Waltz no2 op64 f.chopin ra đời trong hoàn cảnh nào năm 2024

DVD đó có 2 bản concerto cho piano từ xa xưa đã làm tôi ngạc nhiên, vì hồi nhỏ vẫn tưởng Chopin chỉ chuyên viết các tác phẩm độc tấu piano, và cứ ca ngợi mãi tài năng của… thiên tài! Nhất là khi được nghe đĩa năm 1956, khi học sáng tác nhạc và biết việc viết một bản symphonie hay concerto vô cùng vất vả, phải mất từ 3 đến 5 năm, thưởng thức “đối thoại” giữa piano và dàn nhạc, với bao tình cảm, kỹ thuật biến tấu, giai điệu chuyển vị điêu luyện… mới càng kính trọng thiên tài Chopin.

Có lần sang Paris, thấy ngôi nhà ở phố Poissonnière, quận 9, khu văn nghệ sĩ, có đặt biển kỷ niệm ghi nhạc sĩ Chopin đã từng sống ở đó năm 1831, tôi đã đến gõ cửa, hỏi: “Nhạc sĩ Chopin có nhà không?” và tự cho ảo tưởng sẽ thấy… Chopin bước ra! 😀

Con gái tôi cứ cười mãi, và chụp ảnh! Sau đó chúng tôi ra nghĩa trang Père Lachaise, đặt hoa lên mộ nhạc sĩ Chopin.

Ngày nào tại đó, cũng có người ngoại quốc đến đặt hoa trên mộ Chopin! Cuối năm, mọi người còn họp nhau tại đó, chơi nhạc kỷ niệm ngày Chopin qua đời.

Ngay đến nay, tôi vẫn hay xem DVD này, hát theo giai điệu 2 bản concerto, kể cả khi làm công việc nhà. Các con tôi đã thuộc các đĩa nhạc cổ điển vì… vô tình, đã phải nghe mãi từ bé.

Cảm ơn nghệ sĩ Trần Can đã có bài giới thiệu rất tế nhị, lãng mạn, chính xác, lại chọn được hình hai người rất hợp cảnh.

Tôi cũng hơi…ngượng khi thấy hình mình xuất hiện trên trang Web!

(Thanh niên Hà Nội ngày xưa không được bạo dạn bằng các thiếu nữ thời nay …!):D

Email tôi viết chỉ là vài cảm nghĩ riêng tư, xúc động khi biết tin nghệ sĩ guitare Tạ Tấn mới qua đời… muốn trao đổi cùng các vị ở xa.

Cũng muốn nêu việc nghệ sĩ Việt Nam tuy vất vả hơn nghệ sĩ nước khác, nhưng vẫn cố gắng, vẫn vươn lên và có tác phẩm giá trị.

Thật ra, bài viết đó dài hơn nhiều…! Nhưng vì tôi e… ngại, nói nhiều ý riêng tư về nghệ thuật, nên đã… bỏ bớt một đoạn.

Nói nhiều sợ mang tiếng… mặc dù chỉ muốn nêu những sự việc của quá khứ để bạn bè cùng rõ! Mai kia… ra đi, cũng khó nói!

Nay thấy nghệ sĩ Trần Can lưu ý bài gửi, cũng mạnh dạn gửi thêm đoạn đã bỏ đi… , kẻo sau này lại tiếc chưa nói được nhiều khi gặp người hiểu nghệ thuật! Có phải khi nào cũng có Bá Nha – Tử Kỳ đâu?

Đó là phần sau của câu … Cũng là chuyện May Rủi của lịch sử !… , trong Email đã gửi.

Xin chép lại để nghệ sĩ tham khảo thêm :

“… Ai cũng biết nghệ thuật là điều con người mong muốn, để tô điểm cuộc sống, để mang lại nhiều tiện ích cho xã hội và nhiều khi hàm chứa sức mạnh! Một bản hùng ca, một bài văn, thơ, tác phẩm hội họa, điêu khắc… cũng có sức mạnh chẳng kém gì vũ khí!

