Cách viết Personal Statement xin học bổng

Có lẽ cũng không lạ lẫm gì đối với các bạn sinh viên đã, đang và sẽ đi du học khi nhắc đến Personal Statement (PS). Đó là một phần vô cùng quan trọng trong hồ sơ du học, là cơ hội giúp bạn trở nên khác biệt và nổi bật trong hàng ngàn hồ sơ xin học mỗi năm gửi đến các trường đại học. Trong khoảng 4000 kí tự bạn phải thuyết phục được ngôi trường đại học của bạn rằng bạn là ứng cử viên “nặng ký” nhất và họ nên “mời” bạn học ngay lập tức. CIEC sẽ giới thiệu cho các bạn 10 mẹo nhỏ nhưng hữu dụng khi viết Personal Statement dành cho các bạn có mong muốn đi du học.

Cách viết Personal Statement xin học bổng

1. Viết một bản nháp trước và tắt chế độ tự đếm kí tự
Một du học sinh từng chia sẻ: “Khi bắt đầu viết, mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu vừa bật chế độ đếm kí tự và vừa viết để không bị vượt quá 4000 kí tự. Nhưng sau khi đã tới 3500 kí tự, mình bắt đầu tá hỏa lên vì mình mới viết được nửa bài. Do đó, mình tắt chế độ đếm kí tự đi và tiếp tục viết. Cuối cùng, mình đã sử dụng tới 7000 kí tự nhưng lại trình bày hết được những ý tưởng mà mình cần, và mình chỉ cần phải xóa đi vài từ và rút gọn lại. Điều đó dễ hơn là phải ép tất cả những ý tưởng của mình vào một bài luận không vượt quá 4000 kí tự. Cuối cùng, Personal statement của mình chỉ có 3999 kí tự.”
2. Dành nhiều thời gian
Một lưu ý cho các bạn đó là đừng hấp tấp. Một bản PS hoàn hảo không thể được hoàn thiện trong một vài giờ đồng hồ, hay thâm chí là vài ngày. CIEC khuyên bạn nên dành ít nhất một tháng để hoàn thiện và nộp cho trường.
3. Sử dụng từ ngữ và cách biểu đạt phù hợp
Sẽ chuyên nghiệp hơn nếu bạn sử dụng “accomplish” thay vì “do”, hay là “presume” thay vì “think”. Có một vài trang web dịch thuật và tìm từ đồng nghĩa mà bạn có thể tận dụng. Ví dụ bạn có thể tìm được vô số những từ đồng nghĩa hay bằng cách sử dụng Google Translate. Nhưng bạn cũng phải cẩn thận khi sử dụng phương pháp này, quá nhiều từ ngữ hoa mĩ có thể làm bản statement của bạn trở nên thái quá và khó đọc.
4. Tập trung vào thế mạnh của mình
Bạn nên viết về những kinh nghiệm, kiến thức và kế hoạch trong tương lai của bạn. Không nên viết là “I wanted to learn Spanish but I gave it up after a week” hay “I am not very good at maths, but I think this is understandable since I hate it so much.”
5. Nghĩ một câu mở đầu thật ấn tượng
Mở đầu bằng 1 câu nói hài hước, thú vị hay bất ngờ sẽ giúp bạn có được ấn tượng tốt. Nhưng đừng tỏ ra hài hước một cách gượng ép. Câu mở đầu hoàn hảo sẽ đến với bạn trong một khoảnh khắc ngẫu nhiên, khi mà bạn đã làm bản PS của mình hàng giờ. Vì thế hãy cứ đợi và đừng nghĩ quá nhiều về nó. 
6. Bản Personal Statement là của bạn, vì thế hãy nói lên ý tưởng của riêng mình
CIEC khuyên bạn không nên đọc bất kì bản PS của ai khác trước khi viết nháp. Điều đó sẽ dẫn bạn tới một ý tưởng sai lệch. Nên nhớ, hãy viết về bạn, chứ không phải ai khác.
7. Luôn trung thực
Đừng viết bạn có thể nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha nếu bạn chỉ có thể nói “anh yêu em” bằng tiếng Tây Ban Nha. Nếu bạn giỏi, thì hãy giỏi theo cách của bạn. Không cần phải tạo cho mình một lớp vỏ bọc, hãy luôn là chính mình.

