Vua dục đức là vua nhà nguyễn có thời gian trị vì ngắn nhất, trong bao lâu?

Vua Tự Đức cho xây Dục Đức Đường ở phía đông Hoàng Thành làm nơi ăn ở và học hành của Ưng Chân, giao cho Lệ Thiên Anh hoàng hậu trông coi việc dạy bảo. Sau khi vua Tự Đức băng hà [19.7.1883], triều đình nhà Nguyễn lâm vào thế rối ren. Chỉ trong bốn tháng [từ tháng 7 đến tháng 11.1883], ngai vàng triều Nguyễn đã ba lần đổi chủ: Dục Đức - Hiệp Hòa - Kiến Phúc. Vì thế nên bấy giờ ở Huế lan truyền hai câu thơ: Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết. Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường [Một sông, hai nước, lời khó nói. Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành].

Mộ các ông hoàng bà chúa trong lăng Dục Đức trong hình chụp đầu thế kỷ 20

Ảnh: T.L

Lợi dụng tình hình này, thực dân Pháp mở cuộc tấn công vào cửa biển Thuận An. Quan quân triều Nguyễn anh dũng chống trả nhưng do chênh lệch lực lượng nên bị thất bại. Triều đình buộc phải nghị hòa với Pháp. Sau cùng, thực dân Pháp ép triều Nguyễn ký Hòa ước Quý mùi với những điều khoản rất bất lợi cho triều Nguyễn và gia tăng quyền lực cho Tòa Khâm sứ ở Huế, cho phép Khâm sứ Trung Kỳ trực tiếp can dự vào chính sự nước ta.

Vua Tự Đức muốn người nối ngôi phải thật sự tài năng và đức độ nên thường để ý xem xét hành vi của Ưng Chân, trong khi Ưng Chân ham chơi, phóng túng nên thường bị vua Tự Đức quở trách.

Năm 1883, vua Tự Đức phong cho Ưng Chân tước Thoại Quốc công. Tháng 7.1883, vua Tự Đức đau nặng, cho triệu quần thần vào công bố di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân. Vì muốn cảnh tỉnh Ưng Chân và mong người kế vị sẽ đi theo con đường thiện, nên trong di chiếu truyền ngôi có đoạn viết: “[Việt dịch] [Ưng Chân] có tật ở con mắt nên hành vi mờ ám, sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt, chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây?” [Nguyễn Phúc tộc thế phả, 1995, tr. 371].

Vua giao cho Hội đồng phụ chính gồm Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, phối hợp với Miên Định và Miên Trinh [đều là Hoàng tử, con của vua Thiệu Trị] lo can ngăn những điều sai quấy của người kế vị. Cả ba vị trong Hội đồng phụ chính đều dâng sớ xin vua Tự Đức lược bỏ đoạn di chiếu không hay về Ưng Chân nhưng vua không đồng ý, cho rằng viết như thế là để cảnh tỉnh Ưng Chân.

Sau khi vua Tự Đức băng hà, Ưng Chân triệu tập quần thần ở điện Quang Minh, nói: “Vua là bậc đứng đầu trăm họ, phải là người có đạo đức đứng đầu, di chiếu của Tiên đế, vì lo cho trăm họ, nên có lời răn bảo nghiêm khắc như trên. Ngày nay việc nước khó khăn, quan hệ ngoại giao căng thẳng, nếu để lời di chiếu lan truyền thì quân Pháp sẽ tìm cớ gây rắc rối, mà các lân bang cũng xem thường, với tình hình như vậy, đình thần giải quyết ra sao?”, rồi đề nghị bỏ đoạn di chiếu trên.

Đình thần tâu: “Hội đồng phụ chính đã tâu xin bỏ nhưng Tiên đế không chịu”. Ưng Chân lại yêu cầu các quan suy nghĩ thêm để tìm cách “tránh hại cho việc nước”.

