Huyện hảo đứctỉnh phú bổn nay gọi là gì năm 2024

Sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), tháng 6/1946, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính Trung Bộ, tỉnh Phú Yên tiến hành điều chỉnh các cấp hành chính, bỏ cấp phủ và tổng. Nhập các làng nhỏ thành xã, trực thuộc huyện. Toàn tỉnh có 5 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương là các huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa và khu Đồng Bò, gồm 84 xã.

Huyện hảo đứctỉnh phú bổn nay gọi là gì năm 2024
TX Sông Cầu ngày nay - từng là tỉnh lỵ Phú Yên năm 1945 - Ảnh: Internet

Tháng 11/1946, thực hiện chủ trương của Ủy ban hành chính Trung Bộ, tỉnh Phú Yên chia làm 6 chiến khu và hai huyện miền núi Tân Sơn và Tân Xuân. Cuối năm 1947, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến hành chính Trung Bộ, tỉnh Phú Yên bỏ cấp chiến khu, gọi tên cấp huyện như cũ, sáp nhập huyện Tân Sơn vào huyện Sơn Hòa, huyện Tân Xuân vào huyện Đồng Xuân, khu Đồng Bò vào huyện Tuy Hòa. Đồng thời tỉnh tiến hành nhập một số xã (lần thứ hai). Toàn tỉnh có 68 xã, trong đó có 57 xã người Kinh, 11 xã đồng bào các dân tộc thiểu số (Tuy Hòa 20 xã, Tuy An 17 xã, Đồng Xuân 16 xã, Sơn Hòa 15 xã).

Cuối năm 1949 đầu năm 1950, tỉnh Phú Yên tiến hành điều chỉnh nhập một số xã (lần thứ 3). Toàn tỉnh có 55 xã, gồm 47 xã người Kinh và 8 xã đồng bào dân tộc thiểu số. Xã lớn có quy mô 10.000 dân, xã nhỏ 2.000 đến 3.000 dân.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tỉnh Phú Yên tạm giao cho đối phương quản lý. Chính quyền Ngô Đình Diệm và các chính quyền tiếp sau đã ban hành một số sắc lệnh, nghị định điều chỉnh địa giới và đơn vị hành chính trên địa bàn Phú Yên. Ngày 27/5/1958, ký Nghị định 263 BNV/HC/P6 quy định đơn vị hành chính tỉnh Phú Yên. Theo đó, tỉnh Phú Yên chia thành 6 quận: quận Đồng Xuân (gồm 6 xã, rộng 2223,6km2, có 26.618 dân), quận Sông Cầu (gồm 5 xã, rộng 446,2km2, có 37.372 dân), quận Tuy An (gồm 12 xã, rộng 347,2km2, có 35.399 người dân), quận Tuy Hòa (gồm 19 xã, rộng 1.459,7km2, có 211.782 dân; trong đó TX Tuy Hòa - còn lại là xã Châu Thành - rộng 6,1km2, có 65.154 dân). Quận Sơn Hòa (gồm 1.501,3km2, có 15.663 dân). Ngày 17/3/1959, ký Sắc lệnh 65-NV lập quận mới Phú Đức thuộc tỉnh Phú Yên gồm một phần phía đông nam Cheo Reo (nguyên thuộc tỉnh Pleiku), một phần đất của tổng Cư - Dlieya (nguyên thuộc quận Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), hai tổng Ea Bar và Krông Pa (nguyên thuộc quận M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk), hai xã Sơn Thành, Sơn Bình (nguyên thuộc quận Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Quận lỵ Phú Đức đặt tại Phú Bổn.

Ngày 12/7/1962, ký Nghị định 723-NV thành lập quận Hiếu Xương gồm 7 xã: Đức Thành (Sơn Thành), Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Tân, Hòa Bình; quận lỵ đặt tại xã Hòa Phong. Ngày 1/9/1962, thành lập quận Phú Bổn. Phần lớn diện tích quận Phú Đức sáp nhập vào quận Phú Bổn. Ngày 21/12/1963, ký Nghị định 304/TTP-ĐVHC sáp nhập các xã Hòa Thành, Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân (gốc thuộc quận Tuy Hòa) vào quận Hiếu Xương và nhập 2 xã An Thọ, An Chấn (gốc quận Tuy An) vào quận Tuy Hòa. Ngày 27/4/1964, ký Nghị định 678-NV quy định phần đất còn lại của quận Phú Đức gồm Đức Bình (Tuy Bình, Chí Thán), Ea Bá, Ea Bia… thành cơ sở phái viên hành chính trực thuộc quận Sơn Hòa. Ngày 8/1/1969, ký Nghị định 15 NĐ-NV-VNCH bãi bỏ cơ sở phái viên hành chính Phú Đức. Quận Sơn Hòa trực tiếp quản lý các xã của quận Phú Đức (tương ứng với phần đất thuộc huyện Sông Hinh ngày nay).