Cách viết Personal Statement xin học bổng

8. Nhờ ai đó soát lại bài viết của mình
Bố mẹ, thầy cô giáo, bạn bè… - bạn càng cho nhiều người xem thì sẽ nhận được càng nhiều lời nhận xét và bản PS của bạn sẽ càng được cải thiện.
9. Đọc to nhiều lần
Mẹo này có thể sẽ giúp bạn nhận ra rằng không có mối liên kết nào giữa các đoạn văn, điều mà khi viết bạn không nhận ra được. Đọc to bản PS của mình trước mặt người thân, bạn bè sẽ giúp bạn cải thiện được bản PS của mình.
10. Một khi đã nộp cho trường rồi thì đừng đọc lại
Không nên đọc lại bản PS của mình trong vài tháng kể từ khi bạn gửi cho trường. Bạn có thể cảm thấy là nó không hay như bạn từng nghĩ, tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường.
Nói tóm lại, hãy là chính mình và hãy viết một cách trung thực nhất về trải nghiệm của bạn. Sử dụng giọng văn của riêng mình để thể hiện đó là chính bạn và mong muốn học tại ngôi trường bạn yêu thích, chứ không phải là những ý tưởng có sẵn trong các bài báo “Cách viết một bản Personal Statement”.

Đình Huy (CIEC) - Theo TopUniversities

Khi làm hồ sơ xin học bổng du học ( Personal Statement), bài tự luận cá nhân là phần không thể thiếu. Đây là lúc để bạn thể hiện bản thân cho nhà trường biết mình là người xứng đáng để nhận học bổng. Tuy nhiên, nhiều học sinh chưa quen với cách viết bài luận có thể làm hạn chế khả năng giành được học bổng. Vì vậy, bài tự luận đã trở thành một trong những phần quan trọng nhất của bộ hồ sơ đi du học; bởi đó chính là nơi để du học sinh thể hiện được những thế mạnh độc đáo của bản thân và khẳng định mình là ứng cử viên thích hợp của trường.

Để làm hồ sơ xin học bổng của bạn nổi bật lên trong tập hồ sơ của biết bao nhiêu người không phải là một điều dễ dàng. Thậm chí bạn có đủ tiêu chuẩn và được xét vào vòng trong thì bạn vẫn có vẻ giống những người khác với thành tích học tập, mục tiêu, hoạt động và nguyện vọng tương tự nhau. 

Đặt những mối quan tâm và những góc nhìn đặc biệt của bạn vào bài viết sẽ giúp bạn đi xa hơn và hoàn thiện một bài luận tạo ấn tượng với người đọc và làm cho nó có tính cá nhân và đầy nhiệt thànhBài luận là một yếu tố quan trọng trong hồ sơ xin học bổng và cũng có thể là điều gây khó khăn chính cho người xin học bổng.

VAI TRÒ:  Để viết Personal Statement tốt thì cái đầu tiên mà bạn cần hiểu rõ là con người bạn, là cá tính riêng của bạn, là tài năng, óc sáng tạo, lòng hăng say học hỏi, là tầm nhìn sâu, rộng và xa của bạn, là kinh nghiệm tích tụ… và nhiều khía cạnh khác của con người bạn liên quan đến ngành hay lãnh vực bạn muốn xin học bổng để có cơ hội đào sâu và tiến xa hơn trong tương lai.

MỤC ĐÍCH: Yêu cầu chính của bài giới thiệu bản thân là bố cục phải rõ ràng, đủ ý, mạch lạc, giọng điệu khiêm tốn nhưng tự tin, tuy mềm mỏng nhưng dứt khoát, thành thực nhưng không cục mịch. Bài giới thiệu phải nêu bật được ý chí, tài năng, niềm tin, sự quyết tâm và phải chiếm được tình cảm, sự lưu tâm của người đọc, người nghe. Tuy nhiên, để có thể viết cho ấn tượng và chuyên nghiệp là điều không dễ dàng.

