Bài tập về lãi suất trong luật dân sự năm 2024

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ lãi chậm trả, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả. Vậy các khoản lãi này được tính như thế nào?

Bài tập về lãi suất trong luật dân sự năm 2024

Hướng dẫn tính lãi của khoản vay quá hạn (mới nhất) (Ảnh minh họa)

1. Hợp đồng vay và quy định về lãi suất trong hợp đồng vay

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Hợp đồng vay tài sản gồm hợp đồng vay có lãi suất và hợp đồng vay không lãi suất. Đối với trường hợp vay có lãi suất, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất tối đa như sau:

  • Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác;
  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm của khoản tiền vay.;
  • Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Cách tính lãi của khoản vay quá hạn

Mặc dù, đã có các quy định của pháp luật về lãi vay trong hạn, quá hạn, tuy nhiên do nhận thức và cách hiểu khác nhau của bên vay và bên cho vay đã không ít các tranh chấp xảy ra do việc xác định lãi vay không chính xác. Nhất là đối với các khoản vay đã quá hạn trả nợ. Vậy lãi vay quá hạn được xác định như thế nào là chính xác và đúng với quy định của pháp luật?

Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn cách tính lãi của khoản vay quá hạn theo Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả:

- Trường hợp xác định rõ về lãi suất vay: Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức 20%/năm tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng.

Tiền lãi trong hạn = Số tiền vay x Lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả lãi

- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm.

Tiền lãi trong hạn = Số tiền vay x 10%/năm x Thời gian chưa trả lãi

Lãi trên nợ lãi chưa trả:

Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = Lãi trong hạn chưa trả x 10%/năm x Thời gian chậm trả tiền lãi.

Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả:

Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định (20%/năm).

Lãi quá hạn = Số tiền vay chưa trả x 150% lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả nợ gốc.

Ví dụ: Ngày 04/11/2017, A ký hợp đồng vay của B số tiền 320.000.000 đồng với thời hạn vay 1 năm. Lãi suất vay 15%/năm. Khi hết thời hạn vay được thỏa thuận trong hợp đồng (04/11/2018) A chỉ mới trả cho B 120.000.000 đồng tiền gốc và chưa trả tiền lãi vay theo đúng hợp đồng đã ký. B nhiều lần hối thúc A trả số nợ còn thiếu nhưng A không thực hiện. Ngày 04/5/2020, A nộp đơn khởi kiện B ra Tòa án huyện X để đòi lại tài sản. Như vậy, tính đến ngày 04/5/2020, số tiền mà A phải có nghĩa vụ phải trả cho B được tạm tính như sau:

- Số tiền nợ gốc chưa trả là 200.000.000 đồng.

- Thời gian chậm trả tạm tính từ ngày hết thời hạn vay trong hợp đồng (04/11/2018) đến ngày nộp đơn khởi kiện (04/5/2018) là 1 năm 6 tháng.

- Tiền lãi trong hạn = 320.000.000 đồng x 15% x 1 năm = 48.000.000 đồng

- Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = 48.000.000 đồng x 10% x 1 năm 6 tháng = 7.200.000 đồng

- Lãi quá hạn = 200.000.000 đồng x (150% x 15%) x 1 năm 6 tháng = 67.500.000 đồng.

Tổng cộng, A có nghĩa vụ trả cho B số tiền = 200.000.000 + 48.000.000 + 7.200.000 + 67.500.000 = 322.700.000 đồng.

Ngày 5/1/2019 ông A cho ông B vay 100.000.000 đồng lãi suất thỏa thuận 1,5%/tháng, thời hạn vay 1 năm đến hạn ngày 5/1/2020 ông B không trả tiền nên ngày 5/6/2020 ông A khởi kiện đến Tòa án yêu cầu ông B trả vốn 100.000.000 đồng và lãi suất theo thỏa thuận 1,5%/tháng tạm tính từ ngày 6/1/2020 đến ngày 5/6/2020 là 7.600.000 đồng và tiếp tục tính lãi đến khi ông B trả hết nợ, đến ngày 5/8/2020 Tòa án mở phiên tòa xét xử.

Như vậy nếu có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A thì Tòa án buộc ông B trả cho ông A là số tiền lãi tạm tính đến ngày ông A khởi kiện 5/6/2020 và tiếp tục tính lãi đến khi ông B trả hết nợ hay Tòa án yêu cầu ông A tính lãi đến ngày xét xử là ngày 5/8/2020 để Tòa án quyết định trong bản án tuyên buộc ông B trả vốn và lãi cho ông A đến ngày xét xử 5/8/2020 và tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận kể từ ngày xét xử đến khi thi hành án xong. Hiện tại có nhiều quan điểm để giải quyết vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất: Tòa án tuyên trong bản án chấp nhận yêu cầu của ông A, buộc ông B trả vốn và lãi đến ngày khởi kiện 5/6/2020 và tiếp tục tính lãi đến khi ông B trả hết nợ.

Quan điểm thứ hai: Tại phiên tòa Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ hỏi ông A yêu cầu tính lãi theo đơn khởi kiện hay tính lãi đến ngày xét xử 5/8/2020, nếu ông A yêu cầu tính lãi theo đơn khởi kiện thì sẽ giải quyết theo quan điểm thứ nhất, nếu ông A yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử thì Tòa án yêu cầu ông A tính số tiền lãi đến ngày xét xử là bao nhiêu để xem xét chấp nhận yêu cầu của ông A buộc ông B trả vốn và lãi đến ngày xét xử 5/8/2020 và tiếp tục tính lãi kể từ ngày xét xử đến khi ông B trả hết nợ.

Quan điểm thứ ba: Tại phiên tòa HĐXX yêu cầu ông A tính lãi đến ngày xét xử yêu cầu số tiền lãi là bao nhiêu để HĐXX xem xét quyết định trong bản án buộc ông B trả vốn và lãi đến ngày xét xử 5/8/2020 và tiếp tục tính lãi kể từ ngày xét xử đến khi ông B trả hết nợ.

Căn cứ tại các khoản 2 Điều 5, khoản 1, khoản 2 Điều 6, điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định:

Điều 5. Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015

2. Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:

  1. Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.

Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).

Điều 6. Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả

1. “Thời điểm xét xử sơ thẩm” hướng dẫn tại Nghị quyết này là ngày Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày Tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại.

2. “Thời điểm trả nợ” hướng dẫn tại các điều 3, 4 và 5 Nghị quyết này là thời điểm xét xử sơ thẩm.

Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án

1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:

  1. Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quan điểm thứ tư: Nếu tại phiên tòa ông A yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử thì đây là yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông A vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên HĐXX không chấp nhận.

Theo tác giả, quan điểm thứ ba là có cơ sở bởi vì trong đơn khởi kiện ông A đã thể hiện đầy đủ mức lãi suất, thời gian tính lãi và yêu cầu tính lãi là đến khi ông B trả hết nợ nhưng do ngày khởi kiện là ngày 05/01/2020 nên ông A chỉ tạm tính lãi được đến ngày 05/01/2020, ông A không biết thời gian Tòa án mở phiên tòa nên không tính được số lãi đến ngày xét xử. Tại phiên tòa ông A có quyền yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử mà không phải là yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông A vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu vì trong đơn khởi kiện ông A đã có yêu cầu tính lãi đến khi ông B trả hết nợ, đến ngày mở phiên tòa thì ông B chưa trả nợ cho ông A. Nếu có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A thì HĐXX phải yêu cầu ông A tính số tiền lãi đến ngày xét xử để HĐXX xem xét quyết định trong bản án.