Trước đó, sau tháng 7/1954, Tỉnh ủy tập trung xây dựng vùng Thồ Lồ - Phú Mỡ thành chiến khu, thành lập các Huyện ủy Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, Sơn Hòa, giữ vững sự chỉ đạo xuyên xuốt từ tỉnh xuống các địa phương. Cuối năm 1956, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập huyện Tuy Hòa 2 (phía bắc sông Đà Rằng) để tiện việc chỉ đạo khôi phục phong trào.

Năm 1962, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập huyện Sông Cầu gồm các xã: Xuân Phương, Xuân Cảnh, Xuân Thọ, Xuân Thịnh, Xuân Lộc, Xuân Sơn, Xuân Lãnh của huyện Đồng Xuân. Năm 1963, Tỉnh ủy quyết định chuyển xã Xuân Sơn về lại huyện Đồng Xuân. Năm 1964, Miền Tây Phú Yên được chia thành 3 khu: Khu Nam (gồm các xã, thôn: Nhiễu Giang, Chí Thán, Đức Bình, Hà Rai), Khu Trung (gồm các xã Sơn Hội, Trà Kê, Phước Tân, Cà Lúi, Suối Trai), Khu Bắc (gồm các xã Thồ Lồ, Phú Mỡ, Đá Mài). Năm 1965, các Khu Trung và Bắc sáp nhập lại và thành lập huyện Miền Tây. Khu Nam sáp nhập vào huyện Sơn Hòa. Tháng 3/1965, Tỉnh ủy Phú Yên thành lập C6 - đơn vị tiền thân của Thị ủy Tuy Hòa. Ngày 6/8/1965, Tỉnh ủy thành lập Thị ủy Tuy Hòa chỉ đạo 6 phường nội thị và các xã Bình Phú A, Bình Phú B, Bình Phú C (tương ứng 2/3 xã Hòa Kiến cũ).

Năm 1969, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên được thành lập. Năm 1970, chính quyền cách mạng tỉnh thành lập huyện Tây Nam trên cơ sở 3 xã Ea Bá, Ea Trol, Ea Bia (thuộc tỉnh Đắk Lắk chuyển giao cho Phú Yên) và xã Đức Bình.

Đến ngày giải phóng (1/4/1975), chính quyền cách mạng Phú Yên có 9 đơn vị huyện, thị trực thuộc TX Tuy Hòa và các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa, Miền Tây, Tây Nam. Toàn tỉnh có 70 xã, phường, thị trấn. Ngày 30/10/1975, Tỉnh ủy và UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên quyết định sáp nhập huyện Tây Nam vào huyện Sơn Hòa; sáp nhập huyện Đồng Xuân và huyện Sông Cầu thành huyện Đồng Xuân; sáp nhập huyện Tuy Hòa 1 và huyện Tuy Hòa 2 thành huyện Tuy Hòa.

Ngày 3/11/1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh.

Ngày 10/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/CP hợp nhất huyện Tuy An, huyện Đồng Xuân và các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, Phú Mỡ thành lập huyện mới Xuân An; hợp nhất huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa thành huyện Tuy Hòa. Các xã còn lại ở miền núi thuộc huyện Tây Sơn. Bắc Phú Khánh (Phú Yên cũ) chỉ có ba đơn vị hành chính cấp huyện: Tuy Hòa, Xuân An, Tây Sơn. Ngày 22/9/1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 241/CP chia huyện Tuy Hòa thành hai huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa. TX Tuy Hòa gồm 6 phường nội thị và hai xã Bình Kiến, Bình Ngọc; Quyết định 241/CP cũng chia huyện Xuân An thành hai huyện Tuy An và Đồng Xuân. Riêng các xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định của huyện Xuân An được nhập vào huyện Sơn Hòa. Ngày 5/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 487/HĐBT sáp nhập các xã phía bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hòa (Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Hội) trực thuộc TX Tuy Hòa.

