Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

"Covid nhẫn tâm đến mấy cũng nên để lại bố hoặc mẹ!" 

Đầu mùa hè năm nay, chỉ cách đây vài tháng, cậu học trò lớp 9 Lê Đức Tùng (tên nhân vật đã được thay đổi), học sinh một Trường THCS ở Quận 10, TPHCM vẫn đang sum vầy trong mái ấm gia đình, trong vòng tay ba mẹ. Tùng là con hiếm muộn, từ nhỏ được bố mẹ chăm chút cẩn thận, kỹ lưỡng.

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Covid-19 để lại nỗi đau cho tất cả mọi người (Ảnh: P.N)

Vậy mà chỉ trong chốc lát, khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát ập xuống mái ấm gia đình, ba mẹ và cậu học trò đều mắc Covid-19. Rồi chỉ sau một vài ngày vào viện điều trị, mẹ Tùng qua đời. Tùng không kịp gặp mặt mẹ lần cuối. Vài hôm sau thì chính Tùng là người tắm rửa cho bố trước khi khâm liệm.

Bố mẹ Tùng nằm trong danh sách hơn 23.000 người mất vì Covid-19. Còn Tùng là một trong hơn 2.500 đứa trẻ thành trẻ mồ côi vì dịch bệnh tàn khốc này. 

Mất một người trụ cột trong gia đình đã là điều khủng khiếp, Tùng mất cả hai. Em chuyển đến sống ở nhà cậu mợ trong hụt hẫng, trống trải... Trước mất mát quá lớn, em bị "sốc" với nhiều bất ổn, nhiều đêm mất ngủ, gào thét, ăn uống cầm hơi, thậm chí đòi tự vẫn... Người thân phải đưa em đi điều trị tâm lý.  

Thời gian đầu, Tùng không cho mọi người lập bàn thờ cho bố mẹ vì không muốn tin hai người thân yêu nhất đã đi xa. Việc chấp nhận sự thật với Tùng quá khó khăn. Đến nỗi em từng ước: "Covid-19 có nhẫn tâm đến mấy cũng nên để lại cho em bố hoặc mẹ". 

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Gia đình, người thân của người mất vì Covid-19 gánh chịu những trải nghiệm đau thương (Ảnh: PN).

Đến nay, đã hơn 120 ngày mất mẹ cha, Tùng vẫn từng bước thích nghi với cuộc đời mới chưa từng có trong hình dung. Nhận được nhiều động viên của người thân, thầy cô, bạn bè, hãy mạnh mẽ học thật tốt, sống thật tốt để ở thế giới bên kia bố mẹ vui lòng. Nhưng với Tùng, dù sao, đó cũng chỉ là sự an ủi, vỗ về trước mắt. 

"Còn mỗi ngày trôi qua với em vẫn rất nặng nề, đau khổ, chới với. Em không biết đến lúc nào mình mới có thể chấp nhận cuộc sống hiện tại. Em muốn quay ngược thời gian để làm mọi cách giữ bố mẹ lại, mới có mấy tháng thôi mà", cậu học trò nghẹn ngào. 

Covid-19 cướp mất mẹ, để lại ba đứa con thơ 

Cháu bé 4 tuổi Phạm Thị Bảo Châu một mình ra nhận tro cốt mẹ, đứng trước bàn thờ chắp tay vái mẹ phải nói là hình ảnh tận cùng nỗi đau mà dịch bệnh Covid-19 mang đến.  

Người bố bỏ đi khi em vừa chào đời, hai mẹ con Châu sống cùng cực trong phòng trọ tồi tàn ở Thủ Đức, nơi tất cả mọi người ở khu trọ đều mắc Covid-19. Bé Châu vừa rời khu cách ly về vài hôm, đang được hàng xóm chăm sóc thì mẹ cũng trở về nhưng trong một hình hài khác: một hũ tro cốt.  

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Lực lượng thuộc Bộ tư lệnh TPHCM làm nhiệm vụ nhận trao tro cốt người mất vì Covid-19 (Ảnh: PN).

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, người đến trao tro cốt của người mẹ đã không thể kìm lòng nổi trước hoàn cảnh này, đã nhận làm cha đỡ đầu cho bé. 

