Quy trình mua sắm thiết bị trường học

Tuy nhiên, việc mua sắm TTB trường học được thực hiện như thế nào? Có bảo đảm đúng các quy định hay không? Hiệu quả sử dụng các TTB trong thực tế ra sao? Là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Giải đáp những vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã trả lời phỏng vấn phóng viên (P.V) Báo Hà Nam.

Quy trình mua sắm thiết bị trường học

Từ việc được hỗ trợ mua sắm TTB dạy học, các nhà trường có thêm điều kiện xây dựng trường chuẩn và thực hiện nâng chuẩn, đáp ứng cao yêu cầu đổi mới giáo dục.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng cơ cở vật chất, TTB phục vụ dạy và học trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Phạm Anh Tuấn:Trong những năm qua, việc đầu tư cơ sở vật chất, TTB dạy học luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ngành liên quan quan tâm đầu tư cho các nhà trường trên địa bàn tỉnh theo hướng kiên cố, hiện đại và đạt chuẩn quốc gia đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu về GD&ĐT đến năm 2020. Về cơ sở trường lớp, hiện nay phòng học của các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng đủ cho việc dạy và học, tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt gần 96%, không còn tình trạng học sinh phải học ba ca.

Riêng về hệ thống TTB dạy học trong các nhà trường, những năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt đầu tư mua sắm thiết bị dạy học theo từng giai đoạn. Như trong giai đoạn 2017-2019, toàn tỉnh đã đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời trang bị cho 38 trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh; 61 phòng học tin học cho các trường phổ thông (trong đó, có 31 phòng cho các trường THPT, 30 phòng cho các trường tiểu học); 40 phòng học môn ngoại ngữ tiếng Anh cho các trường phổ thông bảo đảm thiết bị dạy học cho các nhà trường của tỉnh thực hiện đề án ngoại ngữ 2020 của Chính phủ. Tỉ lệ các trường công lập có cơ sở vật chất, TTB dạy học đạt chuẩn quốc gia chiếm trên 97%; 100% trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc các xã trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn các tiêu chí về trường học, GD&ĐT trong Bộ tiêu chí quốc gia về công nhận xã nông thôn mới.

Qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng được yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia đối với giáo dục mầm non, phổ thông, góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

P.V: Có thể nói, tuy chưa hết khó khăn nhưng so với những năm học trước đây, hệ thống TTB dạy học trong các nhà trường đã được cải thiện khá nhiều về lượng và chất, giúp các nhà trường nâng cao hơn chất lượng giáo dục. Như vậy, có phải đã khẳng định được tính hiệu quả của việc đầu tư mua sắm và sử dụng các trang thiết bị giáo dục trong thực tế không, thưa ông ?

Ông Phạm Anh Tuấn:Hằng năm, bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách cho GD&ĐT còn có các chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục được triển khai và hoàn thành. Căn cứ vào kết quả đánh giá thực trạng cơ sở vật chất của các đơn vị, Sở GD&ĐT báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho ý kiến về chủ trương nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án. Việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, sở tiến hành thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá lại hiện trạng, lập dự án đầu tư theo phạm vi nghiên cứu đã được chấp thuận tại chủ trương đầu tư.

Từ các chương trình, dự án này đã đáp ứng được các yêu cầu bức thiết về vấn đề cơ sở vật chất của nhà trường, giúp học sinh có môi trường học tập, chăm sóc, giáo dục ngày càng tốt hơn, đồng thời giúp cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ, giáo viên của trường. Trên thực tế, phần lớn các dự án xây dựng hạ tầng, mua sắm TTB dạy học đều được các cơ sở giáo dục quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc giúp toàn ngành duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và thực hiện tốt mục tiêu: nâng cao dân trí, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

P.V: Để có được những TTB đáp ứng đúng, kịp thời yêu cầu dạy học của các nhà trường, khâu tổ chức đấu thầu để tìm ra những nhà thầu có đủ năng lực thực hiện các gói thầu mua sắm, cung cấp, lắp đặt hệ thống TTB trường học là quan trọng nhất. Ông có thể cho biết, những năm qua, ngành GD&ĐT đã thực hiện công việc này như thế nào?

Ông Phạm Anh Tuấn:Đúng là như vậy. Bởi có chọn được nhà thầu tốt mới có thể có được những TTB tốt, gói thầu mới được triển khai đúng tiến độ, thời gian quy định, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nhà trường, học sinh chờ thiết bị phải dạy chay, học chay. Những năm qua, việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu về mua sắm TTB dạy học cho các nhà trường được căn cứ theo quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền.

Theo đó, bên mời thầu đã thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Tất cả các nhà thầu cung cấp TTB phục vụ dạy và học cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đều được lựa chọn qua đấu thầu. Trong quá trình tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu, Sở GD& ĐT làm chủ đầu tư đã bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan và kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND tỉnh phê duyệt. Tất cả các gói thầu mua sắm TTB dạy học đều được tổ chức với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc chào hàng cạnh tranh trong nước theo quy định hiện hành.

Quá trình phát hành hồ sơ mời thầu bảo đảm công khai, tất cả các nhà thầu quan tâm đều được cung cấp hồ sơ mời thầu đúng quy định. Việc mở thầu được thực hiện công khai, minh bạch với sự tham gia của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các nhà thầu tham gia. Kết quả lựa chọn nhà thầu được thông báo tới các nhà thầu tham gia, công khai trên mạng đấu thầu quốc gia và không có đơn vị nào ý kiến, kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Cùng với đó, quá trình thực hiện cung cấp, lắp đặt thiết bị được chủ đầu tư, nhà thầu trúng thầu và các đơn vị tư vấn thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã được phê duyệt. Tài sản được tổ chức nghiệm thu, bàn giao và các đơn vị thụ hưởng ghi sổ tài sản đúng quy định.

Qua thực tế triển khai trong những năm qua có thể khẳng định: Công tác tổ chức mua sắm TTB dạy học đã được Sở GD& ĐT thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ quy định về quản lý đầu tư và đấu thầu, phát huy được hiệu quả đầu tư, kịp thời phục vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hà(Thực hiện)