Theo Quyết định 100/HĐBT ngày 30/9/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, ở huyện Đồng Xuân, xã Xuân Lộc được chia thành 3 xã: Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Hải; xã Xuân Cảnh chia thành hai xã Xuân Cảnh và Xuân Hòa; xã Xuân Thọ chia thành hai xã Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2; xã Xuân Sơn được chia thành hai xã Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc; xã Xuân Quang được chia thành ba xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3; thành lập xã Xuân Phương gồm các thôn Lệ Uyên, Trung Trinh (thị trấn Sông Cầu) và các thôn Dân Phú 1, Dân Phú 2, Phú Mỹ (xã Xuân Thịnh). Ở huyện Tuy An, xã An Ninh chia thành hai xã An Ninh Đông và An Ninh Tây; xã An Chấn chia thành hai xã An Chấn và An Phú; thành lập xã An Cư gồm các thôn Phú Tân, Phú Lương và Tân Lương được tách ra từ thị trấn Chí Thạnh. Ở huyện Tuy Hòa, xã Hòa Bình chia thành hai xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây; thành lập xã mới Hòa Tâm trên cơ sở hai thôn Phước Giang, Lạc Long của xã Hòa Xuân. Ở TX Tuy Hòa, xã Bình Kiến chia thành hai xã Bình Kiến và Hòa Kiến; xã Hòa Định chia thành hai xã Hòa Định Đông và Hòa Định Tây. Ngày 19/7/1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 79/HĐBT thành lập hai xã mới Sơn Nguyên và Sơn Giang thuộc huyện Tây Sơn.

Ngày 27/12/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 179/HĐBT chia huyện Tây Sơn thành hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Huyện Sông Hinh (phía nam sông Ba) gồm 6 xã: Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol, Đức Bình, Sơn Giang, Sông Hinh. Ngày 27/6/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 189/HĐBT chia huyện Đồng Xuân thành hai huyện Đồng Xuân và Sông Cầu. Huyện Sông Cầu có thị trấn Sông Cầu và 9 xã: Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2. Cùng thời gian này, Hội đồng Bộ trưởng quyết định tách thôn Vũng Rô (xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa) nhập với thôn Đại Lãnh (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) thành lập xã Đại Lãnh trực thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Phú Khánh.

Tháng 7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập gồm TX Tuy Hòa và 6 huyện: Tuy Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh (gồm 6 phường, 6 thị trấn và 79 xã).

Ngày 15/11/1991, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành Quyết định 582/TCCP chia xã Đức Bình (huyện Sông Hinh) thành hai xã Đức Bình Đông và Đức Bình Tây, chia xã Ea Bá thành xã Ea Bar và Ea Bá. Ngày 23/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 24/CP thành lập xã Ea Lâm trực thuộc huyện Sông Hinh.

Ngày 27/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 96/CP chia xã Hòa Xuân thành 3 xã: Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông và Hòa Xuân Nam; chia xã Hòa Phong thành hai xã Hòa Phong và Hòa Phú. Ngày 20/10/1997, Chính phủ chia xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) thành hai xã: Suối Trai và Ea Chà Rang. Ngày 28/4/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 31/1999/NĐ-CP thành lập xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa); chia phường 2 (TX Tuy Hòa) thành phường 2 và phường 8; chia phường 5 (TX Tuy Hòa) thành phường 5 và phường 7.

Ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2002/NĐ-CP chia TX Tuy Hòa thành hai đơn vị hành chính là TX Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. TX Tuy Hòa có 8 phường và 3 xã Bình Ngọc, Bình Kiến và Hòa Kiến.

Ngày 20/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2003/CP thành lập xã Ea Ly (huyện Sông Hinh); chia xã Hòa Quang (huyện Phú Hòa) thành hai xã Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam; thành lập phường 9 TX Tuy Hòa (tách ra từ xã Bình Kiến).

Ngày 5/1/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2005/NĐ-CP thành lập TP Tuy Hòa; sáp nhập thị trấn Phú Lâm (thuộc huyện Tuy Hòa) và xã An Phú (thuộc huyện Tuy An) vào TP Tuy Hòa. Sau đó có nghị định chia thị trấn Phú Lâm thành 3 phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông.

Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2005/ND-CP chia huyện Tuy Hòa thành hai huyện Đông Hòa và Tây Hòa. Chia xã Sơn Thành thành hai xã Sơn Thành Đông và Sơn Thành Tây (trực thuộc huyện Tây Hòa); chia thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) thành hai đơn vị hành chính là thị trấn Sông Cầu và xã Xuân Lâm.

Ngày 27/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 42/NĐ-CP thành lập TX Sông Cầu (trên cơ sở toàn bộ diện tích huyện Sông Cầu) có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 4 phường (Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Đài) và 10 xã.

Đến cuối năm 2009, tỉnh Phú Yên có 9 đơn vị thành phố, thị xã, huyện trực thuộc (TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và các huyện: Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh).