Học sinh có nên chỉ học những môn mình thích không

Ngày mới ra trường, tôi tròn 21 tuổi, được phân về một xã tận “hóc bò tó” của tỉnh Đồng Nai, từ chỗ xuống xe đò, đi bộ hơn nửa ngày đường mới tới… trường “hóc bò tó”.

Trường có nhiều trò đi học muộn so với tuổi, nên thầy và trò chênh nhau nhiều nhất 7 tuổi, ít nhất 3 tuổi, thế nhưng thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò.

Tôi vẫn nhớ như in, ngày đầu vô dạy quy ước ở lớp 9, gọi Hùng lên bảng giải bài toán có “sao” trong sách giáo khoa, vì tin lớp trưởng chắc giỏi toán nhất lớp; cả lớp cười ồ “Lớp trưởng không học toán đâu, thầy hỏi chi cho mệt. Thầy bảo Tồ [Tên gọi thân mật ở nhà] ra sửa xe là số dách [số 1] ạ”.

Tôi mở lớp dạy phụ đạo toán miễn phí [Thật ra ngày đó chưa hề có khái niệm học thêm, giáo viên dạy ngoài giờ chính khóa chẳng ai thu tiền] cho lớp 9, nói với Hùng “Toán là môn chính, em cố gắng bớt thời gian học phụ đạo toán nha”.

Gãi đầu, gãi tai, Hùng trả lời “Môn chính của em là Lý, em học Lý về … sửa xe, em học môn Toán để biết vậy là được rồi”.

Ảnh minh họa: Vtv.vn

"Chính với bạn nhưng… phụ với tôi"

Câu trả lời của học trò làm tôi phật ý, song, gần 40 năm trải nghiệm nghề giáo, tôi thấy mình học được bài học lớn từ học trò.

Học để làm việc, học để làm người chứ không phải học để thi, học cả đời,… việc học không có môn chính, môn phụ cho tất cả mọi người.

Ngay cả giáo viên cũng vậy thôi, mỗi người có thế mạnh riêng, người thích môn này, người thích môn khác, nên chọn học sư phạm ngành mình yêu thích; chọn đúng ngành, đúng nghề mới yêu nghề, yêu ngành, mới vượt qua các khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được.

Điều này giải thích tại sao khi có môn tích hợp, giáo viên các đơn môn đồng loạt… phản đối; thời đi học phổ thông không có môn tích hợp để thích, chưa được đào tạo bài bản, ngay cả “máy cái” cũng không có, vì thế, khó lòng để dạy tốt môn tích hợp.

Thầy dạy bộ môn không tốt, chắc chắn không thể truyền cảm hứng cho trò, không đồng tình với việc có môn tích hợp khi chưa chuẩn bị tốt yêu cầu về giáo viên… là có trách nhiệm với xã hội.

Chương trình mới đang hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học qua các môn học; môn học nào phát huy được phẩm chất năng lực của học trò, đó là môn chính của cá nhân học trò và ngược lại.

Chúng ta quy ước môn chính, môn phụ, tức chúng ta đang quay lại lối cũ, đồng phục giáo dục. Quy ước môn chính, môn phụ cho tất cả học sinh, tức chúng ta đang bắt chạch leo cây, khỉ sống dưới nước.

Mỗi học sinh là một cá thể độc lập, khác biệt nhau hoàn toàn, có điểm mạnh, điểm yếu riêng; được dạy hướng nghiệp từ tiểu học, học sinh sẽ định hướng nghề nghiệp cho mình. Môn học nào giúp phát triển tốt định hướng nghề nghiệp của học trò, là môn chính và ngược lại.

Như vậy, môn chính hay môn phụ không do số tiết, không do đánh giá xếp loại như thế nào; môn chính hay môn phụ là do phẩm chất năng lực, mơ ước nghề nghiệp của học sinh quyết định.

Học sinh có phẩm chất, năng lực nghệ thuật, môn chính của bạn ấy sẽ là nhạc, họa; nếu bắt bạn ấy đầu tư vào môn khác mà người khác cho là chính, chẳng khác nào ta đang lấy “cối đá úp mầm măng”? Giáo dục khai phóng ở đâu? Tự do phát triển ở đâu? Phát huy phẩm chất năng lực người học ở đâu?

Nếu trường nghệ thuật, trường thể thao cứ yêu cầu học sinh tập trung học “môn chính” Toán, Văn, tiếng Anh… thì làm sao phát huy phẩm chất, năng lực học trò.

