Học song bằng Đại học Luật Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp Giáo sư Marc Miller và đoàn công tác của Đại học Arizona. Ảnh: An Như

Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, việc triển khai Chương trình thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là sinh viên theo học Chương trình liên kết đào tạo song bằng ngành Luật đã tăng qua các năm [K44: 5 sinh viên; K45: 15 sinh viên; K46: 46 sinh viên].

Tuy nhiên so với kỳ vọng và mục tiêu Chương trình đặt ra, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Thứ trưởng tin tưởng với sự phối hợp chặt chẽ của hai Trường trong công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo, Chương trình sẽ có thêm nhiều sinh viên quan tâm và đăng ký theo học.

Được biết, sinh viên của Chương trình sẽ được đào tạo ngành Luật theo chuẩn quốc tế với chi phí thấp hơn nhiều so với du học nước ngoài.

Ưu điểm của Chương trình là sinh viên sẽ được các giảng viên dày dặn kinh nghiệm từ cả hai trường đại học trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Việc học tập bằng tiếng Anh trong chương trình giúp sinh viên nâng cao trình độ ngoại ngữ, đồng thời phát triển kĩ năng suy luận, trình bày và giải quyết vấn đề bằng ngôn ngữ này.

Tốt nghiệp Chương trình, sinh viên cùng lúc nhận được hai văn bằng: Bằng cử nhân luật [hệ chính quy] của Trường Đại học Luật Hà Nội và bằng cử nhân ngành luật của Đại học Arizona.

Lương Lê Minh, Lớp CLC39B

Ninh Thị Thúy, Lớp 4030A

Chương trình Chất lượng cao, Trường Đại học Luật Hà Nội

[Bài viết cho Nội san Luật khoa Trẻ số 9, tháng 11/2016, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội]

Cha ông ta đã đúc kết: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Tuy nhiên trong thế kỉ XXI, trước sự cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm và đòi hỏi ngày càng cao của một thị trường nhân sự đang từng bước hội nhập với thế giới, thì ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn con đường học song bằng. Ngành luật cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với đặc thù chuyên môn của ngành luật, đòi hỏi người học phải dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho các hoạt động học tập, nghiên cứu, rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp ... khiến cho vấn đề học song bằng cần được cân nhắc một cách kĩ lưỡng. Trong phạm vi bài viết này sẽ trình bày những vấn đề liên quan đến những mặt tích cực và hạn chế khi lựa chọn mô hình đào tạo song bằng của sinh viên ngành luật bậc đại học.

Xác định khái niệm học song bằng

Một cách đơn giản, có thể hiểu học song bằng [hay còn gọi là bằng đôi, bằng đúp, bằng kép ...] [1] là việc sinh viên học song song hai chương trình đào tạo với hai chuyên ngành khác nhau, và sẽ nhận được hai văn bẳng cử nhân với tổng thời gian đào tạo ít hơn so với việc học tuần tự từng chuyên ngành một. Việc đào tạo hai chuyên ngành có thể diễn ra tại cùng một trường đại học, nhưng cũng có thể ở hai trường đại học khác nhau, và thậm chí là ở hai quốc gia khác nhau. Hai chuyên ngành đào tạo song bằng có thể là nằm trong cùng một lĩnh vực [VD: cử nhân luật học và cử nhân luật thương mại quốc tế], nhưng cũng có thể là khác lĩnh vực [VD: cử nhân luật kinh tế và cử nhân quản trị kinh doanh].

