Bị lịu trong miền nam gọi là gì năm 2024

Đó là thủa tui đang còn "sanh diên", lối những năm 1993-1997, điều kiện tiền bạc và tàu xe đi lại đâu có ngon lành như bận giờ. Hôm nào có tiền, họ "đốt" điện thoại (mà thủa đó vụ này tốn kém lắm à nghen) để nói lời tương tư, còn phần đa vẫn nắn nót mực tím mực xanh biên thơ từ rồi lọt tọt ra gửi bưu điện.

Nước chảy re re con cá he nó xòe đuôi phụng. Em có chồng rồi trong bụng anh vẫn còn thương.

Ca dao miền Nam

Anh chỉ thương chứ đâu có yêu tôi

Trong nhiều lá thơ, anh chàng cha sanh mẹ đẻ miền Tây Nam Bộ vẫn một hai "anh thương em, anh nhớ em", cô nàng Hà Nội cũng đáp trả bình thường. Tới một bận, chàng và nàng lấn cấn chuyện gì đó, mà hình như là chàng hết tiền tán điện thoại, nàng liền nổi sùng lên: "Tôi biết mà, anh chỉ thương chỉ tội tôi, chứ yêu thật lòng gì đâu". "Hổng phải nghen, anh thiệt bụng mà, anh thương em nhiều dữ lắm". "Đó, anh lại mới nói là chỉ thương tôi chứ đâu có yêu. Anh thật lòng đi, anh thương tôi kiểu gì? Bạn thương bè? Anh thương em hay cha thương con?".

Chút lấn cấn của cặp đôi nhỏ xíu như con cá lia thia, ai dè cứ ngày càng bự dần. Chàng trai miền Tây hụt chữ nghĩa để giải thích ngọn ngành lòng dạ cho cô người yêu miền ngoài "hạ cái bếp lò" giận hờn. Chuyện mẹ đẻ chuyện con dùng dằng như cọng dây thun suốt mấy tuần sau cô gái Hà Nội chịu làm hòa, chấp nhận... thương là yêu. Vậy mà thỉnh thoảng gặp cơn mưa sa gió lạnh, nàng vẫn cố chấp đem chuyện cũ ra dỗi "anh mới chỉ thương tôi chứ đâu có yêu".

Riêng cảnh nhà tui, quê cha đất mẹ đều xứ Bắc, nhưng hai người vào Sài Gòn từ nhỏ. Tui sanh thời trong này, dãi dọc nắng ruộng nước bưng miền Tây suốt 15 năm, nên thiệt bụng hiểu rõ anh chàng ăn rau nhút, cỏ chại mà trồng cây đa cô nàng mê rau muống, rau lang.

Dân trong này, nhứt là lứa cẳng trước cẳng sau đã thò thụt tuổi 50 như tụi tui, hay nói lời thương thay cho yêu. Mà thiệt, cái lời thương nghe suốt hằng ngày như tía má thương con, anh hai chị ba thương em út, thầy cô thương học trò, và người ta cũng xài luôn cho chuyện trai gái.

"Mày chắc chưa, có thương con nhỏ thiệt hông, để tía má qua thưa chuyện người lớn đàng hoàng?". "Dạ, con thương cổ thiệt mà, tía má qua thưa chuyện đi để tụi con đặng tiện bề đi lại". Đó là lời thương khi người lớn hỏi chuyện tình cảm con cái. Và trai gái cũng gởi trao đầy lời thương với nhau. "Anh thương Út thiệt hông, hay chỉ lợt lạt qua đàng ngày mốt ngày hai lại bỏ để khổ Út?". "Anh thương Út thiệt mà, hổng tin mình đốt nhang thề đi".

Tạm gác lời dân dã truyền miệng, mở chuyện xưa sách cũ cũng thấy "nhiều binh thiên" lời thương tác giả người miền Tây viết thay yêu. Ông cụ nhà văn Hồ Biểu Chánh, quê xứ nửa đồng nửa biển Gò Công, đã gây sóng gió văn đàn miền Nam bởi cả trăm tác phẩm ái tình cảm động đầy lời trai gái thương nhau. Sau này, đến các tác giả nghiêm cẩn hơn như lão gia Vương Hồng Sển, sanh thời miệt Sóc Trăng, khi đến đoạn phong tình cổ lục cũng quen kể lời thương thay vì yêu như miền ngoài.

Tình thiệt tui hổng phải nhà ngôn ngữ học, chỉ biết rỉnh rảng ba điều bốn chuyện trên bước đường nghề nghiệp viết lách, nên kể lại lấy vui lạ làm chính, chớ hổng dám bàn sâu chuyện này. Nhưng đôi bận tui cũng từng nghe có người nói rằng trong quan hệ trai gái, lời thương có khi sâu đậm hơn yêu. Ai đó nói "anh thương em" nghĩa là tình này sâu đậm dữ thần rồi nghen, hổng chừng "trời gầm" cũng không chịu nhả.

Chuyện lợt lạt hay đậm sâu này trúng - trật cỡ nào chắc chỉ người trong cuộc là rành rẽ nhứt, mắt kẻ ngoài ngó vô sao hiểu đặng ruột gan. Tuy nhiên, thủa còn ngày ngày lội bưng ở miền Tây, tui vẫn nhớ lời thương thiên hạ xài cũng ba đường bảy lối.