\n

Ngày làm lễ tấn tôn Ưng Chân lên ngai vàng, Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chiếu, đến đoạn văn trên thì không đọc, liền bị Tôn Thất Thuyết đàn hặc, phải dừng đọc. Tôn Thất Thuyết cử Tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại di chiếu, rồi kết tội Ưng Chân. Họ dâng biểu hạch tội lên cho Lưỡng cung là Thái hoàng thái hậu Từ Dũ và Hoàng thái hậu Lệ Thiên Anh, quy kết Ưng Chân ba tội: Muốn sửa di chiếu - Có đại tang mà mặc áo màu - Hư hỏng chơi bời.

Ba ngày sau lại thiết triều, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tuyên bố phế bỏ Ưng Chân theo lệnh của Lưỡng cung. Đình thần không ai dám nói gì, chỉ có quan ngự sử Phan Đình Phùng đứng lên phản đối, liền bị Tôn Thất Thuyết bắt giam, rồi cách chức đuổi về quê.

Ban đầu Ưng Chân bị giam ở Dục Đức Đường, về sau dời sang giam ở Thái Y Viện, rồi ngục thất phủ Thừa Thiên, đến tháng 10.1884 thì chết do bị bỏ đói. Do chưa kịp đặt niên hiệu, nên người đời sau đã lấy tên Dục Đức Đường, là nơi ở và cũng là nơi giam cầm ông, để gọi ông là vua Dục Đức.

Sau khi mất, thi hài của vua Dục Đức được gói trong một chiếc chiếu, do hai người lính và một viên quyền suất đội gánh đi chôn. Trên đường đi, chiếc “quan tài” bằng chiếu này bị đứt dây rơi xuống cạnh một khe nước cạn ở đầu làng An Cựu. Một người lính chạy vào chùa Tường Quang mời ni sư trụ trì ra xử lý vụ việc. Mọi người nhất trí chọn nơi chiếc quan tài rơi xuống làm nơi yên nghỉ của vua vì cho rằng đó là đất “thiên táng” và chôn cất qua loa cho xong chuyện. Ba ngày sau, vợ con của nhà vua mới được thông báo để làm lễ chịu tang. Nấm mộ đất cạnh khe nước cạn, lại không người chăm sóc nên nhanh chóng tàn lụi.

Mộ vua Dục Đức

Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Năm 1889, con trai của vua Dục Ðức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên làm vua, lấy niên hiệu là Thành Thái. Theo chỉ dẫn của những người am tường sự việc, vua Thành Thái đã tìm được nơi chôn cất thi hài của vua cha và cho xây dựng lăng mộ ngay tại mảnh đất “thiên táng” này. Lăng xây xong vào đầu năm 1890, đặt tên là An Lăng, nhưng chưa có điện thờ. Mọi nghi lễ thờ cúng vua Dục Ðức đều được tổ chức ở chùa Tường Quang cách đó 200 m. Năm 1899, vua Thành Thái cho xây thêm điện Long Ân bên phải lăng mộ để làm nơi thờ cúng vua Dục Đức, cùng các công trình phụ trợ. Sau khi bà Từ Minh [chính phi của vua Dục Ðức] tạ thế, triều đình mai táng thi hài của bà bên phải mộ vua Dục Ðức.

Năm 1892, vua Thành Thái truy tôn Dục Đức là Cung Tông Huệ hoàng đế. Tuy nhiên, do vua Dục Đức bị phế truất, nên linh vị của ông không được đưa vào thờ trong Thế Tổ Miếu ở Đại Nội Huế như các vị vua Nguyễn khác.

Tin liên quan

Trong các triều vua Việt, có những vị vua trị vì rất lâu như Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Tự Đức… Nhưng ở chiều ngược lại, có những vị vua chễm chệ trên bệ rồng chưa được bao lâu, thậm chí là rất ngắn ngủi, như trường hợp Lê Trung Tông thời Tiền Lê, Dục Đức thời Nguyễn, chỉ được ba ngày.