Thứ nhất: 

+ Suy nghĩ một chủ đề hay, bộc lộ sự nổi bật, khác biệt của bạn, những điều ngoài điểm số. Một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình là: Bạn thích gì, bạn đã làm gì, mục tiêu của bạn là gì?

+ Mọi tổ chức cung cấp học bổng đều mong muốn tìm kiếm những học sinh đặc biệt, nổi trội đáp ứng những tiêu chuẩn đặc biệt của họ. Bạn phải chứng minh được là mình biết rất rõ tại sao mình muốn nhận được học bổng đó, ở trường Đại học đó chứ không ở một trường nào khác. Điều này có nghĩa là bạn phải tìm hiểu nhiều chừng nào tốt chừng nấy về học bổng cũng như về nơi bạn sẽ nghiên cứu học tập, nếu bạn được tuyển chọn. bạn có thể tìm đọc các tài liệu giới thiệu hay những thông tin quảng cáo về hoc bổng cũng như về trường Đại học mà bạn nhắm đến.

Thứ hai: 

+ Viết bài luận hay bài viết hay cần có thời gian. Không nên vội vã hoặc mong đợi hoàn thành bài luận trong một buổi. Lưu ý là chỉ cần sử dụng từ ngữ đơn giản để thể hiện ý tưởng của bạn. Bạn không cần phải sử dụng từ vựng phức tạp để cho thấy mình biết nhiều tiếng Anh.

+ Chọn lọc những thành tích nổi bật và liên quan trực tiếp đến khóa học mà bạn đang muốn xin học/học bổng du học. Ngoài ra, không nên chỉ nêu thành tích của bạn một cách đơn thuần. Hãy cho người đọc thấy được tập trung thể hiện nỗ lực của bản thân để có những thành tích đó, và có ý nghĩa gì đối với trương lai của bạn.

+ Một phần quan trọng không kém, đó là việc thể hiện những kinh nghiệm bản thân. Có thể là kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm hoạt động tình nguyện, hoặc các hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia. Lưu ý bạn chỉ nên chọn những kinh nghiệm có liên quan tới ngành nghề, lĩnh vực du học cũng như mục đích tương lai của bạn.

Thứ ba:

+ Bạn có thể không nghĩ đến bài luận từ vài ngày đến một tuần. Sau đó, khi xem lại bài luận, bạn sẽ có một cái nhìn mới mẻ. Ngoài ra, cần hỏi ý kiến của bạn bè, gia đình, có thể họ sẽ nhìn thấy những thứ bạn đã quên đề cập. Xem xét kỹ bài luận. Bạn nên tham thảo Worksheet của UCAS (The Universities and Colleges Admissions Service, UK) để giúp cho việc lên ý tưởng cho phần nội dung.

+ Một bài viết tốt, truyền được tình cảm, suy nghĩ, mong muốn của người viết cũng vẫn có thể bị loại bởi lỗi chính tả hay những câu viết vụng về. Đôi khi bạn là người tự kiểm tra lại bài luận của mình nhưng bạn dành quá nhiều thời gian tìm kiếm lỗi về từ nên lại dễ quên đi những lỗi sai cơ bản khác. Dành một vài phút đọc và sửa lỗi với một người đáng tin cậy có thể giúp tạo ra điều khác biệt lớn.

Những hiểu biết này sẽ giúp bạn biết được ban tuyển chọn mong muốn tìm được những gì nơi ứng sinh mà họ cho là xứng đáng được nhận học bổng. Bạn sẽ dựa vào các thông tin này nhằm thuyết phục ban tuyển chọn là học bổng rất thích hợp và cần thiết cho bạn trong lãnh vực học tập hay làm việc của bạn.

Nguồn: Tiin.vn