Nhan đề cho thấy đánh giá của người Việt về động Phong Nha như thế nào

Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú và câu hỏi 'Ai lập ra Đảng CSVN' ở Hong Kong

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Hồ Chí Minh có vai trò to lớn trong lịch sử Việt Nam

Việc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bị bắt ở Hong Kong ngày 6/6/1931 và thoát khỏi nhà tù năm 1933 nhờ cuộc đấu tranh pháp lý là một sự kiện lịch sử nổi tiếng.

Nhà xuất bản Đại học Cambridge, mùa hè năm nay, vừa ra mắt cuốn sách Ho Chi Minh in Hong Kong của Giáo sư Geoffrey C. Gunn.

Bộ trưởng Anh từng thả Hồ Chí Minh

Giải mã di sản Hồ Chí Minh

Quảng cáo

BBC News Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn dài với tác giả, để nghe ông chia sẻ những phát hiện, và đánh giá của mình về vụ án và về nhân vật Hồ Chí Minh trong lịch sử.

BBC:Nhiều người Việt Nam biết đến Francis H. Loseby đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh ở Hong Kong như thế nào. Trong quá trình nghiên cứu, ông có tìm thấy điều bất ngờ, thú vị nào về Loseby và vụ án không?

Vâng, chắc chắn, tên tuổi của Francis H. Loseby [luật sư của Hồ Chí Minh tại Hong Kong] rất dễ nghe ở Việt Nam ngày nay, đặc biệt là cho những người đã đọc tiểu sử của Hồ Chí Minh, đã đến thăm các viện bảo tàng Hồ Chí Minh... Ở Việt Nam ngày nay, Loseby được miêu tả vừa là một người đáng kính, vừa là một vị cứu tinh của Hồ Chí Minh trong thời gian ông bị giam giữ và xét xử ở Hong Kong sau khi ông ta kháng cáo lên Viện Cơ mật ở Luân Đôn.

Vì cuộc đời của ông và thậm chí cả con gái ông được các nhà sử học Việt Nam ghi chép rất kỹ nên tôi thấy khó bổ sung chi tiết. Nhưng tôi cũng băn khoăn không biết ông ấy đã tham gia những vụ kiện pháp lý nào khác, ông có hứng thú với chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam và sự bất công đàn áp - thậm chí tàn bạo - của Pháp đối với các cuộc nổi dậy năm 1930 -31 khi mà chính quyền thực dân Pháp cho rằng Hồ Chí Minh là tác giả chính.

Chụp lại hình ảnh,

Trung Hoa Dân quốc thời Tôn Trung Sơn là địa bàn hoạt động của nhiều nhà cách mạng châu Á

Trên thực tế, kiến thức của Loseby về Đông Dương thuộc Pháp có thể không quá sâu sắc vào thời điểm đó, đặc biệt là báo chí Hong Kong hiếm khi đưa tin về những sự kiện như vậy. Tuy nhiên, tôi rất ngạc nhiên rằng vào năm 1929, Loseby làm luật sư cho một khách hàng người Việt gốc Hoa bị buộc tội có hành vi bất chính ở Hải Phòng, cảng lớn ở miền Bắc Việt Nam.

Được mệnh danh là "Vụ án dẫn độ Hải Phòng" năm 1929, sau đó ông ta biết rằng không có hiệp ước dẫn độ nào giữa Anh và Pháp liên quan đến Bắc Kỳ. Ít nhất, Loseby cũng hiểu được phần nào về việc thực dân Pháp chia Việt Nam thành ba phần, mỗi phần có các định nghĩa pháp lý tương ứng, đó là miền nam Việt Nam [Nam Kỳ] được cai trị như một thuộc địa; miền Trung Việt Nam [Annam] như một xứ bảo hộ; và với miền Bắc Việt Nam [Tonkin], một chính quyền bảo hộ nhưng Hà Nội và Hải Phòng thì giống như những vùng đất thuộc địa. Vì vậy, có lẽ Loseby đã biết,

Hồ Chí Minh không bao giờ có thân phận thuộc địa của Pháp [ông Hồ không bao giờ có được giấy phép cư trú khi sống ở Paris, và dĩ nhiên không có hộ chiếu của Pháp] và về mặt pháp lý, ông vẫn là thần dân của Hoàng đế An Nam.