Dĩ nhiên, học song bằng không phải là con đường duy nhất để có được bằng đại học thứ hai. Có một số hình thức đào tạo khác cũng đang phổ biến hiện nay ở Việt Nam, đó là đào tạo vừa học vừa làm [tại chức cũ], đào tạo từ xa và đào tạo văn bằng hai chính quy. Sự khác biệt giữa đào tạo song bằng với các hình thức đào tạo này cũng phần nào nói lên ưu thế của hình thức học song bằng. Đào tạo văn bằng hai chính quy gần giống với đào tạo song bằng ở việc học viên có thể được miễn giảm nhiều học phần trùng lặp giữa hai chương trình, qua đó rút ngắn thời gian đào tạo. Tuy nhiên, nếu như việc học hai chuyên ngành ở hệ đào tạo song bằng được tiến hành “song song” với nhau, thì ở hệ đào tạo văn bằng hai chính quy sẽ được tiến hành “nối tiếp”. Học viên đào tạo văn bằng hai chính quy sẽ phải có một văn bằng cử nhân trước khi có thể tham gia học văn bằng thứ hai, và do vậy sẽ làm gia tăng tổng thời gian học. Trong khi đó, hình thức đào tạo vừa học vừa làm hay đào tạo từ xa sẽ cho phép sinh viên có thể bắt đầu văn bằng thứ hai ngay cả khi đang học chuyên ngành thứ nhất. Dù vậy, khác với đào tạo song bằng, văn bằng cử nhân thứ hai được cấp sẽ không phải là văn bằng hệ đại học chính quy, mà là văn bằng cử nhân hệ vừa học vừa làm hoặc hệ đào tạo từ xa. Điều này sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho cử nhân mới ra trường khi cạnh tranh trên thị trường nhân sự.

Nhìn rộng ra, những hệ đào tạo văn bằng hai chính quy, đào tạo từ xa hay vừa học vừa làm là những hệ đào tạo chủ yếu dành cho những học viên đã đi làm, không có nhiều thời gian rảnh rỗi trong giờ hành chính, không có điều kiện theo đuổi một chương trình học tập trung trong thời gian quá dài. Còn hệ đào tạo song bằng lại chủ yếu dành cho sinh viên, những người có thể chủ động sắp xếp thời gian học giữa hai văn bằng, và đang có nhu cầu có thêm một văn bằng hệ đại học chính quy để hồ sơ của mình trước nhà tuyển dụng có thêm sức nặng.

Dưới góc độ pháp lí, đào tạo song bằng được gọi bằng tên “học cùng lúc hai chương trình”. Cụ thể là tại điều 17, Qui chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành kèm theo Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 18/05/2007, được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Điều 17. Học cùng lúc hai chương trình

1. Học cùng lúc hai chương trình dành cho sinh viên có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này và có nhu cầu đăng ký học thêm một chương trình thứ hai để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng.

2. Điều kiện để học cùng lúc hai chương trình:

a] Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất;

b] Sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất và sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu;

c] Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 2,00 thì phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.

3. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất, quy định tại khoản 3 Điều 6 của Quy chế này. Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.

4. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.”

Mặc dù không đưa ra định nghĩa về học cùng lúc hai chương trình, Qui chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ cũng đã chỉ ra được những đặc điểm quan trọng của hình thức này, đó là: [i] được cấp hai văn bằng, [ii] được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương trong chương trình thứ nhất khi học chương trình thứ hai. Đây là những đặc điểm quan trọng nói lên ưu thế của hình thức đào tạo song bằng: Rút ngắn thời gian học, nhưng vẫn có được hai văn bằng cử nhân ở hai chuyên ngành khác nhau.

Cơ sở nền tảng của đào tạo song bằng chính là đào tạo theo học chế tín chỉ thay cho đào tạo theo niên chế. Chính từ việc phân chia chương trình học thành các học phần [phần lớn gồm từ 02 - 04 tín chỉ mỗi học phần] mà giữa các chuyên ngành khác nhau sẽ có điểm tương đồng nhất định, cho phép sinh viên có thể bảo lưu điểm của những học phần tương tự nhau, chủ động đăng kí môn học để từ đó rút ngắn thời gian học.

Thực tiễn đào tạo song bằng trong ngành luật

Hiện nay, đã có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đại học áp dụng hình thức đào tạo song bằng, trong đó có chuyên ngành luật cho sinh viên. Đặc biệt là ở các trường đại học có đào tạo đa ngành, nhiều lĩnh vực như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân ở miền bắc, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ở miền nam, việc đào tạo song bằng được đẩy mạnh ngay sau khi Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT được ban hành. Điển hình như ở Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh viên Khoa Luật có thể học thêm bằng thứ hai tại các đơn vị thuộc Trường, như Trường Đại học Ngoại ngữ hay Trường Đại học Kinh tế, và ngược lại.

