Vì sao người nông dân cần cù

Nông dân Sa Đéc chăm sóc vườn hoa - Ảnh tư liệu

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Bố mẹ tôi đều là nông dân chân lấm tay bùn. Cuộc sống thôn quê cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng khi trưởng thành, lên thành phố công tác, nhận thức chín chắn hơn, tôi mới thấy người nông dân sao thiệt thòi quá.

Như bố mẹ tôi quần quật trồng lúa, nuôi lợn cả năm, sinh hoạt tiết kiệm, tằn tiện, nhưng khi các con vào đại học vẫn phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền cho chúng tôi ăn học.

Những nông dân như bố mẹ tôi thường phải làm lụng cực nhọc suốt cả cuộc đời nhưng đến khi về già cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu, lại không có lương hưu nên nếu không được con cháu đỡ đần, cuộc sống sẽ vô cùng vất vả.

Thu nhập của người nông dân không chỉ phụ thuộc vào sự chăm chỉ, cần cù của họ, mà còn phụ thuộc vào thời tiết, nhu cầu lên xuống của thị trường và rất nhiều thứ khác nên khá bấp bênh. Năm mất mùa thì đói kém, thua lỗ là đương nhiên. Năm được mùa cũng chưa hẳn đã no cơm ấm áo.

Tôi mong ước 20 năm nữa, tiếng nói của người nông dân được cải thiện, cuộc sống của họ được nâng cao, sản phẩm họ làm ra có nơi tiêu thụ đảm bảo.

Để mỗi mùa vải đến, người nông dân Hải Dương không phải đem sản phẩm của mình bán với giá rẻ như cho.

Để người nông dân Nhật Tân không phải cầu cứu mọi người mua đào giúp những mong có tiền đón tết.

Để những người nông dân Tây nguyên trồng cà phê, trồng tiêu, trồng điều… không phải chịu cảnh cứ mỗi khi sản phẩm rớt giá lại phải chặt đi hàng ngàn hecta cây trồng mà chỉ cách đó vài năm bản thân họ còn nâng niu chăm chút.

Để những người trồng dưa, trồng mía, trồng thanh  long… không phải bật khóc ngay trên cánh đồng mùa thu hoạch vì sản phẩm không có ai mua.

Tôi mong 20 năm nữa, những người nông dân thật sự được bảo vệ bởi những hiệp hội riêng của họ; để khi nào họ bị thiệt thòi trong các vụ kiện tụng, tranh chấp sẽ có người đại diện đứng lên đấu tranh quyết liệt cho họ; để khi xuất hiện những thế lực quấy phá hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ có tổ chức định hướng thông tin đúng đắn cho họ.

Tôi mong 20 năm nữa, người nông dân cũng được ăn ngon mặc đẹp, tận hưởng các tiện ích cuộc sống ngang bằng với các giai tầng khác trong xã hội; con cái họ cũng được hưởng mọi điều kiện vật chất, tinh thần giống với những đứa trẻ lớn lên ở thành phố.

Tôi mong người nông dân 20 năm nữa sẽ có một chế độ bảo hiểm đặc biệt, để khi về già họ không phải nai lưng trên đồng ruộng làm quần quật mà vẫn chẳng đủ ăn.

Để ước mơ ấy trở thành hiện thực, theo tôi, cần phải thực hiện những điều này:

Thứ nhất: Cần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại, lấy đó làm tiền đề để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội tại các khu vực nông thôn.

Thứ hai: Cần nâng cao tri thức và kỹ năng làm giàu cho người nông dân. Đa số nông dân Việt Nam hiện nay có trình độ dân trí thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Họ hầu như là tầng lớp được tiếp cận với thông tin sau cùng .

Cần phải cải thiện khả năng nắm bắt thông tin, thích ứng với các luồng thông tin cho người nông dân qua các lớp học, các khóa tập huấn tại chỗ; các phương tiện thông tin, truyền thông.

