Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt

Bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh khiến mẹ lo lắng mắc phải biến chứng sau sinh nở, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chăm sóc, phục hồi giai đoạn hậu sản và nuôi con nhỏ. Để mẹ an tâm hơn, BS.CKII Lâm Hoàng Duy, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã có những chia sẻ cụ thể về tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh trong bài viết dưới đây.

Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì?

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là tình trạng mẹ bị mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều trong một khoảng thời gian. Thời gian này dài hoặc ngắn tùy thuộc vào cơ địa của người mẹ. Trong khoảng thời gian mất kinh này, mẹ sẽ không có kinh nguyệt như bình thường mà thay vào đó là sản dịch, dịch âm đạo có máu, chất nhầy và mô tử cung. Ban đầu, sản dịch bắt đầu rất nặng và có màu đỏ tươi. Sau khoảng 5-8 tuần, màu sản dịch nhạt hơn, giảm dần và ngừng hẳn.

Các chuyên gia Sản khoa khuyến cáo mẹ cần phân biệt giữa sản dịch và kinh nguyệt. Mặc dù cả sản dịch và kinh nguyệt đều bắt đầu bằng máu đỏ tươi, tuy nhiên sản dịch có xu hướng nhạt dần theo thời gian, trong khi máu kinh nguyệt lại có xu hướng sẫm dần. Mẹ nên sử dụng băng vệ sinh trong thời gian sản dịch để kiểm soát lưu lượng máu, không nên sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san vì có nguy cơ gây nhiễm trùng. (1)

Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt
Mẹ nên sử dụng băng vệ sinh để theo dõi lượng sản dịch sau sinh

Bác sĩ Lâm Hoàng Duy chia sẻ, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh hoàn toàn bình thường. Phụ nữ cho con bú có thể gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt vì các hormone hỗ trợ cho con bú có thể khiến cơ thể trì hoãn việc rụng trứng hoặc rụng trứng không thường xuyên. Ở những phụ nữ không cho con bú cũng có thể gặp tình trạng kinh nguyệt không đều do cơ thể cần thời gian hồi phục sau khoảng thời gian mang thai và sinh nở.

“Theo thời gian kinh nguyệt sẽ dần quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể có kinh nguyệt không đều như trước khi mang thai như người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc lạc nội mạc tử cung. Nếu có bất kỳ lo lắng nào khi bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh, tốt nhất mẹ nên thăm khám và trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp phù hợp”, bác sĩ Hoàng Duy nhắn nhủ.

Dấu hiệu phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh con

Một số dấu hiệu cho thấy mẹ bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh là: (2)

1. Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

Thông thường một chu kỳ kinh nguyệt là 28 ngày, sau khi sinh mẹ có thể thấy chu kỳ kinh bị thay đổi dài hơn hoặc ngắn hơn bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, mẹ nên thăm khám sớm để tìm nguyên nhân, loại trừ các nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý nguy hiểm.

2. Các triệu chứng kinh nguyệt nặng nề

Kỳ kinh nguyệt sau sinh có thể xuất hiện những triệu chứng như đau bụng dữ dội, lượng máu kinh ra nhiều, bị vón cục, máu kinh có màu sắc khác lạ, có mùi hôi… Mẹ nên thăm khám ngay nếu những triệu chứng này ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc hậu sản và nuôi con nhỏ.

Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt
Nếu bị đau bụng dữ dội mỗi khi đến kỳ kinh, mẹ cần thăm khám sớm để tìm nguyên nhân

Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Bác sĩ Hoàng Duy cho biết, rối loạn kinh nguyệt xảy ra do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, vì thế bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến hormone cũng có thể là nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt thay đổi.

Những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh con phổ biến là: (3)

Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt

1. Ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh nở

Quá trình mang thai và sinh nở khiến cơ thể phụ nữ có những thay đổi đột ngột, điều này đồng nghĩa với nội tiết tố trong cơ thể có thể tăng lên hoặc giảm xuống một cách bất thường, dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

2. Tác động của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Nếu mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể sẽ không có kinh nguyệt trong nhiều tháng vì việc cho con bú ngăn cản quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

Theo một nghiên cứu năm 2015, khoảng 11,1-39,4% phụ nữ đang cho con bú sẽ có kinh ít nhất 1 lần trong vòng 6 tháng sau khi sinh, khiến nhiều mẹ coi việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là một phương pháp tránh thai. Bác sĩ Hoàng Duy khuyến cáo, mẹ bỉm sữa không nên coi việc cho con bú là phương pháp tránh thai, mặc dù ít có khả năng hơn nhưng mẹ vẫn có thể bắt đầu rụng trứng, nghĩa là vẫn có khả năng mang thai khi cho con bú, nhất là khi mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ không thấy kinh nguyệt xuất hiện trong một khoảng thời gian

3. Ảnh hưởng từ tâm lý căng thẳng, stress

Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ sau sinh có thể gặp nhiều vấn đề tâm lý như áp lực trong chăm sóc con nhỏ, stress trong việc phục hồi sắc vóc sau sinh… khiến chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi theo chiều hướng xấu.

4. Tác dụng phụ của phương pháp tránh thai

Nhiều mẹ bỉm sữa lựa chọn sử dụng thuốc tránh thai để ngăn ngừa việc mang thai lần nữa khi vừa mới sinh con, việc này có thể gây ra tác dụng phụ là rối loạn kinh nguyệt. Do đó, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp tránh thai khác phù hợp hơn.

5. Dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa

Tiền sử trước khi mang thai hoặc hiện tại đang mắc các bệnh lý phụ khoa ảnh hưởng đến nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), lạc nội mạc tử cung, rối loạn tuyến giáp… có thể dẫn đến tình trạng sau sinh bị rối loạn kinh nguyệt.