Nguồn hình ảnh, Getty Images/BBC World Service

Chụp lại hình ảnh,

Hồ Chí Minh sang Pháp cứu vãn hội đàm với chính phủ Georges Bidault năm 1946 nhưng không thành

Ở mức độ cá nhân, tôi cũng bị ấn tượng rằng Loseby đã tham gia vào ít nhất một trong những phong trào xã hội lớn ở Hong Kong thuộc địa, cụ thể là loại bỏ tập tục ép phụ nữ Trung Quốc vào gia đình giàu có hoặc thậm chí các nhà chứa [và ông đã viết một báo cáo về chủ đề này kêu gọi cải cách]. Loseby không phải là chủ đề chính trong cuốn sách của tôi nhưng tôi sẽ đánh giá ông ấy là một người theo chủ nghĩa xã hội Fabian tận tụy nhưng chính xác đến đâu thì sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Tôi cũng lưu ý trong cuốn sách của mình rằng ông ta có thể đã hơi quá tin tưởng vào nhân viên của mình khi ít nhất một thành viên trong nhóm văn phòng của ông ta đã nhận hối lộ từ một điệp viên thân Pháp để giao bản sao các tài liệu pháp lý.

Thông thường các luật sư luôn giữ khoảng cách xã hội với khách hàng, nhưng tôi cũng nhận thấy mối quan hệ đặc biệt phát triển giữa Loseby và Hồ Chí Minh, bao gồm cả việc giúp ông Hồ rời khỏi thuộc địa của Anh. Và thật đáng tiếc khi các tác phẩm trong tù của Hồ Chí Minh tặng cho Loseby để giữ an toàn đã biến mất trong cuộc xâm lược Hong Kong của Nhật Bản. Khi ấy Loseby cũng phải chịu cảnh tù đày - không nghi ngờ gì là thậm chí còn tồi tệ hơn cả Hồ Chí Minh - và điều đó hẳn là rất kinh khủng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hong Kong thập niên 1930

BBC:Ông có thể giải thích thêm về việc áp dụng khái niệm "habeas corpus" [quyền bất khả xâm phạm thân thể] trong trường hợp của Nguyễn Ái Quốc?

Mặc dù xa lạ với Châu Á [bao gồm cả Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản ngày nay], habeas corpus là tiền lệ pháp lý của Anh làm cơ sở cho giả định vô tội trước pháp luật [hoặc nguyên tắc vô tội trước khi được chứng minh là có tội]. Nó cũng có giá trị ở Hong Kong [và bây giờ vẫn còn], và chính nhờ việc xin được tới tòa phúc thẩm mà Hồ Chí Minh đã được cứu.

Mặc dù vậy, theo lệnh hành chính do thống đốc Hong Kong ban hành, hầu hết những nghi phạm Trung Quốc chỉ đơn giản là bị ném qua biên giới bất kể số phận của họ [và điều đó thường có nghĩa là người cộng sản sẽ bị hành quyết]. Đối với họ, habeas corpus là một khái niệm pháp lý xa vời được áp dụng một cách có chọn lọc.

Người cộng sản Indonesia Tan Malaka, người bị bắt tại Hong Kong với tội danh "nhập cảnh bất hợp pháp" đã không đấu tranh tại tòa án [và ông ta cũng không được đề nghị tư vấn pháp lý]. Thay vào đó, ông đã cố gắng gửi thư cảnh báo một nghị sĩ Lao động độc lập ở London, người đã nêu trường hợp tại quốc hội. Mặc dù người Hà Lan tìm cách dẫn độ Tan Malaka, điều này không được người Anh cho phép và do đó, theo lệnh trục xuất, Tan Malaka được phép chọn điểm đến của mình bên ngoài thuộc địa của Anh.

