Vai trò khí tượng thủy văn là gì

TN&MTNgành Khí tượng Thủy văn có vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, quốc phòng - an ninh. Công tác khí tượng thủy văn bao gồm các hoạt động quản lý, khai thác mạng lưới trạm quan trắc; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết.

Trạm Rada Thời tiết Phù Liễn - Trạm Khí tượng Phù Liễn tại Đồi Thiên văn Phù Liễn, Kiến An, Hải Phòng Nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử phát triển của ngành KTTV Việt Nam.

Đối với sự phát triển bền vững: Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có vai trò, ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững; đã và đang là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhất là đối với công tác phòng chống thiên tai, thông tin khí tượng thủy văn giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn hoạt động là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Về bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia: Trong mọi thời kỳ, các thông tin khí tượng thủy văn luôn được coi là một trong các yếu tố “thiên thời”, mang tính chất quyết định góp phần vào các thắng lợi quân sự quan trọng từ lịch sử dựng nước và giữ nước.

Những đóng góp của công tác khí tượng thủy văn đối với đất nước

Trang thông tin hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á về thời tiết nguy hiểm.

Hoạt động KTTV đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1891, tuy nhiên lịch sử của ngành KTTV Việt Nam được xác định bắt đầu từ ngày 3/10/1945 với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự sát nhập cơ quan KTTV thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua các thời kỳ, năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Tổng cục KTTV được thành lập theo Nghị định số 215/CP ngày 5/11/1976 của Chính phủ [trên cơ sở hợp nhất Nha Khí tượng và Cục Thủy văn], mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của ngành. Cũng năm này, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Khí tượng Thế giới [WMO] - cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về KTTV.

Hơn 70 năm qua, dù trong thời chiến hay thời bình, công tác KTTV luôn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, QP-AN của đất nước.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, trong tiến trình CNH-HĐH, năm 2002 Bộ TN&MT được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng cục KTTV, Tổng cục Địa chính và một số lĩnh vực của các bộ, ngành khác như ĐC&KS, moâi tröôøng, ÑÑ&BÑ,... Trong suoát chaëng đường 20 năm qua, công tác KTTV đã có nhiều bước phát triển mang tính chất quyết định, hoạt động KTTV liên tục phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp phục vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban Bão quốc tế lần thứ 50 với sự tham dự của 150 đại biểu quốc tế. Lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới và Tổng cục KTTV chụp ảnh truyền thống cùng các đại biểu dự Hội nghị [2018]

Đặc điểm nổi bật của công tác KTTV trong giai đoạn 2002-2022, đó là: Thiên tai cực đoan, phá vỡ kỷ lục lịch sử ngày càng xuất hiện nhiều, số lượng các cơn bão nhiều nhất từ trước đến nay [nhiều cơn bão mạnh, xuất hiện cả siêu bão], mưa lớn kỷ lục, lũ vượt lịch sử, băng tuyết xuất hiện ở các tỉnh Vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, hạn hán xâm nhập mặn khốc liệt,... Với những nỗ lực của Ngành đã theo dõi dự báo, cảnh báo: 143 cơn bão, áp thấp nhiệt đới [hơn nửa số bão, áp thấp nhiệt đới này ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta]; 348 đợt mưa lớn, trên 300 đợt không khí lạnh, trên 126 trận lũ, trên 170 đợt nắng nóng,... Trong đó, đã dự báo tốt các cơn bão số 6 năm 2006 [Xangsane], cơn bão số 13 năm 2013 [bão HaiYan], bão số 9 năm 2020 [Molave], bão số 9 năm 2021 [bão Rai],... Hạn hán xâm nhập mặn năm 2020 khốc liệt hơn năm 2016, nhưng đã được theo dõi, dự báo chính xác và sớm nhất giúp Chính phủ và các địa phương điều chỉnh và chỉ đạo sản xuất kịp thời, giảm thiệt hại chỉ còn 10% so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT năm 2021, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thấp nhất từ trước tới nay, thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về kinh tế 78% so với trung bình 10 năm qua.

Một số sản phẩm giám sát và dự báo bão, áp thấp nhiệt đới bằng radar, vệ tinh và mô hình số trị tại Việt Nam [cơn bão RAI năm 2021]

Trung bình hằng năm, các đơn vị thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia ở trung ương và địa phương đã cung cấp trên 58.600 bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cho các cơ quan ở trung ương, địa phương, phục vụ đắc lực cho công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Khí tượng thủy văn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đầu mối trong chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm, cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á [Hình 2]. Qua đó, góp phần cung cấp kịp thời các bản tin dự báo hỗ trợ các nước thành viên trong hoạt động dự báo tác nghiệp, tăng cường vai trò của Trung tâm hỗ trợ dự báo đối với khu vực. Từ đó, nâng cao vị thế, vai trò của ngành KTTV Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thông tin góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Với nỗ lực không ngừng của Tổng cục KTTV trong việc tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, thông tin KTTV không chỉ có vai trò quan trọng góp phần chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân mà hiện nay thông tin, dữ liệu KTTV là đầu vào quan trọng cho các ngành, lĩnh vực KT-XH và góp phần tích cực trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.

