Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam tiếng Anh là gì

Chỉ là 5 từ "Nó, bảo, sao, không, đến" mà có thể ghép thành 23 câu khác nhau, tiếng Việt của chúng ta thật quá là phi thường luôn ấy!

Các cụ xưa đã có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng khi đặt vào những trường hợp thực tế thì chính chúng ta cũng phải “bó tay” trước sự khó nhằn của ngữ pháp tiếng Việt.

Mới đây, cư dân mạng truyền tay nhau câu đố ghép 5 từ “nó, bảo, sao, không, đến” thành những câu có nghĩa. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất lại khiến mọi người phải suy nghĩ đến “nát óc” cũng chưa dám chắc là mình đã giải đúng.

Dưới đây là đáp án của câu hỏi:

1. Sao nó bảo không đến?

2. Sao bảo nó không đến?

3. Sao không đến bảo nó?

4. Sao nó không bảo đến?

5. Sao? Ðến bảo nó không?

6. Sao? Bảo nó đến không?

7. Nó đến, sao không bảo?

8. Nó đến, không bảo sao?

9. Nó đến bảo không sao.

10. Nó bảo sao không đến?

11. Nó đến, bảo sao không?

12. Nó bảo đến không sao.

13. Nó bảo không đến sao?

14. Nó không bảo, sao đến?

15. Nó không bảo đến sao?

16. Nó không đến bảo sao?

17. Bảo nó sao không đến?

18. Bảo nó: Ðến không sao.

19. Bảo sao nó không đến?

20. Bảo nó đến, sao không?

21. Bảo nó không đến sao?

22. Bảo không, sao nó đến?

23. Bảo! Sao, nó đến không?

Kết quả khiến ai cũng phải “mắt chữ A mồm chữ O” vì chỉ với 5 từ mà có thể triển khai thành 23 câu nói khác nhau. 

Một số bạn đã không kìm nén được sự ngưỡng mộ, tỏ vẻ thán phục đối với ngữ pháp Việt Nam. Tài khoản có tên T.T.H bình luận: “Thật kinh khủng, chỉ cần thay đổi trật tự từ, thêm dấu câu mà câu cú đã phong phú, đa dạng như thế này”.

Bạn H.P chia sẻ: “Mình nghĩ mãi cũng chỉ ra được 15 câu thôi, phục bạn nào giải ra bài tập này quá, chắc bạn ấy học giỏi tiếng việt lắm”

Bạn có tên L.H cho biết: “Minh chứng cho câu nói phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam là đây, tự hào về tiếng Việt quá. Chắc có lẽ không cần học tiếng anh mà phải trau dồi thêm kiến thức về tiếng nước mình mất”.

Ngoài câu đố vui trên thì đã không ít lần cư dân mạng được phen “cười bể bụng” bởi những câu chuyện “thật như đùa” về việc nhắn tin không sử dụng dấu câu khiến cho nhiều cặp mẹ- con, vợ- chồng rơi vào tình huống dở khóc dở cười.

Nhắn như thế này thì chắc bà mẹ nào cũng muốn nổi điên 

Thực chất câu này phải dịch là “Anh đang ở cửa phóng tầm mắt xa nơi đang có em yêu”.

Anh chỉ bỏ máy ở nhà thôi mà 

Do cô gái nói không rõ hay do trí tưởng tượng của chàng trai quá phong phú nhỉ?

Tiếng Việt quả thực thật “khó nhằn”. Vậy nên để tránh xảy ra xung đột bất đắc dĩ với người thân, bạn đừng lười biếng mà nhắn tin không dấu nhé.

Không khó để chúng ta bắt gặp câu nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt” trong những chủ đề bàn luận quanh tiếng Việt, đặc biệt trong các trường hợp lắt léo và khó hiểu của ngôn ngữ này.

Tuy nhiên, câu nói ấy hay được dùng mà thiếu đi công việc truy nguyên và xác minh. Bài viết này mang mong ước sẽ làm sáng tỏ đôi chút xem liệu ngữ pháp tiếng Việt có thực sự “phong ba bão táp” như đồn đại hay không. Hay rộng hơn, về sau cùng, điều này có quan trọng?

I. Nguồn gốc của câu nói ta thường nghe

Trước tiên, bởi câu nói này được sử dụng như một sáo ngữ [thường xuyên được nhắc đến mà không đi kèm giải thích], và kết cấu như một tục ngữ [có vần điệu, mang tính đúc kết tri thức], nên chúng tôi bắt đầu tra cứu nó dưới khía cạnh thành ngữ & tục ngữ. Với tài liệu hiện có là 800 trang Từ điển thành ngữ & tục ngữ của Vũ Dung, cùng 3000 trang Từ điển thành ngữ & điển tích của Quách Văn Hoà [1], chúng tôi không tìm thấy câu nói này [nếu ai có tài liệu cho thấy nó là thành ngữ thì chúng tôi sẵn sàng tiếp thu]. Điều đó cho thấy đây rất có thể không phải là tục ngữ, do đó ít nhất có thể kết luận nó không phải tri thức đã được đúc kết qua nhiều đời. Thậm chí phát hiện này còn cho thấy việc nghiêm túc xem xét nó là cần thiết.

