Ca sĩ hồng nhung khéo léo là ai?

Hồng Nhung của hơn 15 năm trước vô cùng trong trẻo và tinh tế. Cái tinh tế của Hồng Nhung đã làm thổn thức một thế hệ nghe nhạc. Vậy còn Nhung của ngày hôm nay?

Có người gọi Hồng Nhung là "bà cô" trong âm nhạc. Lúc nào cũng chỉn chu, kỹ càng và hướng mọi thứ thật hoàn hảo.

Người ta cũng cho rằng, sự kỹ càng ấy lấn sang cả phong cách sống. Đến mức, nếu Hồng Nhung "lên bàn đẻ" cũng phải đẹp.

Lời ăn tiếng nói thì cân nhắc từng chữ, thậm chí cả rào trước đón sau, đố mà ai bắt lỗi. Tất thảy những điều đó đã mang đến cho Hồng Nhung một phong cách, đúng hơn là một kiểu cách mà nghĩ đến Hồng Nhung, bạn đã nghĩ đến điều gì.

Có thể, bạn thường nhìn vào Hồng Nhung ở sự khéo léo, "khéo léo", đôi khi, "khéo quá chịu không nổi". Nhưng cái vật báu mà Hồng Nhung sở hữu, đi vào phong cách một thời và toát ra giọng hát, đó chính là sự tinh tế.

Sở hữu sự tinh tế ấy, dù trong ứng xử, chị có quá khéo léo, bạn vẫn thấy dễ thương, dễ chịu. Và Hồng Nhung của hôm nay vẫn chỉn chu, vẫn kỹ càng, vẫn khéo léo như thế, thậm chí là hơn thế. Nhưng sự tinh tế thì "đã khác xưa theo".

Ca sĩ Hồng Nhung thời răng khểnh.

Đâu rồi nụ cười đánh thức sân khấu?

Nhung của ngày ấy, những chiếc răng khểnh chỉ chờ "khoe vũ khí" mỗi lần Nhung cười. Nhiều người gọi, đó là nụ cười đánh thức sân khấu.

Cái nụ cười cần thấy sau nhiều thập kỷ sân khấu nặng nề với những giai điệu buồn, khán giả cần một sự trong sáng thật sự, một sự tươi mới thật sự.

Thế hệ chúng tôi vẫn nguyên cái ấn tượng chờ đợi mỗi lần Nhung xuất hiện với "Em đâu có biết, lúc mặt trời sinh ra. Mặt trời là nước mắt, suốt một đời mẹ cha". Rất tự nhiên, trong trẻo. Bài hát trong trẻo. Nụ cười cũng trong trẻo.

Có thể nói, Hồng Nhung là nốt nhạc trong trẻo nhất trong thế giới nhạc Việt thập niên 90, đầu 2000. Chẳng cần sở hữu một giọng hát quá khủng. Chẳng cần sở hữu một nhan sắc quá mặn mà và những vũ điệu rườm rà. Nhung cứ thế, tinh tế, giản dị đã thành một điểm sáng kim cương của sân khấu ca nhạc một thời điểm.

Dù đứng trên đỉnh cao, nhưng Hồng Nhung rất kỹ càng với những sản phẩm tung ra thị trường. Không giống như các ca sĩ khác, tranh thủ thời cơ thì "đẻ đĩa", ngược lại, Nhung thật ít và thật chỉn chu. Nhưng cái nào ra tấm ra món cái đó.

Nhung kỹ càng từ chuyên đề của CD, cách chọn bài, cách hoà âm phối khí đến việc nắm hơi thở của người nghe trong từng thời điểm, để cho ra đời một sản phẩm hoàn hảo nhất.

Giai đoạn 1996 – 1998 là thời điểm khán giả cả nước phát sốt mỗi lần nghe Nhung hát về Hà Nội. Nhung đánh thức những tâm hồn thổn thức bởi "Dù có đi bốn phương trời. Lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu…"

Chị ra CD "Đoản khúc mùa Thu Hà Nội" với 10 ca khúc về Hà Nội. Giọng nói, cách hiểu, cách yêu Hà Nội của Hồng Nhung thấm vào từng giai điệu khi chuyển tải, CD này thực sự là sản phẩm "Hà Nội nhất" trong tất cả những sản phẩm âm nhạc về Hà Nội.

