Vẻ đẹp vua quang trung trong bình ngô năm 2024

Hơn hai thế kỉ trôi qua, văn học ở mỗi giai đoạn vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của người anh hùng áo vải phất ngọn cờ đào giành lấy ngai vàng, đại định thiên hạ, bình trị giang san. Ở thời đại nào, trong văn học Việt Nam, hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng vĩ đại lồng lộng và cao cả.

Vẻ đẹp vua quang trung trong bình ngô năm 2024

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung Tây Sơn.

Sự nghiệp phong trào Tây Sơn và người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ được ghi vào sử sách như bản hùng ca thế kỉ, tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong thời kì đất nước đầy biến động. Từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Tây Sơn tam kiệt mà linh hồn là Quang Trung - Nguyễn Huệ phát triển thành một phong trào quật khởi, tấn công không khoan nhượng vào cả thù trong lẫn giặc ngoài. Sứ mệnh ấy tạo nên tầm vóc và chiều kích đa diện trong thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ, biểu tượng độc đáo của bản sắc dân tộc và tư duy thời đại trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

1.

Cùng với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, truyền thuyết về Tây Sơn ra đời. Tác giả dân gian đã thần thánh hóa Quang Trung - Nguyễn Huệ như vị cứu tinh tinh thông võ nghệ, tài trí tuyệt vời. Truyện kể một lần Nguyễn Huệ đi ngang qua rừng, chúa sơn lâm báo tin cho muôn loài: báo, hươu, nai, rắn, rết,... kéo đến quây quần bên ông, riêng có con voi trắng quỳ xuống trước mặt. Tất cả vui mừng như muốn tôn vinh ông là chủ tướng. Lần khác, gặp một cụ già Banar cầm chuôi gươm nạm ngọc rất đẹp, Nguyễn Huệ xin được xem và tra thử vào lưỡi gươm của mình thấy vừa như đúc. Cụ già ngắm Nguyễn Huệ hồi lâu rồi tặng ông chuôi gươm báu và mỉm cười hài lòng, bước đi. Bên cạnh việc huyền thoại hóa người anh hùng, tác giả dân gian còn huyền thoại hóa những văn thần, võ tướng của ông. Mỗi người một vẻ, tôn thêm hình ảnh người chủ tướng Nguyễn Huệ: Trần Quang Diệu tay không quần nhau với mãnh hổ suốt cả ngày giữa rừng sâu; Bùi Thị Xuân luyện voi ra trận tinh tế như luyện người; Đặng Văn Long trong một lúc dùng gốc tre để gánh 10 vuông lúa…

Dựa vào tín ngưỡng dân gian, những người sáng tạo truyền thuyết về phong trào Tây Sơn và người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dùng yếu tố thần kì như là phương tiện vững chắc để tạo niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, hình tượng người anh hùng Tây Sơn đã làm rung động mãnh liệt tâm hồn người bình dân lúc bấy giờ.

2.

Ngay ở thời đại Quang Trung có một dòng văn học các nhà nghiên cứu gọi là văn học Tây Sơn đầy bản lĩnh với hàng chục tác gia tầm cỡ như: Ngô Gia văn phái, Ngô Thế Lân, Đoàn Nguyễn Tuấn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huy Lượng, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Điển, Lê Ngọc Hân… Âm hưởng chủ đạo của văn học Tây Sơn là tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Vai trò Quang Trung đối với sự phát triển dòng văn học này là rất to lớn và hình ảnh ông cũng được khắc họa rõ nét với tư cách là lãnh tụ kiệt xuất của phong trào, linh hồn thời đại vẻ vang trong lịch sử.

Trước hết, phải kể đến Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Tác phẩm xây dựng hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ sáng ngời phẩm chất người anh hùng mạnh mẽ, quyết đoán, trí tuệ sáng suốt. Nghe tin giặc đánh chiếm đến tận Thăng Long, Nguyễn Huệ không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi sau đó, chỉ trong vòng một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: “Tế cáo trời đất” lên ngôi Hoàng đế, “đốc xuất đại binh” ra Bắc, gặp gỡ Nguyễn Thiếp, tuyển mộ quân lính, mở cuộc duyệt binh ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng. Cuộc hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra Thăng Long như “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”. Hành quân xa và thần tốc như vậy mà nghĩa binh Tây Sơn cơ nào, đội nấy vẫn chỉnh tề. Đó là tài tổ chức của người cầm quân. Giữa cảnh “khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì” nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc”, tấm chiến bào đã sạm đen khói súng.