Công tác KTTV luôn có sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ hiệu quả cho công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Tổng cục KTTV đã thực hiện các bản tin chuyên đề phục vụ các hoạt động diễn tập và các hoạt động khác cần thông tin KTTV.

Đối với nông nghiệp: Sản phẩm dự báo không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ. Xa hơn là các dự báo, cảnh báo về sâu bệnh, dự báo năng suất cây trồng theo các điều kiện thời tiết.

Đối với thủy điện: Ngành KTTV đang thực hiện các bản tin dự báo phục vụ Quy trình vận hành hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có thể thực hiện tốt các bản tin dự báo nguồn nước đến các hồ phục vụ điều hành sản xuất điện.

Ngay cả năng lượng tái tạo là một tiềm năng kinh tế phát triển kinh tế mới, mới đây đã được Tổng cục KTTV bước đầu ứng dụng mô hình khí tượng trong việc mô phỏng lại trường gió, trường sóng chi tiết cho Biển Đông với độ phân giải  10 km theo không gian ngang nhằm tạo ra các sản phẩm đánh giá phân bố mật độ năng lượng gió, sóng sử dụng trong ngành khai thác điện gió, điện sóng ngoài khơi.

Định hướng phát triển ngành Khí tượng Thủy văn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT thăm và làm việc tại Tổng cục KTTV về công tác dự báo KTTV trong cơn bão số 9 [năm 2020]

Với vai trò, đóng góp quan trọng kể trên, trong các văn kiện Đại hội từ Đại hội VII đến Đại hội XIII, Đảng ta đều chỉ rõ những định hướng, động lực phát triển ngành KTTV. Theo Chiến lược phát triển ngành KTTV: Mục tiêu chung đến năm 2030 phát triển Ngành đạt trình độ KHCN tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển KT-XH, PCTT, thích ứng với BĐKH, bảo đảm QP-AN quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tự động hóa đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao; phát triển, hoàn thiện mạng lưới trạm KTTV phục vụ nhu cầu của bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực có liên quan; 100% công trình phải quan trắc KTTV được thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định của pháp luật.

Về dự báo, cảnh báo KTTV, Chiến lược phấn đấu dự báo KTTV hàng ngày trong điều kiện bình thường có độ tin cậy đạt 80 - 85%. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày; tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày; tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 5-10% so với năm 2020; cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6-24 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng KTTV nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO và tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm.

Các Nghị quyết của Trung ương về KTTV đều khẳng định việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN, BVMT là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự PTBV của đất nước.

Đồng thời, là cơ sở, tiền đề cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN và an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; trong đó, nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia giám sát của toàn xã hội.

 Tổng cục KTTV ký kết hợp tác với đối tác Hàn Quốc

Đặc biệt, ngày 25/9/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt Chỉ thị nhìn nhận, đánh giá công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đồng thời, là động lực và trọng trách của ngành KTTV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngay sau khi Chỉ thị số 10 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 497-QĐ/CP ngày 21/4/2022 về ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành KTTV tiếp tục đẩy mạnh, phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa; lấy việc đầu tư cho KHCN và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu KHCN trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới. Hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số KTTV, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành.

Sự phát triển mạnh mẽ của KHCN trong cuộc Cách mạng KHCN lần thứ 4 [KHCN 4.0] với Big data, trí tuệ nhân tạo,... tương ứng với quy mô nền kinh tế nước ta ngày càng lớn thì yêu cầu hiện đại hóa ngành KTTV, bảo đảm công tác dự báo, cảnh báo KTTV nâng cao độ tin cậy, tính kịp thời và đầy đủ nội dung là yêu cầu cấp thiết. Việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV tiếp tục được định hướng thay đổi cách tiếp cận theo hướng là phương tiện, tài nguyên số, một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, PCTT, bảo đảm QP-AN quốc gia. Do đó, Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo KTTV. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đối tác đào tạo trong nước và quốc tế liên tục ưu tiên tuyển dụng cán bộ giỏi, có năng lực, tạo điều kiện tham gia các khóa học nâng cao, trao đổi kiến thức và công nghệ bên cạnh đó phối hợp với các Trường, Viện nghiên cứu để tăng cường ứng dụng các thành tựu KHCN, chuyển đổi số trong công tác KTTV nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành KTTV.

Ngoài những nỗ lực trên của ngành KTTV, một yếu tố quan trọng khác cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công trong tiến trình phát triển, hiện đại hóa ngành KTTV chính là sự quan tâm, chung tay góp sức của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, phối hợp tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa sâu rộng Luật KTTV và kiến thức KTTV đến với cộng đồng đây là sự lan tỏa quan trọng để Luật KTTV thực sự đi vào cuộc sống từ đó gián tiếp góp phần tăng cường hiệu quả phục vụ PCTT, thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước.

            Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn

Video liên quan

Chủ Đề