Việt nam tham gia liên hợp quốc vào năm nào năm 2024
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977 và trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh cao cả duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng được tăng cường và phát triển. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hội quốc liên được thành lập nhưng không đạt được mục tiêu giữ gìn hoà bình cũng như vai trò bảo đảm tính nhân đạo trong mọi hoạt động của các quốc gia trên thế giới. Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, các nước Khối Đồng minh và nhân loại có nguyện vọng giữ gìn hòa bình và ngăn chặn các cuộc chiến tranh thế giới mới, đó chính là lý do cho sự ra đời của Liên hợp quốc (LHQ). Các thể chế của LHQ đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các quy định toàn cầu, trong đó việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế là mục đích hàng đầu được ghi nhận ngay từ lời nói đầu của Hiến chương LHQ. Theo đó, Chúng ta, Nhân dân các nước liên hợp lại, quyết tâm phòng ngừa cho những thế hệ mai sau khỏi thảm họa của chiến tranh đã hai lần trong khoảng thời gian một đời người gây cho nhân loại những đau thương không kể xiết; biểu thị sự khoan nhượng cùng nhau sống hòa bình trên tinh thần láng giềng thân thiện, cùng nhau góp sức để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tự hào là một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác quốc tế, là tổ chức dẫn đầu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại, LHQ có các hoạt động chính trên 3 nhánh sau: 1) Cam kết bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế; 2) Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia; 3) Thúc đẩy tiến bộ xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và quyền con người. Khi thành lập, LHQ có 51 quốc gia thành viên. Hiện nay, LHQ có 196 thành viên và 2 quan sát viên. Ngay sau khi tham gia, Việt Nam đã được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên LHQ. Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) đã thông qua Nghị quyết 32/2, để các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Việt Nam đã nhận được viện trợ từ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc. Những dự án từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình. Hợp tác với Liên hợp quốc góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững [1]. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước không liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực…đồng thời và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Mặt khác, cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. LHQ trở thành một diễn đàn để Việt Nam mở rộng triển khai các chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại LHQ ngày càng được nâng cao. ViệtNam tham gia tích cực và tự chủ hơn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hoà bình an ninh, giải trừ quân bị, và phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam cải thiện vị thế và tham gia nhiều chức vụ và cơ quan của Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; 2020-2021. Sự kiện này đánh dấu quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc, thành tựu của việc thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các hiệp ước về cấm vũ khí hoá học và thử hạt nhân, cũng như vào các cơ chế đăng kiểm vũ khí thông thường của Liên hợp quốc. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế, như: Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (gia nhập ngày 28-8-1981); Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị Tội ác Diệt chủng 1948 (gia nhập ngày 9-6-1981); Công ước Quốc tế về Ngăn chặn và trừng trị tội ác Apartheid 1973 (gia nhập ngày 9-6-1981); Công ước Quốc tế về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các tội phạm chiến tranh và tội ác chống Nhân loại 1968 (gia nhập ngày 4-6-1983); Công ước về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia 2000 (ký ngày 13-12-2000, phê chuẩn 8-6-2012). Trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, Nhà nước Việt Nam hiện là một thành viên của Hội đồng nhân quyền và đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về nhân quyền. Cụ thể bao gồm: Công ước về các Quyền dân sự và chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979, ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, gia nhập ngày 9-6-1982; Công ước về Quyền trẻ em 1989, ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990 và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang (ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001); Công ước về Quyền của người khuyết tật 2006, ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 5-2-2015; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 7-11-2013 và phê chuẩn ngày 5-2-2015 [2]. Thực tiễn thời gian qua cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Song song với các hoạt động nêu trên, việc hướng đến những chuẩn mực cơ bản và phổ quát về quyền con người, đưa những qui định chung đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi về các quyền con người vào pháp luật, chính sách của Việt Nam, phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam; là công tác trọng tâm trong việc triển khai chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người. Hiện nay, vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã được nâng cao. Từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, Nhân dân Việt Nam đã viết nên câu chuyện về chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ và tràn đầy hy vọng. Từ một nước bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam vươn lên là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, với nhiều thành tựu trong bảo đảm và nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Trên hành trình đó, Liên hợp quốc tự hào là đối tác của Việt Nam. Hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam cùng người dân thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển. Đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, quan hệ bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, có trách nhiệm và đóng góp thực chất, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động chủ chốt của Liên hợp quốc, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đỗ Hồng Thanh 1. Hồng Lĩnh, 46 năm đồng hành Việt Nam-Liên hợp quốc, Nhân dân, Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 16/9/2023. |