Cù lao ông hổ ở đâu

Về cù lao nghe giai thoại ‘Ông Hổ’

TRUNG KIÊN – THÀNH NHÂN

14:45 08/02/2022

Những ngày cận Tết Nhâm Dần, chúng tôi có dịp đến vùng đất cù lao xã Mỹ Hoà Hưng, TP Long Xuyên [An Giang] nghe thêm nhiều giai thoại tại sao vùng đất này lại có tên là cù lao “Ông Hổ”.

Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

Câu chuyện xúc động về con hổ biết ơn người cứu sống

Từ TP Long Xuyên qua phà Ô Môi, sau gần 30 phút trải nghiệm đi phà băng qua dòng sông Hậu là đặt chân lên cù lao, hiện ra trước mắt chúng tôi là 2 bức tượng con hổ to lớn bằng đá đứng trấn cổng chào lớn. Hai bức tượng hổ là biểu tượng của vùng đất này từ hơn 200 năm qua.

Theo nhiều bậc cao niên địa phương truyền lại, thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp và nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối rậm rạp hoang sơ, không người ở. Sau đó dần có người đến khai hoang dựng nhà, lập làng, làm ăn và sinh sống cho đến ngày nay…

Có hai vợ chồng bác thuyền chài sống với chiếc thuyền nhỏ và ngôi nhà phía trên bãi sậy ở vùng đất cù lao. Vùng đất ông bà ở không có hùm beo hay thú dữ. Không hiểu sao, một sáng sớm hai vợ chồng đang chèo thuyền đánh cá ven cồn, chợt thấy trên đám lục bình có con vật giống mèo đang hì hục bám trụ để không bị rớt xuống nước.

Thấy vậy bác thuyền chài nói với vợ mình vớt nó lên mang về nuôi cho vui cửa, vui nhà. Hai ông bà quay ghe lại vớt con vật gần kiệt sức lên. Lúc đó vợ chồng bác mới phát hiện là con hổ con! Nó bị con gì cắn cụt mất khúc đuôi. Thấy hổ con run lẩy bẩy tội nghiệp nên 2 vợ chồng quyết định mang về nuôi. Bác thuyền chài lấy giẻ khô buộc chặt cái đuôi chảy máu và lau nước trên mình con hổ. Bác vuốt ve, nó đau đáu nhìn bác như thầm cảm ơn. Bằng giao tiếp và chăm sóc như con mình, hổ con ngoan ngoãn sống chung với vợ chồng bác thuyền chài.

Sau này lớn, có người bảo xẻ thịt hổ bán da, bán xương nấu cao sẽ được nhiều tiền nhưng vợ chồng bác kiên quyết không làm vì hổ đã như là thành viên của gia đình. Thời gian đó do vùng cồn xuất hiện đợt dịch nhiều người không cứu được, trong đó có vợ chồng bác thuyền chài. Bà con chôn cất hai bác trên gò đất cồn. Con hổ lúc đó không còn người nuôi, nhưng nó vẫn bám trụ ở trong ngôi nhà. Một thời gian ngắn sau ngôi nhà cũng bị sập đổ người dân không thấy con hổ ở đâu, không biết nó trôi dạt nơi nào. Nhưng bẵng đi thời gian đầu xóm lại xuất hiện một con hổ lớn chỉ ngồi lặng im ở bên hai ngôi mộ của vợ chồng bác thuyền chài. Lúc đầu thì người dân ở đây cũng sợ, nhưng khi biết được đây chính là con hổ mà ngày xưa vợ chồng bác thuyền chài nuôi mọi người mới an tâm.