Giọng Nhung sáng, thêm cái da diết ẩn mình phía sau sự tinh tế của một người con xa xứ hát về quê hương, khiến CD thêm độ sâu.

Dù không nắm con số chính xác, nhưng chị Thanh Thuỷ, người hợp tác cùng Hồng Nhung trong dự án này cho biết, đây là CD bán "khủng" nhất nhiều giai đoạn và đến nay, vẫn là một CD bán chạy.

"Bài hát ru cho anh", CD những ca khúc Dương Thụ, làm sâu và đẹp thêm tiếng hát của Hồng Nhung, nhưng cũng công bằng mà nói, từ giọng hát Hồng Nhung ở CD này, đã mang lại tiếng tăm cho nhạc sĩ Dương Thụ.

Những ca khúc nhẹ nhàng, sâu sắc nhưng trong trẻo, qua giọng hát của Hồng Nhung vẫn luôn là một tác phẩm tuyệt đẹp trong làng nhạc, trong "Bài hát ru cho anh".

Một dòng suối trong, là CD "Chợt nghe em hát", không một ai yêu nhạc thập niên 90 là không yêu mến và thèm khát CD này. CD đầu tiên của Hồng Nhung, trong như không thể trong hơn, đẹp như không thể đẹp hơn.

Đĩa nhạc này khẳng định một tiếng hát tinh tế nhất làng nhạc đã được định hình. Sự tinh tế toả ra mọi thứ, nhất là nét cười từ bộ răng khểnh đáng yêu.

Nét cười ấy là nét cười được chờ đợi mỗi lần Hồng Nhung ra sân khấu. Đến mức, trong chương trình "Lênh đênh biển", dù thời điểm này Thanh Lam làm mưa làm gió với "Hoa sữa", nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn mời Hồng Nhung hát.

Hồng Nhung váy trắng, đứng trên gác lửng của nhà hát lớn nhả từng chữ: "Em vẫn từng đợi anh, như hoa từng đợi nắng", và toả nắng với nụ cười ấy, đã đánh gục trái tim bao khán giả trong chương trình.

Thời gian trôi đi. Nét cười đó cũng biến mất cùng với bộ răng khểnh. Sự trong trẻo cũng mất dần trong phong thái và sự tinh tế cũng vơi dần trong giọng hát. Đến mức, những người say đắm giọng hát chị, đã không còn nhận ra một Hồng Nhung của năm xưa.

Giọng hát nào theo thời gian cũng phôi pha, nhưng cái hồn của giọng hát còn ở lại hay không đều do cái thần thái hiếm có của người nghệ sĩ ấy có còn được giữ lại hay không.

Xưa, có những lúc Nhung kéo dài trường độ của nốt nhạc, tự dưng ca khúc được sống một cuộc sống khác, đẹp hơn, dễ chịu và tinh tế hơn. Nay, cũng sự kéo dài ấy "Ru mãi ngàn năm… năm …ăm …ăm…" nghe sao thật khác. Không còn tự nhiên nữa.

Và Hồng Nhung của ngày hôm nay.

Vai mang đầu đội đến khổ sở

Vẫn với sự chắc chắn và muốn mọi thứ phải hoàn thiện, càng về sau, Hồng Nhung càng kén ra album. "Ngày không mưa" là CD Nhung mở lòng ra nhiều hơn với những điều mới mẻ của thời điểm ấy. Nhung hát nhạc đương đại hơn, chấp nhận những sáng tạo trong hoà âm.

Và rồi sau đó, Nhung chìm vào "Khu vườn yên tĩnh" trong cuộc sống của mình. Không phải là "về hưu" trong sự nghiệp, mà chọn cho mình một không gian bao bọc lấy bản thân, giữa đời sống xô bồ và lộn xộn của âm nhạc các thời điểm sau đó.

