Uống rượu bao nhiêu độ là say?

Mức xử phạt rất cao, việc kiểm soát các lái xe điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm nồng độ cồn rất chặt chẽ, nhưng tình trạng người dân phớt lờ quy định, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra.

Theo ghi nhận tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân gặp tai nạn giao thông có sử dụng bia, rượu với nồng độ cồn trong máu cao có giảm so với trước khi có Nghị định 100/2019/NĐ-CP nhưng đang dần tăng trở lại sau 2 năm đại dịch Covid-19.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, cảnh sát giao thông cả nước phạt hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng gần 600% so với Tết Nhâm Dần 2022.

Nhiều lái xe cho rằng mình uống rượu từ hôm qua, hoặc cho rằng mình chỉ nhấp một chút nước hoa quả có cồn không thể nào còn lượng cồn trong máu.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thời gian từ lúc uống rượu đến khi để xét nghiệm âm tính khi kiểm tra phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

“Bạn phải xem mình uống lượng rượu bao nhiêu, nồng độ cồn trong rượu bao nhiêu. Nếu uống càng nhiều thì nồng độ càng cao. Đồng thời, người uống cần phải xem xét các yếu tố khác, thí dụ như nếu uống lúc đói thì hấp thụ rượu càng nhanh. Những người uống rượu kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào cơ thể”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Do đó, có những trường hợp sau 24 giờ vẫn còn dương tính nồng độ cồn trong máu và hơi thở.

Việc sử dụng một số loại đồ uống như socola, hoa quả lên men, dạng thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng có một chút ethanol hay một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men, tạo ra lượng cồn trong hơi thở cũng là quan ngại với nhiều người dân khi lưu thông phương tiện giao thông.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyên cho hay, nếu không may ăn phải những đồ ăn thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15-30 phút mới tham gia giao thông, vì nếu không may kiểm tra sẽ có một chút ethanol trong hơi thở.

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

“Ở người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau một giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn [tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%]. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo.

Như vậy, khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2-3 giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn”, bà Trang cho hay.

Tuy nhiên, khi tham gia các cuộc nhậu, số lượng uống sẽ vượt xa con số một đơn vị cồn. Do đó, để có thể tự lái xe và không bị phạt, người dân cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương [Hà Nội] cũng cho biết, trung bình cơ thể người có thể đào thải khoảng 12-14g cồn trong một giờ.

“Nếu uống 1 lon Heineken, sau 1 tiếng đồng hồ cơ thể sẽ hết men, và người dân có thể lái xe ô-tô mà không sợ phạm luật. Nếu uống nhiều hơn, hoặc uống loại rượu nặng hơn, thì phải đợi lâu hơn mới có thể tránh được phạt”, bác sĩ Thu chia sẻ.

Tổ chức Y tế thế giới [WHO] đưa ra một đơn vị uống chuẩn [ly tiêu chuẩn] chứa 10 gam cồn. Một ly tiêu chuẩn tương đương 1 chén rượu mạnh [40 độ, 30 ml]; 1 ly rượu vang [13,5 độ, 100ml]; 1 vại bia hơi [330ml]; 2/3 chai hoặc lon bia [330 ml].

Do đó, để nồng độ cồn dưới 0,25mg/lít khí thở, đàn ông không nên uống quá 2 ly tiêu chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá 1 ly tiêu chuẩn tiếp theo trong mỗi giờ sau đó. Với phụ nữ, không nên uống quá một ly tiêu chuẩn và không quá 1 ly tiêu chuẩn trong mỗi giờ tiếp theo.

“Luật thì quy định và phạt rất nặng, nhưng hậu quả khôn lường của lái xe khi vừa mới uống rượu bia thì nguy hiểm hơn nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ thì cứ 10 vụ tai nạn thì có tới hơn 1 người không bao giờ còn cơ hội đoàn tụ với gia đình, người thân nữa. Đó thực sự là “mức phạt” tàn khốc nhất. Tai nạn giao thông không chỉ thiệt hại cho bản thân người lái xe mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của những người chung quanh”, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu nói.

Do đó, để an toàn cho bản thân, cho mọi người chung quanh, không vi phạm pháp luật, Bộ Y tế khuyến cáo tốt nhất đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu lái xe thì không uống rượu bia.

Bia, rượu nói chung là những thức uống có cồn [alcohol]. Cụ thể, trong bia có khoảng 3,5%-5,5% cồn; tỉ lệ này trong rượu vang là khoảng 12%-15% và trong rượu nặng là khoảng 45%.

Chỉ uống ở mức trung bình

Vì sao cứ có bia, rượu vào là chúng ta thấy người hưng phấn, vui vẻ? Là bởi não có nhiều chất béo mà rượu thì lại dễ hòa tan trong các chất béo nên sau khi vào cơ thể, nồng độ rượu ở tổ chức não cao gấp 2 lần ở máu. Lúc đầu, rượu gây hưng phấn, kích thích nhưng sau đó lại ức chế gây ra mệt mỏi, buồn ngủ. Đó là lý do vì sao uống rượu, bia hay cơ thể chưa giải được cơn say mà tham gia giao thông hoặc lao động thì dễ bị tai nạn.

