Chuột rút ban đêm là bệnh gì năm 2024

Gần một tháng nay, chị Nguyễn Thanh Hường (39 tuổi, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên bị những cơn chuột rút về đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ. “Nhiều đêm, chân tôi căng cứng, đau, cơ co rút lại”, chị Hường ám ảnh. Ban đầu, chị Hường lên mạng tìm hiểu và nghĩ rằng tình trạng này là do thiếu canxi. Tuy nhiên, sau một thời gian tự bổ sung canxi, tình trạng này vẫn không cải thiện.

Chị Lê Phương Thảo (31 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng trải qua 9 tháng mang thai với những cơn chuột rút hành hạ lúc nửa đêm về sáng. Suốt thai kỳ, mỗi tuần, chị Thảo bị chuột rút 3-4 lần. Khi đi thăm khám, bác sĩ cho biết nguyên nhân là thai phụ này tăng cân quá nhiều cùng với đặc thù công việc tư vấn bán hàng nên thường xuyên phải đứng khiến hệ thống tĩnh mạch ở chân bị ảnh hưởng.

Nhận định về các trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, cho biết tình trạng chuột rút về đêm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở phụ nữ, người chơi thể thao, tuổi trung niên trở lên.

Theo PGS Nam, chuột rút là tình trạng do những cơn co thắt của cơ hoặc một nhóm cơ, đặc biệt là vùng cơ mặt sau cẳng chân. Các cơn co này đột ngột xảy ra, có thể kéo dài từ vài giây tới 10 phút, gây đau đớn.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút vào ban đêm, vị chuyên gia này giải thích chủ yếu là do suy hệ thống tĩnh mạch của chân. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm tới nguyên nhân này dù trên 70% bệnh nhân suy tĩnh mạch bị chuột rút vào ban đêm. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu trên 500 bệnh nhân suy tĩnh mạch, ông nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân xuất hiện triệu chứng này lên đến 90%.

Khi gặp phải tình trạng này, PGS Nam khuyến cáo bệnh nhân cần phải được điều trị sớm và dứt điểm. Ngoài ra, người bệnh nên thay đổi các thói quen như không ngồi xổm, không đi giày cao gót, xoa bóp chân trước khi đi ngủ, uống nước đầy đủ. Nếu đã thay đổi thói quen nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được sử dụng thuốc điều trị phù hợp.

Phụ nữ mang thai có thể thực hiện massage giúp máu lưu thông dễ dàng và hạ các cơn co thắt vùng bắp chân. Trước khi đi ngủ, bạn có thể thực hiện bài tập kéo căng cơ chân, cố gắng kéo gập bàn chân về phía đầu gối gần nhất có thể. Chườm nóng khi xuất hiện cơn chuột rút bắp chân ban đêm, giữ túi ấm một lúc để nhanh chóng giảm đau và giúp máu lưu thông dễ hơn.

Một số tình trạng như mất nước, mỏi cơ do tập luyện, thiếu dinh dưỡng hay tư thế ngủ sai… có thể gây ra chuột rút cơ vào ban đêm.

Chuột rút ở chân là hiện tượng co thắt cơ đặc biệt có thể kéo dài vài giây đến vài phút, thường xảy ra tại bắp chân, bàn chân hoặc đôi khi ở gân kheo. Kết quả nghiên cứu năm 2012 đăng trên tạp chí Viện bác sĩ gia đình Mỹ chỉ ra, có tới 60% người trưởng thành gặp tình trạng chuột rút chân vào ban đêm.

Một số yếu tố dưới đây có thể là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chuột rút khi ngủ:

Tư thế ngủ

Thống kê cho thấy, khi nằm sấp, mặt úp xuống giường, chân thường ở tư thế gập lòng bàn chân, ngón chân hướng ra ngoài khiến cơ bắp chân bị co lại. Khi chân đặt ở tư thế này trong thời gian dài ngay cả một chuyển động nhỏ cũng có thể gây ra chuột rút.

Nằm ngủ nghiêng, kê chân cao hoặc ở một số tư thế khác giữ cho các ngón chân ở trạng thái ổn định có thể tốt hơn cho các cơ này.

Thời tiết

Có nghiên cứu chứng minh, chứng chuột rút ở chân vào ban đêm phổ biến hơn vào mùa hè so với mùa đông. Dù không đúng với tất cả mọi người, tần suất của những cơn chuột rút này có xu hướng lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 7 và bùng phát vào giữa tháng 1.