Đi tìm người thân cho bé, người chiến sĩ mới hay, người mẹ ra đi không chỉ để lại bé Châu mà còn hai con thơ khác là anh chị ruột của bé, đang sống cùng bà ngoại đã gần 90 tuổi ở quê.

Các cháu còn quá nhỏ để nói lên nỗi đau mất mát của mình, chỉ thể hiện qua nước mắt: "Con nhớ mẹ lắm! Con muốn được mẹ ôm, mẹ thơm". Bên trong các con là sự trống trải, hụt hẫng, còn phía trước là cả con đường chông chênh, hun hút... 

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Anh Huỳnh Đức Minh Đức (38 tuổi, TPHCM) bật khóc, úp mặt vào túi kỷ vật người cha mất vì Covid-19 để lại tại bệnh viện. Cha đi vội quá, anh còn bao nhiêu điều chưa kịp nói, bao nhiêu việc chưa kịp làm cho ông (Ảnh: Hải Long).

Chứng kiến nhiều người quen qua đời vì Covid-19, cô Nguyễn Thị Phương Nam, nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, chính cô cũng suy sụp. Cứ nhắc đến những người quen là những ông bố, bà mẹ ra đi để lại những đứa con thơ... là cô lại bật khóc như một đứa trẻ. 

Đến cô còn không thể tin nổi sự thật, bạn mình mới hôm kia còn gọi điện nhắn tin, trong chốc lát đã về thế giới bên kia. Có người bạn thân của gia đình cô , khi nằm trong viện, vẫn cố gọi cuộc điện thoại, chỉ để nói: "Anh khó thở lắm!". Mà rồi anh cũng ra đi vội vàng, gấp gáp theo vợ, người cũng mất vì Covid-19 trước đó vài ngày, không ai kịp để lại một lời dặn dò cho con cái.

Vậy nên, cô Nam hiểu, nỗi đau của người thân các nạn nhân mất vì Covid-19 sẽ không thể nào đong đếm được. Đó là những vết sẹo không bao giờ có thể lành. 

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Lãnh đạo tại TPHCM mặc niệm những nạn nhân mất vì Covid-19 trong lễ khai giảng đầu năm học (Ảnh: Hải Long).

Trong khả năng của mình, cô Phương Nam hay gọi điện, nhắn tin thăm hỏi, động viên con cái của bạn bè vắn số, những học trò mồ côi bố mẹ vì dịch Covid-19. Cô cũng như tất cả mọi người, kể cả người thân của các nạn nhân cùng động viên mạnh mẽ để bước tiếp.

Cuộc sống đang từng bước bắt nhịp trở lại sau nhiều tháng tất cả gồng mình chống chọi với đợt dịch lần thứ 4 tàn khốc. Nhưng khó ai có thể nguôi ngoai trước mất mát, nỗi đau dịch bệnh để lại. Theo thống kê, đến thời điểm này, cả nước có 23.000 người qua đời vì Covid-19, riêng ở TPHCM đã hơn 17.200 người.

Mất mát đó, nỗi đau đó không còn của riêng ai, của riêng người nào mà là của cả dân tộc. Chung một nỗi đau, TPHCM quyết định tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Buổi lễ nhằm để tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19, chia sẻ nỗi đau với gia đình của người thân mất vì dịch bệnh cũng như chia sẻ với tất cả mọi người vừa gắng gượng trải qua đại dịch. 

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Một trường ĐH ở TPHCM chuẩn bị cho lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 (Ảnh chụp lại màn hình).

Tinh thần của buổi lễ, như chia sẻ của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: "Làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau người ở lại".

Theo kế hoạch, buổi lễ diễn ra lúc 19h tối nay 19/11 tại Hội trường Thống nhất và các địa điểm nằm ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Sau khi trình chiếu các phóng sự, hình ảnh về cuộc chiến sinh tử với đại dịch và phát biểu của lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo TPHCM, phần nghi thức chính thức bắt đầu vào thời điểm 19h30.