Trước đây, nhiều người chưa hiểu hết tác dụng của nghệ thuật, của hội họa, âm nhạc, văn thơ…, thường cho đó là các thú vui tiêu khển khi… trà dư tửu hậu, người nghệ sĩ tự giam mình trong “Tháp Ngà”, xa rời quần chúng.

Một quan niệm phiến diện, chịu ảnh hưởng lối sống bảo thủ từ xưa và cũng do trình độ nhận thức… có hạn!

Từ hơn 80 năm trước, họa sĩ Nam Sơn đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Hoàng Tích Chu trên tạp chí Đông Tây tháng 1 năm 1930 và giải thích: hội họa đâu chỉ là bức tranh phong cảnh, cô thiếu nữ, bình hoa…? Hội họa áp dụng vào công nghệ và liên quan đến tất cả lĩnh vực sinh hoạt trong xã hội. Những nhà thiết kế kiểu mẫu máy móc, sản phẩm công nghệ, trang phục, in ấn sách báo, sản phẩm mỹ nghệ…, mọi vật dụng trong xã hội, rồi cả trang điểm, hóa trang, chỉnh hình, công việc tại thẩm mỹ viện, trang trí, các kiến trúc sư… tất cả đều phải biết đến mỹ thuật, để hiểu nên làm như thế nào! Các máy móc chúng ta sử dụng cũng phải kết hợp Kỹ thuật và mỹ thuật!

Cũng như bao tác phẩm mỹ thuật khác, bức phù điêu (bas-relief) của Rude trên Khải Hoàn Môn ở Paris đã miêu tả sống động phong trào cách mạng sôi sục của quần chúng Pháp năm 1789 và có tác dụng mạnh mẽ!

Âm nhạc đâu chỉ là thú vui khi nhàn tản? Khi đội quân nhạc thời xưa của nước ta nổi vang lên tiếng trống đồng cùng những trống cái, trống trận lúc xuất quân, khi Rouget de Lisle cất cao giọng hát vang bài “La Marseillaise”… cũng đã đem lại sức mạnh vũ bão cho quân đội, quần chúng… và làm địch quân khiếp sợ, góp phần chiến thắng!

Chẳng ai lạ gì việc âm nhạc được áp dụng vào y học để chữa bệnh, đưa vào các xí nghiệp để giảm bớt stress người lao động đứng hàng giờ đồng hồ bên chiếc máy, và nhiều lĩnh vực khác…

Cũng như điện ảnh, nhiếp ảnh cũng có những tác phẩm rất giá trị và được áp dụng trong nghiên cứu khoa học, đời sống hàng ngày…! Như hội họa, nhiếp ảnh đâu phải chỉ chụp thiếu nữ, phong cảnh và …hoa hậu?

Cha chúng tôi luôn nhắc nhở (đây cũng là phương pháp dạy phân tích văn học nghệ thuật tại các trường): khi tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, cần quan sát cẩn thận, tìm cách hiểu tác giả, thời điểm sáng tác, hoàn cảnh xã hội, lịch sử…, suy nghĩ kỹ, rồi mới đưa ra nhận xét! Chưa hiểu rõ thì nên suy nghĩ thêm, không nên lấy quan niệm riêng của mình để đánh giá nghệ thuật người khác, không vội vàng chê bai, nhất là với những người trẻ tuổi, mới sáng tác! Nên động viên họ và nếu có thể, giúp đỡ họ… vì từ xưa, nghệ sĩ vẫn thường hay gập khó khăn, ngoại trừ một số nào đó có tài và gặp… may mắn.

Điều kiêng kỵ là thói ghen tỵ! Phải biết phục thiện và tôn vinh người tài giỏi! Đất nước càng có thêm người tài, càng phát triển, đúng như câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung!

Nên trong các triển lãm tốt nghiệp hằng năm của trường Mỹ thuật Đông Dương, thày Nam Sơn thường mua tranh của sinh viên có tài nhưng hoàn cảnh khó khăn… Mua để động viên nghệ sĩ trẻ vào đời tự tin hơn và tiếp tục sáng tác!

