Trương quốc cường là ai

Như Lao Động đưa tin, chiều 19.5, TAND Hà Nội đã tuyên án với 14 bị cáo trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý Dược [Bộ Y tế].

Trong đó, ông Trương Quốc Cường - cựu Thứ trưởng Y tế bị tuyên phạt 4 năm tù tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". So với đề nghị của Viện KSND Hà Nội mức án 4-5 năm tù, ông Cường được tuyên 4 năm.

HĐXX cho biết đã cân nhắc đến thái độ ăn năn hối cải của bị cáo, cân nhắc đến quá trình công tác bị cáo được nhiều huân huy chương, khắc phục một phần hậu quả...

Trong 6 ngày chất vấn và tranh luận, ông Cường ban đầu được Viện Kiểm sát đánh giá "chưa thực sự thành khẩn" do chỉ nhận trách nhiệm với tư cách đứng đầu Cục Quản lý Dược. Ông chưa nhận trách nhiệm về sai phạm của cá nhân.

Tuy nhiên, ngày cuối cùng được trình bày tại tòa, ông Cường nhận toàn bộ sai phạm, nói sai sót xảy ra do làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn. Thái độ của ông Cường được Viện Kiểm sát đánh giá thành khẩn. Do đó, Viện đã đề nghị lại mức án với ông Cường là từ 4-5 năm.

Sau khi mức án trên được tuyên, có ý kiến việc ông Cường nhận 4 năm tù "còn nhẹ". Song dưới góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng, mức án này là phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon [Đoàn Luật sư TP.Hà Nội] cho biết, trong vụ án, cựu thứ trưởng bị truy tố về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999 vì thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỉ đồng.

Theo luật sư, việc Viện Kiểm sát thay đổi mức hình phạt truy tố đối với bị cáo là việc hoàn toàn bình thường, phù hợp quy định pháp luật tố tụng hình sự khi căn cứ vào hồ sơ vụ án cũng như quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa xét xử...

Đối với tội danh của ông Cường là "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thì căn cứ vào mức độ thiệt hại để định khung hình phạt. Ông Cường cũng đã khắc phục thiệt hại, thành khẩn khai báo tại Tòa nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư Long cho biết, Viện Kiểm sát là cơ quan công tố, buộc tội đồng thời giám sát hoạt động tư pháp đảm bảo tiến trình tố tụng diễn ra theo đúng quy định pháp luật. Việc buộc tội bị cáo phải dựa trên căn cứ khách quan và quy định pháp luật, chứ không thể chủ quan; còn Hội đồng xét xử mới có thẩm quyền đưa ra phán quyết cuối cùng.

Cơ quan tố tụng có thẩm quyền đã phải cân nhắc toàn diện hồ sơ vụ án cũng như lời khai của bị cáo tại Tòa và các tình tiết khác để đưa ra Bản án có hiệu lực pháp luật.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 tại Điều 2 quy định: Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền: Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.

Cùng quan điểm, tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường [Đoàn Luật sư Hà Nội] cho biết, trong vụ án hình sự, Viện Kiểm sát với vai trò là buộc tội sẽ viện dẫn các quy định của pháp luật, viện dẫn các chứng cứ để đưa ra các căn cứ buộc tội, đề nghị áp dụng tội danh và đề nghị mức hình phạt.

Điều 26 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: Kết quả giải quyết vụ án hình sự phải căn cứ vào kết quả kiểm tra đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Bởi vậy, việc Viện Kiểm sát đề nghị mức án nghiêm khắc ở mức cao của khung hình phạt nhưng tòa án xét xử quyết định ở mức thấp của khung thậm chí chuyển sang khung hình phạt khác nhẹ hơn là chuyện hoàn toàn có thể diễn ra và phù hợp với quy định của pháp luật

Thậm chí theo quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát truy tố và đề nghị kết tội bị cáo nhưng tòa án vẫn có thể tuyên bố bị cáo không phạm tội. Đó là các nguyên tắc trong tố tụng hình sự, quy định về thẩm quyền chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan

"Mức án 4 năm tù với cựu Thứ trưởng là phù hợp", luật sư Cường nói và cho biết, mục đích của hình phạt là nhằm cải tạo và giáo dục với người phạm tội và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.

Hình phạt phù hợp phải là hình phạt kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị, phù hợp với chính sách chung và chính sách cụ thể đối với từng nhóm tội, loại tội, đối tượng phạm tội.

Người phạm tội có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác; thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là những tình tiết giảm nhẹ...

Luật sư nhắc lại: "Đó là quyền của hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật. Nếu không đồng ý với bản án thì các bị cáo có quyền kháng cáo và Viện Kiểm sát cũng có quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm đó".