Chị tập yoga để giữ mãi tuổi xuân. Hàm răng thay đổi, không còn những chiếc răng khểnh. Nụ cười xưa khác là điều chắc chắn. Cái làn hơi phát ra từ những âm điệu khi nói và khi hát cũng khác xưa nhiều.

Nhung trầm hơn trong cuộc sống. Không chọn kinh doanh hay bất cứ công việc gì khác khi qua thời đỉnh cao, mà về chăm chút không gian sống, với căn nhà, với khu vườn của mình. Và yêu theo cách của chị.

Căn nhà Hồng Nhung được thiết kế theo lối Bắc, từ bàn tay của nhạc sĩ Dương Thụ. Cây cối trong vườn cũng đưa về từ phương Bắc, gợi một phương Bắc yên tĩnh như cây liễu đỏ bên hồ cá, cây chuối cuối vườn, cây đại cau, giàn Dạ lý hương và cây hoa leo màu ngói đỏ.

Trong ngôi nhà ấy, cuộc sống của chị vẫn kín. Kín như từ xưa đến nay ít khi chị nói cho ai biết. Chẳng hiểu có phải cái tĩnh này đã làm mất đi một Hồng Nhung trong trẻo của ngày xưa hay không, nhưng thực sự, chính sự tĩnh này, đã làm cho chị xưa chỉn chu một thì nay lại chỉn chu mười.

Cô Bống nhỏ bé, tóc thẳng, váy áo giản dị khiến khán giả yêu như không thể yêu hơn trên sâu khấu, cũng đã không còn.

Thay vào đó là quần áo nhiều ren, lua rua, mang nhiều phụ kiện và đặc biệt là trên đầu luôn có hoa có lá.

Dĩ nhiên, Hồng Nhung chọn mặt gửi vàng cho một nhà thiết kế người Pháp Mckenzie, một người phát triển thời trang tại thị trường Việt Nam. Người này có nhiệm vụ làm cho Hồng Nhung cao hơn, rực rỡ hơn trên sân khấu, thay vì nhỏ nhắn như năm nào.

Và từ đó, rất dễ nhận thấy, cứ mỗi lần Hồng Nhung lên sân khấu là y như rằng, cứ "vai mang đầu đội" đến…khổ sở. Một Hồng Nhung giản dị xưa đã được thay bởi một con người rực rỡ như hội hè.

Không làm sao giữ lại

Việc một hình ảnh, một giọng hát khác đi, cũng là lẽ tất yếu, và còn tuỳ vào cảm nhận của mỗi người nữa. Ai yêu sự giản dị, sùng bái sự tinh tế thì yêu dáng Nhung xưa. Ngược lại, ai muốn hiện đại, muốn sống động thì sẽ mê Nhung của ngày hôm nay.

Như tôi, vẫn để những CD ngày xưa của Hồng Nhung ở một góc trang trọng nhất trong kệ đĩa của mình. Khi cần sống lại kỷ niệm của mình những ngày cũ, thì lại cho vào máy chiếc đĩa "Bài hát ru cho anh", để nghe "Ô cửa sổ mùa Đông" trong sự viễn vọng về miền Bắc khi mùa Đông sắp về.

Không phải chỉ nghe một ca sĩ, một giọng hát, mà hướng tâm hồn mình vào một sự tinh tế có thật, thứ mà con người trong cuộc sống hiện đại đang ngày càng thiếu đi. Thứ mà có lẽ, ngay cả người để lại dấu ấn ấy, cũng đã thiếu.

Mỗi lần cầm CD này, tôi thường nói với mình: Hãy trả về cho tôi Hồng Nhung của hơn 15 năm trước.

Nhưng biết sao được, như cái kết ca khúc Ô cửa sổ mùa Đông, "tan cơn mơ và Nhung thật xa, không làm sao giữ lại…"

*Bài viết thể hiện trải nghiệm và quan điểm của tác giả

Theo Trí thức trẻ

Tự bạch...