Tiến sĩ, bác sĩ Garrison, Phó giáo sư kiêm Trưởng khoa Y tế gia đình của Đại học Alberta (Canada) đồng thời là tác giả nghiên cứu trên cho biết những cơn chuột rút cơ không phải do rối loạn cơ mà bởi các vấn đề về thần kinh, cụ thể là các dây thần kinh chạy từ cột sống xuống bắp chân gây ra.

Lý giải nguyên nhân hiện tượng này phổ biến hơn vào mùa hè, bác sĩ Garrison cho biết, các dây thần kinh có thể hoạt động tích cực hơn vào mùa hè do lượng vitamin D cao hơn (dễ đạt đỉnh điểm do tiếp xúc nhiều ánh nắng). Vì vậy, cơ thể bạn có thể "tăng tốc" sửa chữa những vấn đề liên quan đến thần kinh và có thể gây ra những cơn chuột rút này.

Chuột rút ban đêm là bệnh gì năm 2024

Chuột rút chân ban đêm có xu hướng gia tăng vào mùa hè do sự hấp thu vitamin D từ ánh nắng mặt trời tác động tới dây thần kinh. Ảnh: Pinterest

Mất nước

Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng mất nước làm gia tăng chứng chuột rút về đêm. Mất nước có thể dẫn tới sự mất cân bằng điện giải trong máu và là một nguyên nhân gây ra chuột rút.

Yếu tố này cũng có thể lý giải cho việc chuột rút chân phổ biến hơn vào mùa hè. Đây là thời điểm nhiệt độ và sự cân bằng chất lỏng có sự thay đổi và cũng có ảnh hưởng đến hiện tượng chuột rút.

Tập luyện quá sức

Tập luyện quá sức từ lâu đã được cho là có liên quan đến chứng chuột rút cơ bắp. Sự quá tải và mỏi cơ xương có thể dẫn đến chuột rút cục bộ ở các sợi cơ làm việc quá sức. Điều này xảy ra ở cả những vận động viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản.

Mặc dù uống đủ nước và giãn cơ có thể hữu ích, không có phương pháp nào được khuyến cáo để ngăn ngừa các loại chuột rút do nguyên nhân này.

Thiếu chất dinh dưỡng

Có giả thuyết cho rằng sự mất cân bằng canxi, magiê và kali góp phần gây ra chuột rút. Các chất điện giải này đều giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong máu và cơ bắp, do đó nếu thiếu một trong số dưỡng chất này, chuột rút có thể xảy ra với bạn.

Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu thêm để biết những chất dinh dưỡng này ảnh hưởng trực tiếp đến chuột rút như thế nào.

Đứng quá lâu

Những người đặc thù công việc phải đứng hàng ngày quá lâu có nhiều khả năng bị chuột rút ở chân hơn những người ngồi. Khi bạn đứng quá lâu mà không di chuyển, máu và nước có xu hướng dồn xuống phần dưới cơ thể. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng chất lỏng, cũng như co ngắn cơ và gân, đều là nguyên nhân có thể dẫn đến chuột rút.

Thai kỳ

Mang thai cũng có liên quan đến chứng chuột rút ở chân thường xuyên hơn, có thể do tăng cân và tuần hoàn bị gián đoạn. Theo Hiệp hội Mang thai Mỹ, áp lực mà thai nhi đang lớn lên tác động đến các mạch máu và dây thần kinh của người mẹ cũng có thể gây ra chuột rút.

Một số tình trạng sức khỏe

Bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh thần kinh và trầm cảm đều liên quan đến chứng chuột rút ở chân. Trong một số trường hợp, thuốc điều trị có thể là nguyên nhân nhưng đôi khi bệnh tiểu đường và bệnh thần kinh có thể làm gián đoạn thậm chí làm tê liệt các dây thần kinh dẫn đến hiện tượng chuột rút.

Sự lão hóa

Lão hóa trong cơ thể cũng có thể đóng một vai trò trong việc gây ra chứng chuột rút ở chân. Theo nghiên cứu năm 2017 đăng trên tạp chí y khoa BMC Family Practice, mọi người đều có thể bị chuột rút khi ngủ nhưng những người trên 50 tuổi có xu hướng bị cao hơn.

Khi già đi, cơ thể bắt đầu mất đi các tế bào thần kinh vận động, khoảng đầu những năm 50 tuổi. Tuy nhiên, các bài tập sức mạnh và tăng khả năng giữ thăng bằng đều có thể giúp duy trì hoạt động của cơ và hệ thần kinh và ngăn ngừa chuột rút chân.