Tã dán khác tã quần thế nào

Đối với trẻ sơ sinh và các bà mẹ bỉm sữa, có 2 thứ khá quan trọng phục vụ nhu cầu cơ bản nhất của con đó là Bỉm và Sữa. Ngoài việc chọn cho con được những dòng sữa tốt nhất, phù hợp với nhu cầu và các giai đoạn phát triển của con, các mẹ có con trong giai đoạn sơ sinh hoặc con nhỏ còn rất cần phải quan tâm tới việc sử dụng loại bỉm nào vừa phù hợp giá tiền, vừa không ảnh hưởng nhiều tới làn da mịn màng non nớt của con.

Ngoài thị trường có rất nhiều loại bỉm của các hãng khác nhau với nhiều hình dạng và tiện ích cũng như mức độ đa dạng và phong phú của chúng ví dụ như: tã dán, tã quần,miếng lót sơ sinh… Trong khuôn khổ bài viết này, mời các mẹ cùng tham khảo các đặc điểm để phân biệt 3 loại tã chính: tã dán, tã quần, miếng lót sơ sinh và cách sử dụng cũng như những lưu ý khi sử dụng tã dán.

Tã dán khác tã quần thế nào
Phân biệt các loại tã bỉm cho mẹ lần đầu nuôi con
  • Miếng lót sơ sinh là một dạng bỉm dành cho trẻ sơ sinh. Với thiết kế hình chữ nhật dài, có dính dải băng dính dài phía sau để mẹ có thể dán vào quần đóng tã. Loại miếng lót này thường được dùng cho trẻ sơ sinh từ lúc mới sinh ra ở bệnh viện cho tới lúc trẻ tầm 2 đến 3 tháng tuổi, tùy vào cân nặng của trẻ. Loại này sử dụng khá tiện cho các mẹ vì có chúng, các mẹ đỡ phải giặt giũ một lượng khá nhiều trong giai đoạn con còn sơ sinh. Khi sử dụng miếng lót sơ sinh, các mẹ cần phải sử dụng kèm với một chiếc tã quần làm bằng vải hay còn gọi là quần đóng tã hoặc tã vải. Đó là một dạng tã vải với thiết kế hình tam giác, chất liệu vải thông thoáng, mềm mại. Tã vải có 2 đầu dán 2 bên hông, rất dễ mặc. Với loại tã này thì mẹ dùng miếng lót sơ sinh dán vào rồi mặc cho trẻ, giống như cách sử dụng tã dán.
Tã dán khác tã quần thế nào
Miếng lót sơ sinh và tã quần bằng vải (quần đóng tã)
  • Tã dán: Là loại tã được tích hợp giữa tã vải và miếng lót sơ sinh. Nó là loại bỉm dạng hình một chiếc quần được dính bằng 2 miếng dính bên cạnh hông. Khi sử dụng mẹ chỉ cần bóc 2 miếng dán bên cạnh hông ở mặt sau của tã và dán vào phần bụng ở mặt trước của tã cho chặt. Tã dán có kiểu dáng hình tam giác như quần đóng tã nhưng chất liệu của nó là bông thấm hút. Loại tã dán này dùng xong cho trẻ là mẹ sẽ vứt ngay mà không cần phải tốn công giặt giũ. Thông thường thì tã dán sử dụng vào ban đêm hoặc dùng để mặc cả ngày cho trẻ sơ sinh vì tính chất rộng rãi, thoáng mát hơn tã quần, các mẹ có thể sử dụng tã dán vào ban đêm cho trẻ đến khi 1 tuổi hoặc lớn hơn vẫn có thể dùng bình thường. Bởi tã dán rất linh hoạt ở vòng bụng, thay đổi bằng cách dán sâu hoặc nông vào trong mặt bụng của tã nên có thể phù hợp với những trẻ có vòng eo nhỏ hoặc to trong khoảng cho phép của từng size thực của tã.
Tã dán khác tã quần thế nào
Tã dán cho bé
  • Tã quần: Là dạng bỉm dành cho trẻ nhỏ được sản xuất theo hình dạng của một chiếc quần nhỏ bó vào mông và bụng, với loại tã này thường có lưng và ống bo thun co giãn, nên việc mặc tã quần rất dễ dàng, mẹ chỉ cần cho 2 chân của con vào như mặc quần là xong. Khi trẻ lớn đến vài tuổi vẫn có thể sử dụng được tã quần bởi loại tã này có lưng thun ôm bụng rất im ả và vừa khít với con dù con có mải nghịch chơi cũng khó có thể tuột được ra. Tã quần thường dùng cho trẻ vào ban đêm khi con tè nhiều hoặc mặc khi cho các con đi ra ngoài chơi, vừa tiện dụng vừa sạch sẽ. Tuy nhiên, vì tã quần bí hơn các loại tã khác nên khi mua các bà mẹ nên mua size vừa với cân nặng của trẻ hoặc size lớn hơn cho trẻ thoải mái hoặc nên để ý thường xuyên thay tã cho con khi con đã đầy để bảo vệ làn da của con.
Tã dán khác tã quần thế nào
Hình ảnh tã quần dành cho bé

