Nhà văn là người cho bạn đọc cuộc sống thứ hai

Câu 1:

Con người đều là những vị khách trọ của trần thế. Song, mỗi sinh linh lại là một nguyên bản độc đáo. Nghĩa là kịch bản của thước phim dài tập mang tên “Cuộc đời” sẽ do chính bạn viết nên bởi ngòi bút mang cái “hồn” của riêng bạn. Cũng chính bạn là đạo diễn, là diễn viên, là thợ quay. Một bộ phim thành công mỹ mãn là khi xem lại phim, cõi lòng của bạn có thể kiêu hãnh ngân vang bản nhạc “Hạnh Phúc” vì bạn đã sống theo cách của mình. Thấm nhuần được điều đó, nghệ sĩ Thành Lộc trong một lần phỏng vấn đã phát biểu:”Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình, miễn là hạnh phúc”.

Mỗi người sinh ra là một tinh tú tự do và ẩn chứa những huyền bí. Dẫu những tinh tú ấy có mối liên kết với vũ trụ rộng lớn nhưng suy cho cùng, sẽ chẳng có một nhân vật nào có thể thay đổi quỹ đạo của chúng. Con người cũng vậy, ai cũng có cho mình “quyền lựa chọn cách sống”. Đó là quyền được làm chủ, làm nhạc trưởng cho bản hòa tấu trong đời mình. Đó là quyền được họa, được thưởng thức, được chiêm nghiệm và thay đổi cuộc đời. Chúng ta không cần sống sao cho vừa lòng tất cả mọi người, chúng ta có khả năng và nghĩa vụ sống cuộc đời của chính mình, miễn là “hạnh phúc”. Sống vì mình, thỏa mãn mưu cầu của mình để bản thân được thoải mái và vui vẻ. Chúng ta có quyền làm điều có lợi cho mình và dĩ nhiên cũng không được tổn hại đến người khác. Chính vì vậy, câu nói của nghệ sĩ Thành Lộc quả là một chiêm nghiệm sâu sắc và đúng đắn. Kể từ khoảnh khắc ta nhìn thấy thế giới và bắt đầu nhịp sống, ta đã nắm trong tay quyền được sống vì mình, được trầm ngâm suy tư, dấn thân trải nghiệm và thay đổi cuộc đời của mình theo quan điểm cá nhân.

“Bạn không cần ai nói với bạn rằng bạn là ai hay bạn là điều gì. Bạn là chính con người bạn!” [John Lennon]. Cuộc sống là chuỗi ngày tiếp diễn nhau với những vui buồn lẫn lộn, đâu đó là những viên kẹo ngọt ngào và có cả những dư vị đắng cay, nhưng chẳng phải những ngày ấy đều là cuộc sống của chúng ta đấy sao. Nó là quá khứ bạn đã đi qua, là hiện tại mà bạn đang sống và cũng là tương lai bạn muốn hướng đến. Vì vậy, chẳng ai có quyền phán xét hay can thiệp vào cách sống của bạn, chẳng ai cả. Họ chỉ có thể buông lời chỉ trích, soi mói nhưng sẽ không thể sống thay cuộc đời của bạn. Ta cũng chỉ sống tạm bợ ở thế gian này một đời, ta cũng không chắc rằng mình sẽ có kiếp sau thì hà cớ gì ta phải để người khác sống thay ta hay để ta sống thay cuộc đời của họ ? Bạn quyết định rời xa chốn đô thành phồn hoa chỉ để trở về với khoảng trời yên bình của quê hương, trồng rau và nuôi cá.Người khác chê bai quyết định của bạn nhưng chỉ cần bạn thấy mình hạnh phúc với lựa chọn này thì sẽ chẳng ai có thể làm lệnh hướng đi của bạn.Ngoài kia, họ hồ hởi với nhịp sống hiện đại, họ chọn cho mình phong cách thời thượng, dùng bữa ở những nhà hàng xa hoa. Còn bạn lại ưa chuộng phong cách giản dị, thích nhâm nhi tách cafe nóng hổi và đọc sách trong tiếng nhạc du dương của quán nước quen thuộc. Người khác có thể mỉa mai rằng bạn là một kẻ lỗi thời nhưng chẳng sao cả, chỉ cần bạn thấy vui vẻ là được. Tóm lại, cuộc đời này là của bạn, vì thế đừng cầm bản đồ của người khác để dò đường đi của mình.

