Ý nghĩa của nón quai thao

Cùng với áo mớ ba mớ bảy, yếm điều, khăn mỏ quạ, bao thắt lưng màu hoa đào hoa lý…, nón quai thao làm nên nét đẹp độc đáo, rất riêng của người Quan họ. Dân ca Quan họ được lan tỏa rộng rãi, hình ảnh chiếc nón quai thao nhanh chóng trở thành một biểu tượng đặc trưng - “nón quan họ”. Lần về nguồn gốc của chiếc nón quai thao là cả một câu chuyện dài thật ly kì.
Trước hết ta cần biết, nón quai thao là loại nón đẹp, đắt tiền, khác với nón chóp thường đội bây giờ, bởi nó có kích thước khá lớn. Đường kính mặt nón ước chừng 70-80 cm, che rợp cả khuôn mặt người đội, tạo không gian rộng, thoáng mát. Mặt phẳng trên nón lợp lá gồi hoặc lá cọ, sát phía dưới là thành nón cao độ 10-12 cm. Giữa nón gắn một vành tròn như nắp tráp vừa đầu đội, cao khoảng 8 cm, gọi là cái “khua”. Khua cần phải cứng và làm bằng những sợi tre nhỏ chuốt bóng, khâu lại với nhau bằng chỉ tơ nhiều màu sắc, đan chéo thành các hình hoa lá, chim muông thật đẹp mắt. Còn quai thao làm thành bộ phận không thể thiếu của chiếc nón ba tầm.
Xưa kia, người phụ nữ trang trí cho chiếc nón, thì quai thao thường đắt tiền hơn nón. Quai thao được làm bằng loại tơ óng mượt, gồm từ 2 đến 3 sợi bện lại với nhau (gọi là quai kép), thả võng đến thắt lưng. Hai đầu quai thao có chừng mươi, mười hai túm tua nho nhỏ, dài chừng 20-25 cm rủ xuống trông mềm mại, ưa nhìn. Những chiếc nón được gắn quả phù bông kết bằng tơ tằm rất tinh xảo, tạo sự đoan trang. Thông thường các cô gái trẻ dùng quai thao màu trắng ngà, phụ nữ có chồng thì dùng quai thao màu tím, màu đen. Khi đội nón ba tầm, người phụ nữ mắt luôn nhìn thẳng, dáng đi khoan thai, đoan chính trước vành nón rộng, lấp ló ẩn hiện một vẻ đẹp thu hút rất riêng.

Ý nghĩa của nón quai thao

Ảnh minh họa.


