Hậu quả của sạt lở đất

(TN&MT) - “Lũ quét, sạt lở đất đã và đang trở thành một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người dân với tính chất bất thường, khó dự báo, cảnh báo, trong đó, một phần hậu quả là do tập quán sinh sống ven bờ sông, bờ suối và sườn đồi của bộ phận đồng bào khu vực miền núi”, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Trong những năm qua, nhiều trận lũ quét, sạt lở đất bất ngờ đổ ập xuống trong đêm, cuốn trôi nhà cửa và tính mạng người dân, gây nên nỗi kinh hoàng đối với nhiều tỉnh miền núi nước ta. Có thể điểm lại một số vụ việc tiêu biểu gần đây như sau:

2 giờ sáng 27/6/2018, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại bản Sáng Tùng (xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). 26/28 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân đã bị “xóa sổ”. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng hầu hết các hộ dân nơi đây đều không mang theo được tài sản khi di dời.

Hậu quả của sạt lở đất

Hình ảnh vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại bản Sáng Tùng (tỉnh Lai Châu) xóa sổ 26/28 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Báo Nhân dân

Rạng sáng 3/8/2019, người dân bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang say giấc ngủ thì bất ngờ lũ ống, lũ quét từ suối Son đổ về nhấn chìm cả bản, khiến 5 ngôi nhà bị sập, 18 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm kéo theo 17 người xuống sông Luồng. Tiếp đó, chiều ngày 28/10/2020, một vụ sạt lở đất thảm khốc đã vùi lấp 15 ngôi nhà ở nóc (thôn) ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thông tin chính thức của UBND huyện Nam Trà My sau đó cho biết, vụ sạt lở đất đã khiến 9 người chết, 33 người bị thương, 13 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy.

Theo các số liệu thống kê, trong năm 2018 và 2019, sạt lở đất, lũ quét có xu hướng giảm. Nhưng năm 2020, lũ quét, sạt lở đất lại cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của nó. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chiều 28/10 đến đầu tháng 11, hàng loạt vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra ở miền Trung. Tính từ đầu năm đến ngày 18/11/2020, có 132 người chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét.

Tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho thấy, chỉ tính ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trên địa bàn 15 tỉnh được điều tra hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối. Các vị trí này thường nằm ở sườn dốc các núi tạo hướng chắn gió dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; như ven sông, suối khu vực hạ lưu; các nhà ở, công trình do đào chân núi nằm dọc theo các đường giao thông.

Về lâu dài, phải di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ trượt lở đã được cảnh báo. Để thực hiện điều này thì cần nguồn lực rất lớn; do đó, trong Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và Kế hoạch ngân sách hàng năm cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác này. Đồng thời, việc tái định cư phải được làm bài bản, trên cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng và ý kiến góp ý của người dân.

Ông Trần Quang Hoài

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai

Một trong những giải pháp quan trọng được kỳ vọng hiện nay là đưa vào sử dụng bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi. Theo PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, về ngắn hạn, bản đồ giúp xác định các khu vực có nguy cơ trượt lở rất cao và cao để có thể tránh hoặc áp dụng các biện pháp ứng phó, cũng như các khu vực có nguy cơ thấp, rất thấp, có thể sơ tán đến khi cần. Về dài hạn, có thể tích hợp, giúp điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, cơ sở hạ tầng, trung tâm dân cư.

Khu vực miền núi phía Bắc xảy ra 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3). Tại đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng trong lúc vẫn bị đe dọa bởi sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển...

Thiên tai đã gây thiệt hại rất lớn về người và của cải. Chưa hết 11 tháng, đã có 281 người chết, 65 người mất tích và 862 người bị thương vì thiên tai. Trong đó, nguyên nhân gây thiệt hại về người lớn nhất năm 2020 là do sạt lở đất. Đã có 132 người chết và mất tích vì nguyên nhân này.

Về nhà ở, đã có gần 3.500 ngôi nhà bị sập, hơn 330 ngàn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và hơn 500 ngàn lượt nhà bị ngập.

Cùng với đó, thiên tai cũng làm thiệt hại nặng về nông nghiệp với gần 200 ngàn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hàng chục ngàn gia súc, hàng triệu gia cầm chết, cuốn trôi.

Nhiều công trình thủy lợi, đê kè, kênh mương, bờ biển, bờ sông bị sạt lở, hư hỏng. Hàng ngàn km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng đất, đá sạt lở lên tới trên 4 triệu m3. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng.

“Khúc ruột” miền Trung cần thêm nhiều hỗ trợ

Chịu ảnh hưởng liên tiếp của 8 cơn bão (bão số 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 và 13), 2 cơn áp thấp nhiệt đới và 2 đợt mưa lũ lịch sử kéo dài, miền Trung trở thành “tâm thiên tai” từ giữa tháng 9 tới nay. Theo đó, các tỉnh, thành miền Trung cũng chịu thiệt hại lớn nhất do thiên tai gây ra trong năm 2020 với 249 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế chiếm gần 85% thiệt hại do thiên tai gây ra trên cả nước.

Các đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử), ảnh hưởng và gây thiệt hại đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, đáp ứng đề xuất của các địa phương toàn diện về phương tiện tìm kiếm cứu nạn, gạo cứu đói, sửa chữa nhà ở, các vật dụng thiết yếu, nước sạch, khôi phục sản xuất.

Cụ thể, sẽ có 11.500 tấn gạo sẽ được cấp phát cho các tỉnh miền Trung. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.303,465 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Hà Tĩnh 3.000 tấn gạo, Nghệ An 303,465 tấn gạo và Bình Định 1.000 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5/11/2020 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng. Các địa phương đang rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo.

Để kịp thời hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp gần 39 tấn hạt giống cây trồng gồm: giống ngô, rau các loại từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho một số tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa bão. Ngành nông nghiệp kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ trên 1,8 triệu liều vắc xin, 145.000 lít và 225 tấn hóa chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi, thủy sản; 26 triệu con tôm giống, 1,1 triệu con gia cầm giống; 370 tấn thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Về ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm ứng 500 tỷ đồng (các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam: 100 tỷ đồng/tỉnh). Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã trình Thủ tướng hỗ trợ 1.512,6 tỷ đồng cho các tỉnh. Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã vận động quyên góp được 319 tỷ đồng; Trung ương Hội chữ thập đỏ, các tổ chức xã hội, đoàn thể hỗ trợ tiền và hàng với tổng giá trị 73 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, các địa phương vẫn tiếp tục có nhu cầu được hỗ trợ gạo, giống cây trồng, hạt rau giống, thuốc, hóa chất lọc nước, vắc xin và hóa chất khử trùng với kinh phí hồ trợ khẩn cấp lên tới gần 8.000 tỷ đồng.