Hoặc các vấn đề ở lớp nội mạc tử cung như mô sẹo tử cung, polyp lòng tử cung, u xơ tử cung dưới niêm mạc… cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế, khi bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh kéo dài, mẹ nên thăm khám sớm nếu nghi ngờ mắc phải một trong những bệnh lý kể trên để được can thiệp điều trị kịp thời và hiệu quả.

Sau sinh bao lâu có kinh nguyệt trở lại?

Sau sinh bao lâu có kinh nguyệt trở lại cũng là vấn đề được đông đảo mẹ bỉm sữa quan tâm. Theo báo cáo năm 2011 dựa trên kết quả của 6 nghiên cứu trước đó, phụ nữ sẽ bắt đầu có kỳ kinh nguyệt quay trở lại sau khoảng 45-94 ngày sau khi sinh, trung bình xảy ra sau 74 ngày sau sinh.

Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Duy cho biết, thực tế không có câu trả lời chính xác cho vấn đề sau sinh bao lâu sẽ có kinh nguyệt, bởi thời điểm xuất hiện kinh nguyệt trở lại ở mỗi cá nhân là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Mẹ có cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ hay không? Tần suất bú mẹ như thế nào?
  • Bé có bú bình không? Tần suất mẹ cho bé bú bình?
  • Cơ thể mẹ có những phản ứng thay đổi hormone thế nào?…

“Ở những người mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, hormone tạo sữa là Prolactin sẽ khiến cơ thể ngừng rụng trứng, do đó không xuất hiện kinh nguyệt trong thời gian này. Thông thường mẹ có thể mất kinh từ 6 tháng đến 1 năm, khi mẹ không cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn thì kinh nguyệt sẽ xuất hiện trở lại. Nếu sau khi sinh mẹ cho bé bú sữa mẹ kết hợp sữa công thức, chu kỳ kinh nguyệt có thể quay trở lại sớm hơn, thường là khoảng tuần thứ 3-12 sau sinh”, bác sĩ Hoàng Duy cho biết thêm.

Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt
Thời gian xuất hiện kinh nguyệt sau sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bú sữa mẹ hay sữa công thức

Bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh có nguy hiểm không?

Bác sĩ Hoàng Duy cho biết, rối loạn kinh nguyệt sau sinh là hiện tượng sinh lý phổ biến và hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau khi trải qua những biến đổi của quá trình mang thai, sinh nở và nuôi con bằng sữa mẹ. (4)

Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian, thường sẽ ổn định trở lại khi mẹ không còn cho con bú bằng sữa mẹ. Nếu nhận thấy tình trạng kéo dài, mức độ ngày càng tăng dần, mẹ nên thăm khám ngay để tìm nguyên nhân vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm, có thể là triệu chứng của bệnh u xơ tử cung hoặc tình trạng chảy máu kéo dài có thể gây mất nhiều máu, nghiêm trọng hơn có thể bị đe dọa tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Phụ nữ sau sinh cần thăm khám ngay khi có những dấu hiệu sau:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, có tháng có tháng không.
  • Thời gian hành kinh thất thường, lượng máu kinh ra quá ít hoặc quá nhiều, máu kinh có màu sắc lạ, có mùi hôi và vón cục.
  • Đau bụng dưới dữ dội, kéo dài nhiều ngày với mức độ tăng dần.
  • Núm vú bị đau.
  • Đau rát và sưng ở vùng kín.
  • Chảy máu bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục.

“Khi có những triệu chứng kể trên, mẹ cần ghi chú lại thời gian xuất hiện triệu chứng, tần suất, mức độ… nhằm cung cấp thông tin triệu chứng cụ thể nhất cho bác sĩ, góp phần tăng độ chính xác của kết quả chẩn đoán. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc bất cứ phương pháp điều trị nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn”, bác sĩ Hoàng Duy nhắn nhủ.

Chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám ban đầu, thăm hỏi bệnh sử, hỏi thăm các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt sau sinh mẹ gặp phải với tần suất, mức độ như thế nào… Tiếp đến, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ tham gia một số xét nghiệm kiểm tra nhằm tìm ra nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt để có hướng can thiệp điều trị phù hợp.

Chữa rối loạn kinh nguyệt sau sinh con

Bác sĩ Hoàng Duy cho biết, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh là khác nhau ở mỗi người, có trường hợp chỉ là rối loạn kinh nguyệt sinh lý bình thường, có trường hợp là rối loạn do bệnh lý cần có can thiệp y tế để điều chỉnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có tư vấn và hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp.

Phụ nữ sau sinh khi nào có kinh nguyệt
ThS.BSNT Lâm Hoàng Duy, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn, khám và điều trị bệnh lý phụ khoa giúp mẹ vượt qua giai đoạn hậu sản nhẹ nhàng và khỏe mạnh

Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám và điều trị cá thể hóa… sẽ giúp mẹ tìm ra nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh, dựa vào đó có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.

Để đặt lịch hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:

Phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt sau sinh bằng cách nào?

Mẹ bỉm sữa cần thực hiện những việc sau để cải thiện hoặc ngăn ngừa tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh:

  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
  • Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… vì ngoài nguy cơ gây rối loạn kinh nguyệt còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ
  • Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức.
  • Tập thể dục thể thao điều độ, nên tập những bộ môn nhẹ nhàng, phù hợp cho giai đoạn sau sinh như các bài tập Kegel, Yoga.
  • Giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ bằng cách tích cực trò chuyện cùng người thân và bạn bè, điều này còn giúp mẹ tránh được tình trạng trầm cảm sau sinh.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp tránh thai phù hợp, tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần hoặc theo hướng dẫn riêng của bác sĩ.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh để biết cách theo dõi, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!