Mỗi người sinh ra có cái duyên riêng với đời. Tôi nghiệm hình như mình có duyên với những...câu hỏi!

Ngày nào tôi cũng có những câu hỏi để trả lời. Từ: "Em trông giống Hồng Nhung quá, có phải không?"; "Hồng Nhung đấy à? Trên ti vi thấy to cao hơn nhiều cơ mà?"; "Sao lại nhổ răng khểnh thế? Răng duyên mà?..." đến: "Chị có buồn không trước tình hình ca nhạc eo xèo hiện nay?"; "Bây giờ ca sĩ mới mọc lên, chị có lo ngại không cho vị trí của mình?"; "Những dự án mới trong năm nay là gì?"...

Và những ngày gần nhất là câu hỏi của những người trong gia đình tôi, của bạn bè, đồng nghiệp, những người hâm mộ, những người không hâm mộ, nói chung là từ trong nhà ra ngoài ngõ: "Bao giờ thì sinh con vậy Nhung ơi?".

Tới đấy, bạn đừng cho rằng tôi đang than phiền vì chuyện "bị hỏi" hoặc bị "stress" vì nỗi không phải lúc nào cũng trả lời được mỗi câu hỏi một cách đầy đủ, trọn vẹn và thích đáng.

Thú thật thì mặc dù đã khá chuyên nghiệp trong việc "trả lời", cũng có những khi không khỏi bối rối trước những câu hỏi có tính sáng tạo gây ngạc nhiên tuyệt đối. [Ví dụ: "Chị chẳng có xì căng đan gì cả, ứng xử khéo thế, chắc là giả dối?"; "Dạ, vậy tôi phải già như thế nào cho đúng tuổi ạ?"...Xét cho cùng, dù câu hỏi là thuộc một thể loại nào, do yêu mến hay không yêu mến, có thiện ý hay có ý tưởng gây "sốc", thì cũng đều bắt người từ sự quan tâm! Khi một người nổi tiếng không còn được quan tâm nữa thì chắc là không còn nổi tiếng.

Chẳng thế mà để gặt hái được sự quan tâm, nhiều ca sĩ diễn viên đầu tư lớn vào công cuộc tạo dựng hình ảnh nóng kiểu "hot girl, hot boy", hay từ các tin tự đồn...Có người thì "cao cấp" hơn, khi sử dụng các uy tín ổn định để làm đòn bẩy cho sự thăng hoa của các ngôi sao đầy hứa hẹn.

Tỉ như có nhạc sỹ lên thông tin đại chúng so sánh một cách đầy thuyết phục giữa các diva và cô ca sĩ chân dài anh đang lăng xê, để thấy cô này có cái giá trị mà các cô diva kia có phấn đấu đến đâu cũng chẳng bao giờ đạt được. Câu hỏi là: Các chị nghe thấy có tủi không? Chắc cũng hơi hơi vì anh này nói đúng!

Cũng có một nguồn câu hỏi phổ biến nữa khi thắc mắc [câu hỏi này thường để cho chung các phụ nữ được xem là thành đạt và nổi tiếng]: "Đã có sự nghiệp, đã thành công, lại xinh xắn, duyên dáng...các chị còn muốn đạt được điều gì trong cuộc sống nữa?" Ai cũng chỉ cười mủm mỉm, nhưng trong lòng chắc thầm bảo: "Muốn gì tự nhiên nói ra làm gì?"

Mỗi ngày, khi tôi ngồi xuống, chân khoanh thế tòa sen, bắt đầu buổi tập yoga của mình, những câu hỏi chạy xung quanh đầu tôi, mới đầu như những vệ tinh quanh trái đất, rồi nhanh dần như những vòng ánh sáng, sau xa ra, chỉ để lại âm thanh khe khẽ như tiếng gió. Lúc đó là lúc mà câu hỏi của chính tôi đứng yên như là trục của sự thăng bằng: "Vậy thì tôi có hạnh phúc không?"

Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta...

