Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là gì

.

Cập nhật lúc: 22:12, 18/03/2022 [GMT+7]

[Baoquangngai.vn]- Cứ đến tháng 2 âm lịch, đất đảo Lý Sơn lại trở nên nhộn nhịp bởi người dân nơi đây tất bật chuẩn bị cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong ngày 16/2 âm lịch hằng năm.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ gắn liền với tâm thức của người dân đảo Lý Sơn, nhằm tưởng nhớ những người con ưu tú của quê hương Lý Sơn năm xưa tuân lời vua đi ra Hoàng Sa, Trường Sa dựng bia cắm mốc, xác lập, bảo vệ chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Bao thế hệ tổ tiên cha ông nơi đất đảo luôn đặt vận mệnh của đất nước, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc lên trên tất cả. Trong số những người đi chẳng mấy ai còn được trở về, thân xác họ đã hòa vào biển cả mênh mông.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các bô lão, thanh niên trong làng chuẩn bị từ khá sớm từ việc tập luyện, chuẩn bị lễ vật,... để buổi lễ được diễn ra một cách trang nghiêm nhất.
Thuyền nộm là hiện vật quan trọng nhất, không thể thiếu trong buổi lễ. Mỗi chiếc thuyền nộm được làm công phu, tỉ mỉ từng chi tiết với thời gian chừng 7 ngày. Trên thuyền có 2 – 3 hình nộm người, mô phỏng người chỉ huy, lái thuyền.
Trên mỗi  thuyền nộm có đầy đủ muối, gạo, nước, củi,... Đây là những lễ vật mà binh phu Hoàng Sa ngày trước phải mang theo trong chuyến đi.
Buổi lễ được bắt đầu với bài văn tế nêu về ý nghĩa và số phận của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa: “Hoàng Sa trời nước mênh mông, Người đi thì có mà không thấy về, Hoàng Sa mây nước bốn bề, Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.
 Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, cho biết: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được tổ chức tại đình làng An Hải, nhằm tri ân, tưởng nhớ các hùng binh Hoàng Sa đã vâng lệnh triều đình nhà Nguyễn ra 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền Tổ quốc. Việc tổ chức lễ hội này cũng được chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Các lễ vật trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Trưởng Ban Khánh tiết đình làng An Hải tham gia nghi thức tế lễ.
Thực hiện nghi Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên, đệm theo đó là những tiếng xèng la hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước, để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Rước thuyền nộm ra biển
Nghi lễ đã trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân An Hải - Lý Sơn; góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử của cha ông, giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.
Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, người dân Lý Sơn luôn đóng mới, cải hoán tàu thuyền, trang bị các công cụ đánh bắt hiện đại để bám biển khai thác hải sản tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Chính quyền huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, Ban Khánh tiết đình làng An Hải và người dân trên đảo duy trì việc tổ chức lễ hội này để phục phát triển du lịch của địa phương và giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước của dân tộc, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước", Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, cho biết thêm.
Nằm trong khuôn khổ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn có phần hội đua thuyền Tứ linh.
Lễ hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên đảo, du khách trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Tiến Cảnh, một nhiếp ảnh gia đến từ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, đến Lý Sơn tham quan, nghe sắp có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nên tôi đã đổi vé tàu để ở lại chứng kiến lễ hội này. Đây là một lễ hội rất nhân văn, làm tôi thấy đầy tự hào về truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam. Dịp này tôi cũng chụp được rất nhiều ảnh và sẽ dùng những bức ảnh đó để quảng bá lễ hội thiêng liêng này.

Thực hiện: T.NHÀN

Video liên quan

Chủ Đề