Vụ án Tống Văn Sơ [Sung Man Cho] và Giám đốc trại giam, như tên gọi vụ án liên quan đến Hồ Chí Minh tại Tòa án Tối cao Hong Kong khi ấy, do đó là bất thường vì nó lại được mang ra tòa. Tại sao lại như vậy? Tôi nghĩ điều đó bắt nguồn từ việc báo chí trong nước và quốc tế đưa tin nhanh chóng về vụ bắt giữ Hồ Chí Minh cùng với sự can thiệp nhanh chóng không kém của Luật sư Loseby để sẵn sàng thụ lý vụ án. Ngược lại, vụ bắt giữ Tan Malaka [và của một đồng chí Indonesia khác], không thu hút sự chú ý của báo chí. Cũng có sự khác biệt về mặt pháp lý.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sir [Ngài] Stafford Cripps, được biết đến nhiều nhất bởi sự ủng hộ của ông cho nền độc lập của Ấn Độ.

Như cuốn sách của tôi đã chỉ ra, trong khi thủ tục trục xuất luôn được che đậy trong bí mật, thì việc dẫn độ yêu cầu một phiên điều trần tại một tòa án công khai và dẫn độ được quy định bởi các luật của đế quốc và theo các hiệp ước giữa Anh và các quốc gia khác. Những kẻ đào tẩu chờ quyết định của thống đốc thì được phép 15 ngày để nộp đơn lên Tòa án Tối cao để xin habeas corpus.

Như ta đã biết, khi sử dụng bí danh Tống Văn Sơ, Hồ Chí Minh khi đó đang ở cùng "cháu gái" Lý Phương Thuận [Lý Sâm, tên thật Nguyễn Thị Tích], và bị bắt tại Hong Kong bởi chính quyền cảnh sát thuộc địa Anh vào ngày 6 tháng 6 năm 1931 Sau đó, ông bị giam giữ tại nhà tù Victoria trên đảo Hong Kong [ngày nay là một khu du lịch di sản] và ông sẽ ở đó hoặc trong bệnh viện nhà tù cho đến cuối tháng 1 năm 1933, lúc đó Viện Cơ mật ở London đã giải quyết vụ việc của ông ngoài tòa án, do đó cho phép ông ta tự do rời khỏi Hong Kong.

Được sự hỗ trợ của công ty của Loseby, vụ án của Hồ Chí Minh đã được xét xử tại Tòa Thượng thẩm Hong Kong trong chín phiên họp từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1931. Các phiên họp này đã được báo chí địa phương bằng tiếng Anh ở Hong Kong đưa tin rộng rãi, đồng thời cũng thu hút được sự chú ý của quốc tế. Mặc dù không được báo chí đưa tin, nhưng cuốn sách của tôi tiết lộ trong một chương dành riêng, là trong 20 tháng tù giam, các nhà ngoại giao Pháp cũng đã làm việc tích cực - mặc dù không thành công - để đòi trục xuất ông đến cơ quan tài phán của Pháp.

Trong quá trình tố tụng, người bào chữa đã trình bày các lập luận trong đó có tuyên bố rằng việc trục xuất sang Đông Dương trên một con tàu của Pháp là tương đương với việc hành quyết và như vậy là bất hợp pháp. Luật pháp Anh không cho phép dẫn độ các vụ án chính trị. Thẩm phán và cơ quan công tố vẫn bác bỏ những lập luận đó và vẫn kiên trì tống đạt "giấy báo tàu" để lên một con tàu của Pháp đang đi từ Hong Kong đến Đông Dương. Do phán quyết của Tòa Thượng thẩm Hong Kong đối với Hồ Chí Minh, luật sư D.C. Jenkin đã nói với tòa rằng ông sẽ kháng cáo vụ việc lên Viện Cơ mật. Về Jenkin, người biện hộ xuất sắc được Loseby giữ lại, ta không nên đánh giá thấp vai trò của ông ta trong việc hoàn thiện các điều khoản của habeas corpus. Loseby sau đó yêu cầu Luật sư Noel Pritt đại diện cho Hồ Chí Minh tại London. Lá đơn được Viện Cơ mật tiếp nhận vào ngày 26 tháng 1 năm 1932.

BBC:Khái niệm habeas corpus có giúp bị can cuối cùng thoát khỏi một bản án tử hình gần như chắc chắn ở Đông Dương thuộc Pháp, nếu bị trục xuất cho cảnh sát Pháp?