Lê Trung Tông, ngai vàng chưa ấm chỗ

Dẫu có tên trong danh sách các vị vua Việt, nhưng sự nghiệp của vua Lê Trung Tông với dân với nước, thật chẳng có gì để ghi lại. Xem trong Đại Việt sử ký toàn thư, cho biết vua vốn tên húy Long Việt, con thứ ba của vua Lê Đại Hành [Lê Hoàn], mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Một điểm được sử khen ở vua chính là về tính cách nhưng cũng là một nhược điểm của kẻ ở ngôi cao: “Tính nhân hậu nhưng không biết làm vua”.

Sử gia Ngô Sĩ Liên cho hay, vốn Long Việt chính là người được vua Lê Đại Hành để lại di chiếu nhường ngôi. Có nghĩa là vua lên ngôi đường đường chính chính đấy. Tuy nhiên, vì trước kia vua Lê Đại Hành dẫu có nhiều con trai, nhưng việc định ngôi Thái tử có điều không thuận, nên trước khi mất mới di chiếu lại tên tuổi kẻ kế vị. Có lẽ bởi thế, các con của ông không phục.

Việc này, trong Việt sử cương mục tiết yếu còn chép lại. Theo đó con trưởng của vua Đại Hành là Long Châu bị mất sớm. Con thứ là Long Tích đáng được lập, nhưng con thứ năm là Long Đĩnh [Lê Ngọa Triều sau này] xin làm thái tử, vua định cho. Tuy nhiên vì các quan trong triều can việc ấy trái lễ nên đành dừng. Mùa xuân năm Giáp Thìn [1004], vua Lê Đại Hành lập Nam Phong vương Long Việt làm Thái tử.

Đến khi vua mất tháng 3 năm Ất Tỵ [1005], các con của vua quá cố mạnh ai nấy nổi dậy tranh đoạt ngai vàng với nhau, như sách trên còn ghi: “Đông Thành vương Ngân Tích, Trung Quốc vương Long Kính, Khai Minh vương Long Đĩnh đều nổi loạn, Thái tử không được lên ngôi, kéo dài đến 8 tháng, trong nước không có chủ”. Cái việc anh em tranh đoạt ngôi vua sau khi cha chết, bị Đại Nam quốc sử diễn ca phê phán:

Đoàn con đích thứ tranh nhau,

Để cho cốt nhục thành cừu bởi ai?

Phải đến tháng 10 năm ấy, Long Việt mới lên ngôi được. Nhưng ngồi ngai vàng làm vua nhà Tiền Lê, Lê Trung Tông chưa kịp làm được việc gì cho xứng với chức phận thay trời hành đạo, thì đã bị em mình là Long Đĩnh sai kẻ ám hại.

Vua Lê Trung Tông bị ám sát. Tranh minh họa.

Việc Lê Trung Tông bị Lê Long Đĩnh giết diễn ra như thế nào? Theo Toàn thư ghi ta được biết: “Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông”. Sau này thời Pháp thuộc, khi viết sử nước Nam ta với cuốn Đại Nam quốc lược sử [Abrégé de l’Histoire d’Annam], Alfred Schreiner ghi thế này: “lại, qua ngày thứ ba sau khi lên ngôi, người bị mấy ông hoàng đó cho quân hoang giết đi. Trong truyện gọi là Lê Trung Tông”. Thực tế diễn ra, chính là theo lời Toàn thư đấy, mà Lê Long Đĩnh ở đây, là em một mẹ với Lê Trung Tông nữa. Thế mới thấy quyền lực, làm cho huynh đệ quên cả tình cốt nhục. Viết về việc này, Đại Nam quốc sử diễn ca còn để lại đôi câu nói về việc ám sát vua như sau:

Trung Tông vừa mới nối đời,

Cấm đình thoắt đã có người sính hung.

Dục Đức, phận làm vua hẩm hiu

Vốn vua Dục Đức không phải là con ruột của tiên quân Tự Đức, bởi vua Tự Đức không có con. Trong Nguyễn Phúc tộc thế phả khi viết về tiểu sử của vị vua ba ngày này, có cho biết chi tiết về gia thế của ông. Theo đó Dục Đức vốn tên Ưng Công, là con thứ hai của Thụy Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, mẹ là Đệ nhất phủ thiếp Trần Thị Nga. Vì vua Tự Đức không có con nên năm Ưng Công 17 tuổi được chọn làm dưỡng tử và đổi tên thành Ưng Chân. Ngoài Ưng Chân, vua còn có hai người con nuôi khác là Kiên Giang quận công Chánh Mông và Dưỡng Thiện.

