Trẻ sốt mọc răng có nên tắm

Mọc răng là quá trình phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Thời gian này, trẻ có thể sẽ có những biểu hiện khác lạ do ảnh hưởng mọc răng. Trong đó, trẻ sốt mọc răng là triệu chứng mà rất nhiều bé bị mắc. Hiểu được nguyên nhân và cách xử trí vấn đề này, giúp trẻ trải qua giai đoạn này dễ dàng hơn. Hãy cùng bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu những điều cần quan tâm khi trẻ sốt mọc răng qua bài viết dưới đây.

Mọc răng có gây sốt thật sự?

Trẻ từ 4-7 tháng tuổi, răng sẽ bắt đầu nhú ra từ nướu và rất dễ nhận biết. Giai đoạn này cũng có thể làm tăng thân nhiệt của bé lên và gây sốt nhẹ cho bé. Bên cạnh đó, bé có thể có kèm những biểu hiện khác như:

  • Chảy nước dãi rất nhiều.
  • Khó chịu hoặc cáu kỉnh.
  • Khóc nhiều.
  • Phát ban ở mặt, nhất là vùng thường xuyên dính nước dãi.
  • Nghiến răng, thường xuyên cắn răng.
  • Cắn đồ vật.

Xem thêm: Sốt phát ban: Những điều cần biết

Mọc răng làm ngứa nướu và trẻ thường xuyên cắn đồ vật

Tuy nhiên, mỗi em bé có những cách biểu hiện khác nhau, có khi không hề có dấu hiệu gợi ý nào. Điều này không có nghĩa là bé không mọc răng. Trẻ sốt mọc răng dù thường gặp nhưng ít khi sốt > 38 độ C. Thực tế đây chỉ là biểu hiện bình thường của quá trình mọc răng, nhưng nếu sốt cao hơn, cha mẹ cần chú ý các triệu chứng khác của bé.

Những lưu ý khi trẻ sốt mọc răng?

Sốt khi mọc răng có thể rối loạn giấc ngủ, chế độ ăn uống của bé. Cảm giác mệt mỏi có thể làm bé biếng ăn và ít ngủ, ngủ không ngon. Vì vậy, cha mẹ nên dẫn bé đến gặp bác sĩ nếu gặp một trong những vấn đề sau đây:

  • Nghẹt mũi hay chảy nước mũi.
  • Hắt hơi và ho nhiều.
  • Phát ban.
  • Tiêu chảy hay nôn ói.
  • Khóc nhiều hơn bình thường.
  • Sốt > 38 độ C.
  • Ớn lạnh, rùng mình.
  • Vã mồ hôi nhiều.
  • Bú ít.
  • Bé yếu, mệt.

Xem thêm: Trẻ đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm và những điều bạn nên biết

Trẻ sốt mọc răng kèm với những triệu chứng trên là những dấu hiệu không bất thường, gợi ý một bệnh lý thật sự. Sốt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhiễm trùng, virus, môi trường nóng, chích ngừa, một số thuốc, ung thư, Có khi bé sốt không xác định được nguyên nhân.

Xem thêm: Chích ngừa vắc xin 6 trong 1 cho trẻ sơ sinh: Những điều cần biết

Triệu chứng có nguy hiểm không?

Các triệu chứng của trẻ khi mọc răng đều không nguy hiểm nếu nó không kéo dài và nặng nề hơn. Cha mẹ nên chăm sóc bé trong giai đoạn này bằng cách dỗ dành bé nhiều hơn. Cho bé nghỉ ngơi, lau miệng cho bé, tránh để nước dãi chảy nhiều có thể làm kích ứng da bé. Vì vậy, cha mẹ không nên chỉ quan tâm đến sốt mà còn phải hỗ trợ các triệu chứng mọc răng khác. Sốt có tính chất báo động nếu:

  • Sốt > 40 độ C.
  • Kéo dài hơn một ngày.
  • Sốt đang tiến triển nặng hơn.
  • Sốt co giật.
  • Sốt kèm bỏ bú.
  • Sốt kèm li bì.
  • Sốt kèm nôn ói nhiều.
Bé sốt và bỏ bú cha mẹ cần lưu ý cho bé đi khám sớm

Nếu có một trong những vấn đề trên, nên nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện khẩn trương để được can thiệp kịp thời. Đây là những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân gợi ý bệnh lý nặng nề mà trẻ đang mắc phải.