Thú vị là trong ngót 4000 trang tài liệu tra cứu ấy, thậm chí từ “ngữ pháp” hoặc những từ liên quan không hề xuất hiện một lần nào. Điều này cho thấy ngữ pháp không phải thứ tri thức mà người xưa quan tâm nhiều đến mức được đi vào thành ngữ & tục ngữ. Thật vậy, ngôn ngữ đã có từ rất lâu trước khi ngành ngôn ngữ học được định hình, người bản ngữ học tiếng mẹ đẻ của họ bằng cách bắt chước người khác một cách tự nhiên chứ không cần đến ngôn ngữ học thì mới học được, dù không thể phủ nhận ngôn ngữ học hỗ trợ cho việc học tốt hơn.

Người bản ngữ khi học tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên rất khó ý thức được mức độ dễ hay khó, hoặc thậm chí là không hề ý thức được. Chẳng hạn, người Việt vẫn được dạy rằng tiếng Việt có 6 thanh điệu [ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng], nhưng theo nghiên cứu của Phạm Thị Hoà thì tiếng Việt có 8 thanh điệu chứ không phải 6 [2]. Nghiên cứu này được công nhận và trích dẫn bởi Jack Halpern, ông cho rằng hệ thống 8 thanh điệu sẽ dễ dàng với người học hơn [3]. Bất chấp những điều đó, xưa nay người bản ngữ Việt học tiếng mẹ đẻ không hề quan tâm đến, nhưng họ vẫn phát âm rất chuẩn. Bởi vì cách học giữa người bản ngữ và người ngoại quốc rất khác nhau.

Trở lại với công việc truy nguyên. Việc tìm kiếm cho biết mẫu câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng…” xuất hiện sớm nhất vào những năm 1960 và hồi ấy nó được dùng cho tiếng Nga. Dấu vết còn lưu lại trên internet là một bài báo năm 2012 viết về Đại tá Nguyễn Lành, ông được cử đi du học Nga khoảng năm 1965 và theo bài báo, ông học tiếng Nga khá khó khăn nên thường nói đùa là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga” [4]. Phát hiện này tuy không chắc chắn về tác giả câu nói, nhưng nó cho thấy câu nói ấy manh nha xuất hiện lần đầu tiên là ở trong cộng đồng học tiếng Nga.

Cạnh đó, lịch sử cho biết cũng những năm 1960 là quãng thời gian nhức nhối quanh vấn đề giữ gìn cách nói và cách viết thuần Việt. Đỉnh điểm của nó là bài kêu gọi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rằng “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tức là góp phần chống Mĩ cứu nước trên mặt trận văn hóa,” và “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp.” [5]

Từ đây có thể suy đoán rằng nguyên gốc câu nói vốn là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga”, nhưng gặp đúng thời thế tinh thần dân tộc quanh tiếng Việt đang dâng cao nên nó được biến tấu sang tiếng Việt, bắt đầu từ “trong sáng”, “giàu đẹp” sau đó là “khó học” đều được dành để nói về tiếng Việt. Sở dĩ chúng tôi suy đoán như vậy vì 2 nguyên nhân sau:

–  Hiện đang tồn tại dị bản “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng dị bản này gặp lỗi sai về logic, Việt Nam là tên quốc gia, trong khi ngữ pháp là phạm trù thuộc về ngôn ngữ. Một quốc gia có thể biến mất mà ngôn ngữ của nó không nhất thiết phải biến mất theo, và ngược lại. Một tri thức lưu truyền lâu đời mà tồn tại lỗi logic như vậy là rất đáng ngạc nhiên, thậm chí bản thân nó còn trớ trêu vì vi phạm ý nghĩa muốn truyền đạt khi nói về sự phức tạp, giàu đẹp của tiếng Việt. Bản phù hợp hơn về logic nên là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt”, nhưng nó lại mất đi tính nhịp nhàng về bằng trắc.

–  Ngữ pháp tiếng Nga thật sự phức tạp và trở thành nỗi ác mộng của nhiều người ngoại quốc, danh từ có đến 3 giống, động từ có biến đổi, có 6 cách thể và có học viên cần một năm sống ở Nga mới có thể ghi nhớ được [6]. Trong khi đó ngữ pháp tiếng Việt không tồn tại phạm trù trên, ít nhất nếu so với tiếng Nga, ngữ pháp tiếng Việt quả là dễ.