Bên cạnh phẩm chất hơn người được thể hiện rõ nét trong Hoàng Lê nhất thống chí, những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm của các tác giả thời Tây Sơn còn tái hiện hình ảnh Quang Trung - Nguyễn Huệ là con người vĩ đại “đạo cao năm đời, đức vượt ba khí thiêng”, “bậc Thánh hiền, bậc Thánh thông minh” (Ngô Thì Nhậm)… Trong bài Tụng Tây Hồ phú, Nguyễn Huy Lượng mô tả những tháng năm huy hoàng dưới thời Tây Sơn: “Tới Mậu Thân từ rỡ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch - Qua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu - Vùng trì chiểu nước dần dần lặng - Đám đình đài hoa phơi phới đua”. Công đức Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với dân tộc là vô cùng to lớn; tài ba, nhân cách vị anh hùng áo vải là vô cùng độc đáo. Ngô Thì Nhậm ca ngợi: “Võ công oanh liệt gây nền vững - Chính sách tài tình để phép chung” (Kính viếng lăng Đan Dương).

Trong số những vần thơ về vua Quang Trung còn lưu lại giữa đời, Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân là bài thơ gây nhiều cảm xúc: “Mà nay áo vải cờ đào - Giúp dân dựng nước xiết bao công trình - ( ...) Mà nay lượng cả ơn sâu - Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần - Công dường ấy mà nhân dường ấy - Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?...”. Từ sự đánh giá vị anh hùng trên một kích thước lớn lao đến tấm lòng của người vợ đối với người chồng đều thể hiện niềm kính trọng, yêu thương. Nước mắt từ nỗi nhớ thương khôn nguôi, từ những kỉ niệm của mối tình “sớm hỏi, khuya bày”, “tóc tơ, vàng đá”, từ sự oán trách cái “tráo trở” của “lòng trời”, cái ngắn ngủi của “vận người”, cái “mờ lở” (dang dở) của “nhân duyên” như tấm gương trong vắt ngời sáng hình ảnh Quang Trung - Nguyễn Huệ. Không chỉ là tình nhân chí tình của Ngọc Hân công chúa, Quang Trung - Nguyễn Huệ còn là bậc chí nhân, chí nghĩa, chí dũng của muôn người, muôn nhà, của non sông đất nước.

Nhìn chung, các tác phẩm văn học thời kì này vừa phản ánh diện mạo khách quan lịch sử xã hội đương thời, vừa bộc lộ những tình cảm chân thành không gì cưỡng lại được đối với phong trào nông dân Tây Sơn, với Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều đại của ông. Những đóng góp của văn học Tây Sơn đối với văn hóa dân tộc là một kì tích mà thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ cống hiến cho lịch sử.

3.

Từ đầu thế kỉ XX trở đi, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Đề tài về Tây Sơn và Quang Trung - Nguyễn Huệ tiếp tục được các nhà văn khai thác. Những tác phẩm xây dựng hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ làm trung tâm như: Vua Quang Trung của Phan Trần Chúc, Việt Thanh chiến sử của Nguyễn Tử Siêu, Kể chuyện vua Quang Trung của Nguyễn Huy Tưởng và một số tác phẩm có đề cập đến hình tượng Quang Trung như Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử, Chúa Trịnh Khải của Nguyễn Triệu Luật,… đã ca ngợi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người anh hùng theo bút pháp lí tưởng hóa. Nhân vật Quang Trung - Nguyễn Huệ được các tác giả thiên về miêu tả hành động, thông qua hành động để bộc lộ tính cách.

Đặc biệt là từ sau 1975, trong cái bộn bề, phức tạp, đa diện của cuộc sống thời hậu chiến, bức tranh văn học được mở rộng phạm vi phản ánh. Con người có xu hướng trở lại chính mình, nhìn nhận lại quá khứ để lí giải, thấu hiểu sâu hơn hiện thực hôm nay. Hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ tiếp tục được các nhà văn lựa chọn thể hiện khá nhiều. Các nhà văn đã tái hiện Nguyễn Huệ vừa là nhân vật lịch sử, vừa là con người thế sự, đặt Nguyễn Huệ trong những mối ràng buộc riêng tư cá nhân để xét đoán, khám phá một cách rõ nhất, sâu nhất, thuyết phục nhất. Từ đó, các tác giả làm bật lên con người gần gũi đời thường nhưng vẫn không mất đi phần vĩ đại.

Ở Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác xây dựng hình tượng Nguyễn Huệ với trí thông minh và lòng nhân hậu. Nguyễn Huệ vận dụng ngay tư tưởng thân dân của mình vào việc cầm quân lần đầu tiên. “Theo nghiêm lệnh của Huệ, không ai được chạm đến một cây kim sợi chỉ của dân. Xin nước cũng phải lễ phép thưa gửi với chủ nhà, uống xong phải cảm ơn”. Lê Đình Danh trong Tây Sơn bi hùng truyện đặt Nguyễn Huệ trong sự so sánh với Vũ Văn Nhậm để làm nổi bật hình ảnh vị tướng luôn nghĩ đến nhân dân. Nếu Vũ Văn Nhậm khi đem quân ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh, vào thành Thăng Long tối hôm trước, sáng hôm sau đã cho quân đi cướp, thì Nguyễn Huệ khác hẳn. Không những nghiêm cấm quân sĩ không được tơ hào của dân, Nguyễn Huệ còn đem của cải trong kho chúa Trịnh phân phát cho nhân dân, quân sĩ.