Trong cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân luôn ẩn chứa những dòng chữ sâu sắc rằng :”Bạn biết chăng, thế gian này có điều kỳ diệu, đó là không ai có thể là bản sao 100% của ai cả. Bởi thế, bạn là độc nhất, tôi cũng là độc nhất. Chúng ta đều là những con người độc nhất vô nhị…”.Chúng ta có dấu vân tay và chứng minh nhân dân rất riêng.Thậm chí những cặp song sinh có giống nhau như hai giọt nước thì giữa họ vẫn sẽ tồn tại vài điều khác biệt. Khác biệt lớn nhất đó chính là mục đích sống, có người giản đơn,có người phức tạp. Người muốn học một trường đại học trong nước, kẻ muốn du học ở những phương trời mới,người muốn mở một quán cafe nhỏ, kẻ muốn làm chủ tịch tập đoàn lớn, người muốn về quê tu dưỡng tâm hồn, kẻ muốn sống giữa lòng thành phố tấp nập. Ai cũng ấp ôm cho mình một ý nguyện riêng và chính từ những mục đích sống muôn hình vạn trạng ấy, mỗi người sẽ tự tìm cho mình hướng đi riêng và hình dung cho mình một “hạnh phúc” riêng.

Hạnh phúc của nàng hậu H’hen Niê là từ buôn làng bước lên vũ đài nhan sắc quốc tế. Cuộc đời của cô sẽ vẫn còn là một mối tơ vò nếu ngày trước cô sống khuôn khổ theo tập quán, lệ làng, chấp nhận hôn nhân ở tuổi 14. Bằng việc tháo gỡ định kiến, can đảm “lựa chọn cách sống cho riêng mình”, “viên ngọc đen” giản dị H’hen Niê đã trở thành niềm tự hào của đất nước, chinh phục top 5 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới. Không chỉ đưa cuộc đời mình sang một trang mới, cô còn truyền cảm hứng, động lực, tác động đến những tư tưởng còn lắm rêu phong của người khác. Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc sau hơn 45 năm rút cạn máu thịt để hòa cốt thăng hoa với những vai diễn để đời trên sân khấu, ông đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Hạnh phúc của ông là được phân thân, thể xác và linh hồn được hoà nhịp cùng vai diễn, là được sống những cuộc đời mới với những trường kịch, với một “ông” mới. Chính người nghệ sĩ ấy đã phải 600 lần nắn xương máu và linh hồn của mình chia đều cho 600 vai diễn. Thành Lộc quyết định không lấy vợ, không yên bề gia thất, nhiều người trách ông hà cớ gì phải như thế ? Nhưng đó là lựa chọn của chính ông, chỉ có ông mới có thể trả lời câu hỏi này và ông đã trở lời bằng sự nghiệp của mình, bằng hạnh phúc của riêng ông.

“Hãy luôn là phiên bản tốt nhất của bản thân, chứ đừng bao giờ là phiên bản thứ hai của một ai khác” [“Sách đen” – Otegha Uwagba]. Cuộc sống như một màn kịch không có phần tập dượt trước. Bởi vậy, hãy hát ca, nhảy múa và yêu thương mỗi một khoảnh khắc tít tắc đang trôi qua trước khi vở kịch hạ màn. Hãy sống theo cách mà bạn cảm thấy đúng đắn và vui vẻ, hãy đi đến những miền đất dẫu xa hay gần , những vùng trời dẫu hoàng hôn hay bình minh, miễn là bạn “hạnh phúc”. Hôm qua đã qua, ngày mai chưa tới, chỉ có hôm nay, là vui vẻ hay buồn khổ, tự bạn hãy quyết định đi. Bạn có thể tự mình vẽ ra ngày mai tốt đẹp, không cần sống theo ánh nhìn của người khác, kiềm chế cảm xúc, cảm tính và lý tính đều phải song hành. Xin hãy sống vì chính mình và lắng nghe những rung động tinh vi của trái tim trước đã. Đi đến nơi mình ao ước, làm điều mình muốn và ăn những món mình thích, đó chính là hạnh phúc. Ta suy nghĩ bằng trí óc của ta, đi bằng đôi chân của ta và yêu thương bằng trái tim của ta. Đừng vì những lời gièm pha của người khác mà để đến lúc cuối đời, bỗng dưng ta nhận ra ta đã sống và sẽ chết vì một ai đó, như một ai đó chứ không phải như chính bản thân mình và vì chính bản thân mình.

Hạnh phúc đôi khi cũng là sự cộng hưởng giữa người với người. Trải nghiệm của chúng ta bắt nguồn từ sự “tự thân”, nhưng nó không phải là sự chiêm nghiệm một cách hoàn toàn “đơn thân”. Nếu chỉ sống bằng tư duy của bản thân, không chịu tiếp nhận những góp ý chân thành từ người xung quanh, ta sẽ mãi là chú ếch ngồi đáy giếng với thế giới và tầm nhìn nhỏ hẹp chỉ bằng cái vung. Ngắm nhìn bầu trời đêm huyền bí và tĩnh mịch, bạn thấy gì ? Vầng trăng thật sáng tỏa nhưng nó sẽ thật cô độc nếu vắng bóng những vì sao nhỏ bé. Màn đêm chỉ tràn đầy sinh khí khi có sự cộng hưởng của trăng, sao và những cơn gió nhẹ nhàng. Con người cũng chỉ tìm được cái kết viên mãn nhất khi hiểu rõ mối liên kết giữa mình với đời. Hạnh phúc đâu chỉ ôm trọn cho riêng ta mà còn là cho cộng đồng. Sống theo cách thức của mình nhưng cũng đừng để bản thân khuất bóng sau cung đường bất thiện, đừng để “bản ngã” ích kỷ và ái kỷ, xâm chiếm linh hồn và thể xác của bạn.