Nhưng để có cái nhìn bao quát, chúng ta nên so sánh nó với nhiều thứ tiếng hơn.

II. Tiếng Việt có khó học không?

Như đã nói ở phần I, để đánh giá khách quan vấn đề này chúng ta nên lấy góc nhìn của người ngoại quốc hơn là người bản xứ. Phần này chúng tôi tham khảo nghiên cứu và ý kiến của Jack Halpern, một nhà từ điển học biết 15 thứ tiếng, có thể nói trôi chảy 10 thứ tiếng. Ông có viết bài luận “Is Vietnamese A Hard Language?” dưới dạng song ngữ Anh-Việt.

a/ Điểm dễ của tiếng Việt

1. Từ ngắn nên dễ nhớ.

1.1. Theo thống kê, độ dài trung bình của một từ trong tiếng Việt là 4.5 kí tự, đều ngắn hơn so với các ngôn ngữ phổ biến như Anh [6,19], Pháp [5,95], Đức [6,03], Nga [6,6], Tây Ban Nha [5,81] [7]. Thống kê này dựa trên từ, là đơn vị từ vựng cơ bản, chứ không dựa trên ngữ. Từ ngắn nghĩa là nó giúp người học dễ nhớ và dễ viết hơn.

Mặc dù thống kê dựa trên từ đơn, nhưng do đặc điểm của tiếng Việt là từ ghép [tập con của từ phức] được ghép từ nhiều từ đơn có quan hệ với nhau về mặt nghĩa, nên nhìn chung việc học từ vẫn nhẹ nhàng vì tính chất từ ngắn. Ví dụ, “xe đạp” là từ ghép, nhưng người học chỉ cần học hai từ đơn “xe” & “đạp” là có thể nhớ được từ ghép “xe đạp”, thay vì phải nhớ cả từ có 5 kí tự. Chỉ có từ láy là loại từ phức bắt buộc người học phải thuộc hết mà thôi, nhưng chúng không chiếm quá nhiều trong tiếng Việt, đặc biệt một số dạng từ láy có đi theo công thức.

1.2. Chính vì tính chất của từ ghép nên việc nhớ các từ càng thêm dễ vì việc ghép rất logic và hệ thống. “Xe máy, xe hơi, xe đạp, xe kéo” sẽ dễ nhớ hơn so với “motorcycle, car, cycle, cart”. Điều đó càng dễ hơn trong việc giúp người học đoán nghĩa của từ.

1.3. Theo một nghiên cứu tại Université de Lyon, khi so sánh tỉ lệ âm tiết trên một mật độ thông tin nhất định cho thấy tiếng Việt có số âm tiết ít hơn 1,2 lần so với tiếng Anh, và ít hơn 3 lần so với tiếng Nhật [8]. Nói cách khác là khi truyền tải cùng một lượng thông tin, tiếng Việt yêu cầu phát âm ít âm tiết hơn so với ngôn ngữ khác. Do ít âm tiết hơn nên dễ nhớ hơn và dễ gọi ra từ trí nhớ hơn mỗi khi cần phát âm.

Để dễ hình dung, chúng ta hãy xem ví dụ của Jack Halpern.

Tiếng Anh: Yesterday I went to the aquarium and saw many beautiful fish. [17 âm tiết.]

Tiếng Nhật: 昨日、 私は水族館に行って、 美しい魚をたくさん見ました。 [31 âm tiết.]

Tiếng Việt: Hôm qua tôi đi thủy cung và thấy rất nhiều cá đẹp. [12 âm tiết.]

Kết quả thực nghiệm rất sát với số liệu thống kê, trong trường hợp trên số âm tiết tiếng Việt ít hơn tiếng Anh 1,4 lần, và ít hơn tiếng Nhật 2,6 lần.

Tất nhiên chúng ta có thể cố ý thêm âm tiết vào câu tiếng Việt như là “ngày hôm qua”, “con cá xinh đẹp”, tuy nhiên cái cốt lõi là phiên bản ngắn gọn ấy hoàn toàn là một câu tiếng Việt hợp lệ và tự nhiên, việc làm cho nó dài thêm là tuỳ chọn chứ không phải bắt buộc.

2. Ngữ pháp không chia giống

2.1. Ở một số ngôn ngữ như Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, và Ả-rập danh từ có chia giống, hoặc là 2 giống [đực, cái] hoặc là 3 giống [đực, cái, trung]. “Mặt trời” thuộc giống đực trong tiếng Ả-rập, và thuộc giống cái trong tiếng Hebrew. “Cô gái” [Mädchen] thuộc giống trung, chứ không phải giống cái, trong tiếng Đức. Giới tính của danh từ hoàn toàn bất quy tắc và chỉ có cách là nhớ từng từ trong tổng số hàng ngàn danh từ.

