Pho Tổng cục trưởng Quản lý thị trường

Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình. [Ảnh: Hải Yến/TTXVN]

Ngày 25/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Duy Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trưởng tỉnh; hai ông Nguyễn Phú Hùng và Đinh Huy Hùng đều giữ chức vụ Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình.

[Hòa Bình khởi tố 3 cán bộ xã lợi dụng quyền hạn khi thi hành công vụ]

Trước đó, ngày 30/8/2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kết luận 08/KL-TCQLTT về một số vấn đề tại Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình, trong đó đã kiến nghị Công an tỉnh Ninh Bình thụ lý, xem xét xử lý vụ việc có dấu hiệu sai phạm tại Cục.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã thụ lý dựa trên kiến nghị khởi tố với nội dung Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị khởi tố đối với hành vi có dấu hiệu "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng," "Giả mạo trong công tác" của công chức thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình trong quá trình kiểm tra, khám, tạm giữ, xác minh, trả lại hàng hóa và đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với 1 cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình./.

Hải Yến [TTXVN/Vietnam+]

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT [Bộ Công thương] Trần Hữu Linh vừa ra quyết định kỷ luật đối với 8 cán bộ [bao gồm cả cán bộ quản lý và kiểm soát viên] ở Cục QLTT tỉnh Đồng Nai vì có những sai phạm trong hoạt động công vụ.

Cụ thể, Tổng cục QLTT đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với ông Đào Trí Huynh từ Đội trưởng Đội 1 xuống làm Đội phó; kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Lưu Duy Anh, Đội phó Đội 1 - Cục QLTT tỉnh Đồng Nai xuống làm kiểm soát viên. 

Đồng thời, kỷ luật cảnh cáo đối với các ông: Võ Văn Tỉnh và Võ Khắc Như, đều là Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Nai và các kiểm soát viên: Trần Minh Tâm, Trần Quang Khải; khiển trách kiểm soát viên Mai Đức Anh và hạ bậc lương đối với ông Ngô Đình Minh, cán bộ kiểm soát.

Ông Võ Văn Tỉnh, Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Nai

Trước đó, đầu năm 2022, Tổng cục QLTT đã thu hồi thẻ kiểm soát viên đối với các cán bộ này để làm rõ các sai phạm liên quan.

Theo thông tin, tháng 5-2021, Đội 1 - Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra đột xuất một cửa hàng bán quần áo, mỹ phẩm ở xã Long Đức, huyện Long Thành [Đồng Nai] và phát hiện nhiều mặt hàng ngoại nhập nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. 

Tại thời điểm đó, lực lượng QLTT tỉnh này đã phát hiện hơn 1.100 chai nước hoa mang hai nhãn hiệu Chanel, Gucci [được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam] không có hóa đơn, chứng từ. Tại cửa hàng này cũng có hơn 10.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập khẩu có nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.

Sau đó, Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt cơ sở này, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng. Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đã xác định tổng giá trị hàng hóa vi phạm tại cơ sở này là 90 triệu đồng và đưa ra mức phạt hành chính với tổng số tiền chỉ hơn 51 triệu đồng.

Tuy nhiên đã có ý kiến cho rằng mức định giá này là không đúng so với giá trị thực tế của hàng hóa vi phạm. Trị giá hàng hóa thu giữ vượt cao hơn mức định giá mà Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đưa ra, dẫn đến bỏ lọt hành vi vi phạm. Vì vậy Tổng cục QLTT đã ra quyết định tạm thời thu hồi thẻ kiểm soát viên đối với những cán bộ này. 

VĂN PHÚC

Ông Trần Hùng tại cơ quan điều tra - Ảnh: CACC

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, liên quan đến vụ án sản xuất 3,2 triệu cuốn sách giả, mới đây ngày 17-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hùng, cựu cục phó Cục Quản lý trị trường, tổ trưởng Tổ 1444 Tổng cục Quản lý thị trường [Bộ Công thương].

Cùng vụ án có ba cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã bị bắt.