Vì ít thông tin, cuộc sống lại khó khăn nên người nông dân khá cả tin và dễ xiêu lòng trước các lợi ích về kinh tế, nên dễ bị mắc lừa những đối tượng xấu có ý đồ phá hoại nền nông nghiệp của chúng ta.

Việc nắm bắt được thông tin sẽ giúp họ nhận thức được các âm mưu đó để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Thứ ba: Nhà nước nên có chính sách cụ thể, sâu sát và cẩn trọng trong việc quy hoạch phát triển các mô hình kinh tế cho người nông dân một cách bền vững.

Mỗi khi một mô hình sản xuất nông nghiệp được ra đời phải được các ngành liên quan tính toán kỹ lưỡng, khoanh vùng đối tượng sản xuất, quy hoạch số lượng sản phẩm, để làm sao đảm bảo đầu ra và giá thành cho người nông dân.

Không để xảy ra tình trạng cứ một mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, các ngành, các cấp lại khuyến khích nông dân nuôi trồng tràn lan, rồi khi sản phẩm làm ra không bán được, người nông dân lại phải tự xoay xở với khó khăn của mình.

Thứ tư: Nên có chính sách trợ giá cho nông dân. Đòi hỏi giá cả sản phẩm nông nghiệp luôn ổn định từ năm này qua năm khác là điều gần như không thể.

Nhà nước phải có chính sách bao tiêu, trợ giá sản phẩm cho nông dân khi cần thiết, tránh tình trạng người nông dân vì thua lỗ mà liên tục chuyển đổi các mô hình sản xuất, gây nhiều hệ lụy xấu.

Thứ năm: Nên có nhiều hơn các chế độ phúc lợi cho người nông dân, ví dụ một chế độ nộp bảo hiểm với mức thấp hơn so với mặt bằng của xã hội.

Bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, có một bộ phận công chức không hề nhỏ hầu như chẳng làm gì ngoài việc lên cơ quan uống trà mỗi ngày, nhưng vẫn đều đặn nhận lương, nộp bảo hiểm mỗi tháng, khi về già sẽ có lương hưu.

Trong khi đó, những người nông dân làm việc quần quật cả đời, khi về già họ phải tự xoay xở cuộc sống của mình mà hầu như không được hưởng các chế độ an sinh.

Thứ sáu: Nên quy định rõ ràng, chặt chẽ về các chương trình xã hội hóa tại nông thôn. Bên cạnh mặt tích cực, nhiều phong trào xây dựng nông thôn ủng hộ việc xã hội hóa một cách tràn lan, dễ dãi. Điều đó để lại hậu quả là: Chủ trương xã hội hóa đôi khi là một cái cớ để chính quyền địa phương lạm thu. Người nông dân thu nhập đã thấp lại phải còng lưng đóng thêm những khoản tiền mà họ gần như bị ép buộc.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam [VN] tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi [ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi].

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới [tối đa 500 chữ] và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng [tối đa 1.000 chữ].

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh [nếu có] ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo [gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi].

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải [số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo].

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM [ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”]; hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ .

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

Nguyễn Minh Thúy [28 tuổi]

Vì sao nông dân ngóc đầu không nổi?

Sau các bài đăng tuần qua trên Báo Người Lao Động về những bất cập trong thu mua lúa tạm trữ, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người trồng lúa, các chuyên gia nông nghiệp đã lên tiếng mổ xẻ căn nguyên dẫn đến sự khó nghèo lưu niên của nông dân

  • Nông dân cắn răng nhổ hoa lay-ơn cho bò ăn

  • Ba lựa chọn từ chuyện nông dân đổ sữa

Nếu ví nền kinh tế quốc dân của Việt Nam là một con tàu thì nông nghiệp chính là cái thân tàu chịu tải trọng toàn bộ, các ngành khác được xem là máy, bánh lái, chân vịt, boong... Tất cả những cơ phận có tính năng chấp hành ấy chỉ vận hành hữu hiệu khi hải hành đúng hướng nhờ vào một vật cỏn con... đó là cái la bàn chuẩn hướng! Chuẩn hướng cho hải đồ của riêng con tàu của mình. Có ai ra khơi mà chỉ chăm chăm... đi theo những con tàu khác như kiểu “thuyền đua thì lái cũng đua, con cóc nó nhảy thì con cua cũng bò”!

