Dự toán thu ngân sách 2023

Một số lưu ý khi dự toán nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2023

Ngày 03/6/2022, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1912/TCT-DT xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước và hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023; dự kiến 03 năm 2023-2025. Theo đó, những lưu ý khi xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 như sau:

- Đối với nguồn thu từ năng lực sản xuất mới, thuế nhà thầu và các dự án hết thời gian miễn, giảm thuế TNDN, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam: Dự kiến đầy đủ nguồn thu ngân sách từ thuế nhà thầu đối với các dự án đầu tư mới triển khai trên địa bàn và dự kiến nguồn thu mới phát sinh đối với những dự án hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm 2023; thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; các khoản tăng thu thuế TNDN do hết thời hạn ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN;...

- Về các khoản thu liên quan đến nhà, đất và thu khác ngân sách:  Cần bám sát kế hoạch giao quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ; Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018 hướng dẫn về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017; Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao; dự báo sự phát triển của thị trường bất động sản; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tại địa phương (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài nguyên và Môi trường) để xác định số thu từ nhà, đất, thu khác ngân sách sát, đúng với khả năng phát sinh nguồn thu trên địa bàn.

- Thu cổ tức và lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: Rà soát, dự kiến đầy đủ khoản thu cổ tức và lợi nhuận được chia theo từng doanh nghiệp phải nộp theo quy định tại Thông tư số 85/2021/TT-BTC ngày 05/10/2021 của Bộ Tài chính.

          Chi tiết xem thêm tại Công văn 1912/TCT-DT ngày 03/6/2022.

Trúc Loan

          Ngày 29 tháng 7 năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2022/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Theo các yêu cầu:

          Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, các mục tiêu theo các Nghị quyết của trung ương; phù hợp với mục tiêu, định hướng, nguyên tắc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và kế hoạch, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.

           Trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023, chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023, phù hợp với khả năng nguồn lực (bao gồm cả nguồn hợp pháp khác theo quy định); triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.

          Các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát tổng thể các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) để bãi bỏ, hoặc lồng ghép theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện và huy động các nguồn lực tương ứng các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành. Bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi NSNN đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật NSNN.

          Tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết ngay từ khâu xây dựng dự toán những tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật.

          Và các đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm chi thường xuyên từ 2-3% trong năm 2023.

          Dự toán chi hoạt động năm 2023 nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) của các đơn vị sự nghiệp công lập phải được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 và quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Trong đó:

          Không xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN hỗ trợ cho các dịch vụ sự nghiệp công đã hoàn thành lộ trình giá, phí từ năm 2022 trở về trước hoặc dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

          Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách.

          Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022 trở các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.

          Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 9 năm 2022./.