Chiến tranh nội chiến mỹ kết thúc như thế nào

QĐND Online – Ngày 12-4-1861, tại Mỹ bắt đầu cuộc nội chiến kéo dài 4 năm giữa hai miền Nam-Bắc. Cuộc chiến này nhiều lần suýt vượt ra khỏi phạm vi đất nước và lôi kéo các cường quốc châu Âu tham gia.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra và Hoa Kỳ vẫn duy trì được sự thống nhất đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nga.

Anh đồng cảm với chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ

Nhiều người trong ngành công nghiệp Anh được hưởng lợi từ việc thành lập Liên minh miền Nam Hoa Kỳ. Họ thận trọng dõi theo sự lớn mạnh của ngành công nghiệp nước Mỹ, đồng thời hy vọng rằng, xưởng sản xuất của họ sẽ nhận được nguồn cung cấp bông sợi với giá thấp từ các đồn điền của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ. Việc tuyên truyền cổ động ủng hộ “tự do Liên minh miền Nam” thậm chí còn chiếm lĩnh một bộ phận công nhân Anh, những người bị đe dọa sẽ mất việc làm, nếu nguồn cung bông sợi bị ngưng trệ sau khi Hải quân Hoa Kỳ phong tỏa bờ biển các bang miền Nam.

Giới cầm quyền Anh tỏ ra đồng cảm hơn với vấn đề của phe miền Nam Hoa Kỳ. Họ không thể quên được việc nước Mỹ cuối thế kỷ XVIII đã tách ra khỏi Đế quốc Anh, còn đầu thế kỷ XIX Mỹ lại làm cho Anh thất bại trong chiến tranh. Chính phủ Anh về mặt hình thức tuyên bố giữ trung lập, tức là Anh sẽ không cản trở hoạt động của các phái viên phe miền Nam với tư cách “cá nhân”. Vì vậy, các xưởng đóng tàu của Anh đã đóng cho Liên minh miền Nam Hoa Kỳ những chiếc tàu thủy dưới hình thức “cá nhân”.

Ngoài ra, các sứ giả phe miền Nam thường xuyên xúi giục giới cầm quyền và dư luận xã hội Anh chống lại phe miền Bắc và đã đạt được từ phía London sự công nhận về mặt ngoại giao cho Liên minh miền Nam Hoa Kỳ. Mặc dù họ không đạt được mục đích này, thậm chí năm 1864 còn bị chính phủ Anh trục xuất ra khỏi nước này (do lúc này đã xác định được kết cục nội chiến), nhưng vẫn có thời điểm Anh suýt nữa tuyên bố chiến tranh với Hoa Kỳ. Đồng xoang cùng điệu với Anh khi đó còn có cả nước Pháp dưới sự trị vì của Hoàng đế Napoleon III.

Anh hỗ trợ phe miền Nam

Tháng 11-1861, chiến hạm hơi nước “San Jacinto” của Hải quân Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Charles Wilkes đã chặn bắt tàu “Trent” của Anh bên biển. Theo thông tin của phe miền Bắc, trên tàu lúc đó có các phái viên của quân nổi loạn. Sau khi khám xét tàu và bắt giữ các “công sứ” của Liên minh miền Nam, những người theo chế độ liên bang đã thả tàu Anh và cho phép tiếp tục hành trình.

Vụ việc này, trong đó phía Mỹ vi phạm nghiêm trọng luật biển quốc tế, đã gây ra làn sóng phẫn nộ tại Anh và Pháp. Ngành ngoại giao Hoa Kỳ đã phải rất nỗ lực để xoa dịu làn sóng phẫn nộ này. Tổng thống Abraham Lincoln đã nói lời xin lỗi, ra lệnh trả tự do cho các phái viên của quân nổi loạn bị bắt giữ và cho họ cơ hội đến Anh. Tại chính nước Anh, mặc dù dư luận rất ồn ào về việc này, nhưng không hề phát hiện điều gì cho thấy nước này sẵn sàng tuyên bố chiến tranh với Mỹ. Trong khi đó, Pháp cũng buộc phải rút lui.

Quyết định đó của các cường quốc phương Tây được lý giải bằng sự ngập ngừng của họ trong những vấn đề khác, cũng như bởi họ không muốn làm trầm trọng thêm quan hệ với Hoa Kỳ một cách không đáng có. Vậy là, Pháp trong thời gian này đã nỗ lực để khẳng định tầm ảnh hưởng của mình tại Mexico, nhưng không mang lại kết quả. Tuy nhiên, nước Anh cũng đã hỗ trợ cho những hoạt động theo hình thức “cá nhân” của phe miền Nam. Các xưởng đóng tàu ở Liverpool đã đóng cho Liên minh miền Nam Hoa Kỳ hai chiếc tàu thủy được vũ trang mang tên “Alabama” và “Florida”. Những chiếc tàu này trong các chiến dịch tập kích ở khu vực Đại Tây Dương đã tiêu diệt gần 100 tàu thương mại của Mỹ. Năm 1864, chúng bị chính Lực lượng hải quân Liên bang Mỹ phát hiện và phá hủy.