Ngày trước, cứ mỗi khi gặp chuyện gì bí lắm, ấm ức mà không biết làm thế nào, như là bị oan ở trên báo chẳng hạn, tôi sẽ gọi điện cho anh Sơn để than. Ấy là biết sẽ được nghe giọng của anh hát luôn trong điện thoại, giọng khoan thai nhưng rành rọt, mà rõ là còn vừa cười vừa hát nữa: "Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta!".

Mỗi việc mình làm đều có thể được phiên dịch ra theo những cách khác nhau ở trong đời. Nếu ta vô tư bỗ bã với đời thì sẽ bị lên án là vô văn hóa, thô bỉ; Còn cẩn trọng, lịch sự thì bị suy ra là khéo qúa...Người nổi tiếng vì thế cứ ra đường là sợ! Biết làm thế nào cho vừa lòng trăm họ.

Gần đây, có chuyện mới. Tôi được lên báo đài nhiều để trả lời câu hỏi tại sao trông trẻ rất trẻ khỏe. Tôi trả lời là nhờ yoga. Ra đường, lên sân khấu hưng phấn hẳn vì ai ai khen xinh thế, trẻ thế...! Tôi bắt đầu lên đến tầng khí mỏng vì những lời khen thì lại bị "phản hồi" liền: "Chị trẻ qúa, không phù hợp với lứa tuổi!". Rơi bịch xuống mặt đất, giận ghê cơ, tôi phân bua như bị điều oan uổng.

Vậy tôi sẽ phải như ai mới đạt được tiêu chuẩn "phù hợp"? Có cần phải "giấu" bớt đi một ít năng lượng cho "đúng tuổi"? Mà tôi bao nhiêu tuổi nhỉ?...Song, nghĩ lại thấy, có hơn không, nếu bị chê là cô này già trước tuổi, yếu đuối qúa, mặt thì đầy nếp nhăn...? Bố tôi bảo tôi lúc 10 tuổi rẳng đã nhận tấm huấn chương thì phải biết nhận cả hai mặt của nó. Sau này, "tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta", tôi hiểu thêm rằng giá trị của mình không phải là giá trị của tổng cộng những huân chương!

Nhà báo hỏi tôi có sợ không cho một ngày không còn nổi tiếng. Có ai đã xem những bộ phim về ngày về vườn của những cô đào hát, hay vở kịch về cái "ngày tàn của bạo chúa"?. Kinh nhỉ! Nhà báo cũng có hỏi tôi có sợ bị quên. Mọi chuyện dù có gây chấn động đến đâu thì tôi nghĩ ở xứ mình người ta cũng sẽ nhanh chóng quên đi, để còn dành bộ nhớ cho chuyện mới. Ví như cái ao đầy bèo, có ném hòn sỏi lớn bé gì xuống thì khoảng nước bị vỡ ra sẽ nhanh chóng phủ bèo lại. Chỉ có thiên tài ở lại mãi trong trí nhớ của mọi người mà thôi.

Mà tôi thì không phải là thiên tài. Nhà báo cũng suy diễn rằng tôi đã khôn ngoan chuẩn bị trước cho mình một đời sống ấm no, một thế giới riêng trong chính ngôi nhà của mình để lùi về an toàn khi một ngày bị lãng quên. Nếu đúng vậy thì tôi phát hiện ra mình khôn sớm qúa, từ bé luôn, bởi tôi đã biết vun vén cho chốn riêng ấm cúng của mình, bắt đầu từ chiếc giường trải chiếu hoa bên khung cửa sổ song gỗ ở ngôi nhà tôi được sinh ra ở số 11 đường Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Với tôi đời sống trong ngôi nhà của mình là chính mình, với quan niệm nôm na là "người làm sao của chiêm bao làm vậy". Tôi giống như con chim mỗi ngày tha một cọng rơm về tổ, không ngừng. Với âm nhạc cũng vậy. Tôi có nhu cầu sống với sáng tạo và cả thử thách cho chính mình. Như thế mỗi ngày sống mới thú vị và càng hưng phấn đón những ngày đang tới.