Như tôi đã lưu ý, Hồ Chí Minh vẫn là một thần dân của Đế quốc An Nam. Vào tháng 8 năm 1929, Tòa án Hoàng gia xem ông ta sống ngoài vòng pháp luật và ban hành một lệnh bắt giữ. Cuốn sách của tôi hiển thị một bản sao của lệnh này. Hai tháng sau, một tòa án ở Vinh, quê hương của ông, ban hành lệnh kết án tử hình nếu bắt được ông [đang chờ dẫn độ]. Sau cuộc đàn áp 1930-31 ở miền Trung Việt Nam, hàng ngàn người bị bắt, hàng trăm người bị tù tại địa phương, bị đày và nhiều người bị chém. Số phận của người thanh niên Trần Phú [như đề cập dưới đây] chết trong nhà tù ở Sài Gòn là minh chứng. Nếu bị trục xuất sang lãnh thổ Pháp và bị đày đi An Nam, số phận của Hồ Chí Minh sẽ quả là nghiệt ngã.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

London đầu thế kỷ 20

Và vì vậy, việc thua tại Tòa Thượng thẩm Hong Kong sau chín phiên họp, về cơ bản là một bản án tử hình nếu ông ta bị trục xuất trên một con tàu của Pháp. Không có biện pháp pháp lý nào khác ngoại trừ kháng cáo lên Viện Cơ mật, tòa án cao nhất của Đế quốc Anh để xin áp dụng habeas corpus.

Với việc kháng cáo trước Viện Cơ mật ở London vào giữa năm 1932, và khi Hồ Chí Minh vẫn bị giam trong nhà tù Victoria, hai luật sư tại London - DN Pritt, người đại diện cho Hồ Chí Minh, và Sir Stafford Cripps, thành viên Viện Cơ Mật, hàm bộ trưởng - đã giải quyết vụ việc ngoài tòa án. Có thể cả hai người đều là những người mang tư duy xã hội chủ nghĩa, nhưng tôi không nghĩ rằng khuynh hướng chính trị của họ là quan trọng.

Về cơ bản, luật sư đại diện cho Bộ Thuộc địa Anh hiểu rằng Hồ Chí Minh sẽ thắng kiện vì lệnh trục xuất của thống đốc đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, một thỏa thuận bảo vệ thể diện phải được thực hiện, đó là trục xuất [nhưng không phải trên một con tàu của Pháp và không đến lãnh thổ của Pháp].

BBC:Theo ý kiến của ông, trong thời gian đó, Nguyễn Ái Quốc có phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc, hay một người cộng sản cam kết tuân theo mệnh lệnh nghiêm ngặt của Moscow?

Tất nhiên, Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa dân tộc hay cộng sản quốc tế nhận lệnh từ Moscow là một câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc chiến tranh kéo dài của Pháp và Mỹ ở Việt Nam và do đó đã tạo ra các cuộc tranh cãi vô tận. Tôi nghĩ rằng cả người Pháp và Mỹ đã bỏ lỡ những dấu hiệu rằng ông ấy là một người theo chủ nghĩa dân tộc trong những cuộc đấu tranh này.

Tuy nhiên, quay trở lại những năm đầu tiên, nghĩ về sự chuyển đổi nổi tiếng sang chủ nghĩa Lê-nin ở Paris, sự biến mất đột ngột của ông để đến Moscow, hòa nhập với những người cộng sản quốc tế thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trong hoặc ngoài các trường đại học Liên Xô, ông trở nên chìm đắm trong lý thuyết cách mạng trước khi được cử đến miền nam Trung Quốc, nơi ông đóng tại Quảng Châu cùng với Đại sứ quán Liên Xô.

Với kinh nghiệm ở Quốc tế cộng sản, người ta có thể ngờ rằng Hồ Chí Minh sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng và mở rộng đảng vào Việt Nam. Nhưng không phải. Ông vẫn là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp - mặc dù cũng mất liên lạc - và vẫn chưa có Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức. Ngược lại, Đảng Cộng sản Indonesia được thành lập vào năm 1919 với Tan Malaka là chủ tịch thứ hai.

Ở Quảng Châu, như cuốn sách của tôi kể lại, Hồ Chí Minh đã tập hợp một số ít các nhà hoạt động chống Pháp có cùng chí hướng trong cộng đồng người Việt di cư. Đồng thời, ông loại bỏ những kẻ vô chính phủ và mâu thuẫn với những người theo chủ nghĩa dân tộc truyền thống cũng như với Phan Bội Châu, cũng như những đối thủ đang tìm đến các giải pháp quân sự. Tại Quảng Châu, ông cho ra mắt tờ báo Thanh Niên nhắm vào giới trẻ.