Nếu chúng ta cứ cho những môn có nhiều tiết là chính, học sinh phải học; chúng ta bắt Nguyễn Thị Ánh Viên học, không cho bơi, lấy đâu ra hình ảnh Quốc kỳ tung bay trong trao huy chương môn bơi lội ở SEA Games?


Xóa bỏ môn chính - môn phụ: Trước chỉ học thêm 3 môn, giờ phải đầu tư 6 môn

Với chương trình mới, cách đánh giá mới, có thể chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội là điều dễ hiểu, vì từ trước tới nay, học để thi, học vì giấy khen; ngành giáo dục, cha mẹ, thầy cô… chưa chú trọng đến hạnh phúc của người học, coi điểm số, giải thưởng là thành công, không thấy hay không muốn thấy mặt trái của nó.

Nếu cha mẹ coi trọng hạnh phúc, coi trọng ước mơ, coi trọng sở thích của con cái, chắc chắn chẳng ai bắt con học thêm từ… mầm non; suốt ngày chỉ biết học, không còn một chút tuổi thơ trong kí ức.

Nếu nhà trường coi trọng hạnh phúc của học trò, chắc chắn chẳng ai tổ chức … dạy thêm chính khóa, khi nhân danh “môn chính” để tổ chức dạy thêm thu lợi.

Thầy cô coi trọng ước mơ, hạnh phúc, sở thích, sở trường của học trò, sẽ thấy được phẩm chất riêng, năng lực riêng, để bồi dưỡng cho học trò; không có chuyện môn chính, môn phụ, để lùa học sinh đến lớp học thêm.

Chúng ta đang muốn phân luồng giáo dục, muốn giáo dục thực chất, muốn có nguồn lao động lành nghề; muốn không có tình trạng thừa thầy thiếu thợ; thế nhưng lại phân chia môn chính, môn phụ trong giáo dục, điều đó quá bất hợp lý.

Giáo dục chỉ thành công khi phát huy được năng lực phẩm chất người học; người học có thế mạnh về năng lực phẩm chất gì sẽ được tự do quyết định học môn mình thích; nhà trường, giáo viên, đào tạo môn học giúp năng lực phẩm chất đó phát triển, đó là môn chính của cá nhân.

Vì thế, môn chính với mình, môn phụ với bạn là biểu hiện giáo dục bước đầu đã thành công, đã phát hiện, phát huy được phẩm chất năng lực, đem lại hạnh phúc trước mắt và lâu dài cho học trò.

Đã đến lúc phải chấp nhận môn chính với bạn nhưng … phụ với tôi, môn chính với cha mẹ, nhưng môn phụ với con cái. Môn chính với thầy cô, môn phụ với học trò; không ai được quyền phân chia môn chính, môn phụ với học trò, phẩm chất năng lực của người học tự quyền quyết định môn nào chính, môn nào phụ cho cá nhân mình.

Đánh giá không quy định môn chính, môn phụ là điểm mới, thể hiện thông điệp, mục tiêu, của nền giáo dục khai phóng, Thông tư 22 đang chuyền tải đến xã hội một luồng gió mới.

[*] Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường

Học sinh phổ thông tại Úc - Ảnh: GO TO AUSTRALIA

Cách làm của một số nước tiên tiến có thể ít nhiều cung cấp thêm góc nhìn giải quyết một số bài toán dự đoán sẽ rất hóc búa trong thời gian đầu triển khai "buffet môn học".

Úc: Các trường liên kết khi thiếu môn

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Mai Viết Thủy, hiệu trưởng Trường University Preparation College [Úc], cho biết chương trình trung học phổ thông ở Úc do các bang tự quyết định, thường kéo dài 2 năm, tương đương với lớp 11 và lớp 12 ở Việt Nam. 

Ngoài tiếng Anh là môn bắt buộc, học sinh sẽ được tự do lựa chọn các môn học, khoảng 6 môn mỗi em. Phổ biến là những lĩnh vực như tiếng Anh, toán, khoa học, nhân văn, nghệ thuật, công nghệ, kinh tế…

Học sinh còn được quyền chọn độ khó cho môn học. Chẳng hạn cùng là môn toán nhưng có khoảng 4 môn từ dễ tới khó, bao gồm toán nâng cao, toán phổ thông, phương pháp toán và toán cao cấp. Nếu giỏi và muốn chuyên sâu về toán, học sinh sẽ chọn những môn có độ khó cao. 

"Nhiều môn, nhiều tổ hợp, làm sao đủ giáo viên, nguồn lực?" là một trong những băn khoăn lớn của nhiều người nếu học sinh lớp 10 tại Việt Nam được chọn môn học. Ông Thủy cho biết ở Úc, nhiều trường cũng phải đối mặt với số tổ hợp môn học rất lớn. Thông thường, các trường tư sẽ có điều kiện tài chính, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu môn học của học sinh.