Bắt sách giả nhưng không chuyển điều tra

Theo thông tin từ Bộ Công an, cơ quan điều tra cho rằng đủ căn cứ xác định ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, từ tháng 7-2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh in ấn, phát hành xuất bản phẩm, sách giáo khoa trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp tại quận Hoàng Mai có nhiều vi phạm trong lĩnh vực, hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm như:

- Không thông báo địa điểm kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

- Không lập sổ ghi chép quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in theo quy định;

- In, sử dụng mã số, mã vạch của nước ngoài;

- Tàng trữ xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Theo nội dung trong bản tin đăng trên trang web của Bộ Công thương thời điểm đó, Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát, tạm giữ số xuất bản phẩm gồm 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu.

Mặc dù phát hiện đường dây tiêu thụ sách giả với số lượng lớn như trên nhưng bị can Lê Việt Phương, nguyên phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17, nay là đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14, cùng một số cán bộ đã không thực hiện việc báo cáo tới cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc.

Cơ quan điều tra cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn tới các cán bộ này bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bắt quả tang sản xuất sách giả - Ảnh: GIANG LONG

Thời điểm đó ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 17 tiến hành kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc, phát hiện, thu giữ hơn 27.000 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả.

Mặc dù phát hiện vụ việc sản xuất sách giả với số lượng lớn như trên nhưng ông Trần Hùng đã không chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hành vi của ông Trần Hùng và các cán bộ quản lý thị trường dẫn đến vụ sản xuất sách giả bị phát hiện nhưng không được điều tra, xử lý hình sự.

Cũng bởi vậy mà Cao Thị Minh Thuận cũng không bị xử lý hình sự về hành vi buôn bán hơn 27.000 quyển sách giả.

Việc làm của các bị can đã “tạo điều kiện" để đường dây sách giả này tiếp tục hoạt động từ đó đến nay. Cơ quan điều tra xác định đường dây này sản xuất đến 3,2 triệu cuốn sách giả.

Xác định hành vi của ông Trần Hùng có đủ dấu hiệu phạm tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam.

Ngoài ông Trần Hùng và Lê Việt Phương, các bị can Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, nguyên kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 14, cũng bị bắt để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Môi giới hối lộ

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Duy Hải bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "môi giới hối lộ" quy định tại điều 365 Bộ luật hình sự.

Theo tìm hiểu, bị can Hải không giữ chức vụ gì trong cơ quan nhà nước nhưng lại có mối quan hệ với các cán bộ quản lý thị trường. Hải chính là "người kết nối" đơn vị sản xuất sách giả với các cán bộ quản lý thị trường để vụ việc "được xử lý nhẹ".

Bị can Nguyễn Duy Hải bị điều tra về tội "môi giới hối lộ" - Ảnh: CACC

Kết quả điều tra ban đầu xác định, khi lực lượng quản lý thị trường đang xử lý vụ việc sản xuất sách giả của Công ty Phú Hưng Phát, bị can Hải đã gặp và tìm cách tác động đến ông Trần Hùng.

Sau khi có sự tác động từ Hải, ông Hùng đã không chỉ đạo, yêu cầu điều tra, xử lý hình sự đối với Cao Thị Minh Thuận về hành vi buôn bán hơn 27.000 quyển sách giả.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của bị can Hải có đủ dấu hiệu phạm tội "môi giới hối lộ".

Đường dây sách giả lớn nhất từ trước tới nay

Trước đó, ban chuyên án đã phá đường dây in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in sách số 297 đường Vĩnh Hưng [quận Hoàng Mai, Hà Nội] và các xưởng gia công sách giả khác trên địa bàn Hà Nội.

Lực lượng chức năng cũng khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tạm giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả các loại, 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả, hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo Dục và nhà xuất bản khác, 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách, khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp…

Đây được cho là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.

Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 7 người trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Trong đó có Cao Thị Minh Thuận [42 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Phú Hưng Phát, chủ các nhà sách Minh Thuận], Hoàng Mạnh Chiến [39 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội], Nguyễn Mạnh Hà [49 tuổi, phó giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội]…

THÂN HOÀNG

Video liên quan

Chủ Đề