Ưu điểm và nhược điểm của tã dán

  • Ưu điểm:

Như đã đề cập ở trên, tã dán được thiết kế với phần đai dán nên có thể điều chỉnh cho vừa với cơ thể, đặc biệt khi sử dụng đúng kích cỡ sẽ giúp bé có cảm giác thoải mái và không để lại vết hằn trên da như tã quần, ngay cả sau một đêm dài. Bên cạnh đó tã dán được thiết kế với rất nhiều size, nên rất dễ dàng để mẹ lựa chọn mà không cần phải lo lắng về cân nặng hay độ tuổi của con. Giá của các loại tã dán cũng thấp hơn so với tã quần cùng size, cùng chất lượng, bởi vậy mẹ sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền khi sử dụng chúng.

  • Nhược điểm:

Nhược điểm dễ nhìn thấy nhất của tã dán là cách sử dụng. Nó khó sử dụng hơn so với tã quần bởi để mặc được loại tã này mẹ sẽ cần phải đặt bé ở tư thế nằm ngửa, nếu không sẽ rất khó và xộc xệch . Khi con dưới 6 tháng tuổi thì điều này không phải là vấn đề do con chưa nghịch ngợm mấy, tuy nhiên, khi con yêu đã bắt đầu biết bò, biết đi thì quả thực rắc rối và khó khăn. Bởi thời điểm này, với tính tò mò và tinh nghịch của mình, bé sẽ không để mẹ dễ dàng đặt mình nằm ngửa nữa đâu mà con có thể quẫy đạp hoặc bò chồm dậy rất khó khăn cho mẹ khi mặc tã cho con.

Ngoài ra, khi mà bé đã có thể cử động khá nhiều nếu mẹ sử dụng những loại tã dán có khả năng đàn hồi không tốt cũng sẽ dễ gây ra xô lệch hay tràn thậm chí là bị tuột hẳn ra nếu không được dán cẩn thận.

Vậy tã dán nên sử dụng trong độ tuổi nào?

Với những ưu, nhược điểm và thiết kế của tã dán được kể như trên, các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng tã dán cho con khi con dưới 4 -6 tháng tuổi, tùy theo khả năng vận động và sự phát triển các kĩ năng của con. Ngoài độ tuổi này, các mẹ vẫn hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm này vào buổi tối, khi mà việc mặc tã trở nên đơn giản hơn rất nhiều, còn vào ban ngày các mẹ có thể xem xét sử dụng tã quần dành cho con sẽ phù hợp hơn.

Ngoài ra, các mẹ cũng nên chọn  mua những sản phẩm tã dán có khả năng thấm hút và co giãn tốt để phù hợp với mọi cơ thể cũng như chuyển động của con trong quá trình sử dụng.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng tã dán cho bé

Để sử dụng tã dán an toàn và giữ vệ sinh tốt nhất cho trẻ, giúp trẻ luôn thoải mái trong cả quá trình mặc tã, các mẹ nên lưu ý một số điều như sau:

  • Vệ sinh cho trẻ đúng cách trước khi mặc tã. Trước khi mặc tã, bố mẹ nên thay rửa và lau khô cho con để tránh lưu lại những cặn bẩn từ lần mặc tã trước và độ ẩm trên bề mặt da của bé. Điều này giúp tránh bị hăm cho con.
  • Khi mặc tã cho bé trai, các mẹ cần chỉnh làm sao để bộ phận sinh dục của con chúi xuống dưới, đảm bảo khi con đi tè, nước tiểu không bị trào ra ngoài. Sau  khi mặc xong cho con, các mẹ nhớ một thao tác đơn giản đó là kéo phần bao hai bên đùi của con để trách khi con tè nước tiểu trào ra hai bên đó.
  • Các mẹ nên thường xuyên thay tã cho con, cách khoảng 4 – 5 tiếng hoặc tùy thuộc vào việc con tè nhiều dẫn đến tã quá căng để đảm bảo vệ sinh và giảm bớt sự khó chịu cho các con khi mặc tã quá đầy.

Với những thông tin hữu ích chúng tôi cung cấp ở trên, hi vọng các mẹ sẽ hiểu hơn về các loại tã dành cho bé và lựa chọn được những sản phẩm phù hợp nhất đối với con mình.

1486 views