Từ ấy, không ai xua đuổi khi hổ về làng. Họ coi nó như đứa con hiếu thảo. Và như thế, mỗi năm đôi lần hổ lại về cồn và ngồi bên mộ của hai bác thuyền chài. Bỗng một hôm dân cồn trông thấy xác một con hổ cụt đuôi trôi dạt vào bờ lau phía dưới cồn. Đúng là con hổ của bác thuyền chài. Thương con vật có nghĩa, biết nhớ ơn người, dân cồn vớt xác nó lên chôn gần ngôi mộ vợ chồng bác thuyền chài. Họ dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ, để nhớ bác thuyền chài nhân hậu và con hổ biết nghĩa biết ơn.

Câu chuyện trên cũng được chúng tôi nghe trực tiếp từ ông Nguyễn Văn Tri [Tám Tri, 73 tuổi], cư trú ở ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên cũng là gia đình 5 thế hệ sinh sống, gắn bó với vùng đất cù lao, tuy nhiên câu chuyện của ông Tám Tri qua nhiều đời được rút ngắn gọn lại hơn.

Cũng từ câu chuyện của con hổ có nghĩa, có tình, dân làng cảm động nên đã lập miếu thờ và đặt tên cho cù lao này là cù lao “Ông Hổ”. Trải qua hàng trăm năm, từ một miếu nhỏ được người dân trùng tu, xây dựng thành miếu thờ lớn trên sân chùa Bửu Long Cổ Tự ở ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên bên trong là ngôi mộ của “Ông Hổ”. Hằng năm, cứ đến ngày 28/10 âm lịch người dân nơi đây chọn làm ngày lễ giỗ “Ông Hổ”…

Miếu “Ông Hổ” nằm trên sân chùa Bửu Long Cổ Tự hàng năm ngày 28/10 âm lịch người dân đều tổ chức ngày giỗ

Những địa danh làm nên thương hiệu cù lao

Giữa TP Long Xuyên ồn ào, náo nhiệt, xã Mỹ Hòa Hưng được biết đến như một ngôi làng cổ xưa bởi giữ được những nét mộc mạc, cổ kính. Người dân hay gọi địa danh này bằng tên cù lao Mỹ Hoà Hưng, gồm có cù lao “Ông Hổ” và Cồn Phó Ba nằm giữa dòng sông Hậu. Trải qua hơn 200 năm kể từ ngày người dân có mặt ở cù lao này vào năm 1780 để khai phá đất hoang, định cư lập nghiệp,… đã biến vùng đất hoang vu, sình lầy, đầy cỏ dại trở thành vùng đất màu mỡ trù phú với cây trái xum xuê, làng bè thủy sản, rau màu, phát triển du lịch sinh thái…

Những năm gần đây nhờ khai thác tốt thế mạnh của vùng đất này người dân đã nhanh chóng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, với các mô hình homestay. Ngoài ra, trên địa bàn còn có làng bè nuôi cá, chủ yếu là nuôi cá nước ngọt với quy mô hơn 500 bè cá.

Tọa lạc giữa vùng đất cù lao là ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với kiến trúc truyền thống Nam Bộ. Ngôi nhà do cụ Tôn Văn Đề, thân sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng xây dựng vào năm 1887, đến nay đã 134 năm. Đến năm 1932, ngôi nhà được em trai thứ tư của Bác Tôn là ông Tôn Đức Nhung sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên trạng như ban đầu...

Ngoài ngôi nhà của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đình Mỹ Hòa Hưng cũng là một trong những công trình kiến trúc đẹp, mang phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn. Được xây dựng vào năm 1875 với diện tích 2.800m2 thờ vọng Nguyễn Trung Trực và Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên. Đến năm 2003, đình Mỹ Hòa Hưng được xếp hạng là Di tích lịch sử.

Cù lao “Ông Hổ” - cái tên thật gần gũi, thật thân thương cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bà con hay nói với nhau đó là hổ nghĩa, hổ tình, không phải hổ dữ. Nó là minh chứng cho một vùng đất cù lao với con người sống hiền hòa, chân tình, chan chứa tình yêu thương

Sau một ngày với những câu chuyện của người dân cù lao “Ông Hổ”, chúng tôi rời vùng đất này bằng chuyến phà cuối chiều với một niềm tin, vùng đất cù lao hoang sơ, rậm rạp, chưa có người ở năm nào sẽ nhanh chóng “thay da đổi thịt”, là điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi lần đặt chân đến An Giang.