Tôi cũng chịu ảnh hưởng cách ứng xử đó, nên những khi ra nước ngoài, như sang Paris, cùng con gái tôi đến thăm trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, như cuộc hành hương về nơi cha tôi đã tu nghiệp và thành danh, chúng tôi đã mua tranh của một họa sĩ trẻ người Ý khi cô ta mang tới trường để các thày xem. Cô họa sĩ trẻ ngạc nhiên và cứ tưởng chúng tôi là người… Nhật Bản!

Hồi đó người Nhật rất được tôn trọng, người Âu châu đã than: “Trên máy bay, họ nhìn lên phía trên và không để ý đến ai cả!”

Tôi may mắn khá cao, nặng hơn 80 Kg, nên bị coi là… Nhật Bản? Vội đính chính ngay mình là người Việt Nam. Cô họa sĩ có vẻ chưa tin. Sau đó, tới Monaco, gặp lại họa sĩ trẻ người Ý, cô ta nhận ra chúng tôi, cười và chào: chào các vị người Việt Nam!

Đâu phải chỉ có nghệ sĩ Việt Nam gặp khó khăn? Ngay tại các nước Âu châu, như tại Paris, được mệnh danh “Kinh đô Ánh sáng”, nơi tiếp nhận mọi loại hình nghệ thuật…, nghệ sĩ cũng rất vất vả. Ai đã xem vở Opéra “La Bohème” của nhạc sĩ Ý Puccini (1858-1924) sẽ hiểu cuộc sống khó khăn các họa sĩ, nhà văn, thi sĩ…tại Paris hồi đầu thế kỷ XX. Trời lạnh quá, họ phải đốt cả tập bản thảo để sưởi!

Người làm nghề ca nhạc Việt Nam từ xưa vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi. Họ mới chỉ được tôn vinh từ khoảng giữa thế kỷ XX .

Trước đây,vẫn bị đánh giá thấp. Có khi còn bị coi thường.

Ai cũng biết ngày trước, con cháu ba đời của họ bị cấm đi thi, chịu cảnh lý lịch rất vô lý, mặc dù có nhiều người tài giỏi và đã suốt đời đem lại niềm vui cho mọi người trong xã hội!

Những nhạc sĩ đi tiên phong hồi đầu thế kỷ XX, đã có công đưa các nhạc cụ Âu châu vào xã hội Việt Nam và đã thành công. Nhiều người đã có tác phẩm giá trị, nổi tiếng, dù chỉ một ca khúc.

Nhân việc nghệ sĩ Tạ Tấn, một danh cầm guitare ra đi, tôi muốn nhắc thêm tới một nghệ sĩ guitare, một trong những người đi tiên phong cũng như Tạ Tấn, Canh Thân, Phạm Ngữ, Nguyễn Thiện Tơ, Phan Văn Trường, Dương Thiệu Tước…, đã có công từ hơn nửa thế kỷ trước, giới thiệu cây đàn guitare vào Việt Nam, độc tấu guitare và dạy guitare.

Đó là nghệ sĩ guitare Đỗ Chí Khang (sau là giảng viên guitare tại trường Âm nhạc Sài gòn những năm 60, qua đời năm 1979) mà ngày nay, ít người, nhất là các bạn trẻ, biết tên. Ông thuộc một gia đình trí thức từ xưa .

Họ hàng và các con cháu của ông vẫn sống ở Canada, Việt Nam…, nhiều người thành đạt trong lĩnh vực khoa học …

Cũng là việc… trả lại cái gì của César cho César! Sự sòng phẳng công bằng trong nghệ thuật và góp thêm phần tư liệu lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam!

Nếu như những nghệ sĩ đó được du học, đào tạo bài bản, tiếp xúc với giới âm nhạc các nước, chắc chắn chúng ta sẽ không thiếu những danh cầm guitare, và biết đâu, có người có thể sánh vai cùng Carulli, Carcassi, Ségovia…?

Trong nghệ thuật “quý hồ tinh, bất quý hồ đa “. Ai cũng thừa hiểu giá trị tác phẩm không phụ thuộc vào “kích cỡ”, thời lượng…!

Chắc các nghệ sĩ đều biết trong tiếng Pháp , có câu châm biếm các họa sĩ tài năng hạn hẹp, nhưng háo danh: “Je ne suis pas un Maitre de la peinture , mais je fais des peintures aux mètres carrés “. Lược dịch: tôi không phải bậc thày hội họa, nhưng tôi vẽ các tranh lớn, tới vài mét vuông!