Bạn bè đi tát đìa, cấy lúa, vui vẻ hỏi nhau: "Tình thiệt đi, mày thương con nhỏ đó dữ thần rồi phải hông? Liệu bề mà thưa tía má hỏi cưới lẹ lẹ, cứ lình sình để đó có ngày thằng khác hốt mất, rồi đứt ruột bể gan mà dọng thuốc rầy tự tử à nghen". Đó là chuyện tình đã sâu đậm. Còn khi nghi ngờ chuyện gái trai lợt lạt, thương thích chưa "chín muồi", miệt quê bưng biền tui cũng từng nghe những câu rất ngộ: "Cưng thương tui thiệt hông hay mới chỉ lé mé?".

Trời đất, đã thương sao còn "thương lé mé"? Mà thiệt, người miền trong này hay nói lé mé, lé đé như dân miền ngoài nói xấp xỉ. Tháng 7 âm lịch, mùa nước nổi đổ về miền Tây, tùy độ dâng mà có lúc người ta gọi là nước nhảy đồng, nước giựt ruộng, nước lé mé gần tràn bờ. Hổng biết có phải khi buông lời này với tình nhân, người con trai hay cô con gái vẫn còn chút nghi ngờ tình cảm của nửa kia chưa đủ tràn đầy như nước tràn đồng?

Bị lịu trong miền nam gọi là gì năm 2024

Rất nhiều chuyện vui miệng, lạ tai được "sanh ra" trên chiếu nhậu miền Tây - Ảnh: Q.VIỆT

Thương gì mà "thương trời gầm, thương bắt xác"

Quanh năm dãi nắng ruộng lội nước bưng, người miền Tây hay có những lời ăn tiếng nói như có hương lúa vị phèn, dù thiệt bụng là rất sâu đậm. Chỉ mỗi lời thương mà ghép được cả mớ từ ngộ miệng lạ tai. "Tui ngó chừng thằng hai bên ông thương nhỏ út nhà tui trời gầm không nhả rồi". "Dữ thần thiên địa hông, mày thương nó gì mà thương quá trời thần dzậy?".

Ai có ở đồng bưng mông quạnh mới hiểu rõ "trời gầm" là cái giống gì. Khi trời đất chuyển cơn mưa gió, sấm sét đùng đùng thì dân dã gọi là "trời gầm". Mà cái thời khó, chưa ăn xong bữa này đã phải lo bữa sau, trăm nhà gần như một toàn mái lá vách đất, cột thu lôi không có thì sấm sét là chuyện kinh khủng dữ . Mùa mưa năm nào ông thiên lôi không hốt một mớ mạng. Vậy mà "tụi nó thương nhau trời gầm không nhả", tức là chết cũng không buông tay nhau, có phải thương quá trời thần hông?...

Nghĩ lại thiệt ngộ, giờ ngồi nhắc chuyện năm cũ ở bưng, tui còn nhớ mấy cha xóm mình hay lêu bêu nhậu nhẹt, khoái lấy chuyện trai gái thiên hạ ra làm mồi chà lết uống rượu với những lời lẽ mà người xứ khác chắc phải trợn tròn mắt. "Tao chắc như bắp tụi nó dính nhau rồi. Nhìn cái mòi là biết thương bắt xác luôn". Tình thiệt, ngay cả người miền Tây mà ở miệt khác cũng chưa chắc đã hiểu hết câu này. Thương yêu cái giống gì mà phải "thương bắt xác".

Sau này lớn thêm một chút, tui hiểu mấy "chai rượu nhân dân" này chơn chất mà vô duyên đưa hình ảnh "chơi đến chết" của đám gà đá vào chuyện nghĩa tình trai gái gắn bó keo sơn. Có người nói lời vậy là hơi tệ, nhưng cũng có người nói ý hay. Trúng - trật chưa dám nói, nhưng tui nhớ quê mình lâu lâu lại lùm xùm chuyện anh này cô nọ cùng bợ chai thuốc rầy tự tử vì tình duyên ngang trái, tỉ như giờ dắt nhau nhảy cầu.

Sau này, mần nghề phải đi tứ xứ, nhiều khi tui vẫn quen xài lời ăn tiếng nói miệt nước sông gạo chợ làm cho bạn bè miền ngoài mắt tròn mắt dẹt "mày nói cái gì khó hiểu quá". Cái từ "lé mé, lé đé" chỉ là một trong "quá xá binh thiên" những lời lúa ruộng cỏ bưng. Tỏ ý không đề cao ai đó, tỉ như ông già cô gái chê thằng bồ của nó không bảnh thì nói quơ "cái đồ lóc cóc leng keng".

Chưa có dịp hỏi các nhà ngôn ngữ học mấy từ này nên hiểu sao cho đặng, nhưng thủa tui còn nhỏ ở bưng nghèo mỗi lần được nghe tiếng lóc cóc leng keng là vui tưng bừng banh nhà lồng. Tía má ơi, ông bán cà lem đến rồi. Mà ông bán cà lem nào không nghèo xác, ít nhứt là nếu chỉ nhìn qua cái xe đạp tàn tạ và cái chuông leng keng cũ kỹ, mốc meo. Vậy mới hiểu ông già cô gái có vẻ nói trỏng mà ý sâu cay như trái ớt là cái thằng cua con gái mình nghèo như... cha bán cà lem dạo!

***************

Chục gì mà "chục ngoài", xị gì mà "xị mốt xị hai"? Dù thời đại mạng xã hội này đã làm lời lẽ ngày càng đại chúng, gần nhau, giống nhau hơn nhưng nhiều người miền Tây vẫn còn lời ăn tiếng nói ngồ ngộ, vui tai...