Với các trường công, dựa vào kinh phí, số lượng nhập học và mong mỏi của học sinh, mỗi trường sẽ quyết định tổ chức giảng dạy những môn nào. Để hạn chế việc thiếu nhân sự, ở vài trường, một giáo viên có thể phụ trách nhiều môn. Chẳng hạn, một thầy giáo dạy vật lý cũng có thể dạy toán hay hóa.

Thiếu môn học theo nguyện vọng của học sinh cũng thường xảy ra, đặc biệt ở các trường nhỏ. Trong trường hợp này, học sinh có thể học thêm ở những trường lân cận có giảng dạy môn học ấy. Các trường công lập thường có sự kết nối rất tốt, tạo điều kiện cho học sinh nơi khác đến học cùng. 

Singapore: Tư vấn chọn môn theo hành trình

Học sinh tại Singapore - Ảnh: ASIA ONE

ThS Đinh Hoàng Hà, hiện công tác tại Trường SSTC Singapore, chia sẻ, ở đảo quốc này, học sinh ngay từ lớp 8 đã được quyền tự lựa chọn tổ hợp môn học. Mỗi học sinh học từ 6 - 8 môn, trong đó toán và tiếng Anh thường là môn cố định, những môn còn lại các em sẽ chọn theo sở trường, sở thích và định hướng cá nhân.

Chẳng hạn, một bạn đang học lớp 8 chọn môn toán, tiếng Anh, khoa học, địa lý, văn, tin học cùng 2 môn phụ là vẽ và nấu ăn. Trước đó, từ năm lớp 6 - 7, học sinh cũng đã được làm quen với việc chọn một vài học phần mình quan tâm. 

"Học sinh sẽ định hướng như thế nào, liệu có thật sự biết mình muốn học gì khi được cho tự chọn môn?" cũng là một trăn trở của nhiều phụ huynh Việt. ThS Hà cho rằng ở Singapore, việc hướng nghiệp được nhà trường làm rất bài bản. Sẽ có những buổi tư vấn các thầy cô dành hẳn để định hướng cho từng học sinh.

Cơ sở quan trọng để giáo viên ra quyết định là những lời nhận xét trong học bạ của mỗi em. Từ lớp 1, các giáo viên thường đưa ra những góc nhìn rất chi tiết về từng học sinh: các em mạnh, yếu ở những môn nào, đâu là những tố chất nổi trội, điều gì đặc biệt, thú vị ở học sinh ấy. 

Ông cho biết thêm ở một lớp học, hồ sơ của học sinh có thể nhận những lời nhận xét từ nhiều thầy cô, không chỉ có mỗi giáo viên chủ nhiệm. 

Đến lúc cần tư vấn chọn môn học, giáo viên sẽ đọc lại hết những lời phê này để có được hình dung rõ nhất về năng lực và con người của học sinh ấy. Kết hợp với lắng nghe nguyện vọng trực tiếp của các em, giáo viên sẽ định hướng nên học những môn nào, đi theo con đường nào.

Học sinh tại Anh - Ảnh: MEDIARUN SEARCH

Anh: Đảm bảo sĩ số vừa phải

TS Trần Mỹ Châu, ĐH Northampton [Anh], chia sẻ ở Anh bậc trung học phổ thông thường kéo dài 5 năm, bắt đầu từ 11 - 16 tuổi, kết thúc bằng bài thi tốt nghiệp GCSE. Sau đó, tùy nhu cầu và năng lực, các em có thể chọn đại học hay học nghề. Nếu chọn đại học, các em thường đăng ký A-Level hoặc IB, có thể xem là chương trình dự bị đại học, kéo dài trong 2 năm.

Với A-Level, các trường ở Anh thường "bày" ra hơn 40 môn học để học sinh lựa chọn. Mỗi bạn chọn từ 3 - 5 môn mình yêu thích, có thế mạnh và liên quan chuyên ngành sẽ theo đuổi ở đại học.

Chuyện thành bại của việc cho học sinh chọn môn sẽ chịu tác động rất lớn từ sĩ số lớp học. TS Châu chia sẻ ở Anh, các trường thường nhận số lượng học sinh giới hạn sao cho họ có thể đáp ứng được những nhu cầu của các em, chẳng hạn như nguyện vọng môn học. Thường thì mỗi lớp có khoảng 30 học sinh.

Thí sinh tự do lựa chọn môn thi thế nào?

TRỌNG NHÂN

Video liên quan

Chủ Đề