Chủ đề: Giai thoại long xuyên Về cù lao Ông Hổ

Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thuộc thành phố Long Xuyên [An Giang, quê hương của bác Tôn. Trên cù lao có khu lưu niệm và đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê. Trước đây, nơi này là ngôi nhà gỗ, được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của bác Tôn là cụ Tôn Văn Đê xây dựng, với lối kiến trúc hình chữ "Quốc", sàn lót ván, mái lợp ngói ống, ngang 12m, dài 13m, diện tích hơn 150m2.

Cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ "Đức" làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Chủ tịch Tôn Đức Thắng chào đời, cụ Tôn Văn Đê – thân sinh bác Tôn và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôn ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là "Đức" trước tên là chữ "Thắng" và dự đoán: cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là bậc gánh trọng trách của xã tắc, non sông.

Với những truyền thuyết gắn liền với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt gốn của bác Tôn nên Cù lao Ông Hồ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam Bộ:

Dù ai xuôi ngược bốn bề
Chưa đến Ông Hồ chưa về An Giang.

Ngày nay, Cù lao Ông Hồ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, tết, đặc biệt là vào những ngày tháng 8 mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với Cù lao Ông Hồ. 

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm được xây dựng trên khuôn viên 6,7ha. Trong đó, ngôi nhà thời niên thiếu và đền thờ tưởng niệm bác Tôn được xây dựng trong khuôn viên 1600m2 với kiến trúc cổ lâu tam cấp, nơi chính điện là tượng bác Tôn bằng đồng bán thân. Đối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của bác Tôn, với các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về bác, một tấm gương sáng của dân tộc ra về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị.

Trong khuôn viên Khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của bác: căn nhà sàn lót ván ba gian hai chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế "long chầu nguyệt". Đã mấy trăm năm, những lũy tre vẫn xanh tốt, những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa sũng, những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành…

Lịch sử tên gọi: Có hai truyền thuyết giải thích địa danh "Ông Hồ"

1. Truyền thuyết thứ nhất: Ngày xưa, nơi đây cũng như nhiều địa phương khác trên vùng đất phương Nam, cảnh "dưới sông cá lội, trên bờ cọp đùa" hay "cọp ngồi bờ kinh xem… hát bội" là thường. Tương truyền, một hôm có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi. Khi trở về thấy trên mủng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, con hổ rất hiền lành, không phá phách ai. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hàng năm, tới ngày giỗ của ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là Cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ.

2. Truyền thuyết thứ hai: Vào thời khẩn hoang, những người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá lập làng.

Có một năm, nước sông Hậu dâng lên cuồn cuộn như nhấn chìm dải cù lao. Gia đình nọ trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con đưa về chăm sóc, cho ăn ở cùng với người. Để đền ơn cứu mạng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ.

Gia đình ấy có một cô con gái bị mù. Hàng ngày, hổ cõng cô bé bù theo cha mẹ vào rừng làm rẫy. Người và hổ thân thiết như đôi bạn tri kỷ. Đến một ngày, cô gái đổ bệnh qua đời. Hổ buồn rầu và một thời gian sau cũng chết theo.

Dân làng thấy hổ ăn ở có tình có nghĩa chẳng khác gì con người nên đã lập miếu thờ, gọi là miếu thờ Ông Hổ. Cái tên Cù lao Ông Hổ cũng ra đời từ đó. Dù hai câu chuyện có chút khác nhau nhưng đều thể hiện tính hiếu sinh của con người. Con người có thể sống chan hòa cùng vạn vật và cảm hóa cả loài mãnh thú.

Video liên quan

Chủ Đề