Động cơ xích lại ngần nhau của Nga và Mỹ

Sau khi kết thúc chiến tranh tại Crimea năm 1856, quan hệ giữa Nga với Anh và Pháp còn rất căng thẳng. Năm 1863, quan hệ đó trở nên trầm trọng hơn vì cuộc nổi dậy diễn ra tại Ba Lan. Khi đó, dư luận Anh và Pháp bày tỏ ủng hộ đối với Ba Lan. Việc tuyên truyền cổ động được tăng cường nhằm có lợi cho việc tuyên bố chiến tranh với Nga. Các phái viên phe miền Nam Hoa Kỳ đã không thể lợi dụng việc này, khi coi cuộc đấu tranh giành tự do của Ba Lan khỏi Đế chế Sa hoàng ngang bằng với cuộc đấu tranh giành độc lập của Liên minh miền Nam.

Ngay từ đầu cuộc nội chiến hai miền Nam-Bắc của Hoa Kỳ, Nga đã giữ quan điểm ủng hộ một nước Mỹ thống nhất. Điều này xuất phát từ ba lý do quan trọng hàng đầu. Thứ nhất, Nga bị cô lập trên trường quốc tế sau thất bại trong chiến tranh tại Crimea. Anh, Pháp và Áo công khai bày tỏ thù địch với Nga, còn Phổ thì giữ thế nước đôi, trong khi vị thế quốc tế của Nga thì bị giảm sút. Vì vậy, Nga cần phải xích gần lại với một cường quốc mà Nga không có mâu thuẫn nào, trong khi cường quốc đó lại có bất hòa với Anh và Pháp. Cường quốc đó chính là Hoa Kỳ.

Thứ hai, Nga và Mỹ đang theo đuổi cùng một mục tiêu tương đồng là chống lại những phần tử ly khai trên đất nước mình. Và lý do cuối cùng, đó là dư luận Nga so sánh chế độ nô lệ người da đen ở Mỹ với chế độ nông nô vừa mới được xóa bỏ ở nước mình. Như vậy, nếu tại Anh và Pháp khẩu hiệu “tự do” trong thời kỳ này có liên quan đến chủ nghĩa ly khai, thì tại Nga và Mỹ lại có liên quan đến việc xóa bỏ chế độ nô lệ.

Chuyến thăm hữu nghị của Hải quân Nga đến Mỹ

Tháng 6-1861, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Gorchakov giao cho Đại sứ Nga tại Washington Eduard Stoeckl nhiệm vụ thông báo đến Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln quan điểm của Saint-Petersburg. Công hàm nêu rõ quan điểm của Nga rằng: “Trong mắt chúng tôi, Liên bang Mỹ không chỉ là nhân tố căn bản của thế quân bình chính trị thế giới, mà còn tạo nên một dân tộc mà chúng tôi và toàn thể nước Nga nuôi dưỡng tình cảm hữu nghị nhất”. Việc trao đổi công hàm giữa hai bên sau đó vẫn tiếp tục diễn ra hết sức tốt đẹp, trong khi năm 1863, Nga và Mỹ đã cho thế giới thấy tình hữu nghị hai nước khăng khít hơn. Tháng 10-1863, tại cảng New York và San-Francisco đã diễn ra chuyến thăm hữu nghị của hai hải đoàn Nga dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Stepan Lesovsky và Andrei Popov. Chuyến thăm này kéo dài đến tháng 7-1864.

Hai hải đoàn Nga ra khơi nhằm mục đích tiến hành các chiến dịch tập kích và truy lùng chống lại tàu thương mại Anh và Pháp trong trường hợp hai nước này khởi động chiến tranh với Nga. Mặc dù mục đích này được nêu cả trong chỉ thị mật, nhưng việc tuần tiễu trên biển của Hải quân Nga không gây cho ai nghi ngờ về tính chính danh của nó. Tiếp đón các tàu quân sự của Nga, chính phủ Hoa Kỳ đồng thời cho thấy rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Nga với các cường quốc phương Tây, thì Mỹ sẽ vẫn giữ thế trung lập hữu hảo trong quan hệ với Nga.

Còn một điểm trong chỉ thị mật dành cho các thuyền trưởng người Nga là họ phải phối hợp với Hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp tàu của phe miền Nam tấn công tàu của Hải quân Hoa Kỳ.

Sự thật, không rõ liệu Mỹ sẽ hành động như thế nào nếu sự việc dẫn đến chiến tranh giữa Anh và Pháp với Nga. Đối với Mỹ, điều quan trọng nhất là không khiêu khích để các cường quốc phương Tây công nhận và hỗ trợ trực tiếp cho Liên minh miền Nam. Khi đó, Nga chú trọng nhiều hơn đến việc biểu dương sự xích lại gần nhau giữa Nga và Mỹ, do thực tế Nga rất sợ lặp lại chiến tranh tại Crimea. Việc biểu dương của Nga có lẽ đã thành công, bởi một cuộc chiến tranh mới với Anh và Pháp đã không nổ ra.