Nguyên nhân trên cơ thể mọc nhiều lông

SKĐS - Tôi năm nay 20 tuổi, ở chân, tay và vùng sinh dục của tôi lông mọc rất nhiều, sợi to và dài, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Vậy xin hỏi, mọc nhiều lông như tôi là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị?

[Lý Thanh L. - Tiền Giang]

Cơ thể mọc nhiều lông, còn gọi là chứng rậm lông, bệnh chiếm khoảng 10% ở tuổi sinh sản. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, cơ thể mọc nhiều lông là bệnh do tình trạng cường nội tiết tố sinh dục nam có tên khoa học là Androgen.

Về nguyên nhân, bệnh có thể do tăng tiết androgen tuyến sinh dục, gặp nhiều trong hội chứng buồng trứng đa nang; tăng tiết androgen buồng trứng chức năng; chẹn sinh steroid buồng trứng; các hội chứng đề kháng insulin trong bệnh đái tháo đường; u tân sinh buồng trứng. Bệnh còn có thể do tăng tiết androgen tuyến thượng thận như: tăng năng tuyến thượng thận sớm; tăng tiết androgen thượng thận chức năng; tăng sản thượng thận bẩm sinh; chuyển hóa cortisol bất thường; tân sinh tuyến thượng thận. Ngoài ra, còn gặp trong Hội chứng Cushing; tăng prolactin huyết; bệnh béo phì; do thuốc nội tiết gây rậm lông androgen, do dùng thuốc tránh thai chứa progestin sinh androgen; thuốc gây rậm lông không có androgen như: phenytoin, minoxidil, diazoxid; cyclosporin...

Về điều trị, có nhiều phương pháp: phương pháp cơ học là phương pháp đơn giản nhất là nhổ lông, cạo lông. Với phương pháp này hiệu quả tức thời, nhưng sau đó lông sẽ mọc trở lại và mọc ngày càng nhiều hơn. Phương pháp dùng hóa chất hiệu quả khi rậm lông ở dạng nhẹ, chỉ ở vùng giới hạn, nhưng cách này có thể gây kích thích da. Phương pháp dùng tẩm sáp lấy lông đi. Phương pháp dùng laser phương pháp này cho kết quả rất tốt, làm chậm tăng trưởng lông và có thể có kết quả vĩnh viễn ở một số bệnh nhân, tuy nhiên phương pháp này hiện tại giá thành còn cao. Phương pháp dùng thuốc để điều trị, thuốc có tác dụng lên do tình trạng quá nhiều androgen, làm gián đoạn một hay nhiều bước trong quá trình biểu hiện rậm lông như: ức chế sản xuất androgen thượng thận, buồng trứng; tăng khả năng liên kết androgen của protein liên kết huyết tương; làm suy yếu quá trình chuyển đổi ngoại vi của tiền chất androgen thành androgen hoạt tính; ức chế tác động của androgen ở mức độ mô đích, kết quả làm chậm tăng trưởng lông.

Ngày nay thuốc ngừa thai uống là cách điều trị nội tiết ưu tiên cho rậm lông, thuốc có tên thương mại là Dian 35, có hiệu quả 9 - 12 chu kỳ sử dụng, vì là thuốc có dạng nội tiết nên khi sử dụng nhất thiết phải dược chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.


Thứ Sáu, 18:00, 26/03/2021

10 nguyên nhân khiến cơ thể bạn nhiều lông bất thường

VOV.VN - Nếu lông trên cơ thể bạn cứ liên tục mọc trở lại dù bạn đã nhổ, cạo, wax,..., những yếu tố dưới đây có thể là nguyên nhân.

Mất cân bằng nội tiết tố: Khoảng 10% phụ nữ mắc chứng rậm lông, một dạng rối loạn hormone khiến cơ thể nữ giới mọc nhiều lông như nam giới. Tình trạng này thường là hậu quả của hội chứng buồng trứng đa nang [PCOS].

Thời kỳ mãn kinh: Dù hiện tại nội tiết tố trong cơ thể bạn đang cân bằng, sự cân bằng này khó mà duy trì vĩnh viễn. Thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ sẽ gây tình trạng mất cân bằng hormone, dẫn đến rụng tóc và mọc lông ở những bộ phận không mong muốn, như ở cằm hoặc ở mép.

Rối loạn tuyến thượng thận: Nếu bạn đột nhiên thấy cơ thể mọc nhiều lông bất thường, đó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn tuyến thượng thận, được gọi là Hội chứng Cushing.

Tăng cân: Tăng cân có thể làm tăng tiết testosterone, dẫn đến mọc nhiều lông ở những bộ phận không mong muốn. Chuyên gia cho biết bệnh béo phì làm tăng hàm lượng insulin trong cơ thể, từ đó kích thích sản sinh các hormone nam gây mọc lông. Béo phì cũng có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh tiểu đường.

Nang lông nhạy cảm: Nếu như bác sĩ không phát hiện ra bệnh lý bất thường nào gây tình trạng mọc lông bất thường của bạn, có thể nang lông của bạn quá nhạy cảm. Nang lông nhạy cảm phản ứng mạnh với cả mức testosterone bình thường, gây tình trạng mọc nhiều lông bất thường.

Thai kỳ: Giống như những thay đổi nội tiết tố khác diễn ra trong cuộc đời người phụ nữ, thai kỳ cũng có thể gây tình trạng mọc lông bất thường. Trong quá trình mang thai, những thay đổi hormone có thể khiến lông mọc nhanh, nhiều và rậm hơn.

Một số loại dược phẩm: Các loại thuốc như steroids, prednisone, hay danazol, bạn có thể gặp phải tác dụng phụ là mọc lông bất thường. Khi bạn dừng sử dụng thuốc, tình trạng mọc lông bất thường sẽ tự động dừng lại.

Các vấn đề về tuyến giáp: Các vấn đề về tuyến giáp thường có liên quan đến tình trạng rụng tóc, nhưng chuyên gia cho biết nó cũng có thể gây tác động ngược lại. Bệnh về tuyến giáp có thể khiến cơ thể mọc lông ở những bộ phận bất thường.

Di truyền: Người thuộc một số sắc tộc có xu hướng nhiều lông hơn các sắc tộc khác. Những người sống ở vùng Địa Trung Hải hoặc những người có màu da tối hơn thường có nhiều râu và ria hơn.

Lạm dụng việc nhổ lông: Nhiều người cho rằng việc cạo lông sẽ khiến lông mọc lại nhanh và rậm hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhổ lông hay wax lông mới gây tình trạng này, vì các biện pháp này tác động trực tiếp đến nang lông./.

Chủ Đề