Vấn đề đặt ra là nên uống bao nhiêu là vừa, là không say? Nên lưu ý rằng chất gây ảnh hưởng cho cơ thể có trong rượu, bia chính là cồn. Nồng độ cồn càng cao, mức độ ảnh hưởng càng nhiều. Khi vào cơ thể, cồn tồn tại trong máu cho đến khi được gan chuyển hóa. Gan cần khoảng một giờ để chuyển hóa 12-14 g cồn, nghĩa là tương đương 1 lon bia hoặc 113 g rượu vang hay 35 g rượu nặng.

Minh họa: NGUYỄN TÀI

Nếu chúng ta uống rượu, bia với tốc độ nhanh hơn tốc độ gan chuyển hóa cồn thì nồng độ cồn trong máu sẽ tăng lên. Mức độ say và các biểu hiện của cơ thể phụ thuộc nồng độ cồn trong máu và tùy vào “đô” của mỗi người. Người uống nhiều và uống thường xuyên thì “đô” sẽ cao hơn người uống ít.

Như đã nói ở trên, uống càng nhiều rượu, bia sẽ càng có hại cho nên chúng ta chỉ nên uống ở mức trung bình. Nghĩa là uống ở giới hạn mà lợi ích của rượu, bia đối với sức khỏe hơn hẳn nguy cơ.

Liều tiêu chuẩn: 1 lon

Quan điểm mới nhất về liều lượng uống trung bình là không hơn 1-2 liều tiêu chuẩn/ngày đối với nam, không hơn 1 liều/ngày đối với nữ. Liều tiêu chuẩn được xác định là uống khoảng 12-14 g cồn, tương đương 1 lon bia hoặc 100 ml rượu vang hay một ngụm rượu nặng 40%.

Rượu được hấp thu nhanh và 90% lượng rượu uống vào được hấp thu tại ruột non, chỉ một ít được chuyển hóa ở dạ dày. Kích thước, giới tính, cân nặng, hàm lượng chất béo và số lượng thức ăn trong dạ dày sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu rượu vào máu. Thức ăn có mỡ hay hydratcarbon cao sẽ làm giảm tỉ lệ hấp thu này.

Những thức uống có cồn loại sủi bọt hay carbonat như champagne sẽ làm rượu được hấp thu nhanh hơn. Cụ thể, một người nam nặng khoảng 70 kg, sau khi uống 2 chai bia sẽ có nồng độ rượu trong máu khoảng 0,4%.

Khi uống cùng một lượng rượu, phụ nữ sẽ có nồng độ cồn trong máu cao hơn đàn ông vì có sự khác nhau về sinh lý liên quan đến giới. Ví dụ, nếu cùng uống khoảng 8 g cồn thì sau 1 giờ đầu tiên, nồng độ cồn trong máu của người nam nặng 65 kg là 0,15 g/dl trong khi ở một người nữ 55 kg sẽ là 0,2 g/dl.

Kiểu uống cũng quan trọng như lượng uống. Uống ừng ực, uống một hơi kiểu “dzô dzô 100%” hoàn toàn khác với uống nhâm nhi, lai rai uống mỗi ngày hay chỉ uống khi có dịp…

Ăn nhiều mồi, rượu thì nhấp môi!

Nói như vậy để thấy khi gặp bạn vui vẻ hay để ngon miệng hãy chỉ nên uống 1-2 ly bia. Câu chuyện sẽ thêm phần rôm rả nếu chỉ uống vừa phải. Đừng uống lúc bụng đói và cũng đừng uống quá nhiều loại bia, rượu một lúc; nên ăn nhiều mồi còn rượu thì chỉ nhấp môi để khai vị. Nếu lỡ quá chén, tức là uống quá liều tiêu chuẩn, thì người mời không nên để bạn ra về ngay hay để bạn tự lái xe mà nên gọi taxi đưa về.

Ở nước ta, luật quy định nếu trong máu hay trong hơi thở của người lái xe có cồn là bị phạt và đặc biệt nghiêm cấm người đang điều khiển xe trên đường mà có nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 mg/100 ml máu hay nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Vì vậy, mỗi người phải biết lượng sức, đặc biệt là “rượu không nên ép” như người xưa đã dạy và cũng đừng vì quá vui mà say xỉn, biến mình thành nạn nhân hay là nguyên nhân gây tai nạn cho người khác.

Nồng độ cồn trong máu 0,6%: Có thể tử vong

Nếu nồng độ cồn trong máu đạt 0,02% [tương đương uống 1 lon bia] thì với người uống ít hoặc uống trung bình sẽ thấy ấm người và thư giãn; 0,04% [tương đương uống 1,5 lon bia trong 1 giờ]: đa số người bình thường sẽ cảm thấy thư giãn, nói nhiều, vui vẻ, da ửng đỏ và sự phối hợp vận động có ảnh hưởng; 0,05% [tương đương uống 2 lon bia/giờ]: cơ thể mất khả năng xét đoán, suy nghĩ cũng như mất tính chủ động và huyết áp tăng; 0,08%: huyết áp tiếp tục tăng và khó kiềm chế cử chỉ, cử động bất thường; 0,1%: mất tự chủ, hay đi đi lại lại, nói lắp bắp, lung tung, nói líu nhíu; 0,2%: thần kinh bị tác động nghiêm trọng, đi lảo đảo, nói to, không mạch lạc, lái xe dễ gây tai nạn; 0,3%: vùng não bị tổn thương, tạo nên nhiều ý nghĩ sai lầm; 0,4%: nếu ngủ sẽ khó đánh thức và không còn chủ động trong hành động; 0,5%: hôn mê; 0,6%: có thể liệt hô hấp và tử vong.

Chủ Đề