Sáu nỗi khổ

Trong chương trình “Tam nông” ở Việt Nam [nông nghiệp, nông thôn và nông dân] , ta thấy những điều kiện cho an sinh xã hội ở nông thôn và nông dân có những lỗ hổng.

Người dân ĐBSCL nhiều năm trồng ồ ạt rau củ quả, sau đó bán không hết, phải nhổ bỏ. Nguyên nhân có phần do không được quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật bài bản Ảnh: NGỌC TRINH

Nông dân được xem trọng mức độ nào? Thực chất, họ là lực lượng chủ lực trong tất cả các mặt trận, kể cả trong chiến tranh và thời bình. Trong chiến tranh, nông dân là hậu phương, con em họ [chủ yếu] là những người lính bảo vệ Tổ quốc; họ hy sinh tính mạng, cống hiến tài sản. Trong thời bình, họ là lực lượng sản xuất chủ yếu, giúp đất nước vẻ vang nhờ thành tựu xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp.

Do vậy, khi tổng kết nguyên nhân thành công của đổi mới trong nông nghiệp, nhiều người chỉ nói nhờ đổi mới với Chỉ thị 100 và Khoán 10 cởi trói song có lẽ người cụ thể hóa chính sách đổi mới chính là nông dân.

Vậy nông dân được gì? Nông dân Việt Nam có 6 nỗi khổ nhất so với các tầng lớp khác trong xã hội. Một là, hứng chịu thiên tai nhiều nhất do ở những vùng nguy cơ cao bởi các tác động xấu của thiên nhiên. Hai là, được hưởng ít nhất các dịch vụ công như giao thông, truyền thông văn hóa - xã hội.

Ba là, được hưởng ít nhất sự chăm lo của nhà nước về giáo dục và y tế nên tỉ lệ ít chữ và ốm yếu là cao nhất. Bốn là, do năng suất lao động thấp và thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, không được đào tạo để trở thành nông dân chuyên nghiệp nên luôn luôn bị thiệt thòi; luôn vật lộn trong cái vòng luẩn quẩn được mùa - mất giá và được giá - mất mùa.

Năm là, mặc dù không đủ ăn nhưng họ đóng thuế đầy đủ và nhiệt tình nhất, đồng thời làm nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia! Sáu là, sự bất công và thiếu công bằng với nông dân, ví dụ người thành phố được làm đường đến tận cửa nhà và họ còn chiếm luôn cả vỉa hè do nhà nước làm, còn nông dân phải tự bỏ tiền làm đường thôn, xã; nếu có đôi chỗ được ưu tiên thì cũng là “nhà nước và nhân dân” cùng làm!

Hỏi nông dân, chắc 100% số họ không muốn con cái làm nông dân nhưng họ phải làm vì không có con đường khác.

Sai lầm về quy hoạch

Sự bất công với nông nghiệp còn thể hiện ở chỗ đầu tư của nhà nước nhiều khi dựa vào đóng góp của nông nghiệp trong GDP. Nên nhớ rằng nông nghiệp đâu phải ngành kinh tế đơn thuần. Đó là ngành kinh tế song mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội, nền tảng cho phát triển các ngành kinh tế khác.

Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp cần định lượng bằng giá trị, lấy lợi nhuận làm thước đo và thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước bằng pháp luật. Như vậy, quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể, trong đó có quy hoạch “Tam nông”, là bài toán quan trọng nhất cần sớm có lời giải. Trong lĩnh vực nông nghiệp, điều này càng thể hiện rõ, khi mà có vẻ như chúng ta chỉ nói nhiều mà chưa thực sự có những biện pháp cụ thể.