Điều này có thể lí giải, trước hết bởi nhu cầu học song bằng của sinh viên là rất lớn, sau nữa là bản thân các trường đại học kể trên vốn đã là trường đào tạo đa ngành, nhiều lĩnh vực, nên chỉ cần thời gian để hệ thống hóa lại chương trình học, từ đó cho phép qui đổi các học phần tương đương giữa các chuyên ngành khác nhau. Thông thường, nếu như học song bằng ở một chuyên ngành thứ hai cùng lĩnh vực với chuyên ngành thứ nhất [VD: cử nhân luật kinh doanh và cử nhân luật thương mại quốc tế], sinh viên sẽ chỉ phải học thêm từ 30 - 40 tín chỉ. Còn nếu như chuyên ngành thứ hai khác lĩnh vực với chuyên ngành thứ nhất [VD: cử nhân luật tài chính ngân hàng và cử nhân kinh tế đối ngoại], khối lượng học tập phải bổ sung thêm sẽ lên đến 60 - 80 tín chỉ [2]. Thời gian học tập do vậy cũng sẽ kéo dài lên khoảng từ 01-02 năm, nhưng không vượt quá tổng thời gian đào tạo tối đa ở chuyên ngành thứ nhất.

Trong khi các trường đại học đào tạo nhiều lĩnh vực thực hiện việc đào tạo song bằng từ khá sớm, thì với các trường đại học chỉ đào tạo một lĩnh vực, việc triển khai đào tạo song bằng lại chỉ bắt đầu triển khai trong thời gian gần đây. Điển hình như Trường Đại học Luật Hà Nội, chỉ sau khi bắt đầu tuyển sinh Khoa Ngôn ngữ Anh [chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý] vào năm học 2014 - 2015, đến đầu năm học 2015 - 2016 nhà trường mới triển khai việc học cùng lúc hai chương trình [đào tạo song bằng] cho sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý, với chuyên ngành đào tạo thứ hai là ngành luật [3]. Học viện Tài chính cũng đã triển khai tuyển sinh chuyên ngành Kinh tế - Luật nằm trong Khoa Kinh tế của nhà trường. Trong khi đó, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu đào tạo song bằng cử nhân Quản trị - Luật [thời gian đào tạo 05 năm] từ khá sớm, và đã đạt được nhiều thành tích. Tuy nhiên, công thức chung của việc triển khai đào tạo song bằng của các cơ sở giáo dục đại học vẫn là phải mở rộng lĩnh vực đào tạo. Với Đại học Luật Hà Nội, đó là việc thành lập thêm Khoa Ngôn ngữ Anh; với Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là sự xuất hiện của Khoa Quản trị Kinh doanh.

Học song bằng trong ngành luật: Lợi và hại

Không thể phủ nhận những ưu điểm rất rõ ràng của việc học song bằng đối với sinh viên ngành luật. Trước hết, không có môn khoa học nào đứng cô đơn trên một hòn đảo, nhất là ngành luật. Luật pháp ra đời theo đòi hỏi của nhu cầu xã hội, và điều chỉnh trở lại những quan hệ xã hội. Là một nhân tố thuộc kiến trúc thượng tầng, luật pháp chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Do đó, người học luật không thể làm chủ khoa học pháp lý nếu như không có kiến thức thực tiễn từ các lĩnh vực khác. Ở một số nước tiên tiến, ví dụ như Hoa Kỳ, người học luật sẽ phải có trong tay một bằng cử nhân về chuyên ngành khác. Điều này cho thấy, việc đào tạo luật chỉ dành cho những đối tượng đã “trải nghiệm” một phần nào đó của xã hội. Người học luật, làm luật, nghiên cứu luật và xây dựng pháp đều cần có sự bổ trợ kiến thức từ những lĩnh vực khác để có thể có một cái nhìn tổng quát và sát với thực tiễn.