(Lối chơi chữ hai danh từ đồng âm dị nghĩa, Maitre: bậc Thày và Mètre carré : mét vuông, đều đọc là… Mét ! ).

Những người trân trọng tài năng đều biết bản Sérénade của Schubert, Serenata củaToselli, bản Étude cho piano của Chopin (còn gọi là Tristesse-Nhạc buồn), bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế, bài sonnet của Félix Arvers, bài thơ “Tự thán” của Đặng Dung, thiếp “Lan Đình” của Vương Hy Chi, bức ký họa của Toulouse Lautrec, Degas, bức tượng của Michel Ange, vài nét chấm phá trên giấy Tuyên chỉ của họa sĩ Nhật bản Hiroshighe, bản phác họa Độc Mã của Từ Bi Hồng, và biết bao tác phẩm khác hình thức rất khiêm tốn…, chưa được Giải thưởng nào cả!, nhưng vẫn sống mãi muôn đời!

Thật buồn cười khi có anh được may mắn cử đi học nước ngoài, mới học được luật sáng tác nhạc cổ điển (như sáng tác bản giao hưởng phải có 4 đoạn, đoạn 1 nêu chủ đề 1, chủ đề 2, rồi biến tấu…, lặp lại…, có gì là ghê gớm đâu?) về nước đã vội lên mặt và than phiền với tôi, chê nhạc sĩ Văn Cao không biết… sáng tác! Thật đáng thương hại!

Khác gì anh học sinh mới được thày dạy luật thơ Đường, đã vội chê Hồ Xuân Hương chỉ biết làm thơ… Nôm, chê truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là thơ… Lục Bát ! Có ông ngày xưa khoe đã đỗ Tú Tài Tây (làm như chỉ có mình ông ta biết tiếng Pháp!) đã chê thơ Nguyễn Bính chỉ vì Nguyễn Bính nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không được học cao …! Thật khôi hài! Cười ra nước mắt!

Hóa ra thời nào cũng có những người… ấu trĩ về văn hóa và nhận thức!

Có điều kiện được đào tạo, người Việt đâu có kém gì ai? Cứ đọc lại lịch sử thăng trầm của các nước sẽ rõ!

Còn có được giải thưởng Nobel hay không, lại là vấn đề… phức tạp khác! Ta cần cố gắng, nhưng… không đơn giản chỉ là tài năng!

Đã có nhiều nhà văn các nước được Giải đó! Họ đều có tài, nhưng các tác phẩm đó lại… ít được phổ biến! Như ngôi sao băng!

Từ vài chục năm nay, do được đào tạo, chúng ta đã có các bản concerto, symphonie… do nhạc sĩ việt Nam sáng tác! Đây cũng là một nét độc đáo trong khối các nước Đông Nam Á, kể cả so với nhiều nước khác! Không phải nước nào cũng được như vậy!

Trước đây nghệ sĩ Việt Nam đã gặp quá nhiều khó khăn về mọi mặt, ngày nay lớp thanh niên khó tưởng tượng!

… …..

Tiếp sau phần đó, là đoạn có câu :

…. Các nhạc sĩ phải tự học và cố gắng sáng tác…, đưa kiến thức âm nhạc, sáng tác tới quần chúng.

Nguyễn An Kiều Hà Nội

Lời thưa của Trần Can:

Lần nữa, lại xin phép bác An Kiều giới thiệu bức thư của bác cho đầy đủ với phần trước mà bác đã viết. Và, mình chẳng phải nghệ sĩ gì cả đâu, bác thích gọi… cho vui thì gọi 😀

Thực ra, khi ra Hà Nội, mình có dịp tìm hiểu thêm về chiều sâu văn hóa của tâm hồn người Hà Nội, mà bác An Kiều là một người mình rất yêu quý và kính trọng vì đã giúp mình vỡ ra nhiều điều về truyền thống và giá trị văn hóa không chỉ riêng người Hà Nội mà còn là của dân tộc Việt.