2.2. Việc danh từ có chia giống kéo theo việc biến đổi cả mạo từ và tính từ bổ nghĩa cho danh từ đó. Ví dụ tiếng Tây Ban Nha “muchacha” [cô gái] thuộc giống cái, vậy thì mạo từ phải là “la” [chứ không phải “el”], và tính từ cũng phải thuộc giống cái [“bonita” chứ không phải “bonito”]. “La muchacha bonita” [cô gái đẹp] là cách dùng đúng, mọi nhầm lẫn như “El muchacha bonita”, “La muchacha bonito” đều là sai. Thế nhưng vẫn có trường hợp bất quy tắc như tính từ “grande” [lớn] dù đứng với giống gì cũng không biến đổi.

2.3. Ngữ pháp Tiếng Việt hoàn toàn không chia giống. Mà thậm chí tiếng Việt còn không có cả mạo từ. Người học tiếng Việt không phải ghi nhớ một lượng khổng lồ các quy tắc và bất quy tắc.

3. Ngữ pháp không chia số lượng

3.1. Danh từ số nhiều ở một số ngôn ngữ về cơ bản là tuân theo một số quy tắc, nhưng luôn luôn có ngoại lệ. Gọi là có quy tắc nhưng cũng chẳng hề đơn giản, ví dụ tiếng Pháp một danh từ bất quy tắc cấu tạo gồm phần lõi + phần đuôi. Quy tắc chung là thêm s nhưng bất quy tắc thì được chia làm 4 nhóm [-al, -ail | -au, -eau, -eu | -ou | -s,-x, -z] để biến đổi tuỳ nghi. Nhưng ngay cả khi đã học thuộc hàng đống quy tắc ấy thì vẫn có những từ mà dạng số ít – số nhiều trông không liên quan gì đến nhau, như “un œil – des yeux” [mắt – đôi mắt]. Không có cách nào khác ngoài học thuộc từng từ. Điều tương tự diễn ra với tiếng Anh, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Ả-rập, Hebrew, v.v.

3.2. Việc danh từ có chia số lượng tiếp tục kéo theo việc biến đổi mạo từ và tính từ bổ nghĩa. Ví dụ tiếng Pháp “le petit prince” [hoàng tử bé] nếu chuyển sang số nhiều thì phải chuyển cả 3 từ: mạo từ, tính từ, danh từ, để cuối cùng sẽ trở thành “les petits princes” và chỉ như vậy mới đúng.

3.3. Tiếp theo là động từ thay đổi tuỳ theo chủ ngữ là số ít hay nhiều. “Le petit prince sourit” [hoàng tử bé mỉm cười], và “Les petits princes sourient” [các hoàng tử bé mỉm cười], từ “sourire” [mỉm cười] phải biến đổi từ dạng nguyên mẫu thành các dạng phù hợp. Với trường hợp tiếng Ả-rập và Hebrew thì còn phức tạp hơn vì phải chia theo giới tính của chủ ngữ, “Tôi [nam] ăn” là “ani ‘oxel” khác với “tôi [nữ] ăn” là “ani ‘oxelet”.

3.4. Ngữ pháp Tiếng Việt hoàn toàn không chia số lượng. Tiếng Việt có hệ thống các loại từ [không được nhầm với từ loại] để chỉ số nhiều “những, các, v.v.” nhưng về cơ bản thì danh từ vẫn giữ nguyên. Điều này, lại một lần nữa, khiến người học không phải nhớ một lượng khổng lồ các quy tắc.

4. Ngữ pháp tiếng Việt không cần chia động từ

4.1. Ở một số ngôn ngữ, sau khi đánh vật với danh từ, mạo từ, tính từ vốn đã đủ hiểm ác, người học vẫn còn cửa ải hiểm ác nhất gọi là chia động từ. Riêng về mảng chia động từ, với tiếng Pháp có thể tính bằng chục, với tiếng Ả-rập và Tây Ban Nha là hàng trăm, với tiếng Nhật thậm chí là hàng nghìn. Các dạng biến đổi của động từ nhiều đến nỗi người học cần hẳn một trang web chỉ để tra các dạng động từ.

4.2. Ngữ pháp Tiếng Việt hoàn toàn không đòi hỏi chia động từ, động từ ở tiếng Việt chỉ có một dạng. Các thì ở tiếng Việt được biểu đạt bằng các từ chỉ định thì đứng trước động từ, như “đã, đang, sắp, sẽ, v.v.”. Trong các ngôn ngữ đang được dùng phổ biến trên thế giới, dường như chỉ có tiếng Trung giống tiếng Việt ở điểm không đòi hỏi chia động từ. Thay vì phải tốn hàng năm để làm chủ các thì và đặt câu cho đúng như đa phần ngôn ngữ trên thế giới, người học tiếng Việt chỉ cần vài ngày để thuộc các từ chỉ định thì.