Các phương pháp xử trí

Trẻ mọc răng thường có những triệu chứng thoáng qua và sẽ nhanh chóng mất đi sau khi qua giai đoạn này. Tuy nhiên, một số bé có thể gặp khó khăn hơn vì triệu chứng ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống. Sau đây là một số cách mà phụ huynh có thể áp dụng nếu trẻ sốt mọc răng.

Sử dụng thuốc

Acetaminophen và ibuprofen là thuốc giảm sốt được chỉ định đầu tiên nếu bé sốt mọc răng. Tuy nhiên, cha mẹ nên đến gặp bác sĩ trước khi sử dụng thuốc vì thuốc phải được định liều trước khi sử dụng.

Không nên tự ý cho bé dùng thuốc vì một số thuốc không dùng cho trẻ nhỏ và liều lượng không cao như người lớn. Hãy hỏi kỹ về hướng dẫn sử dụng và tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ.

Xem thêm: Thuốc hạ sốt, giảm đau Tatanol [acetaminophen]: Những lưu ý khi dùng

Trang phục thoáng mát

Mặc quần áo gọn nhẹ, thoáng mát cho bé giúp thoát nhiệt nhanh hơn. Tránh đồ dài tay, kín, vải dày, mền gối nhiều làm giữ nhiệt cao, bé dễ bị sốt nhiều hơn. Ngay cả khi bị ớn lạnh và rùng mình cũng không nên cố gắng giữ ấm cho bé.

Cho bé bú nhiều hơn

Giúp bé bú sữa mẹ nhiều hơn giúp bổ sung đủ nước cho bé. Hơn nữa, sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho sự phát triển răng của trẻ. Nếu không có sữa mẹ, có thể cho bé uống nước nhiều hơn. Cho bé uống theo nhu cầu, không uống quá ít hay quá nhiều, không uống nước lạnh. Có thể bổ sung một ít nước trái cây ngọt.

Không tắm nước lạnh

Trẻ sốt mọc răng không nên tắm nước lạnh. Khuyến khích phụ huynh dùng khăn ấm lau mình như là một cách mát xa cơ thể, giúp trẻ dễ chịu hơn.

Lau người bé bằng nước ấm, không tắm nước lạnh

Không nằm phòng lạnh

Không nên cho trẻ nằm phòng lạnh, nếu trời lạnh thì nên ủ ấm bé. Có thể thay thế máy lạnh bằng quạt máy, nên giúp thoáng khí hơn là phòng lạnh.

Trên đây là một vài cách giúp bé hạ sốt khi mọc răng đơn giản và hiệu quả. Phụ huynh nên thường xuyên thực hiện và phối hợp nhiều cách khác nhau để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Dỗ dành, ân yếm trẻ nhiều hơn cũng giúp trẻ được trấn an và cảm thấy an toàn, giúp tâm lý trẻ ổn định trong giai đoạn này.

Xem thêm: Trẻ sốt mọc răng phải xử trí như thế nào?

Trẻ sốt mọc răng tuy rất thường gặp ở những bé đang trong độ tuổi này, song đây không phải vấn đề nghiêm trọng mà phụ huynh phải lo lắng. Sốt cao và có những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân là những điều cần lưu ý để sớm phát hiện và nhập viện điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cần hỗ trợ bé trong thời gian này bằng các biện pháp đơn giản tại nhà. Hi vọng, bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về vấn đề mọc răng của trẻ. Hãy hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào.

Video liên quan

Chủ Đề