Mỗi người chỉ có bao nhiêu ngày ấy để sống, tôi chọn sống vui với những gì mình đang có hôm nay, tạm hoãn chưa vội lo sợ trước cho chương cuối của cuộc đời!

Hành trình của những câu hỏi

Tôi thích chuyện hoàng tử bé và thích cho mình là phiên bản nữ của hoàng tử bé, nhạy cảm như là cô công chúa và hạt đậu, với "những gót chân trần em quên, em quên...", ngày mỗi ngày, đi qua cuộc phiêu lưu của riêng mình, để thấy thế giới, để tìm câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng của hành trình các câu hỏi.

Có lúc thấy mình rất khôn, có lúc giật mình thấy mình sao mà ngu tệ! Điều đáng mừng là trên con đường ngao du, tôi gặp những con người mà nhờ có họ, tôi trưởng thành với tình cảm yêu thương, với niềm tin, niềm khích lệ. Họ trở thành những người thầy, người bạn. Họ chỉ dạy và hướng dẫn cho tôi biết cái đẹp, cảm thấy cái đẹp và tạo ra cái đẹp.

Tôi có một gia đình tuy không đông đúc, nhưng gần gũi, dạy cho tôi biết giữ gìn và tự hào về những giá trị văn hóa là nguồn gốc của tổ tiên, của nơi tôi được sinh ra. Lớn lên, tôi lại được Trời ban cho một bà dì ghẻ "bánh đúc có xương", để chúng tôi suốt ngày tíu tít như chim, vừa thân như ruột thịt, vừa thân như bạn gái.

Hành trình của tôi bắt đầu từ những ngày thơ dại, khi niềm vui bắt nguồn từ những nốt nhạc còn ngây ngô. Năm 10 tuổi tôi được lên sân khấu. Đi mãi mới ra tới giữa, tôi dừng lại, nhìn khán giả rồi loay hoay vén vạt váy ngắn lên để kiểm tra xem tất cả trang phục đã chỉnh tề chưa...Tất nhiên là cả rạp hát đầy khán giả nhí được trận cười rôm rả.

Có bao nhiêu tiếng cười và bao nhiêu giọt nước mắt? Có những người bạn và có những mối tình? Có những miền nào bước chân trần nhỏ bé của tôi đã đi qua? Tất cả được sắp xếp lại như hành trình của những câu hỏi trong chương trình nhạc mang tên My Dream [Giấc mơ tôi] mà tôi đang thực hiện với nhạc sỹ Quốc Trung và các nhạc sỹ bạn bè. Đã gần 2 năm rồi [lâu hơn tôi xây nhà]. Tất nhiên, đến đây câu hỏi sẽ là: "Thế bao giờ ra mắt?" Xin đợi tôi ngồi thiền trước rồi sẽ xin được trả lời là tôi cũng ước gì biết được câu trả lời chính xác.

Xin cũng đừng vội kết luận là tôi đang dồn trách nhiệm lên "đôi vai gầy guộc nhỏ" của nhạc sỹ bạn tôi - Quốc Trung. Có điều tôi chắc được ấy là những gì chúng tôi đã thu thanh nghe lạ ghê lắm, đã dần hình thành câu chuyệ chân thật được kể với ngôn ngữ đời thường, giản dị và hài hước..., bằng âm nhạc không giản dị lại càng không hài hước...nhạc điện tử [electronic]!

Mỗi bài hát sẽ kể về một cuộc phiêu lưu lúc thì êm như hơi thở, lúc hối hả như dòng xe cộ trên phố đông người...chẳng giống với những gì tôi đã từng hát. Tất cả chạy quanh tôi như những vệ tinh quanh trái đất, rồi nhanh dần như những vòng ánh sáng...mong đi đến cuối cùng để trả lời câu hỏi của chính tôi đứng yên như là trục của sự thăng bằng: "Vậy thì tôi có hạnh phúc không?"