4.3. Để tăng thêm phần dễ, thậm chí tiếng Việt không đòi hỏi cả từ chỉ định thì nếu như ngữ cảnh đã rõ ràng. Ví dụ, “Hôm qua, tôi lên Hà Nội” là một câu đúng ngữ pháp mà vẫn biểu đạt thì quá khứ nhờ trạng ngữ chỉ thời gian. “Hôm qua, tôi lên Hà Nội. Sau đó, tôi bay vào Đà Nẵng”, câu thứ hai có trạng ngữ “sau đó” mập mờ nhưng vẫn biểu đạt tốt thì quá khứ nhờ văn cảnh. Người đọc vẫn hiểu tốt và câu nói ấy vẫn đúng ngữ pháp.

4.4. Ngoài ra, tiếng Việt không tồn tại phạm trù ngữ pháp cách thể [grammatical case]. Các từ không thay đổi tùy theo việc chúng là chủ ngữ [danh cách], tân ngữ trực tiếp [đối cách], tân ngữ gián tiếp [tặng cách], hoặc là chủ sở hữu [sở hữu cách]. Chức năng của từ được xác định tuỳ vào văn cảnh. “Tôi viết thư” và “Lá thư được viết bởi tôi”, hai từ “tôi” này có chức năng ngữ pháp khác nhau nhưng về mặt ngữ âm và chữ viết, chúng không thay đổi.

5. Có quá nhiều cái “không bắt buộc” trong ngữ pháp tiếng Việt

5.1. Cuối cùng, cái dễ nhất của tiếng Việt là sau khi đã học một đống quy tắc của nó, người dùng vẫn thường có thêm lựa chọn “dùng thì tốt, mà không dùng cũng không sao”.

Ví dụ câu “Tôi có nuôi chó” có thể tham chiếu đến cả số ít và số nhiều của danh từ chó, nhà nuôi nhiều chó mà chỉ nói là “nuôi chó” cũng không sai, trong khi với tiếng Pháp người dùng bắt buộc phải lựa chọn hoặc số nhiều hoặc số ít “J’ai le chien”, “J’ai un chien” hoặc “J’ai les chiens”.

Tiếp đến giới tính, với tiếng Pháp bắt buộc người dùng phải lựa chọn giữa giống đực và giống cái. Hoặc là “J’ai un chien” hoặc là “J’ai une chienne”, không có cách nói mập mờ giấu giới tính ở những ngôn ngữ như vậy. Điều tương tự diễn ra với tiếng Tây Ban Nha, Đức, Ả-rập, v.v. Trong khi ở tiếng Việt “Tôi có nuôi chó” có thể tham chiếu đến cả chó đực và cái.

Và trên hết là thời gian. Trước câu hỏi “Hôm qua cậu đi đâu?” thì ngữ cảnh đã thông báo thời gian rồi, câu trả lời đơn giản là “Tôi lên Hà Nội” vẫn đúng ngữ pháp, vẫn truyền đạt thông tin về thời gian, và hợp lệ trong giao tiếp hằng ngày. Điều tương tự không xảy ra với phần lớn ngôn ngữ trên thế giới.

b/ Điểm khó của tiếng Việt

1. Ngôn ngữ thanh điệu

1.1. Ngôn ngữ thanh điệu [tonal language] là dạng ngôn ngữ ít gặp trên thế giới, các ngôn ngữ thanh điệu thường được biết đến là tiếng Việt, Thái và Trung, trong đó dường như chỉ có tiếng Trung là ngôn ngữ đang được dùng phổ biến trên thế giới. Sự độc đáo này mang lại cảm giác lạ lẫm, và theo đó là khó luyện thành thục với người ngoại quốc học tiếng Việt.

1.2. Thực tế thì ngôn ngữ nào cũng có ngôn điệu, bởi khi phát âm lên chắc chắn tiếng nói sẽ mang một thanh điệu nào đó, nhưng như thế chưa đủ để được gọi là ngôn ngữ thanh điệu. Ngôn ngữ thanh điệu là khi các từ mang thanh điệu khác nhau, ý nghĩa của từ đổi khác. Ví dụ với tiếng Việt “Tôi ăn cá” rất khác “Tôi ăn cà”, và sự khác biệt giữa “cá” và “cà” nằm ở cách phát âm ở âm vực cao hoặc thấp.

Trong khi với ngôn ngữ không thanh điệu như tiếng Anh thì “I eat físh” hay “I eat fịsh” đều được hiểu là “fish” như nhau cả. Mặc dù trong tiếng Anh sự thay đổi âm sắc có thể khiến người nghe hiểu khác nhau đôi chút, như “récord” [danh từ: bản ghi] và “recórd” [động từ: ghi chép], hay “próduce” [danh từ: sản phẩm] và “prodúce” [động từ: sản xuất]. Nhưng đây chỉ là cách hiểu hoán đổi giữa dạng động từ và danh từ của một từ mà thôi, mặt khác chúng chỉ là trường hợp nhỏ, không có tính phổ quát. [Lưu ý các dấu thanh chúng tôi ghi cho tiếng Anh ở đây chỉ nhằm giúp độc giả dễ hình dung khi phát âm, chứ không phải cách ghi chính thống trong ngôn ngữ học.]