Về quy hoạch, có 3 vấn đề chưa làm tốt: Thứ nhất, tách rời các quy hoạch nông - lâm - thủy sản, trong khi có nhiều sự chồng lấn về diện tích hoặc thay đổi theo thời gian, nếu chúng ta chỉ có một bản quy hoạch tổng thể chắc sẽ tốt hơn; thứ hai, quan điểm quy hoạch chưa phù hợp, chủ yếu dựa theo khả năng, chưa theo định hướng thị trường, ngắn hạn và mới chỉ quan tâm đến quy hoạch mà không quan tâm đến giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch; thứ ba, quan điểm coi trọng số lượng thể hiện rõ trong nhiều quy hoạch [mục tiêu năng suất, số lượng, định hướng xuất khẩu đứng thứ hạng cao…] nhưng không rõ sự bất hợp lý trong phân chia lợi ích của cả chuỗi giá trị, nhất là quyền lợi của nông dân...

Bất công trong sử dụng đất

Quan điểm đất đai là của nhà nước đã được hiểu đất đai là của những người đại diện cho nhà nước, vậy thì trong nhiệm kỳ của mình, người đại diện đó có quyền sử dụng đất đai đó theo ý mình. Rừng phòng hộ của chúng ta, đất canh tác của nông dân đã và đang rơi vào tay tư nhân theo mục đích phi nông nghiệp và người dân được đền bù với giá bèo bọt và bán lại sau khi đã tân trang với giá mà nông dân không thể mua nổi.

Nhiều nhà khoa học có chung nhận định rằng quyền sử dụng đất là một thứ quyền tài sản nên nó là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt, phải được tự do trao đổi trên thị trường theo pháp luật. Vì thế bất kỳ ai, kể cả nhà nước, không có quyền “thu hồi đất” của người dân vì bất cứ mục đích nào mà phải mua quyền sử dụng đất.

Tại sao khi đất đai cho nhà đầu tư thuê để xây dựng khu công nghiệp hay sân golf, nay nếu nhà nước cần để xây dựng đường sá thì phải thương lượng mua lại quyền sử dụng đất của chủ đầu tư theo giá thị trường; còn đối với nông dân thì nhà nước lại “thu hồi đất nông nghiệp” của họ? Và áp đặt “giá đền bù” sát giá thị trường mà không phải là mua theo giá thị trường?

Với một quốc gia có 2/3 dân số là nông dân, nông dân chính là cái gốc của sự tồn tại và phát triển của đất nước. Vậy mà thời nào họ cũng khổ, cũng quá cơ cực!

Kỳ tới: Nghĩ chưa đúng về nông thôn mới

Chạy theo số lượng

Về lĩnh vực trồng trọt cũng làm không tốt, nhiều khi dựa vào chỉ đạo của cấp trên. Ví dụ phát triển cao su, khi lãnh đạo nói cần phát triển 1 triệu ha cao su thì quy hoạch đáp ứng ngay yêu cầu. Thái Nguyên muốn xây dựng vùng chè ô long và chè xanh đặc sản thì có ngay quy hoạch vùng trồng chè ô long mặc dù về mặt chuyên môn, đất có độ cao nhỏ hơn 600 m không thể đáp ứng yêu cầu sinh thái của giống chè trồng để lấy nguyên liệu chế biến chè ô long.

Hay như việc trồng mắc ca đang nở rộ ở Tây Nguyên. Trong khi cả thế giới 100 năm qua chỉ trồng được khoảng 80.000 ha mắc ca thì ta lại hô hào “Việt Nam có tiềm năng trồng đến 120.000 ha”. Lý thuyết là vậy, khi có mắc ca thành phẩm, ai bao tiêu cho người trồng? Không ai trả lời được!

Tô Văn Trường

Video liên quan

Chủ Đề