì sao ngời chói lung linh
                          Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
                          Đã hóa thành những làn mây trắng.                                                            [Khoảng trời hố bom].      Có thể nói hình tượng người phụ nữ Việt Nam đã tỏa sáng những ánh lân tinh đẹp đẽ trong thơ ca kháng chiến. Sự hi sinh của hó chính là sự hóa thân vào đất mẹ Tổ Quốc nên dù “vùi trong cát” hay “nằm yên trong đất” họ vẫn là “những tấm thân như ngọc sáng ngời”, là “Những vì sao ngời chói lung linh”.                Chính từ” những viên ngọc sáng ngời”, “những vì sao ngời chói” như thế, cuộc chiến đấu của dân tộc ta đã giành được thắng lợi vẻ vang. Các mẹ, các chị, những người phụ nữ anh hùng đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp kháng chiến của cách mạng sẽ mãi mãi in dấu trong “hình của nước”. Tất cả đều hiện lên đẹp đẽ bởi mang trong mình hồn thiêng của sông nước.

 Không chỉ rạng ngời trong thơ ca kháng chiến, hình tượng những người phụ nữ đã đi vào những trang viết chảy suốt trong văn học từ trước đến nay, để  trở thành một hình ảnh đẹp đẽ nhất trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay và cả mai sau. Vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam ngày nay đã được nâng lên một bước phù hợp với thời đại trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhưng vẫn giữ được tính dân tộc đậm đà. Họ vẫn phát huy vẻ đẹp của một thời anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và còn mang vẻ đẹp về trí tuệ. Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam in dấu ấn trong thơ ca, nhạc, họa, điêu khắc… và mãi bất tử với thời gian. Họ đã góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hoá dân tộc.                                                                        


Tác giả bài viết: Đặng Thị Thu Lan – GV Ngữ văn

Video liên quan

Chủ Đề