2. Số lượng âm tiết phong phú

2.1. Mặc dù tỉ lệ âm tiết trên một mật độ thông tin nhất định của tiếng Việt ít hơn nhiều lần so với một số ngôn ngữ, như đã trình bày ở phần a, nhưng số lượng âm tiết trong tiếng Việt thì lại nhiều gấp nhiều lần các ngôn ngữ khác. Theo nghiên cứu của Jack Halpern thì “tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và phức tạp về mặt âm vị: 11 nguyên âm, 19 [hay 20] phụ âm đầu, 8 âm cuối và 8 thanh điệu kết hợp lại với nhau để tạo ra gần 7000 âm tiết, so với khoảng 1200 âm tiết trong tiếng Trung và vỏn vẹn 108 âm tiết trong tiếng Nhật.” [9] Nhiều hơn đồng nghĩa với khó nhớ hơn, và khó phân biệt hơn khi có nhiều âm tiết khá giống nhau.

3. Số lượng đại từ phong phú

3.1. Điểm khó khăn và cũng là độc đáo tiếp theo của tiếng Việt là hệ thống đại từ. Theo liệt kê trên wikiwand, tiếng Việt có khoảng 50 đại từ bao gồm cả đại từ cổ [10], dù vẫn không nhiều bằng số lượng đại từ trong tiếng Nhật [11] nhưng nếu so với các ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh [8 đại từ] và tiếng Pháp [9 đại từ] thì con số 50 quả là khó đối phó.

Độ khó tiếp tục tăng nếu người dùng có nhu cầu xưng hô với người trong gia tộc, bởi với đại từ trong mối quan hệ gia tộc thì cần cả hiểu biết về văn hoá nữa. Tuy anh, chị của cả bố và mẹ đều gọi là bác, nhưng em trai của bố là chú, em trai của mẹ là cậu, em gái của bố là cô, và em gái của mẹ là dì, đây chỉ là một ví dụ nhỏ. Với trường hợp này người dùng không có cách nào ngoài học thuộc lòng định nghĩa của từng đại từ.

Khi xưng hô với người ngoài xã hội thì dễ hơn, nhưng vẫn đòi hỏi thông thạo văn hoá để làm chủ hệ thống đại từ, ví dụ người 10 tuổi mà xưng hô tôi-bác với người 30 tuổi thì kì quặc, nhưng giữa người 50 tuổi với 70 tuổi thì thế là bình thường. Xã hội Việt Nam hiện giờ đã đơn giản hoá vấn đề này đôi chút, người dùng có thể chỉ cần dùng ngôi thứ nhất “tôi” và ngôi thứ hai là 1 trong 4 từ [cháu/em/anh chị/bác] để nói chuyện ngoài xã hội, nhưng dù sao như vậy vẫn bị cho là khô cứng, thiếu tự nhiên.

4. Tỉ lệ âm tiết thấp

4.1. Như đã trình bày ở phần a, tiếng Việt có tỉ lệ âm tiết thấp trên một mật độ thông tin nhất định. Điều này tuy dễ học khi nói, đọc, viết nhưng lại gây khó khăn khi nghe, vốn cũng là kĩ năng quan trọng để làm chủ một ngôn ngữ. Bởi tỉ lệ âm tiết thấp nên khi nghe, người nghe buộc phải nắm bắt từng âm tiết của lời nói, bằng không số lượng thông tin thất thoát sẽ rất nhiều nếu so với những ngôn ngữ có tỉ lệ âm tiết cao.

Ví dụ từ “đẹp” ở tiếng Việt chỉ có 1 âm tiết, nếu người nghe bỏ lỡ 1 âm tiết tức là mất luôn 100% thông tin, trong khi đó từ “beautiful” cũng truyền tải mật độ thông tin tương đương, nhưng nó có 3 âm tiết, giả sử người nghe bỏ lỡ 1 âm tiết thì vẫn có thể đoán được nghĩa của từ dựa theo 2 âm tiết nghe được.

c/ Kết luận

Ba bộ phận cấu thành nên một ngôn ngữ là từ vựng, ngữ âm và ngữ pháp [không có chữ viết, dù chữ viết là yếu tố gần gũi, bởi nhiều ngôn ngữ đã và đang tồn tại mà không cần đến chữ viết]. Theo như trình bày bên trên, chúng tôi đưa ra kết luận rằng tiếng Việt dễ ở mặt từ vựng và ngữ pháp; và khó ở mặt ngữ âm. Biết rằng mức độ khó học không liên quan đến mức độ ưu việt hoặc mức độ thú vị của ngôn ngữ.

