Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm bao nhiều

Xuân Quỳnh [1942-1988] là một nhà thơ nữ tiêu biểu hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ 20. Nhắc tới Xuân Quỳnh, người ta liên tưởng đến ngay những dòng thơ ngập tràn tình yêu với phong cách rất riêng. Suốt quãng đời cầm bút của mình, bà đã để lại cho đời một kho tàng nhiều tác phẩm văn học đạt tới đỉnh cao.

Sơ lược về tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Quỳnh

Nhà thơ Xuân Quỳnh, tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Bà sinh ngày mùng 6-10-1942, quê quán Văn Khê, Hà Đông, Hà Tây [Nay là Tp.Hà Nội].

Xuân Quỳnh sinh ra trong một gia đình làm công chức. Mẹ bà mất từ khi Xuân Quỳnh còn nhỏ, bố do hay đi công tác và không ở nhà nên suốt quãng thời gian từ nhỏ tới lớn, nữ thi sĩ được chăm sóc và nuôi dạy bởi bà nội.

Năm 13 tuổi, Xuân Quỳnh học tập và sinh hoạt tại Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Tại đây, bà được đào tạo làm nghề diễn viên múa và từng được ra nước ngoài biểu diễn nhiều lần, tham dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới ở Vienna [Áo] vào năm 1959.

Xuân Quỳnh có một quãng thời gian tự học, rèn luyện viết văn, làm thơ. Nhờ vậy, năm 19 tuổi bà đã có những tác phẩm đầu tiên được đăng báo. Trong hai năm [1962-1964], bà theo học tại Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 1 của Hội Nhà Văn Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại nhiều cơ quan báo chí, đảm nhận nhiều chức vụ: Biên tập viên tại tờ Văn nghệ, biên tập viên tờ Phụ nữ Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, hội viên và ủy viên Ban chấp hành của Hội Nhà văn Việt Nam [khóa 3].

Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Trước đó, bà đã kết hôn lần đầu và có một con riêng với chồng cũ công tác tại Đoàn Văn công nhân dân Trung ương.

Cuối tháng 8 năm 1988, Xuân Quỳnh, chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ [13 tuổi] mất trong một vụ tai nạn giao thông tại thành phố Hải Dương.

Năm 2001, cố nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Ngày 30/3/2017, bà được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho hai tập thơ là “Bầu trời trong quả trứng” và “Lời ru mặt đất”.

Chủ đề trong thơ Xuân Quỳnh: Dung dị với nhiều cung bậc cảm xúc đời thường

Chủ đề trong thơ của Xuân Quỳnh khá đa dạng từ: Những kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, hiện thực xã hội, các sự kiện trong đời sống… Tuy nhiên “điểm gặp gỡ” trong các chủ đề là tính cách hướng nội và nội tâm của nhà thơ.

Mặc dù vậy, đọc tác phẩm của Xuân Quỳnh người ta lại không thấy sự xa rời thực tế đời sống. Từng câu, từng chữ trong thơ Xuân Quỳnh gần gũi tựa như hơi thở và nó dường như là “tạc lại” những gì bà đã sống và trải qua vậy. Có được điều này, nhiều nhà phê bình văn học cho rằng chính là do bản thân nữ thi sĩ. Bà được nhận xét là người phụ nữ giàu nội lực, sống hết mình, không ngại bộc lộ cảm xúc bản thân từ hạnh phúc, say đắm, cho đến những lúc suy tư hay khổ đau. Bên cạnh đó, chính hoàn cảnh đời sống những năm đất nước còn chiến tranh, bom đạn chia cắt, nghèo đói, phải bươn chải lo toan nhiều điều đã tạo nên “chất riêng” của một người phụ nữ vừa làm vợ, vừa làm mẹ mà lại vừa làm thơ.

Chân dung nhà thơ Xuân Quỳnh được vinh danh trên Google, nhân kỷ niệm 77 năm ngày sinh của bà.

Đây cũng chính là sự khác biệt của Xuân Quỳnh so với các nhà thơ cùng thời. Trong khi các nhà thơ khác phản ánh sự kiện đời sống, gắn liền tâm trạng mình với tâm trạng chung của xã hội, của đất nước thì Xuân Quỳnh lại khác. Vẫn là thơ phản ánh hiện thực nhưng nó lại đặc quánh tâm trạng, nảy sinh từ chính nội tâm và đời sống của nhà thơ. Điều này bộc lộ rõ nhất là trong 20 bài thơ viết về chiến tranh của bà nhưng người ta vẫn thấy đâu đó là lời thủ thỉ, tâm tình của một trái tim đang thổn thức vì yêu.

Đọc thơ Xuân Quỳnh, người ta luôn thấy dạt dào cảm xúc và năng lượng trong từng câu chữ, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào: Người vợ tâm sự với chồng, mẹ thủ thỉ với con yêu, người con đối với cha mẹ hay là những lời tự nói với chính bản thân mình. Cũng chính nhờ vậy mà nhiều người như tìm thấy chính mình trong thơ bà, từ đó nảy sinh lòng yêu thích, mến mộ đối với nhà thơ.

Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh: da diết, cháy bỏng, nồng nàn

Qua nhận xét từ chính những người gần gũi nhất với nhà thơ Xuân Quỳnh, ta thêm hiểu về bà. PGS.TS Lưu Khánh Thơ [em chồng Xuân Quỳnh] từng chia sẻ: “Đọc tác phẩm của Xuân Quỳnh có thể hình dung được cuộc sống của chị như thế nào, chị đã yêu thương hay day dứt những gì? Chị đã dùng sự chân thực để làm điểm tựa cho những cảm xúc và sáng tạo của mình, từ đó thì các sáng tác của chị chính là đời sống, là những tâm trạng thật, là vui buồn trong đời sống… Có lẽ, chưa có một người phụ nữ làm thơ nào đã nói về tình yêu bằng những lời thật sự cháy bỏng , tha thiết và nồng nàn đến như thế”.

Bởi vậy, nhà thơ Xuân Quỳnh mới để lại cho đời những dòng thơ tha thiết yêu đương như:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

….

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.” 

[Sóng]

– “Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.” 

[Tự hát]

Nhà thơ Xuân Quỳnh và chồng Lưu Quang Vũ

Nhắc đến chủ đề tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị nhận xét: “Thơ Xuân Quỳnh chất chứa tình yêu thương con người. Nó như một “bản năng gốc” để tạo nên chất thơ đậm nét ở chị. Xuân Quỳnh làm thơ dễ dàng, như một lời tự hát ấp ủ từ đâu đó, ngân nga mỗi khi có dịp, câu thơ trôi chảy kể cả những khi diễn đạt những điều tế nhị, sâu kín. Những tình cảm được biểu hiện tự nhiên, chân thực, một cách đầy chất thơ”. 

Bởi thế, ta mới bắt gặp một Xuân Quỳnh khát khao yêu thương cháy bỏng, say đắm trong tình yêu trong “Sóng”, “Thuyền và biển”. Nhưng ta cũng bắt gặp một Xuân Quỳnh khác với nỗi lo âu, băn khoăn, trăn trở, suy tư về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi tưởng rằng bền vững nhưng nhiều khi cũng quá đỗi mong manh:

Cửa kính mờ trong mưa đẫm nước

Em chờ anh, anh có về không?” – 

[Ngày mai trời còn mưa]

– “Em lo âu trước xa tắp đường mình

Trái tim đập những điều không thể nói” 

[Tự hát]

“Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

 Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi” 

[Nói cùng anh]

“Những cánh chuồn mỏng manh như tình yêu” 

[Chuồn chuồn báo bão]

“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

 Ai biết lòng anh có đổi thay?” 

[Hoa cỏ may]

Nhà thơ Xuân Quỳnh viết cho trẻ em

Không chỉ nổi tiếng với thơ tình, Xuân Quỳnh còn làm thơ, viết văn cho trẻ em. Các tác phẩm nổi tiếng trong đề tài này gồm có “Cây trong phố, Chờ trăng”, “Bầu trời trong quả trứng” và truyện thơ “Lưu Nguyễn”.

Hầu hết các sáng tác này đều được viết khi nữ thi sĩ đã làm mẹ nên câu từ, ý tứ rất am hiểu tâm lý trẻ thơ, toát lên niềm vui, tình yêu trong sáng, hồn nhiên.

Thế mà nắng cũng sợ rét

Nắng chui vào chăn cùng em

Các bạn để ý mà xem

Trong chăn bao nhiêu là nắng

Mà nắng cũng hay làm nũng

ở trong lòng mẹ rất nhiều

Mỗi lần ôm em, mẹ yêu

Em thấy ấm ơi là ấm.”

[Mùa đông nắng ở đâu?]

Nhiều tác phẩm đã và đang được chọn in và giảng dạy trong chương trình văn học Trung học phổ thông như: Chuyện cổ tích về loài người, tiếng gà trưa…

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Xuân Quỳnh

  • Hoa dọc chiến hào [1968]
  • Gió Lào, cát trắng [1974]
  • Sân ga chiều em đi [1984]
  • Tự hát [1984]
  • Thơ Xuân Quỳnh [1992, 1994]
  • Bầu trời trong quả trứng [1982]
  • Bến tàu trong thành phố [1984]
  • Truyện Lưu Nguyễn [1985]

Qua các tác phẩm nhà thơ Xuân Quỳnh để lại cho đời, có thể khẳng định rằng bà là một trong những cây bút tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Những rung động trong tình yêu, suy tư về cuộc sống của Xuân Quỳnh đã, đang và sẽ mãi lưu giữ trong lòng nhiều thế hệ độc giả yêu quý bà.

Video liên quan

Chủ Đề