Tờ này có giọng điệu yêu nước, thông điệp viết theo ngôn ngữ dân tộc chứ không cộng sản - sau này ông bị chỉ trích vì điều đó khi mà xu hướng chính trị tại Moscow chuyển sang cách diễn giải gay gắt hơn về đấu tranh giai cấp.

Thế giới không đứng yên. Tháng 5 năm 1927, cuộc thanh trừng phe tả của Tưởng Giới Thạch đã buộc Hồ Chí Minh phải trốn khỏi Trung Quốc. Theo một con đường vòng qua Moscow và châu Âu, sau đó ông chuyển đến miền bắc Thái Lan, nơi ông làm việc với những thanh niên Việt Nam di cư.

Chính từ Thái Lan, ông đã được các đồng chí triệu tập đến Hong Kong để hỗ trợ việc thống nhất các nhóm và phe phái cộng sản khác nhau nổi lên ở Việt Nam và một số người trong số họ gần như hòa hợp với tư duy quốc tế cộng sản hơn Hồ Chí Minh. .

Cuốn sách của tôi cũng dành một chương riêng về người cộng sản Indonesia kỳ cựu Tan Malaka, ngày nay được mệnh danh là "cha đẻ của cuộc cách mạng" ở Indonesia [mặc dù đã chết một cách bi thảm vào năm 1949]. Ngay từ thời kỳ đầu ở Moscow, Tan Malaka, đã tham gia vào các cuộc tranh luận [thậm chí có thể thu hút sự chú ý của Lenin] về vai trò của Hồi giáo trong phong trào cộng sản thế giới.

Sau đó trong sự nghiệp của mình, ông được mệnh danh là một "người cộng sản theo chủ nghĩa dân tộc." Để tạo ra một quốc gia từ các nhóm dân tộc đa dạng với tỷ lệ dân trí thấp là điều khó khăn hơn nhiều so với Việt Nam với truyền thống nhà nước trung ương lâu đời và vì vậy ông này đã có những điều chỉnh trong suy nghĩ của mình.

Sự nghiệp của ông này và Hồ Chí Minh gắn liền với nhau, cả hai gặp nhau ở Moscow, Quảng Châu, và cả hai đều có chung thời gian trong tù ở Hong Kong. Tuy nhiên, sự nghiệp của họ cũng trái ngược nhau. Với việc Tan Malaka được Moscow bổ nhiệm làm đại biểu cho Đông Nam Á, tôi tin rằng ông ấy là một người cộng sản không kém Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ khoảng năm 1927, Tan Malaka cũng bắt đầu bí mật thành lập một đảng cộng sản dân tộc. Làm như vậy, rạn nứt mở ra trong chủ nghĩa cộng sản Indonesia giữa một phe ủng hộ Moscow và một phe chủ nghĩa cộng sản dân tộc đi theo Tan Malaka [và điều đó sẽ tiếp tục kéo dài đến những năm 1960].

Ngược lại, Hồ Chí Minh không bao giờ dao động lòng trung thành của mình đối với Moscow ngay cả khi thiếu tiền mặt và sự ủng hộ và đôi khi bị trừng phạt nặng nề. Như cuốn sách của tôi ghi lại, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất được thành lập, Hồ Chí Minh đã tìm đến Văn phòng Quốc tế Cộng sản của Pháp. Như ông ấy đã viết, "Bây giờ, tôi không biết chính xác vị trí của mình là gì. Tôi là thành viên của Cộng sản Pháp hay Cộng sản Việt Nam? " "Tôi không thuộc ủy ban trung ương của ĐCSVN vì tôi không thể vào Đông Dương cấp bậc của tôi là gì?" Ông ấy không nhận được câu trả lời rõ ràng nào ngoại trừ bảo rằng cứ tiếp tục và được giao thêm Singapore, Malaysia, và Thái Lan trong công việc.