Hạnh phúc là một từ lớn lao, biết định nghĩa thế nào cho chính xác? Nhà báo hỏi tôi. Tôi chịu! [Đây là cách trả lời an toàn nhất tôi học được của con một người bạn. Nguyên bản là "Cháu chịu!"]. "Phân toách" làm gì, khi mà ta có thể cảm nhận sự êm ái, nhẹ nhàng của mỗi ngày sống bình dị này.

Vậy thì tôi có hạnh phúc không?

...Tôi thích dậy sớm. Ở khu nhà tôi yên tĩnh lẵm, chỉ nghe tiếng chim sẻ liu chiu gọi nhau xuống bãi cỏ. Tôi sẽ ra khỏi phòng ngủ nhỏ để bước ra ban công lớn, nơi lung linh ánh nắng phản chiếu từ mặt nước hồ cá bên dưới. Tôi thích bắt đầu ngày mới một cách từ từ..

Những chuyện lần đầu tiết lộ

Biết về Nhung trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng nhiều, rằng Nhung khéo léo và thông minh trong cách trả lời và ứng xử.

Thế nhưng, đến khi chính tôi được phân công viết bài về Hồng Nhung, tôi thật sự lo lắng vì không biết mình sẽ bắt đầu bằng điều gì đây? Vì xem ra, người ta biết về Nhung nhiều đến nỗi, khó mà khai thác thêm điều gì mới…

Tuổi thơ

Năm 10 tuổi, Hồng Nhung lần đầu lên sân khấu, lần đầu được mặc váy [hồi đó ở Hà Nội, các em gái mặc quần áo nhiều hơn] và rất hồi hộp. Khi ra giữa sân khấu, Hồng Nhung lo lắng kéo váy lên, cúi xuống nhìn xem đã chỉnh tề chưa… khiến cả rạp hát cười ồ.

Năm 11 tuổi, Nhung được tới thu thanh bài hát đầu tiên cho Đài Tiếng nói Việt Nam với bài “Lời chào của em” là kỷ niệm không bao giờ phai trong miền ký ức tươi xanh của Nhung. Bài hát được lưu giữ đến bây giờ, thỉnh thoảng cả nhà mở nghe lại, cười vỡ bụng vì cái giọng hát lanh lảnh đầy tự tin, và hình như có cả hơi đanh đá.

Năm 14 tuổi, đi biểu diễn ở nước ngoài lần đầu tiên, Hồng Nhung là một trong năm đại diện thiếu nhi xuất sắc của Hà Nội. Bố và mẹ ở riêng từ khi Hồng Nhung còn rất nhỏ nên có lẽ điều mà Hồng Nhung không có được trong kho tàng ký ức của mình là kỷ niệm về một gia đình hạnh phúc có đầy đủ bố mẹ. Nhưng bù lại, tuổi thơ của Hồng Nhung đầy ắp ước mơ, những kỷ niệm thân thiết với bạn bè, các thầy cô giáo, sân khấu và những chuyến lưu diễn để đời.

Hồng Nhung đi nhiều, hát nhiều và mang nhiều niềm vui nhỏ bé đến với các bạn đồng lứa, nhưng ít ai biết, trong sâu thẳm, Hồng Nhung lúc nào cũng ôm ấp trong mình giấc mơ được yêu thương như là tâm sự trong bài hát “My Dream” mà sau này Hồng Nhung sáng tác [2005].

Lập nghiệp

Rời Hà Nội vào TP.HCM trở thành một quyết định lớn trong cuộc đời Hồng Nhung, dù bắt nguồn từ lý do ban đầu là chỉ muốn được chăm sóc và gần gũi với người cha. Đã là con chim họa mi cưng của Hà thành, sự ra đi của Hồng Nhung không ít người đặt câu hỏi. Trịnh Công Sơn đã viết trong một bài hát: “Bống vội vàng đi, xa lìa quê nhà, xa lìa vườn xưa”… Tại sao lại ra đi? Có phải con đường đi tìm giấc mơ mới chỉ bắt đầu? Dù giấc mơ còn trong “vô thường” nhưng có vẻ như cuộc đời lại dành cho Hồng Nhung những ưu đãi trong sự nghiệp âm nhạc của mình, khi cô được hợp tác với những nhạc sĩ chuyên nghiệp từ rất sớm: năm 15 tuổi, với nhạc sĩ Dương Thụ; năm 17, với nhạc sĩ Quang Vinh. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thay đổi cuộc đời âm nhạc của Hồng Nhung.