Trân Văn

Không ít người sửng sốt khi Tòa án thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Trương Quốc Cường – cựu Thú trưởng Y tế - bốn năm tù vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ cấp giấy phép cho VN Phamar “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”!

***

Phiên xử ông Cường và 13 bị cáo khác liên quan đến vụ VN Pharma “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” diễn ra trong tám ngày. Trong tám ngày đó, đã có rất nhiều người ôn lại vụ VN Pharma và rủa ông Cường.

Ví dụ Mai Bá Kiếm: Hổm rày, thấy hình Trương Quốc Cường lấy áo che mặt và che còng khi bị giải ra tòa à ứa gan, tràn mật! Che đậy tội ác là bản chất cố hữu của ba con “tắc kè”: Trương Quốc Cường, Cao Minh Quang và Nguyễn Thị Kim Tiến!

Ông Kiếm tóm tắt tại sao ông xem cả ba viên chức y tế cao cấp đã gây “tội ác”: Một quyết định của Thủ tướng Việt Nam xác định “Thương nhân nước ngoài cung cấp thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam phải là các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động tại Việt Nam do Bộ Y tế cấp” nhưng ông Cao Minh Quang đã ký một thông tư gạt bỏ yêu cầu này. Nhờ vậy, mới xảy ra chuyện Helix Pharmaceuticals Inc. ở Canada, không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Bởi Helix Pharmaceuticals Inc. không có thật nên Nguyễn Minh Hùng [Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma] mới làm giả hồ sơ... Để cứu ông Cường và ông Quang, bà Tiến đã cử một phái đoàn sang... Ấn Độ xác minh, rồi ra văn bản xác định “lô thuốc H-Capita có nguồn gốc từ Ấn Độ chứ không phải thuốc giả”.

Ông Kiếm nhận xét: Lẽ ra, Hội đồng xét xử [HĐXX] Nguyễn Minh Hùng phải đề nghị cơ quan điều tra khởi tố Kim Tiêm tội “làm giả giấy tờ”. Đàng này, Tòa không chấp nhận do không phải là văn bản xác nhận theo yêu cầu của cơ quan tố tụng!

Theo ông Kiếm, nếu ông Quang dùng thông tư tạo khe hở để nhập thuốc giả, không rõ nguồn gốc thì ông Cường ký một thông tư khác để tạo điều kiện nhập thuốc sắp hết hạn sử dụng! Thông tư này đã mở đường để đưa hai lô vaccine Pfizer vào Việt Nam đúng hai tuần trước khi hết date rồi được Bộ Y tế gia hạn thời gian sử dụng thêm ba tháng! [1]!

Thanh Hằng thì ôn lại chuyện công bố Kết luận Thanh tra Bộ Y tế trong vụ VN Pharma: Nhớ hồi đó anh chửi bọn báo chí nhiều chuyện và khẳng định “Chờ mà xem, anh chả sai gì!”. Bình về điều ông Cường phát biểu khi được phép nói lời cuối cùng, Thanh Hằng viết: Quả là anh Cường tôi vẫn giữ vững bản lĩnh, tính cách như bao năm qua. Thành thật khen anh Cường khi anh đề nghị tòa tuyên mức án thấp cho cấp dưới – những người có phần vì anh mà vướng vòng lao lý nhưng tôi ngạc nhiên khi không hề thấy hai từ XIN LỖI trong lời nói cuối cùng của anh. Theo tôi, lẽ ra anh cần phải xin lỗi nhân dân, xin lỗi đồng nghiệp đã vì anh mà vướng vòng lao lý, đặc biệt là xin lỗi những người bệnh ung thư đã dùng phải thuốc giả mà anh phê duyệt cho nhập, những 838.100 hộp thuốc giả.

Ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nên tổ chức khảo sát những bệnh viện đã dùng số thuốc giả để biết có bao nhiêu bệnh nhân phải dùng thuốc này, số người bệnh đã dùng thuốc giả còn hay đã mất… Từ đó mới đánh giá được hậu quả của việc buôn bán thuốc giả. Một vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn người bệnh, nhưng anh Cường tôi nói là KHÔNG MAY. Ôi, thế thì những bệnh nhân ung thư chết vì điều trị bằng số thuốc giả do anh cho nhập, rồi biết giả mà không thu hồi, cũng chỉ là KHÔNG MAY thôi ư? Gia đình những bệnh nhân này, khi biết người nhà chết vì liên quan đến thuốc giả, có đồng ý với anh không?