Trở thành con nuôi của vua, năm Canh Ngọ [1870] vua cho xây Dục Đức đường để làm nơi cho Ưng Chân ở, học hành và chọn làm Hoàng trưởng tử. Sau này khi làm vua, ông được gọi là Dục Đức xuất phát từ nơi ở của mình.

Năm Quý Mùi [1883], vua Tự Đức ốm sắp mất, vấn đề người kế vị được đặt ra. Việt Nam sử lược cho hay rằng vua Tự Đức chọn Ưng Chân làm người kế vị, nhưng trong di chiếu cũng răn trước những thói xấu của Ưng Chân để biết mà tu tâm dưỡng tính. Di chiếu đó theo Nguyễn Phúc tộc thế phả ghi lại, có đoạn viết: “Đản vi hữu mục tật, bí nhi bất tuyên, cửu khủng bất minh, tình phả hiếu dâm diệc đại bất thiện, vị tất năng đương đại sự. Quốc hữu trưởng quân xã tắc chi phúc, xả thử hà dĩ tai” [Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây]. Lại để giúp vua mới, ba vị đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết được cử làm phụ chính đại thần. Hôm ấy nhằm ngày 14/6 năm Quý Mùi [1883]. Hai ngày sau vua Tự Đức băng.

Trước khi lễ tấn tôn được thực hiện một ngày, Ưng Chân họp quần thần ở điện Quang Minh đề nghị bỏ đoạn trên trong di chiếu, nhưng không được chấp thuận. Ngày 19/6 lễ tấn tôn được thực hiện, quan Trần Tiễn Thành đọc di chiếu nhưng đến đoạn trên thì đọc nhỏ lại, bị Tôn Thất Thuyết đàn hặc, cử Tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại. Còn vua Dục Đức thì bị kết ba tội và dâng lên Lưỡng cung [Từ Dũ Thái hoàng thái hậu và Lệ Thiên Anh hoàng hậu]: Muốn sửa di chiếu; Có đại tang mà mặc áo màu; Hư hỏng chơi bời.

An lăng của vua Dục Đức.

Ba ngày sau, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tuyên bố phế bỏ Dục Đức theo chiếu của Lưỡng cung. Vậy là Dục Đức ở ngôi mới được ba ngày, chưa kịp thể hiện uy quyền của kẻ ngôi cao, thì đã bị hạ bệ. Nhưng nghiệt hơn, phận ông rẽ theo nẻo khác. Sau khi bị phế, Lịch sử Việt Nam, quyển IV: Từ vua Tự Đức đến Quốc trưởng Bảo Đại 1949 có cho hay ông bị đưa về Dục Đức đường, không phải là đưa về nơi ở của mình, mà bị giam lại ở đó. Triều thần vì sợ uy quyền của Thuyết, Tường không dám ý kiến, chỉ có Ngự sử Phan Đình Phùng can ngăn “Tự quân chưa có tội gì, mà làm sự phế lập như thế, sao phải lẽ”. Nhưng lời quan Ngự sử nào bằng quan phụ chính, thế nên họ Phan bị bắt giam, cách chức rồi đuổi về quê.

Lại về phần Dụ Đức, dù trở về nơi ở của mình, nhưng đó giờ đây lại chính là nhà tù giam giữ ông. Sau Dục Đức bị đem sang giam tại Thái Y viện rồi đưa vào giam tại ngục thất phủ Thừa Thiên. Từng làm vua ba ngày nhưng bị hạch tội ngay từ buôi lên ngôi, giờ đây Dục Đức bị bỏ đói đến chết. Ngày ông mất, nhằm ngày 6/9 năm Giáp Thân [1884] khi tuổi mới 32. Biết làm vua phận hẩm như thế, hẳn Ưng Chân chẳng ham ngay từ đầu.

Video liên quan

Chủ Đề