Để khách quan, chúng ta xem cả ý kiến của một số người ngoại quốc về vấn đề này.

“Tóm lại, mặc dù việc học tiếng Việt có những trở ngại, đặc biệt là về phần phát âm và phân biệt các thanh điệu và nhiều âm khó, ta có thể nói rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ khá dễ học: từ ngắn, chính tả ổn định, không giới tính, không số nhiều, không chia động từ, không cách thể, không mạo từ, vân vân và vân vân.” [12] Trích lời Jack Halpern, nhà từ điển học biết 15 ngôn ngữ, nói trôi chảy 10 ngôn ngữ.

“Đa phần người nước ngoài ở Việt Nam [gồm cả tôi, trong một năm] đều không nhận ra phát âm là điểm khó duy nhất của tiếng Việt. Mọi khía cạnh khác của ngôn ngữ này đều hết sức dễ học – dễ hơn bạn nghĩ nhiều, đặc biệt nếu so sánh với phần lớn ngôn ngữ châu Âu.” [13] Trích lời George Julian, người viết nội dung, biết 6 ngôn ngữ.

Từ đây, câu hỏi “Có đúng phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt?” có thể được trả lời rõ ràng là “Không”. Nhưng cần lưu ý rằng việc phủ nhận câu sáo ngữ này không đồng nghĩa rằng cũng phủ nhận những nét giàu-đẹp của tiếng Việt.

III. Lòng tự hào đứng sau sự khó học

Nhiều người Việt vẫn truyền tai nhau câu nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt” với niềm tự hào ngầm, không chỉ người Việt chúng ta cảm nhận được niềm tự hào này, mà cả những người bạn ngoại quốc cũng thấy vậy. George Julian nhận định, “Sự khó học thường được gán cho tiếng Việt vốn là niềm tự hào dân tộc của 90 triệu con người, người dân bản xứ sẽ vui vẻ nói với bạn rằng ‘tiếng Việt khó!’ vào mọi dịp có thể.” [14]

Niềm tự hào này dường như mâu thuẫn với xu thế chung của thế giới mà Việt Nam cũng đang tham gia: quảng bá văn hoá. Theo lí lẽ thông thường, nếu đã có mong muốn quảng bá văn hoá thì đi kèm nó phải là mong muốn văn hoá của mình phải là thứ dễ tiếp thu mới phải, như vậy việc quảng bá mới đạt hiệu quả tối ưu. Nhìn chung đây là một phần trong xu thế toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra.

Song song với quá trình này là sự trỗi dậy mạnh mẽ không kém của xu hướng bản địa hóa – xu thế đã được khoa học giải thích và lịch sử kể lại. Việc tự hào về một bản sắc văn hóa phức tạp của một nhóm người nào đó nhìn chung khá dễ hiểu, dù rằng đôi lúc nó mâu thuẫn trực tiếp với những mong muốn của họ.

Về mặt tiến hoá, tư duy phân cực Chúng ta – Chúng nó là chiến lược sinh tồn hiệu quả. Trong một thế giới các nhóm cá thể phải tranh giành lượng tài nguyên hạn chế, tư duy phân cực thúc đẩy cá thể đứng ra bảo vệ nhóm và có lí do để tranh đoạt tài nguyên của nhóm khác. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tư duy Chúng ta – Chúng nó bám rễ sâu vào bản năng của con người. Chúng tôi đã có một bài viết riêng tập trung nói về chủ đề này. [15]

Trong đó thì văn hoá, với ngôn ngữ thuộc một phần của nó, trở thành công cụ để xác định đâu là Chúng ta và đâu là Chúng nó. Một dân tộc với nền văn hoá càng độc đáo thì càng khó bị lẫn mình với dân tộc khác, nếu nền văn hoá ấy càng khó học thì càng có ít khả năng bị những kẻ thuộc nhóm Chúng nó trà trộn vào.

Với mỗi cá nhân, mức độ thành thạo về văn hoá còn là một chỉ thị biểu lộ sự đầu tư của cá nhân đó vào cộng đồng. Ví dụ, một ngôn ngữ có những bất quy tắc hay mẫu câu hiếm mà đòi hỏi một cá nhân phải tiếp xúc đủ lâu mới biết đến và làm chủ được. Về bản chất thì mẫu câu hiếm không có ích hơn cho giao tiếp so với những mẫu câu phổ biến, nhưng về văn hoá, nó là một chỉ thị cho thấy cá nhân nào làm chủ được nó tức là cá nhân ấy đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho nền văn hoá này, do đó mà nhận được nhiều kính trọng từ cộng đồng hơn.