Quang Trung - Nguyễn Huệ còn để lại một công đức lớn đó là sự cứu vớt những nhân cách lớn của thời đại mình, trả lại cho nó những giá trị đích thực, để rồi các nhân cách đó cùng ông làm rạng danh cho triều đại, quốc gia. Nguyễn Mộng Giác đã sắc sảo thể hiện cung cách cư xử của Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với nho sĩ: vừa thuyết phục vừa đối phó, vừa không ưa lại vừa cần. Nhưng trên hết, Nguyễn Huệ không câu nệ mới cũ. Từ những sự kiện có thật trong lịch sử là Trần Văn Kỷ, Nguyễn Thiếp,… về với Tây Sơn - Nguyễn Huệ, các tác giả hư cấu nên những tình huống gặp gỡ như duyên “trời định” giữa Trần Văn Kỷ và Nguyễn Huệ (Tây Sơn bi hùng truyện), sự kiên nhẫn và nhún nhường trong những lần Nguyễn Huệ mời Nguyễn Thiếp ra giúp nhà Tây Sơn. Nguyễn Huệ đến với họ bằng trái tim và đón nhận từ họ tấm chân tình của những người nghĩa khí.

Cùng với bút pháp truyền thống mang tính ngợi ca, các nhà văn ít nhiều khai thác khía cạnh con người đời tư thế sự. Trong Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác thiên về khám phá những góc khuất trong đời sống tinh thần của người anh hùng. Đó là những tình cảm, những bi kịch: bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình và bi kịch dân tộc. Đứng trước những biến động to lớn của lịch sử, người anh hùng Nguyễn Huệ bao trăn trở, suy tư và cả những giằng xé, nỗi khổ đau giữa một bên là tình huynh đệ, một bên là sứ mạng lịch sử mình phải thực hiện. Nguyễn Mộng Giác quan tâm đến chiều sâu tâm lí nhân vật, đặc biệt là sự đa chiều, đa dạng trong tính cách. Khi đứng trước quyết định tấn công thành Quy Nhơn, chưa bao giờ Nguyễn Huệ cảm thấy cô đơn như vậy: “Ông thức trắng nhiều đêm. Một mình”. Nguyễn Huệ cảm thấy mình yếu đuối: “Dù tự tin bao nhiêu đi nữa, ở vào giờ phút quyết định này, tay ông vẫn run rẩy” (Sông Côn mùa lũ). Gánh nặng của trách nhiệm khiến ông ngột ngạt và chua chát. Cõi bên trong của con người ấy đơn giản vẫn là một thân phận phải chịu những áp lực đời thường.

Với ngòi bút tài hoa, trí tưởng tượng phong phú và sự tìm tòi công phu, các nhà văn vẽ nên một bức tranh đời sống tình cảm sống động của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngay lần đầu tiên gặp Ngọc Hân, Nguyễn Huệ không kìm nén được cảm xúc thật của một người đàn ông trước một dung nhan xinh đẹp, lá ngọc cành vàng. Nguyễn Huệ xúc động đến nỗi “nhịp tim đập mạnh” (Sông Côn mùa lũ). Nếu hiểu Ngọc Hân như là hiện thân của cái đẹp thì Quang Trung cũng như bao con người khác, trước cái đẹp, trước sự hoàn mỹ, đều có trạng thái xúc động.

Bên cạnh một Nguyễn Huệ lừng lẫy bao chiến công, hoài bão, lí tưởng là một Nguyễn Huệ rất mực coi trọng tình nghĩa, đầy những thôi thúc, trăn trở trước mỗi sự kiện lịch sử và cả những rung động của con tim, những phút cô đơn, yếu lòng,… Đó là chất người trong mỗi con người, là giá trị nhân bản sâu xa mà văn học với chức năng của mình cần phải khám phá, phát hiện.

4.

Nhìn chung, hình tượng Quang Trung – Nguyễn Huệ được văn học xưa nay thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, ở những thành tựu vĩ đại của sự nghiệp quân sự, nội trị, ngoại giao, kinh tế, giáo dục, hoặc ở phẩm chất đời sống lãnh tụ là chiêu hiền đãi sĩ, thủy chung, nghĩa tình… Hình tượng Quang Trung – Nguyễn Huệ trong văn học vì vậy luôn sinh động, có sức hút mạnh mẽ trong lòng độc giả.