Thêm vào đó, việc sở hữu trong tay hai văn bằng cử nhân sẽ gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo song bằng thường kết hợp giữa hai chuyên ngành có tính bổ trợ cho nhau, giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc của cử nhân mới tốt nghiệp. Một nghiên cứu của Hội đồng định hướng nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp tại Úc [Graduate Careers Australia – GCA] cho thấy rằng những sinh viên hoàn thành hai bằng đại học trở lên sẽ có nhiều khả năng tìm được việc làm: Cụ thể, trong năm 2010, 81% sinh viên tốt nghiệp chương trình song bằng tìm được việc làm toàn thời gian trong vòng 04 tháng sau khi hoàn thành chương trình học, so với khoảng 76% sinh viên tốt nghiệp với một bằng đại học.[4]

Khi theo học chương trình song bằng, khối lượng học tập tương đối lớn trong khi thời gian học tập không nhiều hơn so với chương trình đào tạo đơn ngành, giúp cho sinh viên có thể rèn luyện kĩ năng sắp xếp công việc, quản lý thời gian và chịu áp lực học tập, làm việc.

Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt sau của nó. Học song bằng không phải là con đường dành cho tất cả mọi sinh viên. Khối lượng học tập lớn, thời lượng học tập không dài, kiến thức ở hai chuyên ngành khác nhau dễ bị lẫn lộn, áp lực đặc biệt tăng cao mỗi khi đến kì thi, đó là những mô tả rõ ràng nhất về hình thức đào tạo này. Lựa chọn con đường học song bằng, nếu như sinh viên không có năng lực tiếp thu tốt và khả năng sắp xếp công việc, sẽ rất dễ nản chí và “gãy gánh giữa đường”.

Không chỉ vậy, việc học song bằng cũng là một sự đánh đổi rất lớn. Trước hết, ngành luật đòi hỏi sự nghiên cứu sâu và kĩ lưỡng. Sinh viên ngành luật không chỉ phải hiểu được những qui phạm pháp luật, mà còn cần áp dụng đúng qui phạm trong tình huống thực tiễn, phải nắm được những “vùng xám” của pháp luật đòi hỏi cách xử lí linh hoạt [5], phải tích lũy những kinh nghiệm để có định hướng đúng trước những “vùng trắng” [6], phải đưa ra được những bình luận và kiến nghị để phản biện chính sách, sửa đổi pháp luật ... Không chỉ nghe giảng trên lớp trong các giờ lý thuyết, sinh viên còn phải tham gia các giờ seminar, mà còn cần nghiên cứu văn bản pháp luật và tài liệu chuyên khảo, đi thực tế ... Nếu như không có sự tập trung cao độ và kỉ luật làm việc nghiêm túc, dễ dẫn đến hời hợt trên bề nổi, không làm chủ được những kĩ năng cần thiết cho công việc. Nếu như những sinh viên học đơn bằng có thể có nhiều thời gian ngoài giờ học để đi thực tập từ sớm, để thực hiện những nghiên cứu khoa học pháp lí chuyên sâu, hay học thêm ngoại ngữ hoặc bổ sung kĩ năng mềm thông qua các hoạt động xã hội, thì sinh viên học song bằng hầu như không còn nhiều thời gian cho những công việc này. Đặt trong tương quan đó, thì việc có thêm một văn bằng cử nhân liệu có giúp cử nhân song bằng chiếm được ưu thế so với những cử nhân luật có kinh nghiệm làm việc thực tiễn, hay có ngoại ngữ tốt?

Dưới góc độ của thị trường lao động, đại diện nhiều đơn vị tuyển dụng cho hay: Họ sẵn sàng tuyển hai nhân sự làm việc ở hai mảng kinh tế và luật, thay cho một nhân sự song bằng. Quan điểm này không phải là không có lí, khi mà thực tế đào tạo song bằng ở Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải bàn. Như đã trình bày ở trên, việc đào tạo song bằng được triển khai chủ yếu dựa trên việc liên kết giữa các lĩnh vực đào tạo khác nhau trong một cơ sở đào tạo đại học, hoặc mở rộng lĩnh vực đào tạo, thành lập thêm các khoa và bộ môn mới, nên chất lượng của cử nhân song bằng vẫn đang được đặt nhiều nghi vấn. Định hướng học của sinh viên vẫn chưa thực sự hướng đến mục tiêu chiếm lĩnh kiến thức, mà chủ yếu là mong muốn có thêm văn bằng thứ hai. Rõ ràng, sự thay đổi về lượng mà thiếu đi thay đổi về chất sẽ không mang lại sức cạnh tranh cao hơn cho cử nhân song bằng trên thị trường lao động.