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Hoài Nam 

Trong đêm thắp nến, đánh chuông tưởng niệm hơn 23.000 người đã nằm xuống vì đại dịch COVID-19, những dòng tưởng nhớ đã được viết ra. Hơn 23.000 người (tính đến 18/11) có lẽ là những thân phận khác nhau, những cuộc đời khác nhau, cùng hứng chịu "đại nạn" này. Những lời tưởng niệm họ chất chứa tâm sự, cảm xúc từ phía người bị "bỏ lại" bơ vơ trên đời.

Có người nói về những nuối tiếc, những dự định còn dang dở. Có người day dứt vô ngần vì cảm giác bất lực, không thể làm gì, thậm chí không được gặp mặt người thân lần cuối, không được tổ chức một đám tang đủ đầy nghi lễ.

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

Hàng nghìn lời tưởng nhớ đã được gửi đến hơn 23.000 cuộc đời đã mất.

Người ra đi cô độc, người ở lại gặm nhấm thương đau

Con Phan Thanh Xuân gửi mẹ Nguyễn Thị Thời (1943 - 2021), quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh

Con là người ở bên mẹ sau cùng, trước khi mẹ mất tại bệnh viện. Khi đưa vào phòng cấp cứu, con chỉ kịp hôn nhẹ lên trán mẹ mà không hề nghĩ rằng mẹ sẽ ra đi chỉ vài ngày sau trong cô đơn không người thân, không thể nói lời từ biệt. Phải chi mẹ ra đi sớm hơn trước đó, để con được ôm mẹ trong vòng tay và nói rằng mẹ mãi là mẹ của con! Hai từ "Mẹ ơi", mẹ cũng không được nghe trước lúc ra đi. Cuộc đời sao quá nghiệt ngã với mẹ ở giây phút cuối cùng. Sao lại vậy, mẹ ơi..

Cháu Nguyễn Công Lai gửi chú Nguyễn Công Thành (1964 - 2021), quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh

Vĩnh biệt chú. Bước chân vô Sài Gòn lập nghiệp cũng bàn tay trắng. Lúc ra đi cũng vậy. Không người thân, không bạn bè anh em, chỉ độc mỗi bộ đồ trên người. Khổ quá chú ơi! Mong chú ra đi thanh thản.

Con rể Nguyễn Công Tuấn gửi mẹ vợ Mùng Thị Nga (1948 - 2021), quận Hoàng Mai, Hà Nội

Mẹ ra đi không người thân bên cạnh, đó là nỗi trăn trở nhất trong chúng con. An nghỉ mẹ nhé, nơi ấy bình yên không còn những cơn đau hành hạ mẹ. Con và các cháu ngoại của mẹ luôn nhớ về bà ngoại thân thương.

Những lời hứa dở dang

Em gái Nguyễn Thị Minh Trang gửi anh Nguyễn Anh Tú (1974 - 2021), quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

Anh Tú ơi, thứ ba ngày 23/11/2021 là đúng 100 ngày anh ra đi. Gia đình mình vẫn không tin đó là sự thật. Tận đáy lòng em vẫn hằng ao ước là bác sĩ đã báo tin nhầm, là khi anh hai của em hết bệnh sẽ trở về. Vậy mà...

Mickey nó hỏi mẹ nó "Tại sao con mới có 9 tuổi mà bố lại bỏ đi không về?". Có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất người thân không hả anh? Em xin lỗi anh hai của em vì khi anh còn sống em đã không là một đứa em tốt của anh. Anh hai hiền lành tốt bụng của em, hãy an nghỉ trên Thiên đàng nhé!

Con dâu gửi ba, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh

Hôm nay 100 ngày mất của ba. Ngày mai là 1 năm ngày ăn hỏi của tụi con. Con được làm con dâu của ba tròn 1 năm, chưa kịp sinh cháu cho ba đặt tên. Con thương ba nhiều lắm. Ba thiệt thòi quá rồi. Giờ ba yên tâm an nghỉ nhé. Cả nhà luôn yêu ba.

Cháu Vy Trần gửi chú Trần Ngọc Đức (1967 - 2021), Quận 6, TP Hồ Chí Minh

Cho đến hôm nay, con chợt nhận ra mọi sự vô thường. Mọi ký ức đang quay lại trong tâm trí con, vui có, buồn có, cả những sự giận dữ và đau đớn khi con nghĩ về những người đã khuất xa.