Câu nói giản đơn nhưng ẩn sâu trong từng con chữ một lẽ sống sâu sắc và đúng đắn. Cuộc sống thật ra là một quá trình dài mà bản thân tự tranh đấu với “tiếng nói của người” và đi tìm “tiếng nói của ta”. Đối diện với trùng trùng điệp điệp những thanh âm ồn ả,khó đoán và khó hòa nhịp ta hãy dành thời gian để soi lại lòng mình. Để hiểu rằng cuộc sống diễn ra ở đây, không phải nơi khác, chính trong cách bạn cảm nhận, chứ không phải trong ánh nhìn của người khác. Tìm cho mình lối sống lành mạnh và phù hợp với bản thân chính là cách ta chiếm lĩnh hạnh phúc.

Giải chi tiết:

1. Giới thiệu chung

- Nhà văn: Người nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật.

- Người cho máu: đem trái tim, tình cảm của mình ra để phục vụ người khác. Nói nhà văn là người cho máu là nhà văn sáng tác bằng tất cả trái tim, tình cảm của mình, vui buồn với từng cảm xúc của nhân vật, sống cùng cuộc đời của nhân vật. Như Lâm Ngữ Đường từng viết “Văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ”, không rung động bằng cả trái tim thì không có nghệ thuật.

- Người truyền sự sống, người đốt lửa trong lòng người đọc: nhà văn tác động đến tâm hồn bạn đọc bằng những hình tượng, tư tưởng nghệ thuật. Từ đó, tác phẩm đem đến cho bạn đọc những tình cảm thẩm mĩ, để sống một cuộc đời có ý nghĩa, văn học hướng con người đến Chân – Thiện  - Mĩ.

- Hai ý kiến bổ sung cho nhau để nói về quá trình sáng tạo và tiếp nhận của văn học xung quang người nghệ sĩ sáng tạo. Nhà văn vừa phải rung động thật sự, viết những điều gan ruột,  như thế mới đem đến những tác phẩm ý nghĩa có tác động đến độc giả, làm cho đọc giả thêm yêu cuộc sống, thanh lọc tâm hồn người đọc.

2. Bình luận, phân tích

Học sinh chọn những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn để phân tích, làm sáng tỏ vấn đề. Có thể chọn những dẫn chứng khác nhau để phân tích nhưng phải đảm bảo được hai luận điểm:

a.Nhà văn là người cho máu, viết lên những điều tâm huyết, gan ruột.

b. Nhà văn qua tác phẩm của mình là người truyền sự sống, đốt lửa trong lòng bạn đọc.

Ví dụ: Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

*Nhà văn là người cho máu

- Nguyễn Du viết bằng những tâm trạng thực sự của mình trước cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX.

- Mượn cốt truyện từ tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc nhưng phần sáng tạo của tác giả là chủ yếu mới làm nên giá trị của kiệt tác này.

- Nhà thơ không ở vị trí của một kẻ bề trên ghé xuống nhìn người phụ nữ với con mắt cảm thong mà thực sự sống, trải nghiệm, đặt mình vào nhân vật.

- Cảm thấy “đau đớn lòng” trước hiện thực xã hội và nói lên tiếng nói thương cảm, ca ngợi hay tố cáo của mình.

- Mộng Liên Đường Chủ Nhân nhận xét: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết. Nếu không có con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có bút lực ấy.” Đọc Kiều, ta cảm nhận như  có “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy’

* Nhà văn truyền sự sống, đốt lửa trong lòng bạn đọc

- Biết yêu, trân trọng phảm chất, nhân cách của người con gái “hiếu nghĩa đủ đường”.

- Truyền cho con người khát vọng công lí, khát vọng tình yêu.

- Đốt lửa cho lòng căm thù, tố cáo những thế lực đã chà đạp lên cuộc sống và số phận con người.

3. Tổng kết

- Quy luật của sáng tạo văn học là sự rung động của tâm hồn nghệ sĩ trước hiện thực cuộc đời, trước những điều nhà văn luôn đau đáu để viết về con người và vì con người. Con người là mục đích đầu tiên và cũng là đối tượng hướng đến cuối cùng của văn học.

- Sáng tạo của người nghệ sĩ phải có sự kết hợp giữa nội dung và hình thức để truyền đạt được tư tưởng một cách sâu sắc nhất.

- Chức năng cao nhất của văn học là thanh lọc tâm hồn con người.

- Bạn đọc được tác động từ những tác phẩm văn học, cảm thấy được sự lớn lên của tâm hồn, đến với văn học là đến với thế giới của tâm hồn, của tình cảm, để tâm hồn trong sáng hơn.

Video liên quan

Chủ Đề