Lịch sử cho chúng ta biết tư duy này từng ảnh hưởng sâu sắc đến các dân tộc như thế nào. Người Nhật biết đến súng từ năm 1543 và đã tích cực dùng súng cho những cuộc nội chiến, ưu thế vượt trội của súng trước đao gươm là không cần bàn cãi. Nhưng ưu thế lớn nhất của súng ống, ngoài tính thực chiến và sát thương cao, còn bao gồm việc không gắn với bất kỳ giá trị văn hóa Nhật Bản nào và mọi tầng lớp đều có thể dễ dàng học cách dùng nó. Sự tiện lợi của súng sau này còn khiến nó trở thành công cụ hữu hiệu để xua đuổi thú hoang và những hoạt động sống thông thường khác bên cạnh chiến đấu.

Bên cạnh súng là hàng loạt vũ khí có tính thực chiến cao khác [trên thực tế cũng là những món được dùng thường xuyên] như ōdachi, naginata, yari… vốn đều phục vụ mục đích chiến đấu tốt hơn biểu tượng katana của Nhật Bản. Tuy vậy, dù tỏ ra không hiệu quả trong chiến đấu, katana lại là món được ưu ái nhất và bảo vệ ở cả luật pháp, tuyên truyền lẫn truyền thống, vì đây là biểu tượng của samurai. Đối với văn hóa Nhật Bản lúc bấy giờ, samurai là tầng lớp cao quý thuộc hàng bậc nhất trong xã hội. Đối với samurai, katana là biểu tượng cho đẳng cấp xã hội, danh dự, tài năng và vẻ đẹp của họ. 

Sau nội chiến, hàng loạt luật hạn chế vũ khí liên tục được đưa ra bởi giai cấp thống trị nhằm chống lại sự lật đổ và giảm nguy cơ cho cuộc nội chiến tiềm ẩn, việc sở hữu vũ khí trong dân chúng [bao gồm súng và các vũ khí khác] từ đó cũng ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, samurai và thanh gươm katana vẫn giữ nguyên vị thế của mình. Trật tự này được giữ vững trong hơn 200 năm, tính biểu tượng của samurai và katana thậm chí vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay ở quy mô toàn thế giới. Dù rằng kể từ sau thời Edo, khoảng năm 1870s, Thiên hoàng Minh Trị đã bãi bỏ chế độ samurai. Súng ống và hàng loạt vũ khí khác [chứ không phải katana] cũng được chú trọng phát triển để chống lại ảnh hưởng của phương Tây lúc bấy giờ [16]. Thực tế đã cho thấy sự tồn tại của samurai không thực sự giúp ích cho sự phát triển của nước Nhật về sau này, và katana tuy cứng, sắc và [được cho là] mang vẻ đẹp cao quý thiêng liêng lại không đáp ứng được yêu cầu cơ bản nhất ở một thanh kiếm là chiến đấu.

Sự việc gần giống như vậy cũng xảy ra ở Trung Quốc, chữ Hán là thứ chữ viết rất phức tạp, rất khó học, và trong cả nghìn năm giới học thuật ở Trung Quốc không có ý định đơn giản hoá thứ chữ viết này. Vì nhiều lí do, nhưng lí do lớn nhất là để duy trì hệ thống đẳng cấp xã hội, nơi mà tầng lớp Sĩ được ở vị trí rất cao vì biết chữ và những dấu vết Nho giáo tương tự; quan trọng nhất, “không thể” không phải một lý do nằm trong đó. Vì vậy, việc đơn giản hóa chữ Hán đã bị trì hoãn cho đến khi không thể chống lại dòng chảy của lịch sử được nữa, vào khoảng thế kỷ XX, khi xu hướng xóa mù chữ được đẩy mạnh trên toàn thế giới nhằm đáp ứng cho tiến trình công nghiệp hóa yêu cầu nhiều lao động có trình độ cao.

Tạm kết luận, chúng tôi đồng ý rằng việc tự hào với ngôn ngữ mẹ đẻ, hay rộng hơn là văn hóa là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra. Tuy vậy, sự tự hào nên được dựa trên những giá trị cốt lõi đúng đắn và có cơ sở bền vững.

Tự hào về sự phức tạp là một niềm tự hào mong manh, vì ngoài việc rất có thể một thứ gì đó thường không “phức tạp đến thế” khi chúng ta nghiêm túc tìm hiểu kĩ [rất có thể đó chỉ là một sự tô vẽ nhằm bảo vệ cho lợi ích của các nhóm nhỏ]; sự phức tạp chính nó còn dễ bị xóa mờ trước dòng chảy không thể chống lại của thời đại.

Điều này vốn đã được kể rất nhiều lần bởi lịch sử. Không phải một, mà là rất nhiều lần.

Nguồn: Nguyễn Tuấn Linh [group Nguồn gốc từ vựng tiếng Việt]

Video liên quan

Chủ Đề