Lẽ thường, người đã ra đi sẽ dừng bước ở một thế giới ảo mộng, chẳng còn buồn đau nhung nhớ, nhưng người ở lại sẽ mãi chìm đắm trong những xót xa và khổ ải vì những điều chưa nói, chưa được thông suốt. Con đã không biết chú Chín có những tâm tư muộn phiền cho đến khi đọc được những dòng di bút để lại dưới đáy tủ.

Hãy cho phép con được nhớ đến một con người hào hoa, đam mê nghệ thuật, yêu chuộng cái đẹp. Con vẫn còn nhiều trăn trở, giận hờn với chú, nhưng rốt cuộc, mọi thứ liệu có còn ý nghĩa không khi chú chẳng còn ở đây để nghe những lời trách móc...

Lời vĩnh biệt sao thật khó tỏ bày.

Cầu mong chú an yên!

Tưởng nhớ 23000 cuộc đời đã mất

(Ảnh minh họa)

Lời hẹn cho kiếp sau

Con dâu Ngoc Do gửi mẹ Kim Thoa (1946 - 2021), huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh

Má ơi, má đã ra đi hơn 3 tháng rồi. Tụi con nhớ má nhiều lắm. Con biết lúc má đi chắc má đau đớn nhiều lắm. Cả cuộc đời má hy sinh cho gia đình, giờ đây tụi con không còn cơ hội chăm sóc và lo lắng cho má nữa. Má ơi cả nhà yêu má nhiều. Sushi nhớ bà nội nhiều lắm. Mình hẹn nhau kiếp sau con sẽ tiếp tục làm con dâu của má, nha má.

Con trai Nguyễn Ngọc Bảo gửi mẹ Nguyễn Thụy Các Dung (1948 - 2021), huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh

Con đã xin Toàn về Việt Nam làm việc để ở với mẹ cho vui. Vậy mà mẹ lại ra đi, không chờ con về. Bao năm qua sống ở đất khách quê người, không lúc nào con không nhớ về ba mẹ. Bây giờ ngồi đây một mình, nhìn di ảnh mẹ mà nước mắt cứ chực trào ra. Con không biết Tết nay con có về được để đưa mẹ về nằm cạnh ba được không. Con hy vọng mẹ được an nghỉ đời đời bên Chúa! Con nhớ mẹ nhiều!

Con gái Trương Thị Thanh Thuý gửi ba Trương Thanh Dũng (1969 - 2021),Quận 8, TP Hồ Chí Minh

Người tay bế tôi xa rồi

Hình bóng khuất sau đá núi

Hằn in trí khôn nụ cười

Và những tiếng nói xa vời

Sẽ băng qua con đường

Chia thế giới

Mọi dấu chân xưa

Phai mờ trên khắp lối

Tạ ơn phút giây tương phùng!

Mãi yêu và nhớ ba của con

14/08/2021 (07/07 ÂL)

***

Những dòng tưởng niệm kể cho chúng ta một phần về những người đã nằm xuống và cũng nhắc chúng ta nhớ về những ngày bi thương. Trong những chia sẻ đầy nước mắt dường như có cả tiếng còi xe cứu thương xé trời suốt đêm ngày, có hình ảnh bệnh viện dã chiến la liệt bệnh nhân, có cả những ngày ngược xuôi kẻ Nam người Bắc di cư trở về quê mẹ...

Những dòng tưởng nhớ gửi đến vong linh những đồng bào ra đi vì dịch bệnh thời gian là lời nguyện cầu cho họ siêu thoát, được vãng sanh miền cực lạc, được lên thiên đàng, được trở về nước Chúa, được đến cõi tốt đẹp nào đó sau cái chết.

Nó cũng nhắc rằng, nỗi đau với người ở lại sâu đến nhường nào. Chẳng ai sẵn sàng cho những mất mát cả. Nhưng khóc cho họ, để thấy trân quý hơn mỗi ngày được sống bình thường, trong cuộc sống mà nhiều người không thể đi cùng ta nữa.

Tưởng nhớ những người đã ra đi, biết ơn họ vì sự xuất hiện trong cuộc đời này, là để tiếp tục sống thận trọng trong những ngày tới, để bình an và kiên cường.