Richard Phillips Feynman - Nhà vật lý lý thuyết - Mỹ

Richard Phillips Feynman là một nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ gốc Do Thái đã nhận giải thưởng Nobel Vật lý trong năm 1965. Richard Feynman sẽ luôn luôn được biết đến là một thiên tài, người đã hình dung lại lực điện từ là một hiện tượng lượng tử và là người đã thay thế những phương trình phức tạp bằng những biểu đồ đơn giản. Nhưng ông sẽ còn được nhớ tới là một “nhân vật hiếu kỳ”, đó là cách ông tự mô tả bản thân mình trong phần phụ dẫn của quyển hồi kí best-seller của ông, Feynman: Chuyện thật như đùa!, và cả cuốn “Cái bạn quan tâm có là cái người khác nghĩ hay không?”, xuất bản chỉ vài tháng trước khi ông qua đời. Feynmann không chỉ là người hành quân theo nhịp đánh của một tay trống khác, như những người theo chủ nghĩa cá nhân thường phải làm. Bản thân ông chính là một tay trống thực thụ và rất có khí chất.

Tóm tắt nội dung Ở đầu cuốn bán tự truyện Feynman: Chuyện thật như đùa! chỉ có gần nửa trang liệt kê các mốc quan trọng trong cuộc đời Richard Feynman, như: sinh năm 1918 ở Far Rockaway (Mỹ); 1935 vào đại học MIT; 1939 làm nghiên cứu sinh ở Princeton; 1943 – 1945 tham gia dự án Manhattan (chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên); 1946 – 1950 làm việc ở đại học Cornell, rồi chuyển về làm việc ở Caltech cho đến cuối đời; kết hôn ba lần, có hai con; thăm Brazil vào 1949 và 1951; thăm Nhật vào 1951. Chẳng lẽ cuộc đời của một trong mười nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại – theo British Journal Physics World, chỉ được tóm gọn trong ngần ấy thông tin ngắn ngủi như vậy? Thế còn việc Feynman trở thành giáo sư năm 28 tuổi? Hay việc ông được chọn làm thành viên viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ và cả thành viên nước ngoài của hội Hoàng gia (Royal Society, Anh) nữa? Hay việc ông được nhận Oersted Medal, huân chương cao quý nhất dành cho các thầy giáo? Hay, thậm chí việc ông đoạt giải thưởng Nobel Vật lý? Với ai đó, chỉ cần sở hữu một trong các chức danh, phần thưởng kể trên cũng thừa đủ để nhấm nháp vinh quang suốt cả đời. Nhưng, với Feynman thì tất cả tước hiệu, phẩm bậc, phần thưởng chưa bao giờ là mục đích của đời ông. “Với tôi thanh danh chỉ là phù phiếm. Tôi không cần danh tiếng, bởi đó chỉ là nỗi phiền toái, chỉ là hình thức, là vỏ bọc.” Feynman như một lãng tử suốt đời chìm trong đam mê: mê chơi trống, mê vẽ tranh, mê bẻ mã khóa, mê lý giải các ký tự của người Maya, mê ngồi ở các quán bar, mê kỹ thuật, mê giảng dạy, và đặc biệt là mê “chơi” vật lý. Ông gọi “nghiên cứu” là “chơi” – mà đã chơi thì phải hết mình. “Phần thưởng đích thực chính là niềm vui khám phá”.

Trong tập sách Feynman: Chuyện thật như đùa!, chủ nhân giải Nobel Vật lý danh giá năm 1965 đã kể lại những cuộc phiêu lưu kỳ quặc cũng như các trải nghiệm của ông khi trao đổi về các ý tưởng Vật lý nguyên tử với Eistein và Bohr. Ông cũng kể về những mưu mẹo trong cờ bạc với Nick the Greek, khi mở những cái két khủng lưu giữ những bí mật hạt nhân được bảo quản cẩn trọng nhất; khi đệm trống bongo cho một vở ba-lê; khi vẽ một nữ đấu sĩ bò tót ở trần – và nhiều trải nghiệm khác của một bản năng rất đỗi ngạc nhiên… Tóm lại, hơn 400 trang sách trong Feynman: Chuyện thật như đùa! chính là bức chân dung cuộc sống thật chi tiết và sống động của Feynman trong tất cả niềm tự hào khác thường của nó – một sự pha trộn tinh tế của trí thông minh đỉnh cao, tính ham hiểu biết không có giới hạn, và sự tự tin tuyệt đỉnh.

Thông tin tác giả Richard Phillips Feynman sinh ra tại Brooklyn (New York) năm 1918 trong một gia đình Do Thái. Sự xuất chúng của Feynmann thể hiện rõ ngay ở tuổi còn nhỏ. Lúc còn là học sinh phổ thông, ông đã tự học giải tích và kiếm tiềm bằng cách đi sửa radio cho hàng xóm láng giềng. Trong quãng đời thanh niên, ông luôn bỏ xa những học sinh xuất sắc khác trong các lớp học vật lý của mình. Đầu óc nhanh nhẹn của ông đã cho phép ông có nhiều thời gian “nghiên cứu” cái có lẽ là sở thích lớn nhất của ông: bạn gái. Richard Feynman tốt nghiệp Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) vào năm 1939, bảo vệ bằng tiến sỹ tại Đại học Princeton dưới sự hướng dẫn của John Wheeler vào năm 1942. Thói quen liên tục tìm tòi khám phá của Feynman về thế giới chính là gốc rễ của con người ông. Nó không chỉ là cái máy làm nên các thành công khoa học mà còn dắt ông đến rất nhiều khám phá kỳ thú ví như giải mã những chữ tượng hình của người Maya. Vào những năm sau Thế chiến thứ hai, Feynman đã tìm ra một phương pháp mới rất hiệu quả trong việc nhận thức cơ học lượng tử. Và chính điều đó mang giải Nobel năm 1965 đến với ông. Ông còn áp dụng thuyết lượng tử để giải thích tính siêu chảy của helium lỏng và đây là cơ sở cho việc xây dựng lý thuyết siêu dẫn sau này. Ông còn đưa ra biểu đồ Feynman, rất hữu ích trong việc tính toán tương tác của các hạt trong không-thời gian và là cơ sở của thuyết dây và thuyết M. Feynman qua đời sau một trận chiến dài ngày với căn bệnh ung thư vào năm 1988. Một số cuốn sách về Vật lý nổi tiếng của Feynman: Elementary particles and the laws of physics: The 1986; Six not so easy pieces: Einstein’s relativity, symmetry and space-time; The character of physical law; Quantum mechanics and path integrals (viết cùng Albert Hibbs)…

Thông tin thêm Feynman: Chuyện thật như đùa! nằm trong bộ sách Khoa học khám phá cùng với các cuốn: Sinh vào ngày xanh; 5 phương trình làm thay đổi thế giới; Bản thiết kế vĩ đại; Thế giới lượng tử kỳ bí… Mời các bạn tìm đọc!

Xem thêm chi tiết tại đây.