Cân nhắc khi lựa chọn

Mặc dù còn nhiều điểm còn phải bàn cãi, nhưng không thể phủ nhận một thực tế: Đào tạo song bằng đang trở thành một xu thế chung trên toàn thế giới và ở mọi lĩnh vực, không chỉ riêng đào tạo luật tại Việt Nam. Dẫn đầu xu hướng tiên tiến này chủ yếu vẫn là các nước Âu - Mỹ như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha … Hiện nay tại Úc, có đến 10% sinh viên ở các trường đại học đều đi theo mô hình này. Tại châu Á, Trung Quốc đang là quốc gia có nhiều chương trình đào tạo bằng kép nhất Theo kết quả điều tra khảo sát của Tổ chức IIE và Freie Universität Berlin năm 2011, trong số 245 trường tham gia khảo sát thì 84% các trường đều đang triển khai các chương trình đào tạo bằng kép và 95% các trường đại học trả lời có kế hoạch phát triển các chương trình đào tạo bằng kép trong tương lai. Còn theo thống kê của Hiệp hội các Trường Đào tạo Kinh doanh Tiên tiến [AACSB], trong năm 2011-2012 đã có khoảng 734 chương trình đào tạo bằng kép [7].

Đứng trước xu thế này, sinh viên ngành luật cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn học song bằng:

Thứ nhất, mục tiêu cuối cùng của việc học là làm chủ kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp, do đó phải cân nhắc giữa việc học song bằng [thường về chuyên ngành kinh tế] với việc tập trung nâng cao kiến thức để đi thực tập từ sớm, hoặc nâng cao khả năng ngoại ngữ của bản thân. Điều này tùy thuộc vào mục tiêu nghề nghiệp và định hướng phấn đấu của mỗi sinh viên.

Thứ hai, nếu như đã quyết định lựa chọn theo học song bằng, sinh viên trước hết cần hạ quyết tâm ở mức cao nhất để chiếm lĩnh kiến thức. Cần chủ động sắp xếp thời gian học tập, nghiên cứu, làm việc, nghỉ ngơi ... để giữ gìn sức khỏe và bảo đảm hiệu quả công việc.

Thứ ba, trong quá trình học song bằng, cần tăng cường liên hệ giữa nội dung kiến thức của hai chuyên ngành, để nâng cao hiệu quả học tập.

Xu hướng chủ yếu của việc học song bằng với sinh viên luật hiện nay là theo học hai chuyên ngành ở hai lĩnh vực khác nhau, như luật - kinh tế, luật - quản trị kinh doanh, luật - ngoại ngữ ... Tuy nhiên, một hướng đi nữa có thể cân nhắc, đó là học song bằng với hai chuyên ngành trong cùng lĩnh vực. Tiêu biểu là Trường Đại học Luật Hà Nội đang xúc tiến việc hợp tác đào tạo song bằng với Đại học Arizona, Mỹ. Đây là một trường đại học được thành lập từ năm 1885, được xếp trong top 100 trường đại học uy tín trên thế giới. Trong đó, Trường Luật thuộc Đại học Arizona được thành lập từ năm 1915 và cũng có thứ hạng cao về đào tạo luật tại Hoa Kỳ. Trường Luật thuộc Đại học Arizona là trường đại học luật đầu tiên ở Hoa Kỳ mở mô hình đào tạo cử nhân luật dành cho những đối tượng chưa có bằng đại học nào. Trước đây, trường cũng đã thực hiện liên kết đào tạo mô hình này với Trường Đại học Ocean Trung Quốc [Ocean University of China], chủ yếu đào tạo các chuyên ngành luật kinh doanh, thương mại và thương mại quốc tế. Theo mô hình này, trong hai năm đầu, sinh viên chủ yếu học các môn học đại cương theo chương trình của Trường Đại học Ocean và các môn học này sẽ được Trường Luật, Trường Đại học Arizona công nhận. Đồng thời, sinh viên cũng được học tiếng Anh do các giảng viên của Trung tâm đào tạo của Trường Đại học Arizona đặt tại Trường Đại học Ocean giảng dạy. Từ năm thứ ba, sinh viên sẽ theo học các khoá đào tạo luật của Trường Luật, Đại học Arizona. Hai giảng viên của Trường Luật, Đại học Arizona làm việc toàn thời gian tại Trường Đại học Ocean và nhiều môn học sẽ được giảng dạy theo phương pháp trực tuyến, được Trường Đại học Ocean công nhận. Kết thúc 4 năm học, sinh viên sẽ nhận được cả hai bằng tốt nghiệp của cả Trường Đại học Ocean và Trường Luật, Trường Đại học Arizona. Kết thúc khoá học, Trường Luật, Trường Đại học Arizona sẽ chọn 10 sinh viên đến Trường Luật, Đại học Arizona để theo học chương trình Juris Doctor [D.J] - chương trình đào tạo hành nghề luật sư và 20 sinh viên để theo học chương trình thạc sỹ [8].

