Cách viết hóa đơn dịch vụ ăn uống năm 2024

Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (ví dụ: điện thoại Samsung, điện thoại Nokia...)

Theo đó, trên hóa đơn dịch vụ ăn uống phải thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại.

Đồng thời, thành tiền chưa bao gồm thuế GTGT nhưng khi tính tổng tiền thanh toán thì phải có thuế GTGT.

Cụ thể, về vấn đề này Tổng cục Thuế có quan điểm rằng người bán sẽ xác định hàng hóa, dịch vụ cung cấp để xác định nội dung trên hóa đơn theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, không bắt buộc phải nêu chi tiết từng món ăn nếu không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế (thuế suất thuế TTĐB, GTGT,...).

Nói cách khác khi các món ăn hoặc sản phẩm có thuế suất thuế GTGT hay thuế TTĐB thì cần ghi chi tiết mức thuế suất, tên hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn.

Cách viết hóa đơn dịch vụ ăn uống năm 2024

Hóa đơn dịch vụ ăn uống có cần phải ghi chi tiết từng món ăn và thuế suất liên quan không? (Hình từ Internet)

Có mấy loại hóa đơn theo quy định hiện hành?

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về các loại hóa đơn như sau:

Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
3. Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các tài sản sau:
a) Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);
b) Tài sản kết cấu hạ tầng;
c) Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;
đ) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
e) Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
g) Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.
4. Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia được sử dụng khi các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan dự trữ nhà nước bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.
5. Các loại hóa đơn khác, gồm:
a) Tem, vé, thẻ có hình thức và nội dung quy định tại Nghị định này;
b) Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này có hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
6. Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.

Như vậy, hiện hành có các loại hóa đơn sau:

- Hóa đơn giá trị gia tăng

- Hóa đơn bán hàng

- Hóa đơn điện tử bán tài sản công

- Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia

- Các loại hóa đơn khác, gồm:

+ Tem, vé, thẻ

+ Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng

- Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.

Thời điểm lập hóa đơn đối với dịch vụ ăn uống theo quy định pháp luật như thế nào?

Căn cứ tại khoản 2 và điểm g khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với dịch vụ ăn uống như sau:

- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ ăn uống là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền.

Ngoài ra, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính (trụ sở chính trực tiếp ký hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ từng cửa hàng xuất cho khách hàng xuất qua hệ thống máy tính tiền của từng cửa hàng đứng tên trụ sở chính) thì đến cuối ngày cơ sở kinh doanh sẽ dựa vào Phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ăn uống trong ngày.