BBC:Ông cho rằng Nguyễn Ái Quốc có thực sự thành lập hay thống nhất ba phe cộng sản ở ba nước Đông Dương để ra mắt Đảng Cộng sản Đông Dương theo lệnh của Quốc tế Cộng sản không?

Như cuốn sách của tôi mô tả, Hồ Chí Minh đã được một hoặc các phái viên Việt Nam từ Hong Kong đến tìm kiếm ông ta trong khu rừng phía đông bắc Thái Lan vào cuối năm 1929 với mục đích hòa giải sự khác biệt giữa các phe phái cộng sản cạnh tranh ở Việt Nam. Vì vậy, từ những bằng chứng có sẵn, bao gồm cả các nguồn tin của cảnh sát Pháp, đây không phải là sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc [và cũng không thể xác nhận rằng nó có theo hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản hay không].

Tuy nhiên, ta biết ông đã đồng ý với yêu cầu này và bí mật đến Hong Kong vào tháng 12 năm 1929 để gửi lời mời tới các đại biểu liên quan. Theo những gì đã biết, vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp khai mạc của một đảng cộng sản Việt Nam thống nhất, tổ chức tại Hong Kong, chấm dứt sự tranh giành và chia rẽ trong khu vực [mặc dù không chấm dứt các tham vọng cá nhân]. Trong giới nghiên cứu chính thức của Việt Nam, đây đã được mệnh danh là Hội nghị Thống nhất. Cũng có thể có sự hỗ trợ đáng kể của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc hỗ trợ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, một cuộc họp toàn thể được tổ chức vào tháng 10 năm sau đã dẫn đến việc thành lập một đảng toàn Đông Dương bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào, mặc dù Hồ Chí Minh đã giao quyền lãnh đạo cho một người mới trở về từ Moscow, đó là Trần Phú.

Có nhiều phiên bản khác nhau của cả hai sự kiện này, đó là sự ra đời của một Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất và sáu tháng sau sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng có một câu hỏi đặt ra là có hay không việc Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Trung ương Tháng Mười và tôi không có bằng chứng chắc chắn rằng ông ấy đã tham dự và do đó đã để Trần Phú ra điều khiển.

Sách của tôi đề cập đặc phái viên Pháp của Quốc tế Cộng sản Jean Crémet, mật danh "Thibault," mang theo mệnh lệnh cho các nhóm cộng sản Đông Dương khác nhau thành lập một đảng cộng sản thống nhất. Qua Berlin trên đường đến Paris, Trần Phú và một đồng chí nhận được bản tài liệu này. Bị trì hoãn ở Pháp, họ chỉ đến Sài Gòn vào ngày 8 tháng 2 năm 1930, và vì vậy đã bỏ lỡ cuộc gặp đã định với Đặc vụ Thibault / Crémet. Cuối cùng đến Hong Kong vào giữa tháng 2 năm 1930, Trần Phú nhận thấy rằng Hội nghị Thống nhất đã được Hồ Chí Minh triệu tập, mà có vẻ như không biết chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.

Mặc dù các học giả phương Tây nhất trí rằng việc thay đổi tên này tại Hội nghị Trung ương tháng 10 là theo lệnh của Quốc tế Cộng sản, lý do vì sao thì vẫn có các suy đoán. Theo một tài liệu do Sở mật thám của Pháp thu hồi được và quy cho là một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 9 tháng 12 năm 1930, thì lý do là "Le nom de Viet Nam ne convient pas" [Tên gọi Việt Nam không phù hợp].

Một số nhà phân tích cho rằng Hồ Chí Minh bị phê phán vì chủ nghĩa sô vanh và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Tôi đồng tình rằng Hồ Chí Minh không thể vui mừng khi Hội nghị toàn thể do Trần Phú thống lĩnh thậm chí đã diễn ra, nhưng ông ấy bị rơi vào thế khó xử trước sự xuất hiện của người mới nổi trẻ hơn [học trò cũ của ông ở Quảng Châu] được cho là mang chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và gần gũi hơn với suy nghĩ hiện thời của Moscow trong bối cảnh các cuộc thanh trừng của Stalin. Dù thế nào đi nữa, việc thay đổi tên sẽ ảnh hưởng chính trị ở Lào và đặc biệt là ở Campuchia trong nhiều thập niên.

Video liên quan

Chủ Đề