Đây là một hướng đi phù hợp cho những sinh viên luật có đam mê theo đuổi công việc nghiên cứu, hoặc mong muốn làm việc ở môi trường pháp luật quốc tế, đòi hỏi phải có sự đối chiếu và so sánh giữa các hệ thống pháp luật.

[1] Trong tiếng Anh, có nhiều thuật ngữ để chỉ việc đào tạo song bằng, ví dụ như: double degree, dual degree, combined degree, conjoint degree hoặc simultaneous degree

[2] Những số liệu để phục vụ so sánh chủ yếu được lấy từ chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Qua phân tích, có thể thấy được phương thức xây dựng chương trình đào tạo song bằng của nhà trường là rất bài bản và qui củ, bao gồm cả đào tạo song bằng cùng lĩnh vực [luật học] và đào tạo song bằng khác lĩnh vực [luật học và kinh tế, luật học và quản lí] …

[3] Xem thêm: Quyết định số 2224/QĐ-ĐHLHN ngày 18/09/2015 về ban hành Quy định đào tạo cùng lúc hai chương trình đối với sinh viên đại học hệ chính quy trường Đại học Luật Hà Nội;

Thông báo số 2265/TB-ĐHLHN của Đại học Luật Hà Nội ngày 23/09/2015 về việc tuyển sinh khóa đào tạo cùng lúc hai chương trình [số lượng tuyển chọn: 60 sinh viên, ngành đào tạo chương trình thứ hai: ngành luật];

Thông báo số 133/TB-ĐHLHN của Đại học Luật Hà Nội ngày 18/01/2016 về việc tuyển sinh đào tạo cùng lúc hai chương trình [Khóa 2] [số lượng tuyển chọn: 140 sinh viên, ngành đào tạo chương trình thứ hai: ngành luật];

[4] Nguồn: website Good Universities Guide. //www.gooduniversitiesguide.com.au/

[5] “vùng xám pháp luật” là thuật ngữ chỉ những lĩnh vực pháp luật có qui định điều chỉnh nhưng qui định không rõ ràng, đòi hỏi phải có cách vận dụng pháp luật linh hoạt

[6] “vùng trắng pháp luật” là thuật ngữ chỉ những lĩnh vực pháp luật chưa có qui định điều chỉnh, đòi hỏi phải xử lí mang tính định hướng và chủ yếu dựa trên kinh nghiệm

[7] “Học bằng kép – Nhân đôi cơ hội việc làm”, báo điện tử Dân Trí, cập nhật lúc 15h00 ngày 06/06/2013. //dantri.com.vn/tin-tuyen-sinh/hoc-bang-kep-nhan-doi-co-hoi-viec-lam-1370956260.htm

[8] Quỳnh Hoa, “GS. Brent White - Trường Luật, Trường Đại học Arizona, Hoa Kỳ bàn về cơ hội hợp tác với trường Đại học Luật Hà Nội”, Trang thông tin điện tử Trường Đại học Luật Hà Nội, cập nhật ngày 03/03/2016. //hlu.edu.vn/tintuc/4067/GS.-BRENT-WHITE----TRUONG-LUAT,-TRUONG-DAI-HOC-ARIZONA,-HOA-KY--BAN-VE-CO-HOI-HOP-TAC-VOI-TRUONG-DAI-HOC-LUAT-HA-NOI.html

Video liên quan

Chủ Đề