Uống thuốc năm có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không

Các thuốc gây rối loạn kinh nguyệt

SKĐS - Có rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt (rối loạn kinh nguyệt) như: Căng thẳng, chế độ ăn uống, các biện pháp tránh thai... nhưng nhiều người không nhận ra việc dùng một số loại thuốc cũng là nguyên nhân gây rối loạn này.

Kinh nguyệt không đều là tình trạng thất thường về chu kỳ kinh nguyệt cùng với số lượng máu kinh so với các chu kỳ thông thường trước đó. Rối loạn kinh nguyệt cũng có thể là triệu chứng của bệnh như: bệnh nội tiết, thương tổn thực thể bộ phận sinh sản nữ. Rối loạn kinh nguyệt đôi khi chỉ đơn thuần là do mất cân bằng tâm lý, thay đổi điều kiện sống, môi trường sống...

Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở nữ giới mọi lứa tuổi. Mức độ cùng với biểu hiện rối loạn kinh nguyệt khác nhau như ở lứa tuổi mới lớn, sinh con, mãn kinh... dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng sinh sản cũng như chức năng sinh sản ở nữ giới nếu không chữa trị kịp thời.

Nhiều loại thuốc điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, làm chậm kinh, mất kinh, rong kinh... Điều quan trọng là phải xem xét đến các nguyên nhân khác gây ra bất thường về kinh nguyệt như mang thai hoặc tổn thương ở cơ quan sinh sản. Nếu có các triệu chứng bất thường trong thời kỳ kinh nguyệt, bạn cần gặp bác sĩ để đánh giá và thăm khám điều trị. Dưới đây là một số các loại thuốc phổ biến có tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh:

Biện pháp tránh thai

Thuốc tránh thai đường uống được xem là có hiệu quả tránh thai khá tốt. Tuy nhiên, một trong những tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai là gây rối loạn kinh nguyệt. Việc sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên sẽ làm thay đổi nồng độ hormone đột ngột khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn, rong kinh kéo dài là hiện tượng thường gặp phổ biến.

Vòng tránh thai nội tiết tố tiết ra một lượng nhỏ progesterone trong khoang tử cung và làm cho thời kỳ kinh nguyệt diễn ra nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn. Nhưng đôi khi cũng gây chảy máu bất thường trong vài tháng đầu. Đây cũng là một tác dụng phụ phổ biến.

Ngoài ra, các loại thuốc tiêm, cấy ghép tránh thai đều chứa progesterone và cũng có tác dụng phụ thường gặp là mất kinh, chảy máu bất thường.

Uống thuốc năm có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không

Thuốc tránh thai dễ gây rối loạn kinh nguyệt.

Thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm

Loại thuốc này đôi khi có thể làm mất kinh, chậm kinh hoặc kéo dài chu kỳ kinh nguyệt (ví dụ 35 ngày thay vì 21 ngày).

Thuốc giảm cân

Thay đổi cân nặng đột ngột cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc giảm cân được biết là gây ra chu kỳ kinh không đều. Tỷ lệ mỡ cơ thể dưới 17% cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và làm chậm kinh (như ở nhiều vận động viên thể thao có thể xuất hiện tình trạng này).

Steroid

Các loại thuốc steroid như prednison sử dụng kéo dài có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây rối loạn kỳ kinh như kéo dài và đôi khi gây chảy máu nhiều hơn.

Thuốc hormon

Sự hình thành các hormon và trao đổi chất cân bằng của cơ thể người phụ nữ có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì vậy, trong khi có kinh nguyệt thì chị em không nên uống các loại thuốc có chất kích thích để tránh làm mất sự cân bằng đó. Nếu uống thuốc có các chất kích thích như hormone nam chẳng hạn, rất có thể dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, ức chế sự rụng trứng, hơn nữa còn làm cho ngực đau căng, hoặc kinh nguyệt bị kéo dài...

Thuốc kháng sinh

Trong 14 ngày đầu tiên của chu kì kình nguyệt kéo dài 28 ngày, nang trứng sẽ bắt đầu phát triển đồng thời sản xuất thêm estrogen. Điều này sẽ giúp lớp nội mạc tử cung dày thêm. Khi quá trình rụng trứng kết thúc thì estrogen sẽ được kết hợp bởi progesterone từ thể vàng để làm nội mạc tử cung trưởng thành và dày hơn. Nếu sử dụng thuốc kháng sinh trong thời kì trước khi xảy ra chu kì kinh nguyệt thì thuốc sẽ tiết ra một loại hormon gonadotrophin tác động trực tiếp lên tử cung khiến lượng estrogen bị giảm gây ra chậm kinh. Thực chất việc sử dụng kháng sinh có ảnh hưởng trực tiếp tới sự trao đổi chất estrogen. Khi thuốc kháng sinh có mặt trong gan thì tỉ lệ chuyển hóa estrogen cũng như progesterone sẽ bị ảnh hưởng. Điều này khiến việc cung cấp estrogen trong máu bị cản trở khiến kinh nguyệt bị rối loạn.

Các loại thuốc khác nhau có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng khác nhau. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào khiến bạn lo lắng, thì điều cần làm là hãy liên hệ ngay với bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ phụ khoa để được tư vấn và thăm khám kịp thời.