Quyết định 57 xã hội hóa thể dục thể thao năm 2024

Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, qua tổng kết thực tiễn mười năm thi hành, Luật thể dục, thể thao, đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực: tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao; tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của thể dục, thể thao trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật Thể dục, thể thao đã bộc lộ một số bất cập dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục, thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thể dục, thể thao năm 2006; bổ sung những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; đề nghị cơ quan trình dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, xác định các nội dung cần chỉnh sửa để đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về phát triển thể dục, thể thao quần chúng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với quan điểm của Chính phủ là cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện xã hội hóa trong phát triển thể dục, thể thao. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy dự thảo Luật không quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi mà quy định dẫn chiếu đến pháp luật hiện hành về thuế, tín dụng, đất đai. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nội dung quy định này tại khoản 6 Điều 11 cho phù hợp với pháp luật về đầu tư, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống pháp luật.

Về phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm phát triển thể thao chuyên nghiệp, xây dựng thể thao nhà nghề theo xu hướng phát triển của thể thao thế giới. Đa số ý kiến thống nhất với việc bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp (Điều 44), chính sách ưu đãi cho câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp (Điều 49) nhằm tăng cường xã hội hóa trong phát triển thể thao. Tuy nhiên, Điều 16 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 chỉ quy định về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, không quy định đối tượng được ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai đã quy định chi tiết về điều kiện được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất... Vì vậy, quy định tại khoản 2 Điều 49 về “miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu hàng hóa, miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật” sẽ không có hiệu lực áp dụng trực tiếp. Vid vậy, Ủy ban đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật có liên quan về thuế, về ưu đãi đầu tư để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như tính khả thi của điều luật.

Liên quan đến điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí với quan điểm cần quy định điều kiện kinh doanh đối với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao cho phù hợp với Luật Đầu tư số 67/2014/QH13. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng việc thiết kế quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao chuyên nghiệp cả ở khoản 1 Điều 50 và khoản 3 Điều 51 là chưa hợp lý; nội dung khoản 3 Điều 51 quy định về điều kiện kinh doanh của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp không phù hợp với tên điều (quy định về trình tự, thủ tục). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế lại nội dung này theo hướng quy định câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh thì được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Đồng thời, đề nghị bỏ khoản 2 Điều 50 về việc giao “Liên đoàn thể thao quốc gia quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao” vì việc quy định chi tiết điều kiện kinh doanh phải do Chính phủ ban hành.

Đối với quy định về đất đai dành cho thể dục, thể thao, đa số ý kiến Ủy ban thống nhất với việc bổ sung quy định dành quỹ đất để xây dựng công trình thể dục thể thao ở khu công nghiệp (khoản 1 Điều 65) và trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai dành cho thể dục, thể thao thì cơ quan có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất tương ứng thay thế (khoản 5 Điều 65). Có ý kiến đề nghị bổ sung khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải dành đất đai để xây dựng công trình thể thao tại khoản 1 Điều 65.

Về vấn đề đặt cược thể thao, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về đặt cược thể thao, giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép kinh doanh đặt cược. Tuy nhiên, đa số các ý kiến lại cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết. Bên cạnh đó, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, cần có thời gian thực hiện, tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật. Vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao cũng như các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đặt cược thể thao trong Dự thảo. Về vấn đề này, Ủy ban đề nghị cơ quan trình dự án Luật xây dựng báo cáo đánh giá tác động chi tiết, toàn diện làm cơ sở để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển thể thao nước nhà, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung quy định về trọng tài thể thao và quy định đối với việc quản lý những môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam.

Đánh giá hồ sơ Dự án Luật đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, thời gian gửi hồ sơ chưa bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13. Nội dung một số tài liệu (Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, Báo cáo đánh giá tác động của thủ tục hành chính…) còn chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa có số liệu, căn cứ thuyết phục. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật, đặc biệt là nội dung Báo cáo đánh giá tác động theo hướng tiếp tục bổ sung đánh giá về chi phí, lợi ích, các tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế, xã hội, pháp luật, thủ tục hành chính, lồng ghép giới, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, rà soát nội dung và hình thức văn bản; sắp xếp, trình bày lại các điều, khoản cho hợp lý và chặt chẽ hơn, đảm bảo kỹ thuật soạn thảo văn bản và kỹ thuật lập pháp.