Trải qua nhiều thế kỉ, tuy đời sống của nón đã có nhiều thay đổi, nhưng “mảng nón” quai thao vẫn có sức sống bền bỉ. Nó gắn liền với những sinh hoạt văn hóa đặc biệt, không thể thiếu của Liền chị Quan họ. Trở về nơi có giọng hát Quan họ gốc, được coi là thủy tổ của Quan họ là làng Diềm, thêm một lần nữa ta càng hiểu về cội nguồn chiếc nón.
Làng Diềm là nơi có giếng Ngọc nổi tiếng, cũng là nơi duy nhất có đền thờ bà Thủy tổ của Quan họ. Tương truyền bà là người sáng tạo ra nhiều làn điệu Quan họ, lại có bí quyết hát rất hay. Người xưa kể lại, khi vua bà giáng trần đã đem theo 3 quả cầu lửa, được coi là của hồi môn của vua cha để lại. Ba quả cầu này được thờ cúng trong đền, có ý nghĩa rất đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành nón thúng quai thao cho đời sau. Bởi cái nón mang hình nửa quả cầu giúp cho khi đội vào đầu nó không chòng chành, cũng sẽ không bị tuột mất.
 Thời nhà Lê, nón thúng được thêm quai thao không chỉ đẹp, mà còn giữ được cân bằng, vững chãi. Dân gian kể rằng, xưa có viên quan trong triều - ông Vũ Đức Úy, được cử làm phó sứ sang Trung Quốc. Trong thời gian ấy, ông đã dốc sức học nghề thủ công dệt thao, rồi về nước truyền nghề dệt. Quai thao được chọn làm bằng một loại tơ đặc biệt, tạo nên “thương hiệu” cho chiếc nón quai thao vẻ đẹp hoàn hảo, dùng vừa bền lại vừa có giá trị thẩm mĩ cao.
Trong cuộc sống hàng ngày, nón thúng quai thao có giá trị sử dụng cao hơn nón ba tầm. “Nhưng về mặt thẩm mỹ, nón ba tầm lại có phần bắt mắt hơn. Đó cũng là lý do vì sao người ta thường hay đội nón thúng đi làm đồng, che nắng, che mưa, còn nón ba tầm chỉ sử dụng khi đi hội hè, lễ Tết. Trong dân ca Quan họ Bắc Ninh, các liền chị sử dụng nón ba tầm hoặc nón quai thao với mục đích chính để làm đẹp, tăng thêm phần tự tin, làm duyên làm dáng” (lời của nghệ sỹ Xuân Mùi - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Quan họ Bắc Ninh). 
Giữa thế kỉ XX (1966), Đoàn dân ca Quan họ Hà Bắc được thành lập. Thời đó mọi dụng cụ còn rất thô sơ, chưa có nón này. Thế nhưng những tên tuổi của các Liền anh, Liền chị như Xuân Trường, Hai Tráng, Thúy Cải, Thanh Mùi, Thanh Hiếu… từng có ấn tượng sâu trong lòng khán giả. Thời xưa khi hát Quan họ, Liền chị cũng có nón nhưng là nón hình thúng như nửa quả cầu.
Nhà văn Kim Lân rất yêu Quan họ nên đã dày công tìm cách làm mới nón thúng quai thao lúc bấy giờ. Ông đã cùng con trai là nghệ sỹ Nguyễn Mạnh Đức và những nghệ nhân Quan họ gạo cội, cố gắng tạo ra được nét đẹp mới cho chiếc nón, gọi là nón ba tầm. Nón ba tầm vừa gần gũi lại vừa sang trọng, làm toát nên vẻ đẹp riêng của người Quan họ. Thông qua nón ấy mà tạo ra cái âm, nên thành nón phải dày, vành nón lợp lá nên phải lựa chọn vành lá tốt, màu sắc phải đẹp đẽ, nuột nà. Mỗi khi chuyển động, quai thao khẽ va đập tạo nên âm thanh cộng hưởng nghe rất vui tai. Về mặt thẩm mỹ, quai thao giúp người phụ nữ thêm phần nữ tính, dịu dàng, mềm mại, uyển chuyển.
Đi liền với nón, trang phục của người Quan họ càng đượm sắc màu nền nã, rất thân thiện. Thân áo màu nâu, có lớp trong, lớp ngoài và đặc biệt phần ẩn sâu lớp bên trong ấy để lộ ra một chút yếm đỏ hay một tí ống tay áo đỏ thể hiện vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng của người Quan họ.
 Ngày ấy chiếc nón đó của cụ Kim Lân được dành riêng cho nghệ sỹ Thúy Cải. Nó đã cùng bà mang lời ca tiếng hát - mang hồn dân tộc đi khắp đất nước và đến với những người bạn quốc tế. Đến đâu, chiếc nón cũng để lại ấn tượng đẹp. Năm 1982, NSND Thúy Cải sang biểu diễn ở Ba Lan rồi sang Đức. Bà rất tự hào về chiếc nón vì đã có  nhiều người khách nước ngoài xin được kí tên lên vành nón làm kỉ niệm.    
Một đời của nón dẫu có bóng bẩy qua những năm tháng thanh xuân của Liền chị, thì cũng sẽ sờn vành, ngả màu thời gian. Nhưng vành nón ấy, trải qua bao thăng trầm vẫn không làm giảm nét duyên riêng của người Quan họ. Không ít người tưởng, cứ cầm nón Quan họ là đã đủ duyên dáng, song nghệ thuật cầm nón sao cho đúng cách lại là cả một vấn đề ý nhị. Vậy chiếc nón khi đội, khi đi, khi đứng hay lúc hát, sẽ có tác dụng như thế nào?
Xin bật mí như sau: một trong những đặc điểm của hát Quan họ là hát đối đáp. Khi hát, Quan họ Liền anh thường ra nhời đối (đặt nhời). Quan họ Liền chị ra chào thường có động tác che nón rất duyên. Liền chị dùng động tác che nón, một mặt là để che đi nhược điểm (nếu có) và mặt khác cũng còn để trao đổi với nhau xem hát câu gì mà không muốn cho Liền anh biết hoặc nhìn thấy.
Trên sân khấu, các Liền chị khi hát thường có động tác đưa đi đưa lại cũng không ngoài ý nghĩa ấy, nhằm tạo nét duyên, ý nhị của người hát. Có thể nói, nét duyên đằm thắm của chị hai Quan họ không thể trọn vẹn một khi thiếu đi chiếc nón quai thao. Bởi lẽ, “Ai làm chiếc nón quai thao. Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.
Ngày nay cuộc sống hội nhập có nhiều biến đổi, nón quai thao cũng có sự thay đổi theo, từng bước được nâng lên những hình hài mới mẻ hơn. Chiếc nón quai thao của các Liền chị Quan họ bây giờ đang dùng chính là kết tinh một cách hài hòa giữa mẫu hình cổ, sự sáng tạo của nhà văn Kim Lân và sự cách tân cho phù hợp với thẩm mỹ đương đại.
Về với vùng Kinh Bắc, nhiều du khách từng “lòng mê mẩn lòng” khi chia tay Quan họ trong âm vang lời ca “Hội đã tan rồi, chia tay bên dòng sông/Chiếc nón quai thao xôn xao câu Quan họ/Đến hẹn lại lên… người ơi đừng quên nhé...”. Một lần nữa có thể khẳng định, chiếc nón quai thao có sức hút đặc biệt, làm nên nét duyên thầm, đằm thắm quyến rũ của người Quan họ vùng Kinh Bắc.

Nguyễn Thị Minh Bắc