Liệu có nên nói là KHÔNG MAY khi anh Cường tôi đã nhận hàng loạt email cảnh báo dấu hiệu thuốc giả nhưng anh tôi đã không cho thu hồi. Trong khi theo quy định, chỉ cần nghi thuốc là giả, nếu không vì quyền lợi nào đó, anh Cường cần phải đình chỉ lưu hành... Còn nữa, anh Cường tôi nói “sai sót xảy ra do làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn”. Rất nhiều người có chuyên môn luôn sẵn sàng thay thế các nhân viên Cục Quản lý Dược để gánh hộ nỗi vất vả ấy, liệu có được không? Buồn là đến lúc này, anh Cường tôi vẫn quên rằng đã có nhiều người dùng thuốc mà anh đã duyệt và chết oan uổng để xin lỗi những linh hồn đến lúc cuối đời vẫn bị lừa đảo ấy! Con số 838.100 hộp thuốc ung thư giả thực sự là một con số ám ảnh, anh Cường ạ [2]!

***

Vụ VN Pharma được phép nhập thuốc giả bùng lên từ giữa thập niên 2010, điều tra đi, điều tra lại rồi xử đi, xử lại nhưng cuối cùng cũng chỉ có các cá nhân làm việc trong những công ty kinh doanh dược phẩm bị phạt tù. Bất chấp thắc mắc, ý kiến của nhiều giới, ông Cường vẫn được cất nhắc - từ Cục trưởng Quản lý Dược được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Y tế, mãi đến cuối năm ngoái, ông mới bị khởi tố nhưng được tại ngoại hậu tra, sau đó mới bị tống giam.

Tuy xác định hậu quả của vụ “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh gây hậu quả rất nghiêm trọng” nhưng khi luận tội, phía kiểm sát chỉ đề nghị phạt ông Cường tử bảy đến tám năm tù. Giờ chót, trước khi HĐXX nghị án, phía kiểm sát đột ngột đổi ý, đề nghị chỉ phạt ông Cường từ... bốn năm tù đến năm năm tù vì... “thành khẩn, ăn năn” và HĐXX hoàn toàn... nhất trí [3]!..

Sau khi bản án được tuyên, có người như Bùi Chí Vinh giận quá, làm ngay một bài thơ với tựa là Luật rừng: Cựu Thứ trưởng Y tế. Bị phạt 4 năm tù. Tội “đặc biệt nghiêm trọng”. Vụ thuốc giả Pharma. Vừa ăn cướp vừa la. “Đừng làm tôi đau khổ”. Hung thủ đề nghị Tòa. Một mức án dễ thở. Nói không biết mắc cỡ. Hại hàng trăm ngàn người. Gây cái chết hàng loạt. Giờ lại đòi xả hơi. Vậy mà Tòa vâng lời. Y chang bốn cuốn lịch. Thời ma quỷ sinh sôi. Cái ác vui bằng thích. Xử án như diễn kịch. Ăn trộm sáu buồng cau. Bị coi như thù địch. Chín năm tù thương đau. Một thanh niên quá nghèo. Bắt con vịt về nhậu. Ra Tòa gặp cái eo. Đúng 7 năm hộc máu. Còn thằng Thứ trưởng láo. Ăn bổng lộc triều đình. Giết người bằng thuốc giả. Xử như là tôn vinh [4]!

Có người như Lê Đức Dục kể “Truyện cười nước Việt”: Đang buồn bực vụ đường tránh quê nhà và mạng người dân quê bị coi rẻ thì thằng em gửi cho cái truyện cười này bảo đại ca đọc đi, mạng người nào cũng là mạng người cả mà, buôn thuốc ung thư giả cũng giết bao nhiêu mạng người đó, án ăn thua đâu ! Đại ca buồn làm gì! Thôi thì cười chớ sao giờ! “Truyện cười nước Việt” mà Lê Đức Dục nhận được không có chữ nào chỉ là tấm ảnh, chụp lại tin “Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị phạt bốn năm tù” đặt cạnh hai tin “Trộm sáu buồng cau đổi án sáu năm tù” và “Một thanh niên lãnh bảy năm tù vì bắt một con vịt về nhậu” [5].

Không phải lúc nào công lý cũng là... công minh và công bằng!

Chú thích

[1] //www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1918339345024593

[2] //www.facebook.com/thanhhang1501/posts/5714928111856664

[3] //tuoitre.vn/vks-bat-ngo-de-nghi-giam-muc-an-cuu-thu-truong-truong-quoc-cuong-lanh-4-nam-tu-20220519120948049.htm

[4] //www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=131777772787763&id=100078666210344

[5] //www.facebook.com/duc.leduc/posts/10219533051094018

Video liên quan

Chủ Đề