Làm đẹp

Gặp Hồng Nhung ngoài đời, không thể hình dung được một cô ca sĩ có vóc dáng nhỏ nhắn lại nhiều nội lực đến thế. Hông Nhung kể lại, năm 17 tuổi, Hồng Nhung cân nặng chỉ 38 kg, nên bố cô hay đùa: “Người ta 17 bẻ gãy sừng trâu, còn con chắc chỉ bẻ được sừng… con gián”. Có người bảo Hồng Nhung trẻ hẳn ra vì hàm răng thẳng và trắng, trong khi có người thì lại “tiếc” fhai chiếc răng khểnh vốn đã trở thành hình ảnh “độc quyền” của Hồng Nhung. Đã trải qua 2 năm 2 tháng mang niềng răng vừa bất tiện vừa đau lắm, giờ Hồng Nhung rất vui vì kết quả khả quan. Cô cho rằng, duyên là từ con người, có duyên thật thì không có “răng duyên” vẫn duyên!

Hồng Nhung có quan điểm làm đẹp rất truyền thống: trung thành với mái tóc đen và rất ít khi đến Spa chăm sóc sắc đẹp bởi cô tin vào vẻ đẹp tự nhiên. Nhiều khán giả cho rằng một trong những lý do Hồng Nhung luôn xuất hiện trẻ trung và đẹp là bởi vì cô là người có gu ăn mặc. Khi được hỏi về thời trang, Hồng Nhung hãnh diện khoe là cô được nhà thiết kế người Pháp Valerie Mc Kenzie sáng tạo những mẫu thời trang riêng cho mình: đơn giản, tự nhiên, nữ tính và tinh tế.

Thư giãn

Hồng Nhung bắt đầu vào bếp nấu ăn, những món ruột có thể kể qua: canh chua cá và những món ăn Ý đặc trưng. Nhà của cô là nơi gặp gỡ của bạn bè, đầy tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng nói cười… Song cũng có những khi cô chỉ ngồi im lặng đọc sách, hay chăm sóc, trồng mấy cây hoa ngoài vườn, với cô đó cũng là thư giãn. Cách thư giãn tuyệt nhất là đi du lịch. Hồng Nhung đã từng tới sa mạc Sahara, đi xem dãy núi Himalaya, ra bờ biển Địa Trung Hải… “Đi xa để thấy đời rộng lớn và mình càng bé nhỏ, đi xa để khi về càng yêu ngôi nhà của mình hơn nữa!”.

Thử nghiệm mới

Vốn sở hữu khả năng ăn nói khá trau chuốt và khéo léo, Hồng Nhung đã được mời làm M.C cho những chương trình ca nhạc, thời trang lớn. Cô cũng thử nghiệm ở vai trò diễn viên và tỏ ra rất nhập ai trong bộ phim Tết “Giải cứu thần chết. Được hỏi có còn muốn đóng phim nữa không, Hồng Nhung không ngần ngại gật đầu nhiệt tình với nụ cười thật tươi!

Tiên phong trong giới ca sĩ Việt Nam là người không ngừng tìm kiếm thử thách ở những dòng nhạc mới, Hồng Nhung đã từng khám phá dòng nhạc world music [“Khu vườn yêu tĩnh”] và đang cùng với nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện dự án nhạc điện tử [electronic], rất khác với dòng nhạc trữ tình đã trở thành sở trường của cô. Dường như mỗi thể loại âm nhạc cô thử nghiệm đã trở thành trào lưu cho các ca sĩ trẻ sau này.

Theo Đẹp

Video liên quan

Chủ Đề